Phần Văn Vần

Chương Năm
GIỮ GÌN CHÍNH TRI

1-2. Giới là gìn giữ tâm căn
Voi say không hại bằng tâm si cuồng
Tâm cuồng nếu cứ thả rông
A tỳ địa ngục sẽ trông đợi mình.

3. Dây chính niệm buộc tâm điên dại
Ta đâu còn lo ngại điều chi
Nếu làm được vậy thường khi
Thì công đức ấy không gì quý hơn.

4-5. Bao nhiêu thú dữ, cừu nhân
Ngục hình, la sát, quỷ thần kể luôn
Đều vô hiệu nếu buộc tâm
Tâm thuần tất cả do tâm cũng thuần.

6-7. Phật từng dạy vô vàn thống khổ
Do tâm sinh tất cả không chừa
Ngục hình ai đã tạo ra?
Nữ nhân địa ngục ấy là ai sinh?

8. Bao nhiêu hình cụ kể trên
Đều do tâm ác tà nên hiện hành
Thế nên vật đáng sợ kinh
Trong ba cõi, chính tâm mình đấy thôi.

9. Nếu làm mọi chúng sinh hết khổ
Mới gọi là thí độ cao siêu
Sao nay chúng vẫn khó nghèo
Khi xưa bố thí Phật theo cách nào?

10.  Cái tâm hoan hỷ tặng trao
Thân, tài, thiện quả cho bao hữu tình
Gọi là thí độ cao minh
Cho nên bố thí cốt hành từ tâm.

11.  Lùa đâu các loại cá tôm
Cùng muôn thú vật tránh cơn săn tầm?
Hãy trừ diệt mọi ác tâm
Tức thành Giới độ việc làm không sai.

12.  Trên thế gian dẫy đầy kẻ ác
Điều phục sao cho hết chúng đây?
Nhưng khi chấm dứt sân si
Cũng như tận diệt thù kia một lần.

13.  Làm sao có đủ lượng da
Trải trên đại địa để mà êm chân?
Chỉ cần mảnh nhỏ dưới chân
Cũng như lót thảm toàn phần đất đai.

14.  Kẻ thù ngoài không sao dẹp hết
Điều phục tâm cần diệt chi đâu

15. Tâm minh quả báo cao siêu
Hơn hành động tốt tâm nhiều xấu xa.

 

16-17. Tụng kinh, khổ hạnh sa đà
Nhưng tâm tán loạn cũng là vô công.
Phật đà cốt dạy tâm tông
Không tường lẽ ấy, trầm luân ba đường.

18-19. Khéo giữ đạo tâm thường như thế
Thì đâu cần giữ các giới kia
Giữa đời ác độc xấu xa
Nên xem Tâm ấy như là vết thương.

20. Ta lo chữa nhọt trên thân
Sợ khi phát tác khó phần ở yên
A tỳ ngục khổ vô biên
Tâm này ung nhọt đáng nên kinh hoàng.

21-22. Dù ở giữa ác nhân, nữ sắc
Quyết giữ tâm chắc chắn không lui
Thà ta mất hết thân, tài
Quyết không tổn hại tâm này được đâu.

23. Chắp tay thành khẩn khuyên nhau
Giữ tâm cốt yếu gồm thâu hai điều:
Một là chính niệm thường theo
Hai là tỉnh giác lúc nào tâm lung.

24.  Kẻ thân bệnh thì không còn sức
Làm việc gì lợi ích cho ai
Tâm mà phiền não sử sai
Thiện hành thật cũng không tài nào xong.

25.  Người không tỉnh giác trong tâm
Thì không nhớ được pháp phần hay ho
Những gì học bởi văn, tư
Như bình rò rỉ nước vô chảy dài.

26.  Dù có tín, đa văn, tinh tấn
Tỉnh giác không, cũng chẳng ích chi
Nghĩa là khi mất chính tri
Liền sa tội lỗi sân si đủ điều.

27.  Lỗi không tỉnh giác thường theo
Sau đuôi thất niệm ngõ hầu hại ta
Cướp bao công đức hà sa
Khiến xui ta đọa nẻo tà ác kia.

28.  Bọn giặc bất chính tri, thất niệm
Luôn rắp ranh cướp thiện pháp mình
Pháp thân huệ mạng tiêu dên
Lấp đường đến cõi nhân thiên tốt lành.

29.  Vậy nên hành giả tu tâm
Không lơi chính niệm trong tâm ý mình
Nhớ luôn tai họa voi điên
Tức thì chính niệm ở yên tâm này.

30.  Nhờ sợ đọa, theo thầy học đạo
Nhớ những lời chỉ giáo đinh ninh
Kẻ nào có đủ đức tin
Dễ làm chính niệm phát sinh nơi lòng.

31-32. Bằng tri kiến rất suốt thông
Phật và Bồ tát thấy trong tâm mình
Đáng nên tàm quý sợ kinh
Tư duy như vậy, ta liền chính tâm.

33. Do cửa ý không lơi chính niệm
Mà chính tri xuất hiện theo sau
Những gì quên mất từ lâu
Cũng liền trở lại làu làu trong tâm.

34. Khi mầm ác mới manh nha
Biết ngay tai họa để mà giữ tâm
Ở trong chính niệm bình an
Như cây bám vững trong lòng đất kia.

35-36. Chớ bao giờ ngó lia dáo dác
Luôn quyết tâm hạ mắt tầm trông.
Khi cần dưỡng mục nhìn mông
Thấy ai hãy cứ ôn tồn hỏi han.

37. Khi đi quan sát bốn phương
Đề phòng bất trắc trên đường ta đi
Muốn xem sau có việc gì
Dừng chân rồi sẽ xoay người ngó lui.

38. Khi xem kỹ trước sau đường lối
Mới tiến lên hoặc thối quay về
Ở vào tất cả mọi khi
Phải nên nhận thức hành vi đáng làm.

39-40. Mỗi khi đi đứng ngồi nằm
Hãy luôn rõ biết thân đang làm gì
Cái tâm voi chúa cuồng si
Buộc nơi trụ Pháp hết khi chạy quàng.

41. Bậc hành giả tinh chuyên tập định
Không lúc nào quên tỉnh giác tâm
Luôn luôn để ý canh chừng
Xem trong tâm ý hiện hành ra sao?

42. Gặp cơn nguy, dịp ăn khao
Không sao chuyên chú tâm vào chính tri
Cũng nên trú xả an vi
Như khi bố thí khó bề trú tâm.

43. Khi làm một việc gì đã định
Nên chú tâm đừng tính lăng xăng
Phải làm việc ấy cho xong
Tính qua việc khác cũng không hại gì.

44. Thế thì mọi việc thi vi
Sẽ nên thành tựu, chính tri cũng thành
Cái tâm tán loạn không tăng
Thói quên tỉnh giác không hằng lớn thêm.

45-46. Giữa đám người xem phim, tán chuyện
Hãy đoạn tâm tham luyến việc này
Đừng vô cố hại cỏ cây
Việc gì phạm giới bỏ ngay không làm.

47-48. Thân di động, miệng nói năng
Trước nên quán xét nên chăng sẽ làm.
Khi tâm nổi giận hay tham
Như cây đứng lặng dứt làm, nói phô.

49-50. Khi tâm khởi lăng xăng tán loạn
Phê bình người, ngã mạn, dối, khinh
Lời thô, ly gián, khen mình
Hãy như cây đứng, dứt làm nói phô.

51-52. Khi tâm nghĩ đến lợi danh
Ham người cung kính, muốn thành chủ ông
Muốn điều ích kỷ hại nhân
Hãy như cây đứng, ở an không làm.

53. Tâm không nhẫn, biếng làm, sợ hãi,
Muốn thốt lời vô nghĩa linh tinh
Hoặc sanh thiên ái không bình
Hãy như cây nọ đứng yên vững vàng.

54.  Xét từng tâm lý nhiễm ô
Ưa làm những việc bá vơ chẳng cần
Dùng phương pháp trị mỗi lần
Kiên trì quyết giữ định an tâm này.

55.  Có tín đức sâu xa, cương quyết
Tâm an bình, cung kính, siêng năng
Biết tàm quý, sợ gieo nhân
Luôn luôn mong muốn vui an cho người.

56.  Đừng sinh chán ghét trong tâm
Thấy bao nhiêu kẻ thường hằng trái nhau
Từ bi trải khắp một bầu
Thương thay sinh chúng xiết bao mê lầm.

57.  Muốn cho lợi ích riêng mình
Và cho sinh chúng, khéo đừng trái sai
Luôn luôn buộc chặt tâm đây
Quán đời như huyễn mây bay cuối trời.

58.  Hãy luôn thấy thân người khó được
Được an nhàn vô bệnh khó thay
Vậy nên cốt giữ tâm này
Ở yên bất động sánh tày non cao.

59-60. Này tâm, ngươi vẫn không sao
Lúc chim kên đến tranh nhau thân này
Đừng xem nó chính tôi đây
Ngươi không phải nó, ôm thây ích gì.

61. Này tâm ý rất ngu si
Sao không giữ tịnh thân như cây rừng
Giữ chi cái bộ máy thân
Chứa bao ô uế bại vong thế mà?

62-64. Trước dùng ý tách da khỏi thịt
Dùng tuệ đao lóc thịt khỏi xương
Chẻ cho đến tận tủy gân
Thấy chi tinh diệu, mến thương nỗi gì?

65.  Sao ngươi bám chặt thân này
Khi không ăn uống được gì nơi thân:
Máu phân mũi dãi ruột gan
Toàn là những thứ vô vàn uế dơ.

66.  Cái thân này chỉ như thực phẩm
Cho quạ chồn thú vật ăn thây
Chỉ nên ham thích thân này
Để khi hành thiện sử sai mọi điều.

67.  Nếu ngươi tiếc giữ cái thân
Khi giờ chết đến liệu làm được chi
Tử thần sẽ đoạt tử thi
Cho chim thú rỉa, chẳng gì xót thương.

68-69. Khi tôi tớ không đương nổi việc
Ông chủ thường dứt tiệt thù lao
Nuôi thân mà nó tẩu đào
Chẳng nên quý chuộng, tơ hào không cho.

70.  Hãy nên xem cái thân đây
Như con thuyền tốt đưa người lại qua
Chuyển thân trong cõi ta bà
Thành thân như ý Phật đà bảo ban.

71.  Hãy tự chủ thân lời tâm ý
Hãy thường nên lộ vẻ vui tươi
Chớ nên nhăn mặt nhíu mày
Luôn làm bạn tốt mọi loài chúng sinh.

72.  Mỗi khi di chuyển ghế giường
Hoặc khi mở cửa, tránh ồn inh tai
Nói năng hiền dịu hòa hài
Luật nghi Con Phật nhớ hay giữ gìn.

73.  Chim bắt cá, mèo rình, trộm cắp
Hành động im phăng phắc, nín thinh
Cho nên thành tựu việc mình
Phật hành cũng vậy, mới nên đạo mầu.

74. Sống chung hãy khéo khuyên nhau
Làm lành lánh dữ lời câu chân thành
Ai khuyên điều lợi cho mình
Xem như thầy dạy, tận tình sửa sai.

75-76. Hãy khen ngợi những lời khéo thuyết
Vui theo cùng việc phước của người
Nếu ai ca tụng đức ngươi
Phản quan xem thử lời người đúng, sai.

77.  Hãy nên tùy hỉ thiện hành
Niềm vui khó được biến thành bao la
Khi trong khắp cõi ta bà
Xiết bao thiện sự người ta hiển bày.

78.  Vui theo chẳng có gì mất mát
Mà đời sau phúc lạc càng sâu
Nếu do ganh tị phát rầu
Sẽ thêm thống khổ đớn đau nhiều bề.

79.  Lời chân thật hãy nói ra
Nghĩa lời minh bạch nghe mà hân hoan
Lìa bao động lực tham sân
Nhu hòa, thích đáng, thêm phần an vui.

80.  Hãy nhìn với từ tâm, thành thực
Mọi hữu tình, xem thật từ đây
Tôi nhờ cậy chúng sinh này
Mà ngôi chính giác tương lai viên thành.

81.  Nhiệt tâm khởi niệm làm lành
Hãy tu đối trị ác hành thường xuyên
Như nơi ba thứ phước điền
Nếu gieo sẽ gặt vô biên phúc phần.

82.  Trang bị đủ đức tin, trí sáng
Hãy thường nên hành thiện không lơ
Bao nhiêu việc tốt chớ từ
Tự mình đương lấy, chẳng nhờ cậy ai.

83.  Tiến tu sáu độ đêm ngày
Chớ vì việc nhỏ mất ngay pháp lành
Hãy thường thương tưởng chúng sinh
Sao cho tất cả hữu tình an vui?

84. Rõ đạo lý như Kinh vẫn dạy,
Nên thường xuyên ích lợi hữu tình
Như lai Thiện thệ cao minh
Khai vài giới cấm thanh văn phải gìn.

85.  Lúc ăn san sẻ trước tiên
Cho ba ác đạo, bậc hiền, đơn côi
Khi ăn vừa đủ nên thôi
Mặc thì nhớ giữ không ngoài ba y.

86.  Cái thân để duy trì chính pháp
Chớ nên vì việc vặt hi sinh
Nếu hay như vậy tu hành
Chóng nên ước nguyện chúng sinh mong chờ.

87.  Chẳng nên thí xả mạng này
Nếu không bi nguyện sánh tày biển non
Đời đời chỉ nguyện xả thân
Mưu cầu lợi ích muôn vàn chúng sinh.

88-89. Không nói pháp cho người thiếu lễ :
Cầm gậy, dù, binh khí, trùm đầu,
Cho người nữ không bạn bầu;
Với người thiếu trí pháp sâu chớ bàn.

90.  Nương theo kinh giáo tu hành
Không tuyên pháp tiểu cho trình độ cao
Hạnh bồ tát chớ lãng xao
Không dùng chú thuật âm mưu dối người.

91.  Khi vứt tăm xỉa và nhổ bọt
Đồ uế dơ hãy lấp đất lên
Những gì phế thải linh tinh
Nước trong, đất sạch không nên vứt vào.

92.  Lúc ăn chớ ngậm cơm đầy
Không nhai ra tiếng miệng thì há to
Khi ngồi không duỗi chân ra
Hai bàn tay chớ xoa chà vào nhau.

93.  Ở những nơi xe, tàu hỗn tạp
Không cùng người khác phái kề bên
Tránh điều dễ mất niềm tin
Thế gian dị nghị cơ hiềm dứt ngay.

94-95. Chớ ra hiệu bằng búng tay
Nên cung kính duỗi bàn tay chỉ đường.
Tỏ bày ý kiến nhẹ nhàng
Vung tay múa ngón thói thường chớ theo.

96. Khi nằm ngủ quay đầu phương Bắc
Hướng niết bàn của Phật Thế tôn
Duy trì tỉnh giác quyết tâm
Đến khi muốn thức phải choàng dậy ngay.

97. Giới điều bồ tát luật nghi
Không sao kể xiết những gì trong kinh
Hãy nên dốc hết sức mình
Tu trì giới tịnh tâm hành như trên.

98-99. Kinh Ba tụ ngày đêm sáu buổi
Đọc cho thường, sám hối tội khiên
Nương theo năng lực kể trên
Theo lời Phật dạy, tinh chuyên tu hành.

100.Giới nào có giới chẳng cần
Cho Con Phật muốn viên thành phước sơn?
Khéo hành như vậy luôn luôn
Quyết là phước đức tràn tuôn vô ngần.

101.Dù trực tiếp hay là gián tiếp
Mỗi hành đều hướng nghiệp lợi tha
Bao nhiêu công đức hà sa
Hướng về quả Giác cũng cho hữu tình.

102.Dù cho mất tính mạng mình
Quyết không từ bỏ Bạn lành đáng ưa
Tinh thông giáo nghĩa đại thừa
Thực hành viên mãn giới Bồ tát kia.

103.Những phép tắc hầu thầy nên biết
Được nói trong hầu hết Luật, Kinh
Như trong truyện Cát tường sinh
Kinh Hoa nghiêm ấy, hãy xem cho tường.

104.Giới thường rải rác trong kinh
Vậy nên người học phải tinh Kinh tàng
Trong Ba kho chứa lời vàng
Có kinh Thánh xử Không tàng, đáng xem.

105.Lại nên biết lý do tu tập
Những điều này phải đọc trong kinh
Học xứ tập yếu là kinh
Kèm theo bộ luận trùng tên, giải rành.

106-107. Xem Toát yếu tất cả kinh
Luận ngài Long thụ nên xem cho tường
Những gì Luật chẳng cấm ngăn
Hãy nên tu học, thế gian nương nhờ.

108-109. Tóm tắt, nghĩa không lơ tỉnh giác
Là luôn luôn quan sát thân tâm
Và nên y giáo phụng hành
Chỉ xem toa thuốc chẳng lành bệnh đâu.


Phần Văn Xuôi

CHƯƠNG NĂM

CHÁNH NIỆM, TỈNH GIÁC

          1- Người muốn giữ giới hãy nên chuyên chú giữ tâm mình, vì nếu không giữ tâm thì không thể giữ giới.

2- Nếu thả cái tâm như voi điên này ra, ta sẽ chịu nạn địa ngục Vô gián (ngục A Tỳ, nơi tội nhân liên tục chịu cực hình ngày đêm). Trên đời, dù một con voi lớn chưa thuần cũng không gây tai họa bằng tâm này.

3- Nếu luôn luôn dùng sợi thừng Chánh niệm để trói vào, cột cái tâm như voi điên này, thì không còn lo sợ gì nữa, mà lại có được tất cả phước lành.

4- Cọp, sư tử, voi, gấu, rắn, hết thảy kẻ thù địch và lính canh giữ địa ngục trong loài hữu tình, cho đến các hung thần, quỷ la-sát ;

5- Chỉ nhờ buộc cái tâm này là ta có thể trói tất cả những thứ trên. Điều phục được tâm là điều phục tất cả.

6- Phật, đấng luôn luôn nói sự thật đã dạy rằng tất cả những nỗi lo sợ cùng vô lượng thống khổ đều từ tâm mà sinh ra.

7- Các binh khí để hành phạt hữu tình trong các địa ngục do ai đã cố ý tạo ra ? Ai tạo nền sắt nóng ở hỏa ngục, những nữ nhân địa ngục từ đâu sinh ? (ảo giác khủng khiếp của những kẻ đa dâm bị cực hình ở địa ngục).

8- Phật dạy tất cả những thứ đó đều do ác tâm tạo ra. Bởi thế trong cả ba cõi, không có gì đáng sợ bằng tâm này.

9- Nếu  cần phải diệt trừ nghèo khổ cho tất cả chúng sanh mới thành tựu được hạnh bố thí cao cả (để thành Phật), thế thì ngày xưa làm sao Phật viên mãn thí độ được khi mà đến nay ta vẫn còn thấy những kẻ cơ bầøn ?

10- Nhưng nhờ vui vẻ đem cho chúng sanh tất cả tài vật cùng thành quả công đức mình, mà thí độ (hạnh bố thí rốt ráo) được viên mãn. Như vậy, bố thí chỉ y cứ nơi tâm.

11- Biết lùa các loại tôm cá và tất cả động vật hoang dã đến một nơi nào cho chúng khỏi bị giết hại ? Nhưng khi vĩnh viễn chấm dứt ác tâm, thì gọi là thành tựu giới độ (giữ giới toàn vẹn).

12- Kẻ ngoan cố sân si trên thế giới đầy dẫy khắp không gian, làm sao điều phục cho hết ? Nhưng nếu chấm dứt tâm sân nơi chính mình, thì cũng như diệt được tất cả địch thù.

13- Làm sao có đủ số lượng da thuộc để trải khắp đại địa ? Nhưng chỉ cần lót một mảnh da dưới gót giày, thì cũng như đã trải da toàn mặt đất.

14- Cũng vậy, ta không cần phải khắc phục tất cả những kẻ thù bên ngoài. Chỉ cần chấm dứt tâm giận dữ nơi chính mính thì khỏi nhọc công khắc phục cái gì khác.

15- Khi cái tâm sáng suốt vắng lặng sinh khởi thì được quả báo sinh lên cõi trời Phạm thiên (cõi trời cao nhất trong sáu tầng trời cõi Dục). Dù làm các việc tốt lành bằng thân và miệng, nhưng tâm hành (động lực từ nội tâm thúc đẩy) yếu ớt thì khó thành tựu phước đức.

16- Phật dạy, dù tụng niệm và tu các thứ khổ hạnh lâu năm, mà tâm cứ tán loạn để ở chỗ khác, thì cũng vô ích.

17- Nếu không biết tâm này, bí yếu của tất cả Phật pháp, thì dù có mong muốn thoát khổ và được an vui, rốt cuộc vẫn phiêu bạt trong ba cõi một cách vô nghĩa.

18- Bởi thế ta nên khéo gìn giữ đạo tâm. Trừ giới gìn giữ tâm này ra, còn cần gì giữ các giới khác ?

19- Như thân thể bị thương mà ở giữa một đám đông hỗn loạn thì cần phải cẩn thận giữ gìn ; cũng thế, ở giữa đời người hung ác, ta phải giữ vết thương là tâm mình.

20- Đối với vết thương nhỏ trên thân, ta còn sợ bị hại mà phải cẩn thận giữ gìn, thì tại sao người sợ cái khổ ở địa ngục Núi ép không giữ vết thương là cái tâm mình ?

21- Nếu hành xử được vậy, thì dù ở giữa ác nhân hay nữ sắc cũng tinh tấn giữ giới không thối lui.

22- Ta thà mất lợi dưỡng, tài sản, thân xác và các sinh kế khác, thà mất những thiện hành khác, quyết không tổn hại tâm này.

23- Tôi chắp tay thành khẩn khuyên những người muốn giữ tâm, hãy nỗ lực giữ chánh niệm và chánh tri (chánh niệm tỉnh giác).

24- Những người bị bệnh khổ thì không có sức để làm gì ích lợi ; cũng thế, kẻ mà tâm bị phiền não quấy nhiễu cũng không thể làm các việc lành.

25- Người mà tâm không tỉnh giác (chánh trí, biết đúng) thì những gì nghe, tư duy, tu tập được sẽ không ở lại trong trí nhớ (chánh niệm), như cái bình rỉ.

26- Dù có tín, đa văn, tinh tấn, mà không tỉnh giác thì cuối cùng cũng phạm vào ô uế tội lỗi.

27- Tên giặc không chánh tri ấy đi theo sau đuôi sự mất chánh niệm (thất niệm) mà trộm hết phước đức đã tích lũy được từ trước, khiến người sa đọa đường ác.         

28- Bọn giặc phiền não ấy đang rình cơ hội cướp đoạt gia tài thiện pháp của ta, hủy hoại pháp thân tuệ mạng của ta và đường đến cõi tốt lành.

29- Bởi vậy tuyệt đối đừng rời chánh niệm khỏi cửa ý, nếu rời thì phải liền nhớ đến những tai hại của việc này, tức liền an trú lại chánh niệm.

30- Nhờ theo bậc thầy, nhờ sợ đọa lạc, nhờ giáo huấn của thầy phương trượng trú trì, mà người thiện tín dễ phát sinh chánh niệm.

31- Chư Phật Bồ-tát với cái thấy không chướng ngại, thấy rõ tất cả hành vi ngôn ngữ ta.

32- Tư duy như vậy sẽ sinh hổ thẹn, kinh sợ và dễ dàng phát sinh chánh niệm nghĩ đến Phật.

33- Do giữ gìn cửa ý, đứng vững trong chánh niệm rồi, thì chánh tri (biết đúng) sẽ xuất hiện, những gì đã quên mất cũng sẽ trở lại.

34- Khi một ý xấu vừa manh nha, biết ngay tai họa của nó, ta liền giữ chánh niệm như cây bám chặt vào đất.

35- Không bao giờ nên nhìn dáo dác mông lung, quyết chí thường để mắt nhìn xuống.

36- Khi cần nhìn bốn phương để con mắt nghỉ ngơi chốc lát, nếu thấy có người nào xuất hiện trước tầm mắt thì hãy nhìn thẳng họ mà chào hỏi.

37- Khi quan sát có gì nguy hiểm trên đường đi, nên nhìn bốn phương, và lúc nghỉ ngơi hãy quay nhìn sau lưng xem xét.

38- Quan sát kỹ trước sau xong rồi mới tiếp tục đi tới hay quay về. Vào mọi lúc nên nhận rõ nhu yếu phải hành động (tỉnh giác) như vậy.

39- Khi muốn thân thể ở trong tư thế nào, sau khi an trú hãy luôn quan sát : thân này đang được giữ trong tư thế nào ?

40- Thường nỗ lực quán sát cái tâm như voi điên to lớn này, buộc nó vào cột trụ chánh pháp, không để cho nó sổng chạy.

41- Người tinh tấn tu tập thiền định thì trong một sát-na cũng không để cho tâm phân tán ra ngoài, thường quán sát như sau : tâm ý mình hiện đi đâu ?

42- Nếu gặp lúc nguy cấp hay vui vẻ, không thể chú tâm thì nên xả cho nó an nghỉ. Kinh Vô Tận Ý có dạy rằng : lúc hành bố thí, ta có thể xả những giới nhỏ nhiệm.

43- Khi đã suy nghĩ một việc mà muốn làm thì không nên nghĩ đến việc gì  khác. Tâm chí phải chuyên chú làm cho xong việc ấy đã.

44- Được vậy việc mới thành, nếu không thì không xong việc nào cả. Sự mất tỉnh giác, con mắt bất chánh tri luôn rình rập, nhờ vậy cũng sẽ không lớn mạnh.

45- Khi đi vào những đám đông đang nói chuyện phiếm hoặc xem kịch, hãy đoạn trừ tâm tham đắm các việc ấy.

46- Khi vô cớ làm những việc cuốc đất dẫy cỏ, vẽ vời trên mặt đất, thì hãy nhớ di giáo của Phật nên sợ tội lỗi mà từ bỏ ngay hành vi ấy.

47- Khi thân muốn di động, miệng muốn ra lời, trước hãy xem tâm mình rồi mới làm hay nói một cách an ổn và hợp lý.

48- Khi ý khởi lên tham hoặc sắp nổi giận, hãy tạm đình chỉ nói làm, như cây đứng vững.

49- Khi tâm nghĩ lăng xăng (trạo cử), coi thường kẻ khác, hoặc sinh kiêu căng ngã mạn, muốn phê bình người, muốn nói lời không thực để lừa dối người,

50- Hoặc muốn khen mình chê người, nói lời thô ác, ly gián… thì hãy ở yên như cây đứng.

51- Hoặc nghĩ đến danh lợi, cung kính, muốn sai sử người khác, muốn được kẻ khác hầu hạ, hãy ở yên như cây đứng.

52- Khi muốn nói gì làm cho kẻ khác mất lợi giảm ích, để mưu cầu tự lợi, hãy ở yên như cây đứng.

53- Khi mất kiên nhẫn, làm biếng, sợ sệt, nói lời vô nghĩa, không biết thẹn, khi sinh tâm thiên vị, hãy ở yên như cây đứng.

54- Quán sát những tâm lý ô nhiễm, ưa làm chuyện vô nghĩa ấy rồi, Bồ-tát hãy dùng phương pháp đối trị để giữ tâm kiên cố.

55- Bồ-tát có đức tin sâu xa, rất cương quyết, vững vàng, cung kính, lễ độ, biết xấu hổ, sợ quả báo, an tịnh, siêng năng, mong đem lại an vui cho người.

56- Những ngu muội ấu trĩ thường không hợp ý nhau, tâm Bồ-tát cũng đừng sinh chán ghét, phải thấy chúng bị mê lầm mà ra như thế, nghĩ vậy rồi hãy trải tâm từ.

57- Vì lợi ích cho bản thân và hữu tình, ta không nên phạm tội, hãy thường xuyên chánh quán như huyễn vô ngã.

58- Hãy nên tư duy nhiều lần rằng trải qua nhiều kiếp ta mới có được nhàn cảnh thân người, vậy cần giữ gìn tâm này bất động như núi.

59- Này tâm ý, lúc bầy chim kên kên háu đói tranh nhau gặm thi thể, ngươi cũng bỏ qua, thì sao bây giờ ngươi lại để ý đến thân này ?

60- Sao còn ôm giữ cái thân xem nó là tôi ? Ngươi với nó khác nhau, nó có ích gì cho ngươi đâu ?

61- Này tâm ý ngu si kia, sao ngươi không giữ một cái thân như cây sạch sẽ, mà giữ chi cái khí cụ hư hoại ô uế này ?

62- Trước hãy dùng ý phân tách da khỏi thịt, rồi dùng trí tuệ sắc bén mà tách thịt ra khỏi bộ xương.

63- Lại chẻ xương ra mà quan sát sâu vào tủy để tự hỏi, có cái gì sạch và đẹp không ?

64- Tìm kỹ cũng không thấy được cái sạch đẹp, thì sao ngươi còn tham luyến, mến giữ cái thân này ?

65- Ngươi cần gì thân này khi ngươi không thể ăn dơ uế trong thân, uống máu trong thân, hút gan ruột trong thân ?

66- Cái lý do duy nhất để tham thân, là nó làm thự phẩm cho chồn và kên kên, vậy thân người chỉ đáng nên chịu sự sai khiến để làm việc thiện.

67- Nếu ngươi cứ bám giữ nó, thì thần chết cũng không buông tha, sẽ đoạt nó để cho chó và kên kên ăn, khi ấy ngươi làm gì được ?

68- Khi tớ không kham việc thì chủ không cho cơm áo, ngươi cưng dưỡng cái thân mà nó bỏ ngươi đi mất thì sao còn chăm sóc nó chu đáo làm gì ?

69- Đã trả lương cho nó thì phải làm lợi cho mình, nếu nó không lợi ích gì thì không cho nó xu nào cả.

70- Nên xem thân như con thuyền đưa ta qua lại làm lợi lạc hữu tình, chuyển nó thành thân Phật như ý.

71- Hãy tự làm chủ lấy thân tâm, thường lộ vẻ mặt vui tươi, đình chỉ sự giận dữ và những cái cau mày, trở thành người bạn tốt của chúng sanh.

72- Khi dời chỗ ghế giường, đừng tùy tiện gây tiếng động lớn. Khi mở cửa cũng phải nhẹ nhàng chớ thô bạo. Thường ưa nói lời hiền dịu nhu hòa.

73- Con vịt nước, con mèo và kẻ trộm lúc nào cũng làm việc một cách lặng lẽ trong bí mật, nên mới thành tựu được những việc chúng muốn làm. Đức Phật cũng thường làm việc cách đó.

74- Ở chung nên khéo khuyên răn người bỏ ác làm lành, khi người khác cho những lời khuyên lợi ích mà mình không yêu cầu thì phải cung kính mà đón nhận, hãy là đồ đệ học hỏi từ tất cả chúng sanh.

75- Hãy khen ngợi tất cả những lời Pháp khéo thuyết, và thấy ai làm việc phước thì nên ca tụng và sinh tâm vui mừng.

76- Hãy thầm khen công lao kẻ khác và cùng người nói về thiện đức kẻ khác Nghe ai nói đến công đức của mình thì hãy tự xét xem mình có thật như vậy hay không.

77- Tất cả việc làm đều cốt mang lại nguồn vui khó mua được bằng tiền bạc, bởi thế ta hãy nhân thiện hành của mọi người mà hưởng thú vui tùy hỷ.      

78- Làm vậy thì chẳng những đời này không hại gì mà đời sau được vui lớn. Ngược lại, nếu vì ganh ghét mà sầu khổ thì đời sau thống khổ càng tăng.

79- Nói năng phải từ đáy lòng mình, lời và nghĩa minh bạch khiến người nghe vui vẻ, không nói vì tham sân thúc đẩy mà phải nói lời nhu hòa thích đáng.

80- Khi nhìn hữu tình, hãy nhìn với từ tâm và thành thực, nghĩ rằng nay tôi nhờ họ mà có thể thành Phật.

81- Hãy thường khởi tâm hành thiện, hoặc khởi tâm đối trị (bất thiện), như cúng thí vào ba ruộng phước là kỉnh điền (cúng dường Tam bảo), ân điền (cha mẹ) và bi điền (kẻ nghèo) thì sẽ được phúc lớn.

82- Khi đã có được trí thiện xảo và đức tin, thì ta nên thường hành thiện. Những việc lành hãy tự mình làm, không ỷ lại vào kẻ khác.

83- Các pháp Ba-la-mật như bố thí, trì giới,… cần phải càng ngày càng tăng tiến, đừng vì việc nhỏ mà mất lợi ích lớn. Hãy thường nghĩ làm sao lợi ích cho tất cả mọi người.

84- Đã rõ đạo lý kinh dạy như trên, thì hãy thường phát tâm siêng làm lợi người. Đức Phật thấy xa, đầy đủ bi mẫn đã mở cho Bồ-tát những giới cấm đối với kẻ khác.

85- Thực phẩm nên chia sớt cho những chúng sanh bị đọa, cho người không nơi nương tựa và cho những người giữ giới. Chỉ nên ăn vừa đủ mà thôi. Y phục chỉ nên giữ ba bộ, ngoài ra nên thí xả.

86- Thân này cốt để tu hành chánh pháp, không nên vì lợi nhỏ mà làm cho nó bị tổn thương. Được thế thì ước nguyện của chúng sanh sẽ mau thành tựu.

87- Không có một tâm đại bi hoàn toàn thanh tịnh thì không nên thí xả thân này, mà đời này cũng như các đời khác chỉ nên xả thân vì lợi lạc lớn lao cho hữu tình.

88- Không thuyết pháp cho nười có thái độ như kẻ bị bệnh, không cung kính, người cầm dù, gậy, binh khí, người trùm đầu.

89- Không thuyết pháp cho người khác phái chỉ có một mình ; không nói pháp rộng rãi sâu xa cho người thiếu trí ; nhưng phải cung kính tu tập bình đẳng tất cả pháp sâu cạn.

90- Không nên nói pháp nhỏ cho người có khả năng lớn, không nên xả luật hạnh Bồ-tát, không dùng chú thuật dối gạt người.

91- Khi nhổ nước bọt và vứt tăm xỉa răng phải lấy đất che lấp, không đổ phế thải lên đất sạch và nước trong.

92- Khi ăn chớ độn đầy miệng, nhai ra tiếng, há lớn miệng. Khi ngồi không duỗi chân ra, không xoa hai tay vào nhau.

93- Ở những nơi như trên xe, trên giường, không nên ngồi chung với  người  khác phái. Tóm lại là những gì khiến người đời mất niềm tin thì hãy theo đó mà tránh sự ghét hiềm.

94- Đừng ra hiệu hay chỉ đường bằng cách búng ngón tay, mà nên cung kính duỗi cả bàn tay phải.

95- Để bày tỏ ý mình không nên lắc mạnh cánh tay, mà chỉ cử động nhẹ, hoặc nói ra lời, hoặc khảy móng tay ; nếu không sẽ mất uy nghi.

96- Như khi Phật Niết-bàn, lúc ngủ hãy xoay đầu về hướng đáng hy vọng. Khi ngủ hãy giữ gìn chánh niệm tỉnh giác nghĩ đến lúc thức dậy.

97- Phật dạy vô số luật nghi Bồ-tát (không thể nào nói cho hết), nhưng những pháp hành để thanh lọc tâm trên đây hãy nên tận lực tu trì.

98- Ngày ba lần, đêm ba lần, hãy tụng đọc Kinh Ba Tụ và y cứ bốn năng lực là quy y, phát tâm,.. v..v… mà sám trừ các tội nặng.

99- Lúc nào cũng nên vì mình hay vì người mà siêng năng thực hành bất cứ hạnh gì Phật đã dạy.

100- Không có một giới nào mà Bồ-tát không cần học, nếu khéo sống được như vậy thì nhất định không thiếu phước

101- Dù trực tiếp hay gián tiếp, tất cả hành vi đều chỉ vì lợi tha, và cũng chỉ vì lợi lạc hữu tình mà ta hồi hướng tất cả cho sự nghiệp giác ngộ.

102- Dù phải mất tính mạng, tôi thề không từ bỏ bậc Bạn lành quý báu tinh thông giáo nghĩa Đại thừa và thực hành viên mãn giới Bồ-tát.

103- Nên tu học những phép tắc hầu thầy nói trong truyện Cát Tường Sinh ở kinh Hoa Nghiêm và những học giới khác đọc kinh sẽ biết.

104- Trong kinh có giới luật, vậy nên đọc qua tạng kinh, trước tiên là kinh Thánh Xử Hư Không Tạïng.

105- Vì sao phải tu hành ? Trong kinh Học Xứ Tập Yếu đã nói rộng điều này, bởi thế nên đọc bộ luận Chúng học xứ tập yếu.

106- Lại cũng nên đọc qua Nhất thiết kinh tập yếu và hai bộ luận của Long Thọ.

107- Hãy siêng tu học những gì mà kinh luận không cấm, và thực hành những gì kinh dạy để giữ gìn đức tin của thế gian.

108- Tóm lại ý nghĩa của giữ gìn Chánh tri là : nên quán sát kỹ các trạng thái của thân và tâm.

109- Hãy nên cung kính thực hành chứ nói suông đâu có kết quả. Nếu chỉ  đọc  cái toa thuốc thì có ích gì cho cơn bệnh ?