THOÁT VÒNG TỤC LỤY
Tác giả: Hòa Thượng Thích Tinh Vân
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Quảng Độ
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1987

 

Chương Năm

Trời đã sáng hẳn.Vương tiẻu thư mở toang các cửa phòng ra, thấy phía ngoài vẫn còn yên lặng.Hôm qua, tỳ nữ và những người giúp việc trong nhà làm lụng vất vả nên còn ngủ cả; họ cho rằng những cặp vợ chồng mới cưới bao giờ cũng say sưa trong giấc mộng tình tối tân hôn, nếu dậy sớm quá sẽ làm tan giấc nồng của họ, cho nên, mặc dầu trời đã sáng, một bầu không khí tịch mịch vẫn còn bao phủ khắp dinh tể tướng.Vương tiẻu thư không muốn đánh thức con hầu, tự đi lấy nước rửa mặt rồi đích thân hâm một chén trà nóng đưa cho Ngọc Lâm:

– Thầy uống một chén trà!

– Giờ này cô để tôi về chùa được chưa?

Ngọc Lâm nhìn ánh nắng xuyên vào cửa sổ, từ chiếc ghế đứng dậy:

– Chúc cô vui, mạnh, tể tướng và phu nhân ở bên kia, tôi không tiện đến để từ biệt, tất cả xin nhờ cô nói hộ.

– Đừng! Tôi thiết tưởng thầy hãy đợi tôi bẩm cha mẹ đã, lúc đó thầy về cũng chưa muộn?

Đêm qua, những lời đạo vị, thiết tha của Ngọc Lâm rót vào tai nàng. Vương tiẻu thư thấy những niệm tình ân ái trong một lúc đã lắng xuống, song giờ đây, trước nét mặt tuấn tú của Ngọc Lâm, nàng lại chỉ thấy người tu hành trẻ tuổi đó là một người con trai có hình hài đẹp đẽ, chứ nàng không thấy một tâm hồn cao cả, trong trắng; mắt nàng lại long lanh ngấn lệ.

– Nếu cha mẹ cô không bằng lòng cho phép chúng ta được như thế thì sao?

Ngọc Lâm tỏ vẻ băn khoăn và lại ngồi xuống chỗ cũ.

Ngọc Lâm băn khoăn không phải vì sợ cha mẹ nàng không cho phép, nhưng thầy sợ sóng tình trong lòng nàng chưa lắng hẳn; bây giờ thầy có thể thoát thân về chùa, song nếu Vương tiẻu thư cứ ôm mối si tình, tưởng nhớ thầy rồi ốm lại thì chắc gì thầy đã được yên thân? Bởi thế trước khi về, thầy muốn thử lại tình cảm của nàng, thầy muốn ngọn lửa dục tình trong lòng nàng phải được dập tắt hoàn toàn, thì thầy mới yên tâm ra về.

– Ngọc Lâm, tuy tôi không nên ràng buộc thầy, song tôi không hiểu tại sao tôi cũng không muốn xa thầy!

Dầu sao Vương tiẻu thư vẫn là người con gái, tình cảm của nàng sau khi đi niệm hương đêm qua và bây giờ khác hẳn, câu nói của nàng đã chứng tỏ nỗi lòng băn khoăn của Ngọc Lâm.

– Cô lại để cho tình cảm cám dỗ và trói buộc rồi, cô vẫn chưa thể vượt hẳn ra ngoài cái lưới tình cảm. Tình cảm si mê thường đưa con người đến chỗ nguy hại!

Không phải Ngọc Lâm không biết yêu đương, thầy cũng như muôn vạn người khác! Trước vẻ đẹp tình tứ của Vương tiẻu thư, thầy cũng thấy lòng rung động. Nhưng thầy hơn người ở chỗ thầy có một sức mạnh tinh thần vững chắc, lý trí của thầy thường sáng suốt, tỉnh táo và thầy luôn luôn nhớ câu: “Quay đầu lại trăm năm già quách. Sẩy chân ra muôn kiếp giận hoài” nên thầy khắc phục được tình cảm một cách dễ dàng.

Vương tiẻu thư cúi đầu trầm tư, nàng lại bắt đầu bị quay cuồng trong trận gió lốc tình cảm. Nàng yêu chân lý nhưng cũng yêu Ngọc Lâm, nàng muốn nắm được cả hai trong bàn tay nhỏ bé của nàng, bởi thế qua một phút im lặng, nàng tỏ bày ý kiến mới của nàng:

– Ngọc Lâm, tấm lòng nhiệt thành vì đạo và tinh thần cầu chân lý của thầy tôi hiểu lắm, và tôi cũng đã thừa nhận, tôi không ăn năn, tôi không muốn ép buộc thầy phải nhận điều mà thầy cho là khổ; hiện giờ tôi chỉ nguyện theo dấu chân của thầy, vậy xin thầy hãy nghĩ đến tôi, thầy đi rồi, một mình tôi đến nơi nào để xuất gia thành đạo? Giả sử có nhờ quyền thế của cha mẹ đưa đến một ngôi chùa to lớn nào đó cũng được đấy, song xuất gia mà không có người chỉ dạy, không hiểu Phật pháp, thì xuất gia có ý nghĩa gì? Nếu thầy muốn, tôi sẽ cho cất một ngôi chùa để thầy trụ trì, khỏi phải trở về với chức vị hương đăng khó nhọc ở chùa Sùng Ân nữa, thầy nghĩ sao?

– Điều đó không thể được cô ạ!

– Sao không? Thầy đừng lo, sức tôi có thể nuôi thêm năm bảy người để trông nom quét dọn trong chùa, mà không dám phiền đến ai đâu.

Vương tiẻu thư hiểu lầm ý câu nói của Ngọc Lâm.

– Ý tôi không phải thế – Ngọc Lâm cảm thấy vấn đề thật khó đối phó.

– Thầy còn lo ngại gì? Lúc đó tôi xin đảm đang hết, tôi chỉ mong có chỗ nào không hiểu, tôi có thể nhờ thầy chỉ dạy, vậy xin thầy thương tôi mà nhận lời thỉnh cầu đó!

Vương tiẻu thư vẫn chưa hoàn toàn gỡ được mối si tình.

– Việc đó không hợp với tinh thần xuất gia học đạo, đã phát nguyện xuất gia, không thể chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình, vả lại sống chung như thế không tiện, xin cô đừng nghĩ vậy!

– Thầy nói thế có nghĩa là từ nay về sau thầy sẽ không muốn nhìn thấy tôi, có lẽ nào là con người đáng sợ đến thế?

Vương tiẻu thư cảm thấy lòng tự trọng của mình bị thương tổn, cho nên giọng nàng chua chát.

– Không! Không phải thế! Cô đừng hiểu lầm. Ngọc Lâm sợ “già néo đứt giây”, nên thầy vội đổi giọng nói:

– Không phải tôi không biết thành tâm, thiện chí của cô, song cô nên hiểu rằng, người xuất gia học đạo cần làm những việc khó khăn, nhẫn những điều khó nhẫn. Bỏ nhà đi tu, đó là việc khó làm, nhưng nếu không quyết tâm hy sinh sự vui sướng riêng của mình, không

phát nguyện phục vụ những người khổ đau, thì làm thế nào để đạt được mục đích xuất gia? Nếu cô không dứt bỏ được thường tình đàn bà, cứ bịn rịn như mọi người khác, thì làm sao hoàn thành nhiệm vụ xuất gia?Lời nói nghiêm trang của Ngọc Lâm lại như một tiếng chuông cảnh tỉnh vang dội trong lòng trầm mê của nàng. Vương tiẻu thư ngồi

trên chiếc ghế bên cửa sổ, nàng ngẩng đầu nhìn ra ngoài, trên trời mấy sợi mây trắng lướt qua; từ một ngọn cây gần đấy vọng vào tiếng chim kêu ríu rít. Vương tiẻu thư không đáp câu hỏi của Ngọc Lâm, nàng chỉ buông một tiếng thở dài, rồi im lặng trầm ngâm.

– Tiểu thư, cô hãy nhìn những cánh hoa rơi trên mặt bàn xem, mới hôm qua hãy còn tươi thắm, mỹ miều, thế mà sáng đã úa vàng, tàn tạ! Ai dám bảo đảm tuổi thanh xuân của chúng ta? Ai dám nói chúng ta trẻ mãi, không già, sống hoài, không chết? Bởi thế người thông minh phải tỉnh táo, sáng suốt: “Đừng toan già mới tin theo Phật, bao nấm mồ hoang rặt thiếu niên!”. Tôi mong cô hãy mở rộng nhãn quang, và mạnh dạn tiến bước trên con đường sống mới!

– Tôi hoàn toàn hiểu lời thầy nói – Vương tiẻu thư nhíu mày, lẩm bẩm.

– Hiểu sao vẫn chưa quyết định?

Ngọc Lâm nắm được cơ hội.

– Tôi chỉ hy vọng được thầy dạy bảo luôn luôn.

– Điều đó có thể được, song cần nhất là cô phải thật giác ngộ.

Ngọc Lâm thấy trời sáng đã lâu, trong lòng chỉ mong chóng thoát khỏi dinh tể tướng, nên thầy nói cho qua chuyện.

– Vậy thầy về đi, lát nữa tôi sẽ bẩm với cha mẹ tôi, và tôi xin gánh chịu mọi cách khó khăn cho thầy!

Vương tiẻu thư cuối cùng quyết định.

– Thế tôi về, cô hãy giữ mình cẩn thận!

Ngọc Lâm sáng chói như viên Bạch Ngọc, lúc thầy vừa ra khỏi cổng thì nghe thấy tiếng Thúy Hồng vọng lại:

– Thưa cô, sao cô thức sớm thế!