chương kính bát không

Phật Quang Đại Từ Điển

(章敬撥空) Chương kính đánh hư không. Tên công án trong Thiền tông. Chương kính, chỉ Chương kính Hoài uẩn, pháp tự của Thiền sư Mã tổ Đạo nhất đời Đường. Tắc công án này là sự tích khi Thiền sư Chương kính tiếp hóa học trò, bị hỏi về Tổ sư tâm địa pháp môn. Có vị tăng hỏi Chương kính rằng (Vạn tục tạng 148, 108 hạ): Pháp môn tâm địa được truyền, là tâm chân như, tâm vọng tưởng, hay tâm chẳng chân chẳng vọng? Là tâm truyền ngoài kinh giáo ba thừa?. Sư đáp: Ông có thấy hư không ở trước mắt không? Đáp: Thường ở trước mắt mà người chẳng tự thấy. Sư nói: Ông đã nhận bóng dáng rồi! Tăng hỏi: Hòa thượng hiểu thế nào? Sư không đáp, chỉ đưa tay đánh vào hư không ba cái. Tăng lại hỏi: Hiểu thế nào mới là đúng? Sư đáp: Về sau ông sẽ hiểu. Trong tắc công án trên, lúc đầu Chương kính dùng Hư không trước mắt để trả lời câu hỏi Pháp môn tâm địa, đại khái bảo rằng, pháp môn Tâm địa của tổ sư quyết không đóng khung trong bàn luận suy tư, mà nó tràn khắp pháp giới, hệt như hư không, không đâu không có, chẳng chỗ nào mà chẳng bao trùm. Vị tăng nghe nói, tự cho là đã hiểu, bèn bảo thường ở trước mắt mà người chẳng tự thấy, không dự liệu được rằng Chương kính chẳng thừa nhận sự hiểu biết đó, mà nói vị tăng chẳng biết thực thể, chỉ chấp trước cái bóng dáng của thực thể mà thôi. Do đó, vị tăng bối rối, hỏi đi hỏi lại làm thế nào để hiểu, Chương kính bèn đánh vào hư không ba cái – cái đánh hư không ba lần ấy là chìa khóa của tắc công án này. Cái đánh ấy là biểu thị sự phủ định nói năng trực tiếp, hàm ý là nếu muốn cầu được pháp môn đốn ngộ, thì trước hết phải chấm dứt ngay cái tâm tìm cầu pháp môn đốn ngộ, nếu cứ bám chặt vào cái không tức là cảnh giác ngộ, Hư không tức là pháp môn tâm địa, cứ loay hoay suy lường tính toán như thế, thì chỉ là nhận bóng dáng làm thực thể, đều chẳng phải tướng chân thực của các pháp, chẳng phải là pháp môn Tâm địa do tổ sư truyền. Ba lần đánh hư không biểu thị vô số lần phủ định, là vì muốn chấm dứt mau chóng cái vọng tưởng vọng kiến của vị tăng kia. Mặc cho vị tăng mê muội, càng mê càng hỏi không thôi, Chương kính cũng không cưỡng dùng lời nói để giải thích nữa, mà chỉ trả lời ngày sau sẽ hiểu. [X. Thiền uyển mông cầu Q.thượng].