Phần Văn Vần

Chương Chín

TRÍ TUỆ

[Suốt chương này, những câu “trong ngoặc kép” là luận điệu của những học thuyết trong và ngoài Phật giáo phản bác hoặc chất vấn Trung quán; tiếp theo là trả lời của luận chủ theo lập trường Trung quán. Xem phần dịch văn xuôi để rõ chi tiết.]

1. Bao điều Phật dạy kể trên
Cốt làm trí tuệ phát sinh nơi lòng
Muốn ra khỏi biển trầm luân
Cần sinh tuệ giác Tính không sáng ngời.

2. Lẽ phải đời gọi là tục đế
Thắng nghĩa là chân lý siêu phàm
Không do phân biệt nơi tâm
Còn phân biệt, vẫn trong vòng trầm luân.

3. Thế gian những kẻ ngu phàm
Có quan điểm khác với hàng thiền gia
Những gì tục đế nói ra
Bị hành giả phái Du già bác ngay.

4a.Thiền gia cũng khác nhau tuệ lực
Càng lên cao thấy bực dưới sai
Như màn ảo thuật hiển bày
Thế tình như huyễn với người tu tâm.

4b. Nếu ai hỏi vị ấy rằng
“Đã như huyễn hóa thì cần tu chi?”
Muốn thành Phật quả chân như
Nên dùng huyễn pháp đi tu ấy mà.

5. Việc gì cũng xem là có thật
Người thế gian phân biệt linh tinh
Thiền gia xem tợ huyễn hình
Đây là đầu mối luận tranh hai nhà.

6. Cảnh gì hiện trước mắt ta
Làm nên tục đế, gọi là giả danh
Chỉ do điên đảo mà thành
Như dơ bảo sạch, không nên tin vào.

7a. Muốn dẫn đạo cho người thế tục
Phật dạy rằng các pháp vô thường
Thật thì các pháp vốn không
Có đâu để diệt trong từng sát na?

7b. Vậy nên hiểu vô thường tục đế
Không phải là thắng nghĩa sâu xa.
“Nói tồn tại chỉ sát na
Phải chăng cũng trái tục gia lối nhìn?”

8a. Không lầm, cái thấy nhà thiền
Cho rằng các pháp chỉ bền sát na
Chấp thường thế tục vốn ưa
Lối nhìn thiền giả tạm là thật chân.

8b. Cũng như cái thấy thân bất tịnh
Với người đời nhất định trái tai
Nhưng mà nó vẫn không sai
Vậy nên chưa chắc ngược đời phi chân.

9a. “Nếu vạn pháp đã là không thực
Thì cúng dường công đức nào sinh?”
Phật như huyễn, đức huyễn sanh
Cũng như Phật thật, đức thành thật chân.

9b. “Nếu là như huyễn chúng sinh
Vậy sau khi chết tái sanh thế nào?”

10a. Huyễn duyên còn tụ bao lâu
Huyễn hình vẫn cứ thi nhau diễn tuồng.

10b. Như ảo thuật, hữu tình không khác
Đều khởi lên do các duyên sinh
Đâu vì yếu tố thời gian
Lâu dài tương đối mà thành thật chân?

11. Khi người huyễn sát sinh, bố thí
Vì vô tâm, chẳng tội phước chi
Chúng sinh với huyễn tâm kia
Cũng sanh như huyễn tội và huyễn công.

12. Chú thuật không thể sinh tâm huyễn
Tâm không từ huyễn thuật sinh ra
Nhân duyên đủ thứ hợp hòa
Phát sinh các dạng vật và chúng sinh.

13. Không bao giờ có một nhân
Sinh ra tất cả mọi thành quả kia.
“Nếu cho vạn pháp chân như
Chỉ trên tục đế bày ra luân hồi,

14. “Phật còn có thể luân hồi
Thì Bồ tát hạnh còn ai tu hành?”
Huyễn duyên nếu vẫn vận hành
Huyễn hình không diệt, hữu tình theo đây.

15. Phật đã chấm dứt duyên sinh tử
Nên dù trên tục đế, không sinh.
“Nếu cho vọng thức không thành
Lấy gì duyên với cảnh tình huyễn hư?”

16. Theo ông, ngoại cảnh huyễn hư
Thì đâu còn có cảnh gì để duyên?
“Cảnh kia do thức mà nên
Thức này ngó lại cảnh mình biến ra.”

17. Nếu huyễn cảnh chính là tâm thức
Thì cái chi thấy được cái chi?
Phật Như lai đấng chở che
Dạy rằng tâm chẳng bao giờ thấy tâm.

18. Như gươm không tự cắt mình
Tâm không thể tự thấy mình được đâu.
“Ví như ánh sáng đèn dầu
Tự mình chiếu sáng, tâm nào khác chi?”

19a. Ánh sáng chẳng phải đâu tự chiếu
Và tối không thể hiểu tự che
(Vì khi đèn chiếu vật kia
Nó không từng bị bóng gì che lên.)

19b. “Trả lời: Ví dụ gương xanh
Khi gương chiếu một vật xanh hiện hình
Nhưng còn ánh ngọc màu xanh
Thì không nương những bóng hình nọ kia.

20a. “Cũng tương tự, có hai loại thức
Có và không nương các vật ngoài.”
Bác rằng: ví dụ ấy sai
Xanh lưu ly ví tâm soi chiếu mình.

20b. Vì lưu ly tự tính xanh
Không do duyên khác để thành màu kia.

21a. Chính vì có thức liễu tri
Nên hay biết được đèn thì chiếu soi;

21b. Nhưng cái thức tự soi chính nó
Thì do đâu sáng tỏ điều này?
Vì theo trong thắng nghĩa đây
Tự, tha thức chẳng mảy may thực nào.

22. Không tâm nào để ngắm tâm
Nên dù tự chiếu hay không, bất thành
Khác nào nói gái vô sinh
Có con đẹp xấu, đâu thành nghĩa chi?

23. “Nếu không có tự chứng phần
Làm sao nhớ được những tâm qua rồi?”
Do tương quan với cảnh ngoài
Mà tâm nhớ lại lần hồi xưa sau.

23b. Như con gấu nhức đau mình mẩy
Khi giật mình tỉnh dậy đầu xuân
Suy ra biết chuột cắn nhầm
Trong khi an giấc suốt trong đông dài.

24. “Như người biết được tha tâm
Cho nên cũng biết tự tâm của mình.”
Có người mắt được bùa linh
Cái gì cũng thấy, mắt mình thì không.

25. “Nếu tự, tha thức không lập được
Thì kiến văn tri giác đều không?”
Những gì thấy biết nghe trông
Không nên chấp thực, nguyên nhân khổ sầu.

26. “Huyễn duyên không ở ngoài tâm
Cũng không là một với dòng tâm kia.”
Làm sao có một pháp chi
Không ngoài tâm, cũng lại vừa phi tâm?

27. Theo Duy thức cảnh ngoài phi thực
Trung quán cho tâm thức huyễn hư.
“Luân hồi nương thật tâm tư
Nếu không tất cả đồng là hư vô.”

28. Nếu sinh tử phải nương thật pháp
Thì làm sao có tác dụng chi?
Tâm thành đơn độc không hai
Vì không có những pháp ngoài trợ duyên.

29. Nếu tâm lìa cảnh tự tồn
Chúng sinh tất cả cũng đồng Như lai.
Vậy thì Duy thức tông kia
Cuối cùng đâu có ích chi lập thành.

30. “Dù biết vạn pháp là như huyễn
Dứt làm sao tham luyến si sân
Như phù thủy tạo mỹ nhân
Rồi sinh say đắm cô nàng, thì sao?”

31. Huyễn sư đối những gì thấy biết
Chưa bao giờ tận diệt tham sân
Đã quen nhận giả làm chân
Nên khi thấy huyễn mỹ nhân phát thèm.

32. Nhờ quen tu tập Tánh không
Không xem các pháp thật chân chút nào
Bản thân Không tánh có đâu
Cuối cùng đoạn nốt cả bầu chấp không.

33. Không thấy có pháp nào chắc thực
Thực hữu không còn được đặt ra
Thì Không chẳng bận tâm ta
Như con thạch nữ đâu mà chết đi?

34. Khi không, có hết khởi lên
Trong tâm vắng lặng một miền bao la
Không còn duyên pháp gần, xa
Chứng nên cảnh giới rất là tịch nhiên.

35. Như ngọc ma ni và cây ước
Dù vô tâm thỏa được ước mong
Sắc thân Phật hiện nhân gian
Do bồ tát nguyện, cùng tâm hữu tình.

36. Như Kim sí điểu tháp linh
Vẫn còn năng lực chữa lành vết thương
Nhờ linh chú bà la môn
Gia trì lên đấy thuở còn xa xưa.

37. Cũng thế, do hạnh tu Bồ tát
Vô lượng thời tạo pháp thân thiêng
Nên dù Phật đã tịch viên
Vẫn còn lợi lạc vô biên hữu tình.

38. “Cúng dường tháp Phật vô tình
Thì sao có được chút thành quả chi?”
Phật dù nhập diệt hay chưa
Cúng dường công đức chẳng hề khác nhau.

39. Trên tục đế hay theo thắng nghĩa
Quả cúng dường một thể như như
Phật phi thực, quả huyễn hư
Cúng dường Phật thật, quả thì thật chân.

40. “Cần chi phải thấy Tính không
Chỉ cần kiến đế thoát vòng trầm luân.”
Trong kinh Bát nhã dạy rằng
Bồ đề muốn chứng phải cần tuệ Không.

41. Nếu đại thừa không do Phật thuyết
Tiểu thừa kinh sao biết chính tông?
“Hai ta xác nhận một lòng.”
Khi ông chưa nhận, chắc không đúng nào?

42. “Lại còn hệ phái truyền trao.”
Đại thừa cũng vậy, khác nào các ông?
Hai nhà xác nhận thành chân
Vệ đà ngoại điển cũng cần tin sao?

43. “Đại thừa kinh bị nhiều tranh cãi.”
Kinh tiểu thừa chẳng phải an thân
Bị bài bác bởi ngoài, trong
Sao không nhân đấy, bác luôn tiểu thừa?

44. Nếu kinh nào nhập Ba tàng
Các ông thừa nhận lời vàng Thế tôn
Đại thừa tuyên thuyết chính tông
Cũng gồm giới định tuệ đồng như nhau.

45. Nếu vì không hiểu sâu Bát nhã
Phủ nhận luôn tất cả đại thừa
Hãy vì kinh giống tiểu thừa
Cũng nên xem tất đồng là Phật ngôn.

46. “Nếu là kinh Phật chính tông
Đại a la hán sao không tỏ tường?”
Kinh này nghĩa lý cao thâm
Đâu vì nan giải, gạt phăng đại thừa?

47. Nói “giáo lý dành cho la hán”
Nhưng khó thành nếu chẳng chứng Không
Khi còn duyên pháp trong tâm
Khó mà an trú niết bàn tịnh thanh.

48. “Mặc dù chẳng hiểu Tính không
Quán vô thường đủ thoát vòng trần ai.”
Công năng nghiệp cũ còn hoài
Nên la hán vẫn chưa ngoài khổ đau.

49. “A la hán không còn ái thủ
Quyết định không còn thọ thân sau.”
Vô minh dù bất nhiễm ô
Vẫn còn tái diễn lắm trò khổ đau.

50. Do duyên cảm thọ, ái sanh
Vị kia chỉ đoạn hiện hành ái thôi
Tâm còn chấp thật vài nơi
Thọ nằm trong đó, luân hồi khó ra.

51. Nếu tâm thức lìa xa Không quán
Phiền não dù tạm lắng, lại sanh
(Như khi xuất định vô tâm)
Vậy mong dứt khổ, tuệ Không phải tầm.

52. Khi thiền quán về chân không
Hết tham vui sợ khổ trong luân hồi
Từ bi trải khắp muôn nơi
Ở trong sinh tử độ người đang mê.

53. Chớ nên vì không thông nghĩa lý
Mà vội vàng bác bẻ Tính không
Hãy nên như lý tu Không
Dứt trừ nghi hoặc, thoát vòng trầm luân.

54. Tính không phá được tối tăm
Do phiền não với mê lầm gây nên
Muốn mau thành bậc đại hiền
Sao không dứt khoát tu liền Tính không?

55. “Quán tính Không làm tôi sợ hãi.”
Chấp thật chân mới phải đáng kinh
Vì do chấp có, khổ sinh
Thấy Không, lắng dịu vô minh não phiền.

56. Nếu còn có chút nào thật ngã
Tất nhiên còn sợ hãi nọ kia.
Nhưng vì thật chẳng có ta
Thì ai ở đấy để mà sợ run?

57. Răng tóc móng đều không phải ngã
Ngã cũng không là máu huyết, xương
Không là nước mũi, bọt, đàm
Không là thịt, nước mật vàng mật xanh.

58. Ngã không là phổi hay gan
Mồ hôi hay mỡ lại càng không ta
Không là nội tạng trong da
Không là phân tiểu thối tha khó nhìn.

59. Thịt da cũng chẳng phải mình
Ấm nồng khí lực thật tình không ta
Trong thân lỗ hổng hà sa
Thức tâm sáu loại đều là huyễn hư.

60. Nếu thức về âm thanh thường tại
Thì lúc nào cũng phải có nghe
Nhưng khi không đối tượng nghe
Làm sao gọi được đấy là thức thanh?

61. Nếu không thức tâm mà cũng biết
Khúc cây hay phân biệt giác tri?
Nên không đối tượng sở tri
Quyết là không có năng tri được nào.

62. Nếu bảo khi không thanh, biết sắc
Sao lại không nghe được âm thanh?
“Vì thanh lúc ấy chẳng gần.”
Thế thì nhĩ thức cũng bằng hư vô.

63. Cái tâm biết được âm thanh
Chuyển ra biết sắc, sao thành thường chân?
“Như người làm cả cha, con.”
Vậy là đối đãi, chỉ còn giả danh.

64. Như Số luận chủ trương Ba đức[1]
Cái làm nên thực chất trường tồn
Làm sao cha lại là con
Đã thường biết sắc, chuyển thành biết thanh?

65. Nếu cho ví dụ đóng tuồng
Thì tâm thức ấy vô thường, không chân
“Thức tuy khác dạng, thể đồng ”
Đây điều Số luận chưa tầng nói ra.

66. “Nếu đa dạng trở thành phi thực
Các dạng kia thực chất là chi?
Phải là cái ý thức kia.”
Chúng sinh như thế đồng thì một tâm?

67. Ngã có tâm cùng thần bất động
Cũng thành ra một giống trường tồn.
Những tâm nghe, thấy…đều lầm
Làm sao cái giả cọng đồng thực chân?

68. Cái vô tri chỉ như bình nước
Thì có đâu thành được ngã thường?
Thức tâm chờ vật mới thành
Thì vô tri đã tan tành còn đâu?

69. Nếu cái ngã thường hằng bất biến
Dính gì tâm chuyển biến li ti?
Ngã là bất biến vô tri
Hư không với ngã có gì khác nhau?

70. “Nếu không có thật ngã nào
Luật nhân quả ấy làm sao vận hành?
Con người tạo nghiệp qua nhanh
Còn ai chịu quả do mình đã gây?”

71. Con người tạo nghiệp đời nay
Với người thọ quả tương lai, bất đồng
Tôi cùng công nhận như ông
Thì còn chi nữa mà hòng cãi tranh?

71b. “Nhưng với nhân quả trong hiện thế
Cùng một căn thân ấy, thì sao?”

72a. Trong nhân, chẳng thấy quả nào
Cha con cùng lúc không sao sinh thành.

72b. “Thế lời Phật dạy trong kinh
Ai làm nấy chịu, ông đành bỏ qua?
Muốn ngăn chận kẻ ác tà
Đừng quên nhân quả Phật đà dạy răn.

73. Kỳ thực xét trên phần chân đế
Tâm vị lai quá khứ đều không
Thì đâu có ngã hằng tồn
Tâm trong hiện tại diệt vong còn gì?

74. Hãy nhìn cây chuối thân kia
Lột ra từng bẹ, còn gì nữa đâu?
Nếu đem quán tuệ tầm cầu
Không sao thấy được ngã nào thật chân.

75. “Nếu hữu tình thật không hiện hữu
Khởi bi tâm để cứu kẻ nào?”
Do mê si khéo bày trò
Giả vờ độ chúng, chứng mau bồ đề.

76. “Không người, ai chứng quả đây?”
Do tâm si ám đặt bày thế thôi.
Muốn trừ thống khổ mang vui
Bày ra huyễn quả huyễn người tu chân.

77. Chỉ nên bỏ mê lầm về ngã
Làm tăng thêm tất cả khổ nhân
Cách trừ ngã chấp tuyệt luân
Là vô ngã quán, triệt dần khổ đau.

78a. Trước hãy xét cho sâu thân thể
Xem cái gì đáng kể là thân?
Dưới từ hai gót bàn chân
Đùi và vế chẳng phải thân chút gì.

78b. Bụng, lưng cùng ngực với vai

79. Xương sườn, tay, nách, cổ, đầu, ruột gan
Bao nhiêu phủ tạng bên trong
Phần nào tên ấy, thân đồng hư vô.

80. Nếu thân ở khắp mỗi phần
Thì toàn thân ở mỗi phần hay sao?
Còn thân thể thật ở đâu
Cái thân riêng chẳng phần nào tương can?

81. Nếu toàn thể ở mỗi phần
Bao nhiêu bộ phận, phải ngần ấy thân.
Thành ra vô số thể thân
Điều này phi lý, chẳng cần đắn đo.

82. Cái thân không ở ngoài, trong
Của từng mỗi một thân phần nọ kia
Mỗi phần thân thể thật gì
Làm sao có một thân ly các phần?

83. Vậy nên biết cái thân không thật
Vì mê mờ các vật trong thân
Tạo nên tâm chấp thể thân
Như lầm đống gạch xếp thành dáng ai.

84. Đá kia vẫn bị trông lầm
Khi bao điều kiện gây lầm chưa tan
Khi còn tụ hội nhân duyên
Vẫn còn tay, mặt giả danh thân người.

85. Như thân thể đã không thật có
Tay chân kia nào có thật chi
Khi càng phân tích chẻ chia
Chỉ là ngón, đốt, li ti nhiều phần.

86. Chẻ chia đến mức tột cùng
Chỉ là những hạt không phần, không phương
Còn đâu tông tích cái thân
Dù trông như thật, hư không khác gì.

87. Ai phân tích kỹ thân này
Lại còn tham luyến hình hài huyễn hư?
Thân dường như thể mộng mơ
Làm sao phân biệt trẻ già gái trai?

88. Kế đến xét khổ này nếu thật
Không bao giờ khổ tận cam lai
Lạc không thực có mảy may
Vì khi đang khổ, chẳng ai thích gì.

89. Nếu cho vì khổ đau cường liệt
Nên chẳng còn cảm giác lạc kia
Nhưng chưa trải nghiệm cái gì
Sao thành lạc thọ được, vì vô can?

90. “Trong đại lạc, khổ phần vi tế
Khổ nhỏ này cũng kể loại vui.”
Cần chi phân tích lôi thôi
Có đâu cảm thọ đồng thời cả hai?

91. Nói “không khổ thọ hiện bày
Nơi tâm của một con người đang vui.”
Đây là chấp trước lầm sai
Cái chưa hiển hiện, sao bày đặt tên?

92. Vậy phải nên tu liền quán tuệ
Thấy Tính không đối trị sai lầm
Không gì hiện hữu thật chân
Đây là mảnh đất dưỡng sanh nhà thiền.

93. Nếu có giữa căn trần khoảng cách
Thì làm sao có xúc sinh ra?
Nếu căn, trần cũng một nhà
Cả hai là một, ai mà gặp ai?

94. Hạt căn và hạt thuộc trần
Bằng nhau nên chẳng thể nằm trong nhau
Không vào nhau chẳng gặp nhau
Đã không gặp gỡ, còn đâu xúc gì?

95. Nếu cho chúng gặp nhau một phía
Tức thành ra hạt có nhiều phương
Thì còn đâu hạt vi trần
Vốn là nhỏ nhất, không phân được nào.

96. Với thức vô sắc kia cũng vậy
Có xúc trần, vô lý lắm thay
Nếu căn trần thức sum vầy
Phát sinh nhận biết, thể nầy không chân.

97. Như trên, xúc ấy làm nhân
Đã là không thực, thọ chân thật gì?
Nhọc công cầu lạc mà chi
Khổ nào tổn hại ai kia được nào?

98. Tìm tông tích không người cảm thọ
Lại không luôn cảm thọ khổ, vui
Khi đà thấy được đến nơi
Quả kia là ái diệt ngay tức thì.

99. Những gì ta thấy hoặc sờ
Đều không có thực, mộng mơ huyễn hình
Tâm sinh cảm thọ liền sinh
Nên tâm, thọ chẳng tách riêng được nào.

100. Có thể nhớ thọ gì về trước
Hoặc cầu mong cảm giác về sau
Bản thân kinh nghiệm có đâu
Một đầu đã quá, một đầu chưa sinh.

101. Người cảm thọ đã không có thật
Nên thọ này cũng chẳng thật đâu
Cớ sao huyễn hóa mặc dầu
Làm cho điêu đứng cả bầu thân tâm?

102. Y thức không ở nơi căn
Cũng không nơi vật hay miền trung gian.
Đã không ngoài cũng không trong
Hoặc nơi nào khác, đều không thể thành.

103. Không phải thân, cùng thân không khác
Không hiệp thân chẳng tách rời thân
Hoàn toàn không chút thật chân
Chúng sinh tánh vốn niết bàn từ xưa.

104. Nếu lìa cảnh vẫn còn có thức
Thì thức nương theo vật gì sanh?
Cả hai thức, cảnh đồng sanh
Thì sao thức ấy phải cần gặp duyên?

105a. Nếu thức xuất hiện sau đối tượng
Duyên cảnh gì để có thức sinh?
Vì khi thức ấy khởi lên
Tượng kia đã diệt, thức thành trơ vơ.

105b. Vậy nên không thể cho rằng
Sự sinh các pháp thật chân chút nào.

106a. “Nếu không có tục đế đâu
Làm sao kiến lập hai đầu tục, chân?
106b. “Nếu tục đế lập vì kẻ khác
Đang mê lầm các pháp thật chân
Thì làm sao để chúng sanh
Từ đau khổ đến niết bàn an vui?

(“Dù cho có một số người
Có kinh nghiệm được niềm vui niết bàn
Thì không khỏi kẻ nghi nan
Vẫn còn tương đối trong vòng diệt sinh.”
Thật là có cái Vô sinh
Vì không liễu đạt, cho thành ngoa ngôn
Nhưng không vì kẻ mê lầm
Niết bàn chân thật trở thành hư vô.)

107. Phân biệt ấy do người chưa thoát
Khi ngộ rằng các pháp phi chân
Thì đây đích thực niết bàn
Không còn kiến lập tục, chân làm gì.

108a. “Tâm phân biệt cùng là đối tượng
Đều tương quan vay mượn lẫn nhau
Cảnh kia nếu chẳng thật đâu
Cái tâm quán sát truy cầu thật chăng?”

108b. Đây là tục đế thế gian
Đúng theo chân đế tâm không thật gì.

109. Khi Không tính đã tìm ra
Không cần tâm nữa xét tra tâm này.

110. Đối tượng tâm hiển bày chẳng thật
Thì tâm kia mất chỗ náu nương
Cảnh không, tâm cũng không sanh
Chính là tự tính niết bàn an vui.

111. Thuyết cho rằng cảnh, tâm đều thật
Lập luận này xét thật khó tin
Cảnh kia do thức mà nên
Thức này thành lập do duyên cái gì?

112. Thức mà do cảnh lập ra
Cảnh thì ai lập? Thế là vần quanh
Cảnh, tâm đối đãi mà nên
Cả hai cần biết chẳng chân thật gì.

113. Không con đâu gọi là cha
Không cha, con ấy vậy là ai sinh?
Cha con đối đãi mà nên
Cũng như tâm, cảnh chẳng thành thật chân.

114. “Như mầm từ hạt giống sanh
Do mầm, biết có hạt nằm dưới kia.
Do tâm từ cảnh sinh ra
Mà ta biết được cảnh kia thật tồn. ”

115. Do tâm khác với hạt mầm
Cho nên biết hạt từ mầm nọ kia
Nhưng khi nhận thức cảnh gì
Thì do đâu biết có tâm thức này?

116. “Mọi sự không do gì sanh cả.”
Nhưng thế gian thấy có nhân sinh
Như là rễ, cọng, hoa sen
Có ra do những nhân duyên hợp thành.

117. “Do gì sinh sai biệt nhân?”
Ấy do nhân trước không từng giống nhau.
“Từ nhân sao có quả sinh?”
Đấy do năng lực vận hành từ xưa.

118. “Trời Tự tại sinh ra tất cả.”
Xin hỏi ông trời đó là chi?
“Ngài là đất, nước, hư không.”
Tức là tứ đại, chứ thần thánh đâu?

119. Đất nước vốn vô thường, nhiều thứ
Bị dẫm lên, dơ uế, không thiêng,
Không sao gọi được thần linh
Đặt tên là Tự tại thiên thêm rầu.

120. Hư không cũng chẳng là Tự tại
Ngã cũng không tự tại chút nào.
“Khó tư nghì đấng tối cao.”
Thế thì nói đến ông đâu ích gì.

121a. “Những gì trời ấy sản sanh?
Cái ta, đại chủng, bản thân của ngài.”
Đã xem trường cửu trước đây
Sao giờ nói những thứ này được sanh?

121b. Trời cũng không thể sanh tâm thức
Duyên cảnh mà các thức liền sanh

122a. Và do tích thiện ác hành
Từ vô thủy kiếp nay thành thức tâm.

122b. Nếu nhân đã là không khởi thủy
Quả sao mà khởi thủy được sinh?

123a. Sao không sáng tạo liên miên
Đã là Tự tại, không duyên pháp nào?
123b. “Quả liên tục không phát sinh
Nhân tuy trường cửu, sinh cần có duyên.”
Đã là đấng Tự tại thiên
Tất nhiên không thể cần duyên tác thành.

124. Nếu nhiều duyên họp sinh ra quả
Thì duyên kia chính đã là nhân
Các duyên nhóm họp thì sanh
Không duyên tụ hội, bất thành vật chi.

125. Nếu quả sinh không do thiên dục
Tức là do năng lực khác sanh
Nếu do trời muốn mới thành
Tức trời còn thuộc ý hành đổi thay.

126. Thắng luận nói hạt nhân trường cửu
Đã bác không thực hữu vi trần.
Luận sư Số luận chấp rằng
Chúng sinh do một thường hằng chủ ông.

127. “Lạc, ưu và ám bình quân[2]
Là ba tánh đức chủ nhân trị vì
Quân bình ba tánh lung lay
Tạo nên vũ trụ muôn loài chúng sinh.”

128. Ba tính bất đồng trong một thể
Chủ trương này phi lý lắm thay
Dù cho có những tính này
Mỗi nguyên tố phải trưng bày thành ba.

129. Nếu không ba tính làm nhân
Quả là thanh sắc chẳng từng thực chi
Lại như vật chất vải y
Vô tâm nên cũng không gì lạc, ưu.

130 a. “Y phục có tính như ba đức
Vì sinh ra lạc thọ vân vân.”
Như trên phân biệt rõ rành
Không gì thật hữu: thể thân, áo quần…

130b. Lại theo Số luận chủ trương
Do nhân ba đức phát sanh áo quần
Nhưng nhân gian cũng thấy rằng
Khổ vui sanh vải, thật không đúng nào.

131. Nếu vải mà sanh ra lạc khổ
Không vải thì lạc khổ không sanh?
Cho nên nói lạc thường hằng
Tuyệt nhiên không phải thật chân chút nào.

132. Lạc (ba tính) nếu là hằng có
Sao không vui khi khổ phát sinh?
“Vì khi ấy lạc tế tinh.”
Khi thô khi tế, sao thành thường nhân?

133. Vậy ba tính ấy vô thường
Khi vầy khi khác luôn luôn đổi dời.
Sao không thừa nhận do đây:
Hữu vi tất cả pháp này biến thiên.

134. Lạc đã có khi thô khi tế
Hiển nhiên là lạc ấy vô thường
Trong nhân đã chẳng có chi
Tuyệt nhiên đâu có quả gì được sanh.

135. Dù ông có chấp nhận rằng
“Quả tuy chẳng hiện, ẩn tàng trong nhân.”
Quả mà sẵn trú trong nhân
Ăn vào thực phẩm cũng đồng ăn dơ.

136 a. Lại sao ông chẳng mua bông vải
Thay vì mua vải dệt thành y?
“Thế gian vì vẫn còn mê
Nên không thấy những vật kia thể đồng.”
136b. Nhưng tông chủ Số luận tông
Cũng mang y phục từ bông vải thành.

137a. Quả mà hiện hữu trong nhân
Thì sao người tục chẳng đồng tôn sư?

137b. “Kẻ phàm tục khi chưa đắc quả
Kiến thức chưa có giá trị gì.”
Những gì do họ thấy ra
Vậy thì cũng chẳng phải là chính chân.

138. “Mọi tri thức đều sai lầm
Thì Không tính ấy chẳng lầm hay sao.
Đương nhiên nó chẳng thật nào
Không chân thật, ích gì đâu tu hành?”

139. Khi chưa thấy sai lầm chấp thật
Thì tính không, phi thực khó bàn
Nhưng khi vừa thấy giả, không
Cái tâm biết huyễn chẳng cần nữa chi.

140. Như người nằm mộng chết con
Nhớ ra vốn chẳng có con cái gì
Giả tâm biết phi hữu này
Khử trừ được ý tưởng về hữu kia.

141. Khi phân tích để làm sáng tỏ
Không vật gì không có nguyên nhân
Không hề có độc một nhân
Hay là tập hợp các nhân khởi đầu.

142. Mọi pháp không do từ đâu đến
Không trú và diệt chẳng đi đâu
Do tâm mê chấp nặng sâu
Thấy ra có thật, mặc dầu huyễn hư.

143. Hãy tra xét dần ra manh mối
Sự vật do duyên hội mà thành
Cùng bao cảnh vật huyễn sanh
Chúng từ đâu đến, thực tình đi đâu?

144. Nhân duyên tu hội hiện hình
Nhân duyên tan rã thấy hình chi đâu
Đời hư huyễn tợ chiêm bao
Cảnh duyên sinh ấy khác nào bóng gương?

145. Nếu cho các pháp là thật có
Còn cần chi tìm rõ nguyên nhân
Nhược bằng các pháp vốn không
Nhọc công tìm kiếm nguyên nhân làm gì.

146. Dù do ức vạn nguyên nhân
Hữu không thể biến từ không được nào.
Vô đà không thể thành chi
Mất vô chẳng thể lấy gì hữu sanh.

147. Nếu vào lúc vô, không có hữu
Thì lúc nào hữu mới có nên?
Khi mà cái hữu chưa sanh
Đương nhiên chưa thoát khỏi vành hư vô.

148. Khi chưa tách khỏi hư vô
Hữu không thể có thời cơ hiện hình.
Cũng không thể trở thành vô
Hóa ra vừa hữu vừa vô một mình?

149. Thế nên tánh diệt bất thành
Tánh sinh cũng chẳng có thành được đâu.
Chúng sanh ngay tự buổi đầu
Chẳng ai có diệt, ai nào sinh ra.

150. Chúng sinh có hiện dù sao
Chỉ như cây chuối, chiêm bao mơ màng
Nên sinh tử với niết bàn
Cũng đồng một thể, bước đường không hai.

151. Trong lý tánh xưa nay không vật
Thì có chi để được, mất đâu
Có ai cung kính cúi đầu
Có ai khinh miệt ai đâu mà bàn?

152. Từ đâu vui khổ sinh ra
Có chi để khổ, chi mà vui chăng?
Tìm đâu cho thấy được rằng
Ai người tham ái, ái tham cái gì?

153. Xét sâu trên thế giới này
Có ai sắp chết, ai đang sinh thành?
Đã sanh và sẽ thọ sanh?
Thật đâu thân hữu, gia đình bà con?

154. Hỡi những ai tra tầm sự thật
Nhận cho rằng muôn vật huyễn hư
Chỉ vì ham muốn riêng tư
Mãi hoài tranh chấp, ghét thù thương thân.

155. Vì mưu hạnh phúc bản thân
Phát sinh lo lắng đấu tranh nhọc nhằn
Có khi cốt nhục tương tàn
Gieo nhân ác, chịu trăm ngàn khổ đau.

156. Dù gặp được sang giàu lạc thú
Chết rơi vào đọa xứ gian nan

157. Trong ba cõi thực bất an
Bị nhiều trói buộc, lẽ chân khó tầm.

158. Trải bao xiết vô vàn thống thổ
Lực thiện hành thì quá nhỏ nhoi
Thời gian thấm thoắt như thoi
Thoáng qua già chết, mất toi kiếp người.

159. Chỉ vì lo giữ mạng này
Chịu bao đói khát đọa đày tấm thân
Một đời lo chuyện ngủ, ăn
Bị người tác hại, ác nhân bạn bầu.

160. Một đời vô nghĩa chóng qua
Không từng thấy vạn pháp là Tính không.
Đời nay có cách gì chăng
Diệt trừ tán loạn trong tâm ý này?

161. Thế lực của quỷ ma rất mạnh
Khiến sa vào bất hạnh lớn lao
Đường tà nẻo ác dấn sâu
Đâu là chính đạo, không sao tỏ tường.

162. Khó thay được lại thân người
Khó thay gặp Phật ra đời độ sanh
Khó thay đoạn dứt vô minh
Thương thay thống khổ liên miên hữu tình.

163. Mây trôi bèo giạt lênh đênh
Ngu si chẳng ý thức mình khổ đau.

164. Kẻ thì nước, lửa lao đầu
Hành thân hoại thể, tự kiêu hạnh tà.

165. Sống như chẳng bao giờ già chết
Theo sắc thanh mê mệt đảo điên
Tử thần đoạt mạng trước tiên
Sau còn ác đạo triền miên đọa đày.

166. Bao giờ phước như mây tích tụ
Giáng cơn mưa pháp vũ cam lồ
Lửa hừng phiền não tan mau
Chúng sinh an lạc, đạo mầu chứng nên?

167. Bao giờ tâm được rỗng rang
Hằng duyên Không tính, không duyên pháp nào?
Chúng sinh chấp hữu sầu đau
Tính không diệu pháp giải bao khổ nàn.

[1] Ba đức theo Số luận, nguyên tố sinh ra vạn vật là sattva, rajah và tamah, có nhiều cách dịch, như Thật, Đức, Nghiệp theo cách sách Phật giáo xưa; bình đẳng, khoái lạc và khổ đau theo thầy Trí Siêu; lạc, ưu và ám theo Trần ngọc Giao dịch giả Hoa ngữ.

[2] Ba đức theo Số luận, nguyên tố sinh ra vạn vật là sattva, rajah và tamah, có nhiều cách dịch, như Thật, Đức, Nghiệp theo cách sách Phật giáo xưa; bình đẳng, khoái lạc và khổ đau theo thầy Trí Siêu; lạc, ưu và ám theo Trần ngọc Giao dịch giả Hoa ngữ.


Phần Văn Xuôi

CHƯƠNG CHÍN

TRÍ TUỆ

DÀN BÀI
I.- Người cầu giải thoát cần có tuệ giác về Không (1)
II.- Triển khai
A. Hai chân lý (2-5)
a) Phá chung các lập trường chấp thật hữu (6-15)
b) Phá Tự chứng phần của Duy thức (16-29)
c) Trả lời chất vấn (30-39)
B. Phá giải thoát cần ngộ Không (40)
C. Bát nhã tánh Không là do Phật thuyết (41-55)
a) Tu nhân vô ngã
– Phá cảnh câu sanh ngã chấp (56-59)
– Phá cảnh biến kế ngã cúng dường
* Phá phái Số luận (60-67)
* Phá phái Lý luận (68-69)
* Trả lời chất vấn (70-77)
b) Quảng thuyết pháp vô ngã
– Từ Bốn niệm xứ : thân, thọ, tâm, pháp (78-105)
– Trả lời chất vấn (106-115)
– Nhân để thành lập pháp vô ngã
                                    * Phá Vô nhân luận (116-117)
* Phá thường nhân (118-137)
* Trả lời chất vấn (138-142)
* Thành lập duyên sinh, phá hữu vô (143-150)
III.- Khuyến tu Không tánh (151-167)

(Trong chương này, phần (trong ngoặc) là những giải thích thêm cho dễ hiểu, tham khảo các bản chú giải Hoa, Anh, Pháp)

          1- Tất cả những đề mục quan yếu được đề cập ở đây đều do Phật vì muốn cho người mở mang trí tuệ mà tuyên thuyết. Người muốn chấm dứt khổ, cần phải phát sinh tuệ giác về Tánh Không. 

          2- Có hai sự thật : thế gian, hay thế tục đế ; sự thật tuyệt đối, hay thắng nghĩa đế. Thắng nghĩa đế thì không phải là đối tượng của tuệ (phân biệt), vậy nên tuệ(phân biệt) là tục đế.

          3- Trên đời có hai hạng người (kinh nghiệm về nhị đế : ) thiền gia và phàm phu. (Quan điểm của) phàm phu bị thiền gia bác bỏ. (Ví dụ, phàm phu xem thân là một, tâm là thường.v.v… Thiền gia nói ngược lại bằng những lý luận như thân không phải  một  vì nó hay thay đổi)

4- Những thiền gia (thuộc các phái Kinh lượng, Tỳ bà sa, Duy thức, Trung quán) do năng lực tuệ giác khác nhau, cũng bị thiền gia cao hơn bác bỏ quan điểm. Với những ví dụ (về huyễn) mà thiền gia và phàm phu đều chấp nhận, (thiền gia nói những gì tâm thấy chưa chắc đã thật. Phàm phu hỏi, nếu tất cả đều không thật thì tu làm gì ? Trả lời, các pháp không thật có, nhưng) không quán sát kỹ thì vẫn thấy có, nên vẫn phải tu vì muốn đắc quả.

5- (Các pháp đều hiện hữu với thiền gia và phàm phu, tại sao có tranh cãi ? Trả lời : ) Người đời thấy mọi sự đều phân biệt cho là thật, không phải như huyễn hóa, nên tranh luận với thiền gia.

6- Những cảnh hiện lượng như sắc, (thanh, hương, vị, xúc do giác quan nhận thức) đều do (người đời) cùng nhau đặt tên, không phải là trí lượng (không thật hữu theo nhận thức có giá trị, nghĩa là theo chân đế). Do vậy chúng toàn là giả, như bất tịnh cho là tịnh,v.v…

7- (Hỏi : Nếu vạn pháp không có thật tánh, thì tại sao Phật dạy các pháp có tính vô thường, chỉ hiện hữu chốc lát ? Đáp : Những lời dạy ấy cần được giải thích. Trong khi vẫn biết giả tướng của vạn pháp) vì muốn dẫn dắt người đời (cho các pháp là thực hữu), Phật dạy vô thường, nhưng kỳ thực các pháp trong sát-na cũng không thật có. (Hỏi : Nhưng vì tính sát-na này, nghĩa là mọi sự chỉ có trong thoáng chốc, phàm phu không thấy được, như vậy) không trái thế tục hay sao (dù bảo nó chỉ là giả) ?

8- (Đáp : Mặc dù tính sát-na vô thường ấy không hiện rõ cho phàm phu, song vì có hiện rõ cho các thiền gia mới chứng nhân vô ngã, nên) cái thấy của thiền gia không lầm. Vì so với cái thấy thế gian (cho vạn pháp là thường, thì cái thấy vô thường của thiền gia) được cho là cái thấy chân thật. Nếu không, (nghĩa là nếu bảo người thế tục thấy đúng hơn thiền gia), thì sự quán (thân nữ nhân) bất tịnh cũng trái với cái thấy của thế gian.

9- (Cũng như ông cho) thật có công đức nhờ thờ phụng một đức Phật thật, (thì tôi cũng cho rằng) công đức như huyễn phát sinh từ một vị Phật như huyễn. (Hỏi : )  Nếu hữu tình như huyễn, thì chết tái sinh về đâu ?

10- Bao lâu các duyên (điều kiện) huyễn còn phối hợp, thì huyễn cảnh còn sinh khởi. (Mặc dù phi thực, huyễn cảnh giống hữu tình ở chỗ đều khởi lên do các điều kiện hay duyên) Tại sao chỉ vì kéo dài hơn mà hữu tình thành ra thật hơn huyễn cảnh ? (Nếu vậy thì cảnh huyễn kéo dài cũng thật hơn cảnh huyễn ngắn ngủi hay sao ?)

11- Khi người huyễn sát sinh hay bố thí, vì vô tâm nên không có tội hay phước. Đối với hữu tình có cái tâm như huyễn (tạo các nghiệp thiện ác), tội phước như huyễn cũng phát sinh.

12- Những chú thuật,v.v… không có công năng làm phát sinh tâm huyễn, trong khi nhân duyên hòa hợp sẽ sinh ra các dạng huyễn vật.

13- (Có nhiều nhân sinh ra vật huyễn) nhưng không thể có chuyện một nhân mà có thể sinh ra tất cả quả. (Hỏi 🙂 Nếu mọi hữu tình theo chân đế, thực chất là rốt ráo Niết-bàn, chỉ luân hồi sinh tử trên mặt tục đế ;

14- Thế thì Phật cũng luân hồi. Nếu vậy, hành hạnh Bồ-đề có ích gì ? (Đáp 🙂 Nếu các nhân duyên chưa dứt thì huyễn cảnh vẫn chưa diệt. (Cũng thế, vì hữu tình chưa dứt những duyên sinh tử nên chúng vẫn còn ở trong sinh tử).

15- Nhưng (Phật đã) đoạn tuyệt tất cả các duyên (sinh tử) nên Ngài không tái sinh trong sinh tử. (Duy thức 🙂 Nếu vọng thức cũng không, thì lấy gì duyên cảnh huyễn ?

16- (Trung quán 🙂 Nếu theo ông, ngoài tâm không có cảnh, thì tâm thức duyên cái gì ? (Duy thức 🙂 Mặc dù ngoại pháp không thực hữu, nhưng vẫn có cách tồn tại riêng, đó là bóng dáng của tâm thức có thật. Các cảnh tượng xuất hiện chính là tâm thể.

17- (TQ 🙂 Nếu huyễn cảnh và thức là một, thì cái gì thấy cái gì ? Đấng Che Chở thế gian đã nói rằng tâm không thể tự thấy tâm.

18- Như dao không thể tự cắt, tâm cũng không thể tự quán tâm. (DT:) Ví như ngọn đèn tự chiếu, tâm cũng tự biết tâm.

19- (TQ 🙂 Ánh sáng không tự chiếu, vì bóng tối không tự che. (Vì bóng tối không che được ánh sáng). (DT 🙂 Ví dụ màu xanh của thủy tinh thì nương vật khác, còn màu xanh của vật (như lưu ly xanh) thì không nương cái gì khác.

20- Cũng thế, ta thấy vài vật thể (như bình) nương vào các yếu tố khác (như ánh sáng chiếu lên nó, thức nhận biết nó để được thấy) và không nương (như ánh sáng, lạc và khổ thì được nhận thức không cần nương cái gì. (TQ 🙂 Ví dụ trên bất thành, vì)  màu xanh của lưu ly (được nhận là xanh vừa khi nó xuất hiện) không phải là vật trước kia không xanh nay tự biến thành xanh.

21- (DT 🙂 Nếu nói tâm thức liễu tri, thì cũng có thể nói đèn chiếu sáng. (TQ : Có thể nói đèn tự chiếu do tâm thức nhận ra điều ấy, nhưng) do cái gì nhận ra mà nói rằng tâm tự chiếu ?

22- Vì không nhận thức nào có thể thấy được tâm, nên chiếu hay không chiếu đều không thành vấn đề, chẳng khác gì bàn vẻ đẹp của con gái của phụ nữ vô sinh.

23- (DT) Nếu tự chứng phần (tâm tự biết tâm) không hiện hữu, thì tâm làm sao nhớ lại được chuyện đã qua ? (TQ 🙂 Tâm cảnh có tương quan, nên do nhớ lại cảnh đã kinh nghiệm (mà có thể khởi lên ký ức. Ví dụ, con gấu ngủ suốt mùa đông không biết bị chuột cắn, nhưng về mùa xuân, khi nghe tiếng sấm nó tỉnh dậy và cảm thọ đau đớn. Từ cảm thọ này, nó) có thể biết đã nhiễm độc chuột. (Cách hồi tưởng của tâm cũng tương tự)

24- (DT) Người đủ tha tâm thông có thể thấy tâm thức người khác, đương nhiên có thể tự thấy rõ tâm của chính mình. (TQ) Không nhất thiết, vì khi bôi vào mắt một thứ nước phép, người ta có thể trông thấy những kho tàng chôn sâu dưới đất, nhưng chính thuốc bôi mắt quá gần thì lại không thấy.

25- (DT : Nếu tự chứng phần không hiện hữu thì các tha phần cũng không hiện hữu, nghĩa là cùng không có sự thấy, nghe.v.v… hay sao). TQ : Đây không phủ nhận những sự thấy, nghe, nhận thức (trên phương diện giả tướng). Cái điều cần ngăn chận ở đây là sự cố chấp chúng có thật, nguyên nhân của khổ.

26- (DT) Huyễn cảnh không phải là những sự vật ngoài tâm, mà cũng không thể được xem là hoàn toàn đồng nhất với tâm. (TQ) Nếu huyễn cảnh có thật thì làm sao nó không khác với tâm ? Nếu không khác tâm thì tất nhiên nó không thật có.

27- Nếu huyễn cảnh không thật, thì tâm năng kiến cũng phi thực. (TQ lập luận : Theo Duy thức, các pháp như huyễn mà vẫn có thể thấy, thì với TQ cũng vậy, tâm không thật có, nhưng trên tục đế có dạng như là năng kiến, chủ thể nhìn). (DT) Hiện hữu sinh tử (trạng thái trong đó chủ thể và khách thể xuất hiện như là có hai sự vật khác nhau một cách căn để) phải nương vào thật pháp (tâm thức thực hữu, không nhị nguyên). Nếu không, nó sẽ giống như hư không (không có tác dụng nghiệp và quả).

28- (TQ 🙂 Nếu cái phi thực phải tùy thuộc vào một vật thể, thì làm sao nó có tác dụng (nghiệp và quả) ? Kết quả là tâm thức mà Duy Thức chủ trương sẽ không có ngoại cảnh làm trợ duyên, sẽ thành một thực thể đơn độc.

29- Nếu tâm lìa các đối tượng (có thể tồn tại độc lập) thì tất cả chúng sanh đều thành Phật hết. Vậy thành lập nghĩa Duy thức rốt cuộc có lợi ích gì ?

30- (Hỏi 🙂 Dù biết tất cả pháp như huyễn, nhưng làm sao có thể dẹp phiền não ? Ví dụ một nhà huyễn thuật tạo ra một huyễn nữ rồi đâm ra say mê nàng ấy thì sao ?

31- (Đáp 🙂 Người tạo huyễn ấy đối với các  pháp sở tri (ví dụ như phụ nữ), chưa hoàn toàn từ bỏ tập quán phiền não (tham dục), tập quán thấy Tánh Không quá yếu ớt, nên khi trông thấy huyễn nữ đâm ra ái luyến.

32- Nếu đã quen tu tập Tánh Không thì sẽ đoạn trừ được cái thói chấp các pháp là thực hữu. Và nhờ quen thuộc (với sự thật rằng) không một pháp nào thực có (dù pháp không – trống rỗng như lôøng rùa sừng thỏ – hay pháp giả, như mọi sự vật khác), sự chấp không cũng sẽ được từ bỏ luôn sau đó.

33- Khi quán sát các pháp, thấy không có pháp nào thực hữu (ta đi đến nhận định rằng) không một pháp nào thật sự tồn tại. Lúc đó, sự phi thực không còn chỗ y cứ (là thật pháp) nên nó cũng không còn ở trong tâm làm gì. (Như con trai của phụ nữ vô sinh không hiện hữu, nên cũng không có chuyện nó chết)

34- Khi trong tâm thực sự không còn tồn tại pháp hay phi pháp, thì vì không duyên các tướng sai khác, tâm hoàn toàn vắng lặng.

35- (Hỏi : Nếu tâm không duyên các pháp, làm sao Phật hành động để lợi ích cho hữu tình ? Đáp 🙂 Những cây ước và ngọc ước dù vô tâm vẫn thỏa mãn được những ước nguyện của chúng sanh. Cũng thế, do phước đức (của chúng sanh) và do nguyện lực (của Phật khi còn tu hạnh Bồ-tát), mà chư Phật (với tâm vô phân biệt) cũng có thể hiện thân thuyết pháp.

36- (Hỏi : Nhưng nguyện Bồ-tát phải chăng đã hết hiệu lực khi Ngài thành Phật ? Đáp 🙂 Như có người (Bà-la-môn) xây tháp chim đại bàng (để khắc phục các chất độc), khi tháp xây xong thì người ấy chết. Tuy người ấy đã chết rất lâu về trước, mà (xá-lợi Garuda do ông đã gia trì) vẫn còn tác dụng kỵ độc.

37- Cũng vậy, tính thiêng liêng của thân thể một đức Phật được thành hình phù hợp với các thiện nghiệp và lời nguyện của Ngài khi Ngài còn là Bồ-tát. Mặc dù Bồ-tát đã nhập Vô dư Niết-bàn, ý muốn lợi tha nơi Ngài đã chấm dứt, song Ngài vẫn còn thành tựu được tất cả những gì có lợi cho hữu tình.

38- (Hỏi 🙂 Cúng dường vật vô tâm như tháp Phật thì làm sao có kết quả được ? (Đáp 🙂 Kinh dạy, công đức cúng dường Phật lúc Ngài còn tại thế, với công đức cúng dường xá-lợi khi Ngài đã nhập Vô dư Niết-bàn, là hoàn toàn giống nhau.

39- Kinh điển đã nói rõ rằng dù trên tục đế hay thắng nghĩa chân đế, sự cúng dường đều được quả báo như nhau. Như ông chấp nhận có quả báo công đức do cúng dường Phật thật, thì chúng tôi cũng chấp nhận có công đức phi thực phát sinh do cúng dường một vị Phật phi thực.

40- (Thắng luận 🙂 Nhờ kiến đế (tu tập mười sáu hành tướng của Bốn sự thật như vô thường.v.v…) cũng đủ giải thoát, cần gì phải thấy rõ Tánh Không hay vô tự tánh của các pháp ? (TQ) Kinh Bát-nhã dạy rằng nếu không có tuệ giác Bát-nhã liễu tri Không, thì không thực sự giác ngộ.

41- (Thắng luận : Giáo lý Đại thừa không do Phật thuyết, chúng tôi không xem đó là bằng chứng kinh điển có thẩm quyền đáng tin cậy. Đáp 🙂 Nếu Đại thừa không đáng tin, làm sao Tiểu thừa lại đáng tin ? (Thắng luận : Kinh điển chúng tôi đáng tin) vì cả hai phái (Đại thừa và Nguyên thủy) đều xác nhận (đúng là lời Phật dạy). (TQ) Thế thì lúc đầu, khi các ông chưa chấp nhận, kinh điển ấy không phải lời Phật sao ?

42- (Thắng luận : Tuy nhiên chúng vẫn đáng tin cậy, vì chúng tôi được học kinh điển ấy từ một hệ truyền thừa thuần túy không gián đoạn. TQ 🙂 Cái lý do khiến các ông tin kinh Tiểu thừa  cũng là lý do chúng tôi tin Đại thừa, (vì Đại thừa cũng có một hệ truyền thừa không gián đoạn các vị Tôn sư.) Lại nữa, nếu các ông cho là chân lý vì có hai người chấp nhận, thì đáng lẽ các ông nên nhận luôn các tập Vệ-đà. (và kinh điển phi Phật giáo)

43- (Thắng luận 🙂 Kinh Đại thừa không đáng tin vì bị tranh cãi. (TQ) Nhưng về bộ kinh A Hàm cũng bị ngoại đạo nêu vấn đề, và có vài kinh bị các phái Phật giáo khác tranh luận, vậy cũng nên bỏ luôn kinh A Hàm sao ?

44- Nếu các ông bảo bất cứ kinh nào nhập vào kho tàng kinh điển đều được xem là Phật thuyết, vậy đa số kinh Đại thừa cũng nhập vào ba tạng kinh điển, sao không chấp nhận ? (Vậy ba tăng thượng học cũng được dạy trong hầu hết kinh Đại thừa, đâu có khác gì kinh điển các ông, tại sao ông không nhận là lời Phật ?)

45- Nếu vì không hiểu một bộ kinh (Bát-nhã), mà phủ nhận tất cả kinh Đại thừa, cho là ngụy tạo hết, thì tại sao không vì một bộ kinh (Đại thừa) giống (kinh Tiểu thừa), mà thừa nhận tất cả kinh Đại thừa ?

46- (Thắng luận : Nếu kinh Đại thừa như Bát-nhã là lời Phật, đương nhiên các bậc đại thánh như ngài Đại Ca Diếp phải hiểu được. Nhưng vì các ngài này không hiểu, nên chắc chắn đấy không phải lời Phật dạy. Đáp : Đấy chỉ có nghĩa rằng Đại thừa vô cùng thâm thúy). Cả đến các bậc thánh như Đại Ca Diếp cũng khó thấu triệt lời Phật. Đâu có thể chỉ vì các ông không hiểu mà gạt phăng giáo lý Đại thừa ?

47- Nếu (A-la-hán) Tăng là căn bản của giáo lý (nếu giáo lý Phật cốt dành cho Tỳ-kheo A-la-hán, mà không có tuệ giác về Không) thì thánh Tỳ-kheo cũng khó sống ở đời ; và người mà tâm còn duyên các pháp thì cũng khó mà an trú Niết-bàn.

48- (Thắng luận : Mặc dù không hiểu Tánh Không,) Họ vẫn giải thoát nhờ đoạn trừ các phiền não hiện hành (nhờ tu mười sáu hành tướng của Bốn đế. TQ : Sự thật là) Những vị ấy tuy không còn phiền não (hiện hành, song các chủng tử vẫn còn tồn tại) nên công năng của nghiệp cũ vẫn còn. (Ví dụ A-la-hán như Mục Kiền Liên vẫn thọ khổ)

49- (Thắng luận : Mặc dù tạm thời họ chưa thoát khổ,) song vì không còn ái  thủ nên chắc chắn họ sẽ không thọ thân sau. (TQ : A-la-hán vẫn còn một hình thức khát ái vi tế), do khát ái vô nhiễm này cũng như (phi nhiễm ô) vô minh, sao họ lại không (tái sinh với các uẩn bị nhiễm ô) ?

50- Do duyên với Thọ, Ái sinh. Những A-la-hán ấy (chỉ đoạn được những phiền não hiện hành, nhưng) vẫn còn thọ. Vì tâm thức còn duyên pháp, nên trong đó còn thọ (khi còn chấp các pháp là thật hữu).

51- Nếu tâm lìa xa tuệ quán về Không, thì (mặc dù những phiền não lộ liễu có thể tạm thời) diệt, chúng vẫn sinh trở lại. Như trong định Vô tưởng, (các phiền não tạm lắng chỉ để khởi lên lại khi xuất định). Bởi vậy, (bất cứ ai muốn chấm dứt khổ đều) phải tu quán Tánh Không.

52- (Khi thiền quán về Không,) Bồ-tát hết tham ái và lo sợ, vận dụng bi và trí ở lại trong sinh tử để cứu độ những người khổ vì vô minh. Đó là kết quả của sự liễu ngộ Tánh Không. (Tức là thành tựu lợi lạc bất khả tư nghì cho kẻ khác bằng cách giải thoát chúng ra khỏi hai cực đoan là tham vui và sợ khổ sinh tử)

53- Chớ nên vì không hiểu Tánh Không rồi tùy tiện bài bác chê bai, mà nên dứt nghi hoặc, tu tập Tánh Không một cách như lý.

54- Tánh Không có thể chữa trị hai chướng ngại, là phiền não chướng và sở tri chướng. Thế thì sao những người mong muốn nhanh chóng thành Phật không chịu thiền quán về Không ?

55- (Phản đối : Tôi không muốn thiền quán về Không, vì nó làm tôi sợ hãi. Trả lời 🙂 Chấp thật hữu mới phát sinh đau khổ, ấy mới là đáng sợ. Nhưng tại sao lại sợ thiền quán Tánh Không, khi nó làm lắng dịu mọi khổ đau ?

56- Nếu thật có một bản ngã, thì còn có lý để sợ một đối tượng nào đó, nhưng vì không có một cái ngã như vậy, thì ai ở đấy mà sợ hãi ?

57- Răng, tóc và móng không phải ngã ; ngã cũng không phải là xương hay máu, đàm, mũi nước, mật, thịt.

58- Ngã không là mỡ, mồ hôi, phổi, gan hay bất cứ nội tạng nào, cũng không là phân hay tiểu.

59- Thịt, da không phải là ngã ; hơi ấm, mạch, khí, không phải ngã ; trăm lỗ hổng trong cơ thể cũng vậy ; sáu thức đều không là ngã. (Lý do là vì cả sáu loại tâm lý đều vô thường, không độc lập)

60- (Phá Số luận 🙂 là một học thuyết phi Phật giáo do Rishi Kapila thành lập vào Ấn Độ thời cổ, tin rằng mọi hiện tượng – trừ cái ngã trường cửu bất biến – được tạo thành từ một thần ngã Prakrti hay là thực chất tối sơ thấm khắp mọi sự. Khi tiếp xúc với thực chất này thì một loạt những biểu hiện như tri thức, cảm quan và đối tượng cảm giác phát xuất từ đấy và được cái ngã cảm thọ. Thực chất tối sơ là một chất liệu trường cửu, phổ biến tạo nên mọi sự và là bản chất của các pháp trong thế giới kinh nghiệm. Ngã là nguyên lý tâm bất biến trở nên liên kết với ngoại giới do sự đồng nhất sai lầm của nó với biểu hiện của thực chất tối sơ. (TQ 🙂 Nếu thanh thức là thường trú thì đáng lẽ phải luôn luôn nghe (dù khi không có âm thanh. Nhưng vì thanh thức tùy thuộc vào âm thanh) nếu không có âm thanh làm đối tượng, thì vì lý do gì (và do nhận thức đối tượng gì) mà nó được gọi là thanh thức ?

61- Nếu khi không có thức (về âm thanh) mà vẫn có thể biết được (âm thanh), thì một khíc gỗ cũng biết (nghe tiếng). Bởi thế, ta có thể khẳng định rằng nếu không có đối tượng, thì cũng không có cái biết.

62- (Số luận : Khi không có âm thanh, thì cái thường ngã lại biết về sắc). (TQ 🙂 Nếu thế thì tại sao lúc đó (cái thức biết về sắc) lại không nghe ? (Số luận : Vì lúc đó không có âm thanh gần kề), (TQ 🙂 Nếu bảo không có âm thanh gần kề, thì nên biết lúc đó thức (về thanh) cũng không.

63- (Số luận : Lúc đó thức biết thanh chuyển ra biết sắc. TQ 🙂 Nhận thức về thanh làm sao thành nhận thức về sắc được ? (Số luận 🙂 Như người thành (con đối  với) cha, (thành cha đối với) con. (TQ : Một người vừa là cha vừa là con) Thế là giả danh, không chân thực.

64- Ba đức ưu, hỷ, ám (nguyên lý thực hữu tạo nên mọi sự vật theo Số luận : rajah đây dịch là ưu, sattva dịch là hỷ và tamah dịch là ám. Có nhiều cách dịch khác) thì không thể là cha hay con được. Ngoài ra, ba đức ấy không sẵn có tính chất nhận thức âm thanh, vì (trong ba đức) ta chưa từng thấy tính chất ấy.

65- (Số luận : Như một diễn viên đóng nhiều vai, cái thức về âm thanh cũng làm vai trò biết sắc. TQ 🙂 Nếu được thấy dưới nhiều trạng thái khác nhau như vậy, thì thức không thể là trường cửu (vì nó cứ tiếp tục biến thành cái khác mãi. Số luận : Mặc dù thức xuất hiện theo nhiều cách, bản chất nó vẫn là một và trường cửu.( TQ 🙂 Nếu là nhất thể mà đa dạng, thì điều ấy chưa từng có. (Ông chưa từng xác nhận một sự đồng nhất nào về bản chất như thế trước đây).

66- (Số luận : Thức xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, và mặc dù những sắc thái khác nhau ấy không thật, song bản chất của chúng thì đồng nhất và thực hữu. (TQ 🙂 Nếu các sắc thái khác nhau là phi chân, thì bản chất (đồng nhất và chân thực) là cái gì vậy ? (Số luận : Chính cái thức. (TQ 🙂 Nếu thức là bản chất đồng nhất và thực hữu, thì (hóa ra) tất cả chúng sanh thành một.

67- Hơn nữa (như thế thì cái ngã có ý hay thần thức) hữu tâm và (tự tánh) vô tâm (tức nguyên lý tối sơ không có ý) cũng là một, vì cùng là trường tồn, thực hữu, (nhưng) khi những hình thái khác nhau của nó (nhận thức về thanh sắc, v.v…) đã là vọng, thì làm sao chúng lại có cùng một chỗ nương chân thực (là một cái thức ? Không thể có chuyện khía cạnh chung là thật, còn các khía cạnh riêng thì lại giả).

68- (Naiyayika, thường kiến, chấp nhận có một pháp trường cửu bất khả phân trong bản thể con người gọi là tự ngã. Tự ngã này có thể kinh nghiệm các đối tượng vì nó có một tâm thức riêng.) (TQ : Hơn nữa, một pháp) Vô tâm cũng không thể là ngã (kinh nghiệm các đối tượng), vì vô tâm thì cũng như cái bình. (Thường kiến : Mặc dù bản chất là vô tri) khi có đối tượng thì tâm bèn có hay biết. (TQ : Điều này phi lý, vì khi một tự ngã, mà bản chất là vô tri) trở thành hay biết (về sự vật) thì (cái ngã) vô tri diệt mất (không trường cửu như ông chủ trương.)

69- Nếu ngã là thường hằng bất biến, thì tâm có ích gì đối với nó ? Nếu (ngã) vô tri, lìa các tác dụng (không ảnh hưởng gì trên cái tâm hay thay đổi và có hiểu biết), thì hư không cũng là ngã vậy.

70- (Hỏi 🙂 Nếu ngã không thật có, thì tương quan giữa nghiệp và quả thành phi lý, (Thuyết nhân quả cho rằng người tạo nghiệp phải chịu hậu quả của các nghiệp mình đã làm, không thể đứng vững, vì) nghiệp tạo xong đã diệt mất, còn ai chịu hậu quả của nghiệp ?

71- (Đáp : Căn bản để) Tạo nghiệp và thọ quả (tức năm uẩn đời này và các uẩn sẽ thọ quả dị thục về sau), là (những trạng thái hiện hữu) khác nhau, vào lúc thọ báo thì người tạo nghiệp đã mất. Điều này cả ông lẫn tôi đều xác nhận, (khi ông chủ trương có ngã trường cửu không chịu quả báo, và chúng tôi chủ trương vô ngã, không có người tạo nghiệp, cũng không có người chịu quả báo), vậy thì còn gì để tranh luận về điểm ấy ?

72- (Bác : Nhưng còn về những nghiệp hiện báo thì sao ? Chúng không có các uẩn khác nhau, những căn bản tạo nghiệp và thọ báo. Đáp : Tuy thế), Trong lúc gieo nhân, không thể nào đồng thời thấy được quả, (cũng như cha và con không thể sinh ra một lượt. Bác : Nhưng trong kinh có nói : “Làm sao người này tạo nghiệp mà một kẻ khác lại thọ hưởng quả báo của nghiệp ? Hỡi các Tỳ-kheo, các nghiệp ngươi đã tạo và tích lũy sẽ không chín trên những pháp khác như là địa đại bên ngoài, mà chín ngay trên các uẩn tương lai do tâm ngươi chấp thủ, nghĩa là) Phật dạy trên cùng một tương tục ấy, người gây nghiệp phải chịu (quả báo. Vậy phải chăng ông nói trái lời kinh, theo đó thì ai làm nấy chịu ? Đáp : Lời kinh phải được giải thích như sau : Phật khi xét đến dòng tương tục của một người, đã dạy ai làm nấy chịu để ngăn người ấy chối bỏ định luật nhân quả. Nhưng kỳ thực không vậy, vì không có một cái ngã trường cửu. (Hỏi 🙂  Nhưng tại sao không có ngã trường cửu ?)

73- (Đáp 🙂 Tâm quá khứ, tâm vị lai đều không, nên không phải ngã. Nếu tâm sinh khởi trong hiện tại là ngã, thì khi nó diệt ngã cũng mất luôn.

74- (Với luận cứ này, cả năm uẩn đều không phải là ngã, chỉ) Như thân cây chuối khi được lột ra từng bẹ thì không còn gì. Cũng vậy, dùng tuệ quán để tra tìm ngã thì sẽ thấy nó không thật. (Không có một cái ngã nào trong năm uẩn)

75- (Hỏi 🙂 Nếu hữu tình không thực có, thì khởi tâm thương xót ai ? (Đáp 🙂 Người lập thệ thành Phật chỉ vì ngu si nên giả lập ra chuyện hư huyễn đó.

76- (Hỏi 🙂 Nhưng nếu không người (nếu hữu tình không thực có), thì ai chứng quả ? (Đáp : Đúng thế, theo chân lý tối hậu, quả thực không có chúng sanh, không có đại bi và kết quả, nhưng về mặt giả danh) Do cái tâm còn si mà thấy có đắc có chứng. Nhưng vì muốn dứt khổ cho chúng sanh, không nên từ bỏ sự ngu si ấy.

77- (Bác : Vì tâm đại bi đã là một tâm trạng chủ quan, thấy các pháp một cách sai lạc, một tâm thức mê mờ về các pháp, đương nhiên cũng đáng bỏ như bỏ tâm mê muội về bản ngã. Đáp : Cái cần bỏ trước hết là ngã mạn, vì) Ngã mạn là cái nhân của thống khổ, khiến cho sự mê muội về ngã càng tăng. Nếu ông bảo không thể trừ được (ngã mạn) thì quán vô ngã là cách tốt nhất.

78- Thân thể không là bàn chân ; đùi, vế, eo, bụng, lưng, ngực, vai.v.v… cũng chẳng phải thân.

79- Xương sườn, bàn tay không phải thân thể ; nách, gáy, các nội tạng không phải thân thể, đầu cổ đều không phải thân thể. Vậy trong đây có cái gì thực sự là thân ?

80- Nếu nói thân thể ở trong mọi thành phần và ở cùng khắp mọi phương hướng, (thì sai, vì) mỗi phần đều ở vị trí riêng của nó, còn cái thân ở chỗ nào ?

81- Và nói toàn bộ cái thân ta ở trong mỗi phần tử như bàn tay.v.v… thì có bao nhiêu phần tử phải có bấy nhiêu thân.

82- Nếu thực sự không một thân thể nào hiện hữu bên ngoài hay bên trong (các thân phần), thì làm sao bàn tay .v.v… lại có một cái thân được ? Ngoài tay.v.v… không có vật gì khác, thì làm sao có thân thể kia ?

83- Vậy, thân thể không thực hữu, nhưng vì ngu mê mà khởi lên cái thấy sai lầm, chấp tay chân.v.v… là thân thể. Cũng như (trong bóng tối) nhân đống đá hình dạng đặc biệt mà thấy thành con người.

84- Như đống đá vẫn còn trông như người, bao lâu những điều kiện (duyên)  còn nhóm họp để làm phát sinh sự nhầm lẫn ấy, cũng thế, bao lâu tay chân.v.v… vẫn còn, thì còn thấy dường như thực có một cái thân.

85- Cũng thế, vì các ngón còn tụ hội mà thành bàn tay(.v.v…), chứ bàn tay (v.v…) là cái gì ? Các vật họp thành (bàn tay.v.v…) này lại cũng là một tập hợp (các yếu tố khác nữa, như : lóng, đốt). Tập hợp này cũng (không thực hữu, vì) còn có thể chia chẻ thành những phần tử.

86- Cũng vậy, khi các phần tử này được chia chẻ cho đến thành những vi trần (hạt nguyên tử), và hạt được chia thành phương phần, thì những phương phần này được thấy là không thực sự tồn tại, như hư không.

87- Bởi thế, người có trí nào lại còn tham cái thân như mộng ảo này ? Cái thân đã không thực có, thì làm gì có tướng nam hay nữ ?

88- (TQ) Nếu khổ thọ là thật, thì tại sao (cũng có lúc) hết sức vui ? Nếu lạc thọ là thật, thì tại sao những người quá lo sầu khổ não (về tâm và thân) không thích thú gì dù được (thực phẩm hay những thứ) ngọt bùi ?

89- Nếu bảo vì khổ đau cường liệt nên không cảm nhận được lạc thọ, (thì không đúng). Vì cái gì chưa được thâu nhận (vào thân tâm, chưa trải nghiệm) thì làm sao gọi là thọ được ?

90- (Đáp 🙂 Nó vẫn là một cảm thọ, như trong khi rất vui vẫn còn có khổ thọ vi tế. Không phải cái vui lớn đã trừ khử sự khổ tương đối nhỏ sao ? Khổ vi tế này cũng thuộc loại vui nhỏ. (TQ) Nếu vậy nó thành ra lạc, đâu còn gọi là khổ ?

91- Nếu bảo khổ thọ không thể sinh (nơi tâm người nào) (trong tâm ấy) đang khởi lên pháp ngược lại, thì điều này thực không đứng vững. (Xem một cái gì chưa xảy ra) là cảm thọ không phải là chấp trước sai lầm sao ?

92- Bởi thế, (muốn trừ diệt sai lầm ấy) cần đào luyện quán tuệ, thấy rõ tánh phi thực của các pháp. Trong thửa ruộng tốt của quán tuệ sẽ có thức ăn nuôi lớn trí tuệ thiền giả.

93- (Tiếp theo là bác bỏ sự phi thực của Xúc, nhân của Thọ. Trong ba đoạn đầu, từ 93 đến 95, luận cứ được chĩa vào những người chủ trương có các hạt nguyên tử không thể phân chia). (TQ) Nếu ở giữa căn và trần cảnh (ví dụ mắt và sắc) có khoảng cách, thì làm sao hai cái có thể gặp nhau ? Nhưng nếu không có khoảng cách thì căn trần thành một, còn cái gì gặp gỡ cái gì ?

94- Vi trần với vi trần (nghĩa là những hạt nguyên tử không phân chia thuộc căn như mắt và hạt thuộc cảnh như sắc,) không thể thâm nhập lẫn nhau vì giữa chúng không có khoảng cách, và vì chúng có kích thước bằng nhau. Không vào trong nhau thì không thể hòa hợp được, và không hòa hợp thì không thể gặp nhau.

95- Nhưng nếu nói một hạt này gặp hạt kia ở một phía nào đó, thì thực vô lý khi đã chủ trương thực có những hạt không thể phân chia (nghĩa là không có phía nào cả. Nếu có một phía gặp nhau được, thì thành ra hạt nguyên tử có một phía có thể gặp gỡ và một phía không thể gặp, thế đâu còn là không thể phân chia). Nếu ông thấy có những hạt nguyên tử không thể phân chia mà vẫn có thể gặp nhau, thì làm ơn chỉ cho xem.

96- Với ý thức không thuộc vật chất cũng vậy, bảo rằng nó có sự xúc tiếp (với căn, thuộc vật lý) là phi lý. Nếu bảo (mặc dù không có sự gặp gỡ vật lý, vẫn có) một nhóm họp (giữa căn, trần và thức để phát sinh nhận thức, thì) như chúng tôi đã phân tích, cái gì do nhóm họp mà thành thì cũng không thật.

97- Nếu Xúc đã không thực hữu, thì (quả của nó là) cảm thọ từ đâu sinh ra ? Cần gì phải nhọc sức theo đuổi (lạc thọ) ? Và khổ nào làm hại người nào ?

98- Khi đã thấy không thật có con người cảm thọ, và cảm thọ cũng không thật, thì tại sao tham ái (đối với lạc thọ) không tiêu diệt ?

99- Tất cả những gì được thấy, được chạm xúc đều không thực hữu, bản chất như huyễn như mộng. Cảm thọ là một tâm sở khởi lên đồng thời với tâm, nên tâm không thể thấy nó (một cách khách quan.)

100- Một niệm sinh sau chỉ có thể nhớ lại (các tâm về trước, và mong ước các cảm thọ về sau), nhưng không thể trải nghiệm bản thân cảm thọ hiện tiền (vì  chúng hoặc đã diệt, hoặc chưa sinh). Cảm thọ không thể tự trải nghiệm chính nó, cái khác cũng không thể kinh nghiệm cảm thọ.

102- Do vậy, không thật có người kinh nghiệm các cảm thọ và cũng không thật có các cảm thọ. Vậy làm sao cái cảm thọ huyễn hóa đó có thể làm hại các uẩn vô ngã này ?

102- Tâm ý không ở trong căn như mắt, không ở nơi đối tượng như sắc, cũng không ở giữa hai thứ ấy. Nó không ở trong hay ngoài (thân thể), hay bất cứ chỗ nào khác.

103- Tâm này không phải thân thể, cũng không khác thân thể ; nó không lẫn với thân, cũng không lìa thân. Vì nó tuyệt đối không thực hữu, nên bản chất hữu tình vốn đã là Niết-bàn tịch diệt.

104- Nếu lìa cảnh vẫn có các thức, (nếu các thức có trước các đối tượng của chúng) thì thức sinh do cái gì ? Nếu thức cùng sinh một lượt với cảnh (đối tượng) thì nó đã sinh rồi sao còn đợi duyên (cảnh) ?

105- Nếu sau khi cảnh sinh, thức mới sinh (thức sinh sau đối tượng), thì (khi thức sinh, cảnh đã diệt) thức duyên cái gì để sinh ? Vậy cho nên cần biết rằng, không thực có sự sinh khởi các pháp.

106- (Bác 🙂 Nếu (các pháp vốn không sinh, nghĩa là) không có tục đế, làm sao có hai sự thật (trong truyền thống Trung quán) ? Nếu tục đế chỉ do đối phương chấp thực hữu mà lập ra, thì hữu tình làm sao đạt Niết-bàn ? (Dù có người đạt, Niết-bàn ấy cũng bị kẻ khác cho là tục đế, có sinh diệt. TQ : Thật có cái Vô sinh (Niết-bàn), nhưng người không hiểu biết có thể xem Niết-bàn là có sinh diệt. Nhưng không phải vì  tà kiến cho rằng Niết-bàn là tục đế, mà Niết-bàn không hiện hữu. Không thể vì sự mê lầm của người mà sự thật trở thành giả dối).

107- (TQ 🙂 Tục đế ấy chỉ là phân biệt của người khác (chưa ra khỏi phiền não), không phải tục đế mà chúng tôi muốn nói. Sau (khi liễu ngộ các pháp không tự tánh, có thể dùng cái biết chính xác để) quyết định (là Niết-bàn) hiện hữu, (thì khi ấy Niết-bàn sẽù hiện hữu như thế tục hữu). Nhưng vì quan niệm sai lầm này không hiện hữu trong tâm người đã chứng Niết-bàn, nên Niết-bàn không phải tục đế.

108- (Bác 🙂 Vì tâm năng quán và đối tượng bị quán phụ thuộc lẫn nhau mà tồn tại (nên nếu đối tượng không thì tâm cũng không, và sự phân tích của ông vô lý. (TQ 🙂 Đúng, đối tượng không thật nên tâm cũng không thật, nhưng điều ấy không khiến cho sự phân tích thành vô lý 🙂 Tất cả sự quán sát phân tích đều nương vào tên gọi và nhận thức của thế gian (tức tục đế, còn trên phương diện chân đế thì tâm cũng không thực).

109- Nếu cần một tâm khác để phân tích cái tâm phân tích Tánh Không kia, thì tâm ấy cũng lại phải được phân tích bằng một tâm khác nữa. Quá trình này sẽ không bao giờ chấm dứt, (nên mục tiêu căn để của sự phân tích là thấy được Tánh Không, sẽ không bao giờ được xác định).

110- Khi đối tượng của sự phân tích đã được hiểu rõ (và được xác lập là trống rỗng), thì cái tâm phân tích không còn nương vào cái gì để tồn tại. Vì không đối tượng nên tâm cũng không sinh, đây chính là Niết-bàn.

111- Những người (phái duy thực) chủ trương tâm và cảnh đều thật có, lập trường họ rất khó đứng vững. Nếu cảnh là do thức mà có, thì thức do cái gì mà có ?

112- Nếu thức do cảnh mà có, thì cảnh do đâu mà có ? Tâm và cảnh đã đối đãi nhau mà tồn tại, thì đương nhiên cả hai đều không thực hữu.

113- Như không có con thì không được gọi là cha, không có cha thì con từ đâu sinh ? Trong cả hai trường hợp đều không thể có cha con gì cả. Cũng tương tự, tâm và cảnh đều không thực hữu.

114- (Duy thức : Trái lại, nhờ tùy thuộc mà ta có thể xác định sự vật là thực có). Ví dụ, do mầm cây phát sinh từ hạt giống mà ta có thể hiểu thật có hạt giống. Cũng vậy, từ tâm thức do cảnh (đối tượng) sinh, ta biết thực có cảnh.

115- (TQ : Đấy không phải cùng một chuyện). Nương vào một tâm thức khác với mầm cây để thấy biết mầm cây mà suy ra hạt giống, nhưng khi tâm biết cảnh thì căn cứ vào cái gì để biết có tâm ?

116- (Phái Vô nhân chủ trương rằng tất cả pháp không do nhân gì sinh ra, họ bảo : “Mọi sự vật, như mặt trời mọc, nước chảy xuống núi, hạt đậu tròn, gai nhọn và lông đuôi con công… không do ai làm ra cả, chúng tự nhiên sinh”. TQ : nói vậy là không thể chấp nhận được, vì) Người thế gian cũng có thể thấy rõ mọi sự vật đều có nguyên nhân, như rễ, cọng hoa sen đều do các nhân khác nhau sinh ra.

117- (Hỏi 🙂 Ai làm ra sự khác giữa các nhân như vậy ? (Đáp 🙂 Ấy là do sự sai khác của những nhân trước nữa. (Hỏi 🙂 Nhưng nhân vì sao lại sinh quả ? (Đáp 🙂 Điều này là do năng lực của một nhân trước đấy.

118- (Thường luận tin rằng mọi sự do thần Tự Tại thiên sinh ra, vị này có năm đức là thiêng liêng, trong sạch, đáng kính, trường cửu, độc nhất và là sáng tạo chủ của mọi sự. TQ 🙂 Nếu ông cho thần Tự Tại là nhân của vạn sự vạn vật, thì làm ơn cho biết thần Tự Tại thiên là ai vậy ? (Thường luận : Ngài là các đại chủng đất, nước, lửa, không khí và không gian. TQ 🙂 Quả thực các yếu tố ấy là nhân của mọi sự được sinh thành, nhưng cần gì phải chấp cái tên (Tự Tại thiên) ?

119- Lại nữa, các đại chủng (đất, nước,…) đều vô thường, (nhiều loại,) trơ lì, không có gì linh thiêng, là vật không sạch, thường bị dẫm đạp, chắc chắn không thể là trời thần gì cả.

120- Không gian cũng thế, không phải tự tại vì nó bất động, ngã cũng không phải tự tại, vì điều này đã được bác bỏ rồi. Nếu nói (đấng ấy) không thể nghĩ bàn thì nói tới ông để làm gì ?

121- Hơn nữa, (làm ơn cho biết) thần Tự Tại ấy sản sinh ra những quả gì ? (Thường kiến 🙂 Ngài tạo ra tự ngã, các đại chủng và sự tương tục của chính ngài. (TQ 🙂 Nhưng không phải đại chủng là trường cửu sao ? (Nếu bây giờ lại nói chúng được tạo, thì thành mâu thuẫn). Thức tâm (không được tạo bởi thần Tự Tại, một phần của nó) khởi lên từ những đối tượng sở tri.

122- Và (phần kia, bản chất thuần túy của nó), thì do nghiệp từ vô thủy. Nếu nói nhân (trời Tự Tại) không có khởi thủy, thì sao quả (mọi sự vật) lại có bắt đầu ?

123- Đã là Tự Tại thiên thì không nương vào vật gì khác, vậy sao không thường sáng tạo (mọi sự vật) đi ? Nếu bảo tuy tự tại song cũng cần duyên, thì duyên ấy do đâu mà có, (khi tất cả đều do thần tạo) ?

124- Nếu nương các duyên nhóm họp mà sinh, thì nhân sinh ra mọi sự vật chính là sự nhóm họp ấy, chứ không phải trời. Nhân duyên tụ hội thì nhất định sinh quả, không tụ thì không có năng lực sinh ra quả.

125- Nếu mọi sự vật không do ý muốn của trời Tự Tại sinh, thì phải do năng lực (nhân duyên) khác sinh. Ngược lại, nếu do ý muốn của trời mới thành, thì vị  ấy vô thường, khi muốn vầy, khi muốn khác.

126- (Thắng luận chủ trương) Vi trần nhân thường hằng tạo nên muôn vật,  thuyết này đã bị bác trên đây (hạt vi trần cũng không thực hữu). Số luận cho rằng có một chủ thể trường cửu là nhân tạo nên chúng sanh.

127- Chủ thể ấy là trạng thái quân bình của ba đức :(S.triguna) lạc (sattva), ưu (rajah) và ám (tamah), ba đức ấy mất quân bình thì biến thành chúng sanh.

128- Một thể mà có ba tính là điều phi lý, nên chủ thể ấy cũng không tồn tại. Cũng vậy, ba đức không thực có, vì (theo Số luận, cái gì có ra cũng lại phải đủ ba đức) mỗi cái lại phải gồm ba.

129- Nếu không thực có ba đức (nguyên chất) thì (những gì được tạo thành như) thanh, (sắc.v.v…) vĩnh viễn không được nghe, (thấy,v.v…). Lại nữa, những vật vô tâm như y phục.v.v… cũng không có gì là lạc (khổ,v.v…, nghĩa là ba đức).

130- (Số luận 🙂 Những vật ấy (như y phục,v.v…) có đủ bản chất như nhân của chúng (là lạc, khổ…). Nhưng điều này không phải đã bàn qua rồi đấy sao ? (Như trên đã nói, vạn pháp như thân thể, y phục,.v.v…không gì là thực hữu). Lại nữa, theo Số luận, nhân (các pháp) có ba đức (nhưng) ba đức ấy không sinh ra (vật chất như vải vóc,…) y phục.

131- (Ngược lại, theo tục thì chính y phục sinh lạc, khổ.) Nhưng nếu vải (y phục,v.v…) cái nhân sinh ra lạc khổ.v.v… (đã được phân tích) là không, thì (quả của nó là) lạc (v.v…) cũng không. Kết luận, tính thường hằng của ba đức (mà Số luận chủ trương) hoàn toàn không thể có.

132- Nếu lạc,.v.v… là thường hằng, thì tại sao không có lạc nào trong lúc đau khổ ? Ông bảo rằng lúc ấy lạc bị suy giảm, nhưng (một cái đã được ông cho là thường thì) tại sao lại có lúc mạnh lúc yếu ?

133- Một thứ lạc (khổ,v.v… có thể) từ bỏ tình trạng thô (cường liệt) để chuyển thành vi tế (yếu ớt) như vậy, thì đương nhiên là vô thường. Sao không thừa nhận tất cả pháp (hữu vi) là vô thường đi ?

134- (Số luận cãi : Mặc dù các trạng thái thô và tế của lạc là vô thường, nhưng bản chất của lạc là thường hằng. TQ 🙂 Những trạng thái thô (tế,v.v… ấy của lạc) không khác gì với (bản thân của) lạc (tướng và tánh không hai), nên hiển nhiên lạc là vô thường. Ông cho rằng từ cái nhân là không, thì không thể sinh ra cái gì cả.

135- Tuy ông không nhận (quả) rõ rệt được sinh ra (nhưng lại nhận rằng quả ấy) tồn tại (ẩn tàng trong nhân). Nếu trong nhân mà có quả thì ăn thực phẩm cũng thành ăn đồ bất tịnh.

136- Và ông nên mua và mặc những hạt bông vải thay vì mua vải mặc. (Số luận : Mặc dù sự vật quả tình hiện hữu theo cách ấy, người mê trên thế gian không mặc hạt bông vải, vì họ không thấy y phục trong những hạt bông vải. TQ : Nhưng ngay cả Kapila – nhà sáng lập truyền thống Số luận – mà ông cho là bậc thầy chân lý cũng mặc y phục chứ đâu có mặc hạt bông vải.) Ông bảo kẻ ngu chưa khai ngộ không thấy điều này (quả trong nhân), nhưng những gì mà bậc (Tổ sư Số luận) thấy biết chân lý đã lập ra,

137- Thì đáng lẽ người thế gian cũng nên biết qua mới phải. Tại sao họ không thấy quả (trong nhân) ? Nếu cái thấy của họ không đúng lý, thì những gì họ thấy biết đều không chân thật.

138- (Số luận 🙂 Nếu (theo Trung quán) mọi nhận thức đều vô giá trị (sai, phi lượng), thì kết quả nhận thức (của Trung quán, là Tánh Không) không phải cũng sai hay sao ? Bởi thế, sự tu tập Tánh Không của các ông đương nhiên là sai lầm.

139- (TQ 🙂 Khi chưa thấy rõ sự thật là có sự bày đặt (hư cấu) của vô minh, thì không thể xem sự thật ấy là không có. (Nhưng khi nào) sự thấy thật có (các pháp) đã được nhận ra là vọng, thì ngay cả ý niệm “không gì thực hữu” cũng giả lập mà thôi. (Bản Anh và Pháp dịch đoạn này như sau : Nếu không nhậnra tính thực hữu mà tâm đã gán cho sự vật, thì ta sẽ không nắm được tánh phi thực, tánh không của nó. Như chưa nghĩ đến đứa con của một phụ nữ vô sinh thì ta không thể xét đến cái chết của nó. Và vì tánh phi thực tùy thuộc vào thực hữu, nên sự phủ nhận cái thấy thực hữu cũng là giả lập. Dù sao, sự quán Tánh Không là hợp lý vì nó chữa trị sự chấp hữu)

140- Ví dụ, mộng thấy con chết, rồi nhớ lại mình chẳng có đứa con nào, ý nghĩ của người chiêm bao về sự không con có thể khiến cho ý nghĩ có con chấm dứt. (Mặc du ý nghĩ về sự phi hữu của đứa con là giả, vẫn có thể nhờ đấy mà từ bỏ ý nghĩ  thật có đứa con.)

 141- Khi phân tích như vậy, thì không thấy một sự vật vô thường nào có ra mà không có nguyên nhân, cũng không thấy một nhân duyên riêng lẻ nào, hay một tập hợp nhân duyên nào (đã hiện hữu từ khởi thủy, nghĩa là không có nguyên nhân đầu tiên).

142- (Các pháp ngoài nhân duyên ra) cũng không sinh từ cái gì khác (không từ đâu đến), không ở lại, không đi về đâu. Cái gì đã do tâm mê muội ngu si chấp là thật hữu, thì có khác gì với vật huyễn ?

143- Những vật được làm xuất hiện do huyễn thuật (như voi, ngựa…) và do nhân duyên (như sắc pháp.v.v…), phải được quán xét kỹ (lúc sinh) chúng từ đâu đến, và (lúc diệt) cuối cùng chúng đi đâu ?

144- Khi còn nhân duyên tụ hội thì thấy có các vật, hết nhân duyên thì hết thấy. (Vì là một sản phẩm của nhân và duyên như thế, nên mọi sự) giả dối hư vọng như bóng trong gương, đâu có vật gì tồn tại chân thật ?

145- (Bác thuyết hữu nhân, vô nhân 🙂 Nếu các pháp thật sự đã hiện hữu thì cần gì tìm nhân. Nếu các pháp vốn không, thì cũng đâu cần tìm nguyên nhân của chúng ?

146- Dù vạn ức nhân cũng không thể biến đổi một cái không thành cái có. Nếu cái Vô giữ nguyên trạng (vô trường cửu) thì làm sao biến thành hữu được ? Nếu Vô (mất nguyên trạng nó), thì cái gì (có thể tách ra từ không để) trở thành hữu ?

147- Nếu vào lúc ở trạng thái Vô, không có Hữu, thì lúc nào mới thành Hữu ? Khi Hữu chưa sinh thì nó chưa tách khỏi Vô.

148- Nếu chưa tách khỏi Vô, thì không có cơ hội để cho Hữu khởi lên. (Ngược lại) Hữu cũng không trở thành Vô được, vì như vậy thành ra nó có hai tính chất (vừa Hữu vừa Vô).

149- (Như vậy), diệt không có thực chất của diệt (hay không), hữu (hay sinh) cũng không có thực chất của sinh. Cho nên tất cả chúng sanh rốt ráo không sinh diệt.

150- Khi quán sát kỹ (thì thấy) chúng sanh chỉ như huyễn, như mộng, như cây chuối. (Chúng không hiện hữu thực thụ) nên Niết-bàn với không Niết-bàn, thực chất không khác nhau. Trong Không, có gì để được và có gì để mất ? Ai là người kính lễ tôi hay phỉ báng tôi ?

151- Vậy nên trong Không, làm gì có được và mất ? Ai là người cung kính ta ? Ai là người khinh miệt ta ?

152- Đau khổ và hạnh phúc xuất phát từ đâu ? Có gì để vui, có gì để lo buồn ? Trong bản chất tối hậu, ai là người tham ái, và có gì để tham ?

153- Xét kỹ trên nhân thế, ai sắp đi khỏi cuộc đời này ? Ai đã sinh ra ? Bằng hữu thân quyến thực chất là gì ?

154- (Hỡi người đi tìm sự thật), xin hãy cùng tôi nhận chân rằng vạn sự như hư không. Những nười đi tìm hạnh phúc do đấu tranh mà sinh ra những vui buồn tán loạn.

155- Họ chỉ có chuốc lấy những lo khổ, cãi cọ nhau, đâm chém, giết hại nhau, và do tạo tội mà phải bị đọa những cảnh sinh hoạt khốn cùng.

156- Mặc dù đôi khi được sinh vào cõi lành, thụ hưởng nhiều hạnh phúc và lạc thú, nhưng khi chết họ lại rơi vào đọa xứ, trong một thời gian dài chịu những khổ khó nhẫn.

157- Ba cõi thật là nơi có quá nhiều nguy hiểm. Người không hiểu biết chân lý tối hậu đưa đến giải thoát thì chẳng khác nào bị cột trói vào đấy. Hơn nữa, mê (thấy thực hữu) và ngộ (liễu tri Tánh Không) trái ngược nhau. Nếu còn ở trong sinh tử, thì ta vẫn không nhận ra được chân lý tối hậu này.

158- Ta sẽ tiếp tục trải qua những thống khổ khó kham, vô biên như biển lớn. Khổ thì nhiều mà năng lực thiện hành quá yếu, mạng sống lại ngắn ngủi.

159- Ta lại phải vì thân mạng mà miễn cưỡng chịu đói khát, mệt nhọc, thống khổ ; chỉ quan tâm đến ăn ngủ, bị kẻ khác làm hại, giao du với kẻ ác và làm những chuyện vô nghĩa.

160- Một đời sống vô nghĩa trôi qua thật nhanh chóng. Thật vô cùng khó để có được tuệ quán về Tánh Không.  Trong đời này có phương pháp nào để trừ diệt cái thói quen tán loạn ?

161- Ác ma lại đang nỗ lực dẫn dụ chúng ta rơi vào những cõi bất hạnh lớn lao. Ngày nay có nhiều tà đạo, và thực khó mà vượt qua những hoài nghi về chánh pháp.

162- Thực khó mà được lại (thân người) nhàn rỗi. Phật ra đời lại càng khó gặp. Dòng sông mê không dễ dứt. Than ôi, hữu tình sẽ tiếp tục đau khổ mà thôi.

163- Ôi quả đáng thương xót hữu tình đang trôi giạt trong dòng sông mê, (tuy rơi vào) thống khổ cùng cực như thế, mà do ngu si chúng vẫn hoàn toàn không ý thức.

164- Như có kẻ (tu khổ hạnh) thường xuyên tắm gội, có kẻ lao vào lửa, dù phải chịu nhiều đau đớn như vậy chúng vẫn tự hào, cho là hạnh phúc.

165- Cũng có những chúng sanh sống như thể chúng không bao giờ già chết. Trước hết chúng bị tử thần đoạt mạng sống, sau đó lại đọa vào các ác đạo, chịu các thống khổ.

166- Đến bao giờ tôi mới có thể dập tắt đống lửa khổ cho chúng sanh, bằng trận mưa an lạc trút xuống từ những đám mây công đức tôi đã tích luỹ ?

167- Bao giờ tôi mới có thể vận dụng cái tâm rỗng rang vô ngại – nhờ cung kính tích tập công đức – để khai thị Không Tánh cho những chúng sanh (đau khổ vì) chấp hữu.