Văn Vần

Chương 1
NHỮNG LỢI LẠC CỦA BỒ ĐỀ TÂM

1-4 Kính lễ Phật, pháp thân thường tại
Kính lễ hiền thánh trải mười phương
Con nay ghi lại Lời vàng
Luật nghi Phật chế cho hàng xuất gia.
Vụng về dệt mấy vần thơ
Chỉ mong mình khỏi phai mờ tín tâm
Phúc thay ta được thân nhân loại
Hãy dùng thân tự lợi, lợi tha
Dịp này nếu để luống qua
Thì khi chết đến biết là về đâu

5. Như làn chớp loáng qua mau
Chiếu soi vạn vật giữa mầu đêm đen
Thế gian nhờ đấng Chí tôn
Pháp lành hi hữu vô ngần hiện ra.

6. Căn lành ở trong ta thường yếu
Ác nghiệp thì công hiệu xiết bao
Bồ đề tâm chẳng nương theo
Không sao thắng nổi quá nhiều chướng duyên.

7. Ba đời chư Phật chứng minh
Bồ đề tâm ấy thực lành lợi thay
Hữu tình vô lượng nhờ đây
Mà mau được hạnh phúc tày non cao.

8. Ai muốn dứt khổ sầu cõi tạm
Muốn được nhiều vô hạn niềm vui
Muốn mong cứu giúp mọi người
Đừng bao giờ để buông lơi tâm này.

9. Chúng sinh trong cõi luân hồi
Bồ đề tâm ấy tạm thời khởi lên
Tức thì tất cả nhân thiên
Gọi là Con Phật rất nên nể vì.

10. Như hóa chất để xi vàng khối
Bồ đề tâm chuyển đổi thân dơ
Sinh từ máu huyết mẹ cha
Ra thân Phật thật, một tòa kim cương.

11. Đạo sư trí tuệ vô ngần
Xem tôn quý nhất cái tâm bồ đề
Ai người muốn thoát sông mê
Hãy nên giữ vững bồ đề tâm kia.

12. Hạnh lành khác chỉ như cây chuối
Cho quả xong tàn lụi héo hon
Cây Bồ đề vẫn xanh luôn
Không ngưng kết trái đơm bông cõi đời.

13. Như người phạm tội tơi bời
Nhờ nương dũng sĩ tức thời được an
Kẻ cầu thoát khỏi nguy nan
Sao không sớm liệu nương tâm bồ đề.

14. Như ngọn lửa ở thì Kiếp hoại
Trong phút giây thiêu cháy tội khiên
Công đức tâm ấy vô biên
Được ngài Di lặc dạy khuyên Thiện Tài.

15. Tóm thâu hai loại sau đây
Cũng từ một họ Bồ đề tâm ta
Một là Tâm nguyện tỉnh ra
Hai là Tâm hạnh, gắng mà làm theo.

16. Bậc hiền trí hiểu sâu hai thứ
Chỗ khác nhau giữa muốn và làm
Như du hành, mới phát tâm
Khác xa với việc dấn thân trên đường.

17. Trong vòng sinh tử nhiễu nhương
Nguyện Bồ đề đủ đem đường yên vui
Nhưng kho công đức bời bời
Là Bồ đề hạnh nơi người phát tâm.

18. Và với kẻ trong tâm nắm vững
Hạnh bồ đề thề chẳng thối lui
Mong sao cứu vớt muôn loài
Chúng sinh thoát khỏi cảnh đời trầm luân.

19. Kể từ khi phát đại tâm
Dù khi đang ngủ hoặc không nghĩ gì
Thiện căn tiếp tục tràn trề
Như hư không nọ chẳng hề sút sa.

20. Đức Phật vì xót xa kẻ dại
Ham dừng chân ở tại Tiểu thừa
Bản kinh Diệu Tý hỏi thưa
Nói nhiều công đức kẻ vừa phát tâm.

21. Dù khi thấy một chúng sinh
Gặp cơn đau nhức không đành làm ngơ
Tâm nhiêu ích ấy còn dư
Phúc lành cho kẻ tâm từ bủa lan.

22. Huống hồ kẻ phát tâm quảng đại
Mong xua tan vạn loại khổ sầu
Mong đem hạnh phúc thanh cao
Cho vô lượng chúng sinh nào trầm luân.

23. Có ai, cha, mẹ, chư thiên
Phạm thiên cõi dục ai nguyền phát tâm
Lớn lao quảng đại nào bằng
Bồ đề tâm nguyện của hàng sơ cơ?

24. Người ta chẳng bao giờ mơ tưởng
Tâm bồ đề dù hướng bản thân
Huống là hướng đến tha nhân
Mà mong phát nổi cái tâm thượng thừa.

25. Chỉ vì một bản thân ta
Còn chưa phát được huống là vì ai
Phát tâm lợi ích muôn loài
Là tâm tôn quý muôn đời hiếm khan.

26. Như ngọc báu trần gian không khác
Bồ đề tâm an lạc cho đời
Thuốc mầu đau khổ nhẹ vơi
Cỗi nguồn hạnh phúc không lời nào đo.

27. Nghĩ lành cho chúng sinh thôi
Còn hơn lễ lạy Như Lai pháp tòa
Nói gì công đức bao la
Mang cho tất cả muôn nhà niềm vui?

28. Ai cũng muốn xa rời khổ não
Tại sao mà khổ não càng tăng
Muốn mình hạnh phúc an khương
Ngu si tự phá phước dường cừu nhân.

29. Với người không chút bình an
Trong tâm chất chứa miên man khổ sầu
Bồ đề tâm ngọc báu mầu
Xua tan thống khổ, rạt rào vui dâng.

30. Lại xóa tan mê lầm bao nỗi
Hạnh lành nào sánh với tâm đây?
Bạn hiền nhân thế nào tày?
Bồ đề công đức lành thay ai bì.

31. Kẻ nào đền đáp ân nghì
Còn nên khen ngợi chỉ vì nhớ ơn
Huống gì Bồ tát gia ân
Với niềm vui suớng chẳng cần chờ xin.

32. Thế gian kính hiền nhân những kẻ
Một đôi lần san sẻ thức ăn
Cho người thiếu thốn cơ bần
Thỏa cơn bỉ cực chút phần nào thôi.

33. Huống chi Bồ tát suốt đời
Đem nguồn phúc lạc Như Lai trọn lành
Trút cho vô lượng quần sanh
Nhờ đây thỏa được muôn nghìn ước ao?

34. Phật từng dạy kẻ nào nghĩ quấy
Về một người như vậy ân nhân
Sẽ sa địa ngục muôn lần
Bao nhiêu nghĩ, bấy nhiêu phân đọa đày.

35. Một lời ca tụng lành thay
Gặt nên quả phúc gấp hai ba lần
Hiền nhân dù gặp khó khăn
Không sinh lầm lỗi còn tăng hạnh lành.

36. Ai người phát đại tâm trân quý
Cho tôi xin kính lễ chân thành
Cho vui đến kẻ hại mình
Tôi xin quy kỉnh suối lành Từ Bi.


Phần Văn Xuôi

CHƯƠNG MỘT

NHỮNG LỢI LẠC CỦA TÂM BỒ-ĐỀ

Kính lễ chư Phật Bồ-tát,  

1- Chư Phật và Bồ-tát, các đấng đã được Pháp thân, cùng những bậc hiền nhân đáng kính, con xin đê đầu đảnh lễ. Nay con y cứ những lời Phật dạy trong Kinh để lược thuật phương pháp đi vào Luật nghi của hàng con Phật.

2- Luận này vốn không phải là sáng kiến mới mẻ, về thi ca vần điệu tôi cũng không rành. Bởi thế tôi không dám nói mình có ý định làm lợi lạc cho ai, chỉ cốt vì sự tu tập của bản thân mà tạo Luận.

3- Nhờ nương theo những kệ tụng để tu hành các thiện pháp mà tôi sẽ tăng trưởng tín tâm. Những ai cùng tin tưởng như tôi sau khi xem Luận này cũng sẽ được lợi ích.

4- Có được thân người toàn vẹn (không bị các dị tật bẩm sinh như thiếu trí, đui, điếc…) và nhàn hạ (đủ ăn, không phải làm lụng quá vất vả để kiếm sống) là điều hết sức khó khăn. Nay ta đã có được cơ hội làm cho đời mình thực sự có lợi ích (nghĩa là làm cho đời mình có ý nghĩa bằng cách tu tâm, một việc mà loài thú không làm được) mà không lợi dụng cuộc đời này để mang lại tự lợi, lợi tha, thì về sau làm sao còn có được thân người toàn vẹn ?

5- Như trong đêm tối đầy mây đen kịt, bỗng có một làn chớp xẹt qua, cũng thế, nhờ năng lực uy đức của Phật, mà người đời bỗng tạm nảy sinh ý định tu phước.

6- Vì năng lực thiện hành nơi người ta thường nhỏ nhoi yếu ớt nên khó địch nổi năng lực tội ác vô cùng lớn lao. Nếu bỏ tâm Bồ-đề viên mãn này, thì đâu còn pháp lành nào khác để thắng lướt tội lỗi ?

7- Trải qua nhiều đời tư duy sâu sắc, chư Phật thấy tâm Bồ-đề có lợi ích lớn lao. Vô lượng chúng sanh nhờ tâm ấy mà dễ dàng được sự vui thù thắng.

8- Muốn trừ diệt vô lượng khổ đau trong ba cõi (cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc), và trừ những nỗi bất an cho hữu tình, muốn hưởng được trăm thứ khoái lạc thì đừng bao giờ xả bỏ tâm Bồ-đề (lòng mong cầu giác ngộ để lợi lạc cho mình và người).

9- Những hữu tình đang bị trói buộc trong ngục sinh tử mà khởi tâm Bồ-đề chốc lát cũng được gọi là con của chư Phật, đáng được trời người kính lễ.

10- Như hóa chất luyện vàng, cái thân phàm tục ô uế sẽ được tâm Bồ-đề chuyển hóa thành thân Phật, bảo châu vô giá. Bởi thế, hãy giữ vững tâm Bồ-đề.

11- Bằng con mắt tuệ, đấng Đạo sư của chúng sanh thấy rõ tâm Bồ-đề hết sức quý báu. Bởi vậy, ai muốn ra khỏi ba cõi hãy khéo giữ vững tâm Bồ-đề.

12- Những điều lành khác chỉ như cây chuối, sinh quả xong thì chết khô. Nhưng tâm Bồ-đề ví như đại thụ luôn sinh quả, đã không khô héo mà còn thêm tươi tốt.

13- Kẻ phạm tội nặng nhờ nương một người thế lực nên khỏi lo sợ. Người sợ quả báo tội lỗi, muốn mau giải thoát, tại sao không tìm chỗ tựa nương ?

14- Như đóm lửa nhỏ vào thời hoại kiếp, tâm Bồ-đề trong giây lát có thể tiêu hủy các tội nặng. Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Di Lặc bậc trí đã dạy đồng tử Thiện Tài rằng tâm Bồ-đề có lợi ích vô biên.

15- Nói tóm, Bồ-đề tâm bao gồm hai loại, là tâm nguyện Bồ-đề (trong tâm cầu mong được giác ngộ để lợi lạc hữu tình) và tâm hạnh Bồ-đề (hướng về hành động thực sự để làm lợi ích hữu tình)

16- Như mọi người đều biết sự khác nhau giữa muốn đi và đang đi, bậc trí nên biết sự khác nhau này giữa hai loại tâm Bồ-đề.

17- Mặc dù tâm nguyện Bồ-đề cũng đủ sinh quả báo vĩ đại, nhưng không thấm gì so với tâm hạnh Bồ-đề, vì tâm này liên tục phát sinh phước đức.

18- Bất cứ lúc nào một người khởi sự lập chí nguyện không lùi bước, thọ trì (nhận và gìn giữ) tâm hạnh Bồ-đề, vì muốn cứu độ cho hết vô số hữu tình.

19- Thì lúc ấy trở đi, người ấy dù lúc ngủ hoặc xả hơi, phước đức vẫn liên tục phát triển rộng lớn như hư không.

20- Vì muốn cho những người tin cỗ xe Nhỏ hướng về Đại thừa, trong kinh Diệu Lý Thưa Hỏi đức Như Lai đã dạy : Tâm Bồ-đề có lợi ích vô biên, điều này rất hợp lý.

21- Nếu có người lo nghĩ cách chữa một bệnh nhức đầu cho hữu tình mà thôi, cái tâm mong muốn lợi lạc ấy đủ khiến cho người kia được vô lượng phước đức.

22- Huống gì mong trừ khử vô lượng bất an cho hữu tình, muốn hữu tình được vô số điều lành.

23- Dù cha hay mẹ, hay bất cứ ai, đã có được tâm Bồ-đề ấy chưa ? Chư thiên cõi Dục, các vị tu tiên, các Phạm thiên (cõi mà một người được hóa sinh vào nhờ tu bốn vô lượng là Từ, Bi, Hỷ, Xả) có được tâm ấy không ?

24- Những người kia vì lợi ích riêng còn chưa mơ tưởng đến tâm Bồ-đề, huống vì kẻ khác mà phát tâm làm lợi ích ?

25- Người ta vì tự lợi còn chưa thể phát tâm, bởi thế phát được cái tâm lợi tha quý báu này quả là điều hết sức hiếm có.

26- Tâm Bồ-đề quý báu là cái nhân của sự an vui cho chúng sanh, là cam lồ vi diệu để trừ thống khổ. Phước đức hàm chứa trong tâm ấy làm sao đo lường ?

27- Suy nghĩ làm lợi ích chúng sanh có phước hơn cúng dường chư Phật, huống gì nỗ lực làm lợi lạc tất cả hữu tình.

28- Ai cũng muốn hết khổ, mà sao thống khổ cứ tăng ? Mặc dù đi tìm an vui, kẻ ngu tự làm hỏng niềm vui của mình không khác gì bị kẻ thù phá hoại.

29- Đối với chúng sanh thiếu niềm vui, chịu nhiều đau khổ, tâm hạnh Bồ-đề có thể đem lại an vui, trừ tất cả khổ.

30- Chẳng những thế, tâm Bồ-đề còn có thể diệt trừ sự ngu si của chúng sanh. Còn bạn lành nào sánh bằng, còn phước nào lớn bằng ?

31- Nếu có người biết đền đáp cái ân bố thí, người ấy còn đáng được ca ngợi, huống gì Bồ-tát vui vẻ giúp đỡ người khác, dù người ấy chưa nhờ, thì lại càng đáng ca tụng biết chừng nào.

32- Dù có kẻ tình cờ chuẩn bị một ít thực phẩm mang cho một số chúng sanh đang đói, khiến họ no  được nửa ngày, người ta còn kính trọng, xem như một thiện sĩ.

33- Huống chi Bồ-tát thường xuyên ban cho vô số chúng sanh niềm vui Chánh giác tối thượng, và thỏa mãn tất cả nguyện vọng của hữu tình.

34- Phật dạy : kẻ nào sinh tâm xấu đối với những Bồ-tát cứu độ khắp mọi người như thế, kẻ ấy sẽ sa địa ngục nhiều kiếp số, như số lượng tâm xấu họ đã nghĩ.

35- Ngược lại, ai phát khởi niềm tin thanh tịnh đối với Bồ-tát thì sẽ được quả báo phước đức vượt xa cái nhân đã gieo. Bồ-tát dù có gặp gian nan lớn vẫn không làm ác, mà còn tăng trưởng thiện hành.

36- Có ai phát sinh tâm Bồ-đề quý báu ấy không, tôi xin kính lễ dưới chân người ấy. Có ai đem lại an vui ngay cả cho kẻ làm hại mình, tôi xin quay về kính lạy người ấy, suối nguồn của an vui.