chương bính lân

Phật Quang Đại Từ Điển

(章炳麟) (1868 – 1936) Người Dư hàng, Chiết giang. Vốn tên là Giáng, tự Thái viêm. Tinh chuyên quốc học, giàu tư tưởng dân tộc. Khoảng năm Quang tự, lần lượt viết các báo Thời vụ, Xương ngôn, lời lẽ kịch liệt, bị triều đình nhà Thanh cấm, bèn bỏ chạy sang Đài loan, đến Nhật bản, làm quen với tiên sinh Tôn trung sơn, gia nhập hàng ngũ cách mạng. Năm Quang tự 29 (1903) bị bắt, ở trong tù nghiên cứu Phật học, đọc các luận Nhân minh và Pháp tướng Duy thức. Sau khi được tha, lại du lịch Nhật bản một lần nữa. Khi về nước, gặp lúc Viên thế khải xưng đế, không được dùng, lại đến ẩn thân trong chùa Long tuyền tại Bắc kinh, nhờ Tôn ngưỡng thượng nhân mua một bộ Đại tạng Tần già, rồi đóng cửa xem kinh. Đối với chân nghĩa duyên khởi tính không, duy thức nhị vô ngã của Phật pháp đại thừa ông thể nhập cực sâu. Trước tác rất nhiều, về phần Phật học thì có: Kiến lập tôn giáo luận, Ngũ vô luận, Vô thần luận, Nhân vô ngã luận, Tứ hoặc luận, Quốc gia luận, Đại thừa Phật giáo duyên khởi luận, Đại thừa khởi tín luận biện v.v… Ngoài ra, còn có một cuốn Tề vật luận thích, là dùng Duy thức Phật giáo để giải thích Lão Trang, dung hợp thuyết của hai nhà Phật, Lão. [X. Đương đại Trung quốc triết học (Hạ lân) – Trung quốc Phật giáo cận đại sử (Đông sơ)].