THOÁT VÒNG TỤC LỤY
Tác giả: Hòa Thượng Thích Tinh Vân
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Quảng Độ
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1987

 

Chương Bảy

Từ khi biết sư phụ coi mình chưa hẳn là một người đồ đệ, Ngọc Lâm thấy lòng tự ái bị thương tổn rất nhiều. Thầy tự nghĩ: giả sử mình có một người sư huynh hơn mình cả về tài, đức và trí tuệ, thì sư phụ bảo mình là nửa đồ đệ, mình cũng cam lòng, đằng này sư huynh Ngọc Lam chẳng những đã không có tài, đức, học thức, mà lại lười như bọ, chỉ ăn với ngủ thế mà được coi là một đồ đệ, như vậy thử hỏi trên cõi đời này công lý ở đâu?

Theo ý Ngọc Lâm thì hòa thượng trụ trì thật bất công, bởi thế tâm tư thầy thường thắc mắc bấn loạn. Ngọc Lâm tự nghĩ mình chịu khó, chăm chỉ không phải mong người đền bù, thưởng công, song cũng phải biết cho lòng mình, bây giờ mình lại không bằng cái ông sư huynh lười biếng ấy, thì biết rằng sự lý ở đời này thật éo le!Vì có tâm trạng như thế, cho nên Ngọc Lâm ngoài mấy thời công phu ra, cũng chẳng chịu cất nhắc việc gì nữa; nét mặt lúc nào cũng ủ rũ, trong chùa ai cũng bảo là thầy nhớ Vương tiẻu thư, hoặc cho rằng sau khi rời bỏ Vương tướng phủ, thầy hối tiếc, cho nên buồn rầu suốt ngày. Kỳ thực nỗi lòng của Ngọc Lâm duy có hòa thượng trụ trì và sư huynh Ngọc Lam mới biết, còn sự phỏng đoán của mọi người chỉ là theo sự nông nổi và thiển cận của thế gian.Biết thế nên hòa thượng trụ trì và sư huynh Ngọc Lam không lấy làm lạ khi thấy Ngọc Lâm trở nên chểnh mảng với việc tu trì. Thanh niên ai cũng có tính hiếu thắng, và chính vì không chịu để ai hơn mình nên mới có lòng tự tôn, tự ái. Ngọc Lâm vốn có tính dương dương tự đắc và không bao giờ tự ty mặc cảm.Thầy vào làm rể trong tướng phủ và đã cảm hóa được Vương tiẻu thư một cách nhanh chóng, rồi lại trở về khoác manh áo tu hành, đó đều nhờ ở điểm lý trí thắng tình cảm, thế mà không bỏ dẹp được tính hiếu thắng để tỏ ra đức tính hoàn toàn trong trắng như một đóa hoa sen thơm tho vừa nhô lên khỏi vũng bùn lầy!Ngọc Lâm buồn bã như thế đã mấy ngày. Một hôm, mọi người trong chùa vừa ăn điểm tâm xong thì hòa thượng trụ trì gọi cả Ngọc Lâm và sư huynh Ngọc Lam vào phòng riêng của ngài.

– Gần đây hai con đều tỏ ra tu hành chăm chỉ lắm! Nói xong hòa thượng Thiên Ẩn bảo họ ngồi xuống chiếc trường kỷ bên cạnh phòng.

– Hằng ngày con không ngủ nghĩ, chỉ cố công tu trì, song rất tiếc đến nay vẫn chưa biết được mình!

Sư huynh Ngọc Lam nói với hòa thượng về công lao tu hành của mình, cố nhấn mạnh ba chữ “không ngủ nghĩ” mục đích để Ngọc Lâm nghe rõ.

– Bạch sư phụ từ mẫn, con không dám nói dối và che dấu sư phụ, hàng ngày mà con không ngủ nghĩ thì không được.

Nghe Ngọc Lam nói, Ngọc Lâm thấy ngứa tai, vì thầy cho là ông sư huynh nói dối thế mà sư phụ lại nhận là một đồ đệ. Bởi thế giọng Ngọc Lâm có vẻ châm biếm, nhưng Ngọc Lam cứ cười khà và lờ đi như không nghe.

– Hai con đều chịu khó cả, nhất là Ngọc Lam, thầy biết xưa nay chăm chỉ lắm!

Nói xong, hòa thượng Thiên Ẩn đứng dậy đi đến cái tủ để kinh, sách ở góc phòng, Ngọc Lam vẫn giữ nguyên nét mặt thản nhiên sau câu khen ngợi của hòa thượng.Lúc đó Ngọc Lâm đã thấy khó chịu, thầy đưa mắt nhìn hòa thượng, cái nhìn bao hàm nhiều lời muốn nói. Thầy nghĩ: xưa nay sư phụ rất sáng suốt, không hiểu ông sư huynh đấu hót thế nào mà khiến cho sự phụ mờ đi, có lẽ nào sư phụ không nghe thấy một lời phê bình của mọi người trong chùa? Thầy lại quay sang nhìn ông anh quý đang cười khà, lòng chán ghét của thầy tự nhiên như lại trào lên; thầy cho rằng ông anh vốn là người chỉ thích ăn chứ không thích làm, mà giờ dám nói với sư phụ là “không ngủ nghĩ”, thật trơ trẽn, dối trá! Thầy tin rằng dối trá như thế, sư huynh sau này nhất định sẽ gặp những việc rủi ro, khổ sở.Ngọc Lam chỉ nhìn Ngọc Lâm, mỉm cười tựa hồ như đã đọc thấy tư tưởng của ông em.Lúc đó hòa thượng trụ trì trở ra, tay bưng một chồng sách:

– Từ xưa kinh Phật được lưu truyền, đều nhờ ở công sao, chép; đây là hai bộ kinh Pháp Hoa chép bằng tay, hai con mỗi người phải sao lại một bộ, viết cho đằng tả càng chóng càng hay, tối đa là nửa tháng, đây là dịp để thử tài viết của hai anh em xem ai hơn ai?

– Xin phụng mệnh sư phụ, con tưởng hạn nửa tháng là đủ lắm rồi! Ngọc Lâm tỏ vẻ kiêu hảnh và lại ái ngại nhìn ông anh.

Ngọc Lam cười hì hì, không nói năng, đỡ lấy chồng sách, chắp tay chào hòa thượng rồi ra về. Khi từ biệt, Ngọc Lam gọi Ngọc Lâm ra chái nhà khẽ nói:

– Sư đệ, chú hãy giữ gìn sức khỏe, đừng cố gắng quá!

– Sư huynh muốn tôi phải cảm tạ nổi quan tâm của sư huynh đối với tôi?

– Đó là lòng thành thực của anh đó thôi!

– Cảm ơn lòng tốt của sư huynh!

– Kinh Pháp Hoa có bảy quyển và tất cả gần tám vạn chữ! Ngọc Lam vừa nói vừa chỉ vào chồng sách dày cộm ôm trên tay, và tỏ vẻ lo lắng.

– Ai bảo sư huynh ngày thường không chịu gắng công, ngoài ăn với ngủ, chẳng chịu mó đến việc gì, bây giờ tôi còn cách nào giúp sư huynh được?

– Không phải tôi muốn nhờ chú chép hộ, trong nửa tháng trời sợ phần chú cũng vội vàng lắm rồi; có điều tôi mong là trước mặt sư phụ, chú đừng nói tôi chỉ ăn với ngủ suốt ngày, sợ nếu sư phụ giận mà đuổi tôi ra khỏi chùa, thì tôi không biết đi đâu.

– Hôm nay sư huynh mới biết thế hả? Sư huynh tự hỏi xem hàng ngày sư huynh có sống đúng cuộc đời của người xuất gia không? Ăn rồi ngủ, ngủ chán sư huynh lại đi lang thang, người ta chê cười, bình phẩm sư huynh không thèm để ý, quần áo lôi thôi, đi đứng thì lắc la lắc lư, nói không giữ lời, chẳng còn có uy nghi, lễ độ gì; hành vi của sư huynh như thế ai người ta còn nể hòa thượng, và làm mất cả thể diện của tăng đồ.

– Thật oan cho tôi! Ngọc Lam nói.

– Những lời tôi nói có đúng sự thật không?

Ngọc Lâm hỏi vặn.

– Tôi không muốn nói với chú những việc ấy tôi chỉ yêu cầu chú trước mặt sư phụ, chú đừng bảo tôi là người lười biếng, thế thôi!

– Tôi tưởng chúng ta cùng theo một thầy, tôi nói như thế là mong sư huynh sửa đổi, cũng là vì danh dự chung của Phật Giáo, còn nghe hay không, hoàn toàn quyền sư huynh. Từ nay trở đi, tôi sẽ không nói nữa, sư huynh cứ yên tâm, song sư huynh nên nhớ rằng: “cái kim bọc rẻ, lâu ngày cũng ra”, sư huynh dấu mãi sư phụ sao được!

– A Di Đà Phật, chú mình tốt lắm! Tôi biết không phải chú nói những chỗ xấu của tôi để phô trương những cái tốt của chú! Ngọc Lam cười xòa rồi bỏ đi thẳng.

Ngọc Lâm cũng trở về phòng riêng, vừa đi vừa tự nghĩ: sư huynh biếng nhác, ngày thường không chịu luyện tập viết lách, trong nửa tháng trời mà bộ kinh dày như thế thì chép xong làm sao? Lúc ấy sư phụ mới biết sư huynh là người vô dụng, và không thể coi mình kém sư huynh được.

Từ hôm ấy những nỗi buồn vơ vẫn trong lòng Ngọc Lâm tan biến, thầy ra công chép, không kể ngày đêm, mục đích viết cho xong bộ kinh trước ngày hạn định càng tốt để tranh hơn với sư huynh. Thỉnh thoảng thầy lại lén đến phòng của Ngọc Lam để dò xét tình hình, song lần nào thầy đứng ngoài khe cửa nhìn vào cũng thấy Ngọc Lam nằm khèo ngủ trên giường, ngáy o o. Tuy mừng thầm, song Ngọc Lâm nghĩ đến tính lười biếng của sư huynh vẫn không đổi, phụ lòng tin tưởng của sư phụ, thầy cũng thấy lòng buồn rười rượi!

Thấm thoát đã đến ngày thứ mười bốn của thời hạn chép kinh, chiều hôm ấy Ngọc Lâm đã hoàn thành công việc, lòng thầy phấn khởi vô cùng; thầy dự bị mang kinh lên trình sư phụ ngay để ngài biết công việc của thầy, dù sư huynh Ngọc Lam có chép xong chăng nửa cũng đến mai mới đem lên, thời gian đó vẫn chậm hơn thầy. Vả lại nửa tháng nay Ngọc Lâm vẫn thấy sư huynh ngủ hoài, dù có là thánh mà không làm việc cũng chẳng xong. Nghĩ đến đấy, Ngọc Lâm cảm thấy thỏa mãn và khắp khởi bưng kinh lên phòng hòa thượng trụ trì.

Khi đến cửa, Ngọc Lâm sửa lại khăn, áo chỉnh tề, đưa tay gõ vào cánh cửa ba cái, phía trong có tiếng vọng ra: Cứ vào, lập tức Ngọc Lâm mở cửa bước vào.

– Bạch sư phụ, con đã chép xong kinh rồi ạ! Vừa nói Ngọc Lâm vừa đưa bộ kinh mới chép cho hòa thượng.

– Chép mất mười bốn ngày! Hòa thượng trụ trì bấm đốt ngón tay.

– Vâng con sợ sư phụ mong nên cố chép xong sớm một ngày!

– Mãi hôm nay con mới đem lên, đâu có sớm!

– Con chắc sư huynh con chậm hơn con nhiều! Ngọc Lâm nói một cách rất trang trọng và quyết đoán.

– Sư huynh Ngọc Lam đã đưa lên cách đây ba hôm rồi! Hòa thượng trụ trì đưa tay chỉ vào chồng kinh cao ngất trên chiếc bàn đối

diện.

– Sư huynh chép xong đã ba ngày rồi? Ngọc Lâm kinh ngạc.

– Con đến dở ra mà xem, chữ ông ấy viết rất rõ ràng và đẹp đẽ!

Ngọc Lâm mở quyển kinh thứ nhất ra coi, thì ngay ở trang đầu đã thấy một hàng chữ rất ngay thẳng: “Sa Môn Ngọc Lam kính sao”!

– Quái thật? Ngọc Lâm tự hỏi.

Hòa thượng trụ trì hiểu rõ tâm trạng của Ngọc Lâm lúc ấy, liền an ủi:

– Con cũng chưa quá ngày hạn định, vả lại sư huynh đã xuất gia lâu năm hơn con, sự thật như vậy, con bất tất phải buồn!

– Bạch sư phụ, con không buồn – Ngọc Lâm gấp quyển kinh lại – không phải con thấy sư huynh hơn con mà con ghen ghét, trái lại,

không lúc nào con không mong cho sư huynh hơn con; nếu trí tuệ, đạo đức và tài năng của sư huynh đều hơn người, thì điều đó không những sư phụ vui mừng mà còn vẻ vang cả cho con, song thật con không biết sư huynh dụng công ở chỗ nào?

– Hàng ngày con chỉ thấy sư huynh ăn rồi ngủ?

– Con tưởng sư phụ cũng thừa biết điều đó!

– Vậy mỗi lúc sư huynh làm việc gì phải nói với mọi người mới được sao?

Ngọc Lâm không đáp. Hòa thượng trụ trì tiếp:

– Đại đa số chỉ thích xét người qua một khía cạnh, chỉ thích tìm những chỗ xấu của người mà không chú ý đến điểm tốt của họ, do đó mới thường khinh người. Ngọc Lâm, con là người thông minh mà cũng không hiểu được sư huynh con! Cõi đời này là một cõi vĩnh viễn không bao giờ phân biệt được đen, trắng, phải, trái; bao nhiêu người hiền tài đã bị hiểu lầm và mai một vì người đời không có mắt nhận xét, còn bao nhiêu kẻ tiểu nhân khéo trang diện bề ngoài, thì người ta cho là hiền nhân quân tử. Trên thế giới có người nào có trí nhận xét một cách chân chính? Sư huynh con bề ngoài tuy hiện tướng hình phàm nhưng trong tu mật hạnh của Bồ Tát, nếu dùng con mắt thế tục thì không thể nhận xét được sư huynh đâu!Ngày nay tuy trong đoàn thể xuất gia hết sức phức tạp, song trong đó không phải không có những vị Bồ Tát có đạo tâm lớn, họ không màng đến tiểu tiết, phóng đãng hình hài, vượt hẳn ra ngoài thế tình, nếu khinh khi họ, sẽ phải chịu tội báo!Nghe xong, Ngọc Lâm sững sờ, đứng ngây người như một pho tượng, một lát sau, với giọng ăn năn, thầy nói:

– Con thực cũng không hơn gì người đời, con đã lầm hiểu sư huynh, nay nghe sư phụ chỉ dạy, con thấy lòng xấu hổ vô cùng!

– Con biết thế là tốt lắm rồi! – Hòa thượng trụ trì gật lia lịa – Cuối cùng con vẫn có trí tuệ hơn người và một phong độ cao thượng; thầy rất hiểu tinh thần tự tôn, tự trọng và nhân cách đặc biệt của con, song so với sư huynh, thì con chỉ có thể xem được như một nửa người đệ tử của thầy mà thôi!Ngọc Lâm hổ thẹn, cúi đầu.

– Con yên tâm về dụng công thêm, con rất có phúc báo và thiện duyên, con chỉ cần cố gắng hơn nữa, sự nghiệp của con sẽ huy hoàng và tương lai nhất định sẽ hơn sư huynh!

– Con nguyện không phụ ân của Tam Bảo và không phụ lòng mong mỏi của sư phụ! Con sẽ làm theo lời sư phụ đã chỉ dạy!

– Được lắm! không biết sau này thầy còn sống để được thấy không! Thôi con hãy về nghỉ đi!

Ngọc Lâm bái biệt sư phụ rồi kéo lê những bước nặng nề trở về phòng riêng. Nửa tháng trời hí hửng đến đây là kết thúc, càng nghĩ lại, thầy càng thấy hổ thẹn, càng hổ thẹn, chàng càng thấy lòng ray rứt; tại sao từ trước đến giờ mình cứ khinh dễ sư huynh? Bây giờ chỉ còn cách lên trước bàn Phật để sám hối. Nghĩ thế rồi, Ngọc Lâm mặc áo chỉnh tề lên Đại Hùng Bảo Điện, ngồi trước tượng Phật Thích Ca có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, thành kính lễ bái; nhìn gương mặt từ bi, hỷ xã của đấng cha lành, tuy thầy có cảm giác lâng lâng, song vẫn không xua đuổi được lòng buồn phiền, tự trách.

Ngọc Lâm tự lẩm bẩm:

– Lẽ ra mình không nên coi thường sư huynh, bây giờ làm thế nào để sám hối người?