A. Chọn Tông và Thể
B. Làm sáng tỏ Tông
C. Nhân quả riêng chung của tất cả các Kinh
D. Luận về thô và tế
E. Tóm kết

Chương Ba: Minh Tông

(Huyền Nghĩa, Ch.9, T33, 794b -796c)

Tông là phân loại thứ ba của Trí Khải qua Ngũ Huyền khi chú giải kinh Pháp Hoa. Sau khi trình bày cái hiểu về pháp Phật qua mục Danh, và đã giữ vững hệ thống tư tưởng của mình khi cho thấy Chân Như là Thể qua mục Thể, trong mục nói về Tông thứ ba nầy, điều Trí Khải Đại Sư muốn lộ bày là yếu chỉ giáo pháp Phật qua nhân và quả Bồ Đề, bởi vì Tông tương quan với Thể : với Thể, Tông đứng vững; và với Tông, Thể được phơi bày.

A. Chọn Tông và Thể ( Chen Tsung Ti)

(T33, 794b-795a). Mặt thứ nhất,Trí Khải làm sáng tỏ mối tương quan giữa Tông và Thể. Đại Sư bác bỏ những lối nhìn sai lệch cho rằng Tông và Thể giống nhau, khi nói rằng cả hai chẳng giống mà cũng chẳng khác, chỉ phản ảnh sự hổ tương tùy thuận trong nhau. Không có Thể như Chân Như, Tông là cái nối kết nhân và quả Bồ đề không thể đứng vững; và không có Tông, Thể cũng không được lộ bày.

B. Làm sáng tỏ về Tông ( Cheng-ming Tsung)

(T33, 795a). Mặt thứ hai, Trí Khải nói về Tông như nhân và quả Bồ đề thuộc Tích Môn và Bản Môn đã được đề cập qua kinh Pháp Hoa. Đại Sư nói rằng Tông của kinh Pháp Hoa chỉ sự hội tụ của nhân và quả Bồ đề thuộc Bản Môn (trong nửa phần sau của bản kinh Pháp Hoa), và nhân quả Bồ đề thuộc Tích Môn (trong nửa phần trước của bản kinh Pháp Hoa).

C. Nhân quả riêng chung của tất cả các kinh (Chung-ching Yin-kuo Tung-i)

(T33, 795a-c). Mặt thứ ba, Trí Khải nói đến nhân quả được đưa ra trong tất cả các kinh, giống và khác với kinh Pháp Hoa. Tuy nhiên, Trí Khải nhấn mạnh rằng vấn đề nhân quả thuộc Bản Môn thì có một không hai. Về nhân quả thuộc Tích Môn, qua những kinh khác, Tông hoặc chỉ nhân, hoặc chỉ quả, hoặc chỉ cả hai nhân quả. Trí Khải giải thích rằng lý do Tông khác với nhiều kinh khác bởi vì những kinh nầy được thuyết cho tầng lớp thính chúng có căn tánh khác biệt. Về nhân quả thuộc Bản Môn, đó là điều độc đáo vì chỉ được thuyết trong kinh Pháp Hoa. Sự độc nhất vô nhị nầy tự đứng một mình giữa các kinh, thấy rằng vấn đề nhân quả trong những kinh khác vẫn còn là tương đối, thuộc Tích Môn. Điều nầy cho thấy rằng Tông của kinh Pháp Hoa chỉ nhân quả thuộc Bản Môn là những cái không có trong những kinh khác.

D. Luận về thô và tế ( Ming Tsu-Miao)

(T33, 795c-796a). Mặt thứ tư, Trí Khải nhấn mạnh trên sự siêu việt của nhân quả được nói qua kinh Pháp Hoa sánh với những kinh khác. Sự xác định về thô hoặc tế nằm ở câu hỏi rằng các bậc Thanh văn và Bồ tát đã vào được hoặc chưa vào được nhân Bồ đề viên mãn, và đồng thời đạt đến chứng ngộ như quả Bồ đề tối thượng. Trí Khải nhìn kinh Pháp Hoa là bản kinh vi diệu, nhân viên mãn và quả tối thượng, không sử dụng phương tiện khế cơ. Tuy nhiên, trong cái nhìn về nhân quả hoặc thô hoặc tế có thể đưa hành giả đến chỗ chứng ngộ Bồ đề, thì tất cả đều vi diệu. Sự nhận biết được điều tuyệt đối vi diệu nầy có từ sự mở thô ra mà nhìn được tế vậy, do đó, vấn đề nhân quả thô trong những kinh khác được giải quyết mà trở thành vi diệu.

E. Tóm kết

(T33, 796a-c). Mặt thứ năm, Trí Khải tóm kết các loại nhân quả khác nhau như bảng chỉ dẩn về tiến trình của hành giả trên đường hướng về Chân Như. Trước hết, đây là chỗ quán sát những thứ bậc thực hành qua nhân và quả. Theo Trí Khải, Thập Trụ là nhân tương quan với Thập Hạnh, và Thập Hạnh là quả. Thập Hạnh là nhân tương quan với Thập Hồi Hướng, và Thập Hồi Hướng là quả. Thập Hồi Hướng là nhân tương quan với Thập Địa, và Thập Địa là quả. Thập Địa là nhân tương quan với Đẳng Giác, và Đẳng Giác là quả. Đẳng Giác là nhân tương quan với Diệu Giác, và Diệu Giác là quả.

Thứ hai, Trí Khải phân biệt các loại nhân quả khác nhau qua bốn trường hợp : Tiệm và Viên, Viên và Tiệm, Tiêm và Tiệm, và Viên và Viên.

(i) Tiệm và Viên : Hành giả đi từ tiệm tiến vào viên mãn qua những phương pháp tu tập khác nhau. Vì thế, nhân và quả ở đây gọi là Tiệm và Viên.

(ii) Viên và Tiệm : bước đầu và điểm sau cuối viên thành, nhưng ở chặng giữa, hành giả phải tiến dần qua những quả vị khác nhau. Vì thế, nhân và quả ở đây gọi là Viên và Tiệm.

(iii) Tiệm và Tiệm : Hành giả tiến từ Thập Trụ thẳng đến Đẳng Giác. Vì thế, nhân và quả ở đây gọi là Tiệm và Tiệm.

(iv) Viên và Viên : chân lý viên mãn viên thành ở điểm đầu tiên như nhân Bồ đề và chứng đắc Diệu Giác như quả Bồ đề. Vì thế, nhân và quả ở đây gọi là Viên và Viên. Trí Khải nói rằng bốn trường hợp nầy đi qua một tiến trình đã được thuyết ra trong kinh Pháp Hoa, bắt đầu với điểm sơ khởi Tiệm và Viên, hoàn tất ở điểm Viên và Viên sau cùng.