HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch

 

Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH

(TT)

 

NGÀY THỨ SÁU, THẤT THỨ NHẤT

14 tháng Giêng Quí Tỵ (27/2/1953)

Người xưa nói: “Ngày tháng tợ thoi đưa, thời giờ như tên bắn” mới đả thất đó thì sáng mai là giải thất rồi. Theo quy cũ, sáng mai cần phải khảo sát công phu, bởi vì đả thất tức là hành pháp theo đúng kỳ hạn để thủ chứng. Chứng, có nghĩa là chứng ngộ, thấy được chỗ “Bản địa phong quang” của chính mình, ngộ được cái “Diệu Tính Như Lai”, cho nên gọi là chứng ngộ. Khảo sát công phu nghĩa là xem xét trong thời gian bảy ngày qua, công phu của các ông đã đạt đến trình độ nào, buộc các ông phải ra trước đại chúng mà thổ lộ. Bình thường trong những lúc chấm công, đem bao tiền ra phát, ai cũng phải được dò xét, mỗi người chúng ta khi dự đả thất cần phải khai ngộ, ai cũng có khả năng hoằng dương Phật pháp, độ hết chúng sinh trong tâm mình.

Hiện giờ, không thể nói là người nào cũng khai ngộ. Ai khai ngộ rồi mới có thể nhận tiền công, nên mới bảo là “Nhiều người ăn cơm, mà một người trả tiền”. Nếu như bọn chúng ta phát khởi đạo tâm tinh tấn, thì có thể là ai ai cũng khai ngộ. Người xưa nói: ‘Phàm phu thành Phật là chuyện dễ, nhưng trừ bỏ vọng tưởng mới là chuyện khó”. Chỉ vì tôi và các ông từ vô thủy đến giờ, tham ái quá lẫy lừng, trôi nổi theo dòng sinh tử, chui vào trong tám vạn bốn ngàn trần lao, những tập khí xấu buông chẳng nổi nên chẳng được ngộ đạo. Chẳng giống như chư Phật và Bồ tát thường giác chẳng mê. Cho nên ngài Liên Trì nói:

“Duyên ô nhiễm dễ huân, đạo nghiệp khó thành. Chẳng rõ muôn duyên sai biệt trước mắt. Chỉ thấy gió cảnh mênh mông thổi làm điêu tàn cả rừng công đức. Lửa tâm hừng hực, thiêu rụi hột giống Bồ-đề. Đạo tâm nếu mạnh như thức tình thì chắc thành Phật lâu rồi. Bởi vì chúng ta hay biện biệt việc này việc nọ. Nếu chẳng thấy điều quấy của người, chẳng thấy việc hay của mình thì tự nhiên trên cung dưới kính, Phật pháp luôn luôn hiện tiền, phiền não trần lao đều được giải thoát”.

Trong mười câu trên đã trình bày sự việc hết sức rõ ràng, chân thật. Nhiễm ô là cảnh giới của phàm phu, thảy đều tham nhiễm tài sắc danh lợi, sân hận đấu tranh. Đối với hai chữ đạo đức coi như hòn đá buộc chân. Từ sáng đến chiều, mừng, buồn vui, tham ái cảnh phú quí vinh hoa, các thế tình chẳng đoạn, một chút niệm thôi dứt không có, cho nên rừng công đức bị điêu tàn, hạt giống Bồ-đề bị cháy rui. Nếu xem tình đời lợt lạt, hết thảy thân hữu oan gia đều thấy bình đẳng. Chẳng sát sinh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng vọng ngữ, chẳng uống rượu. Đối với tất cả chúng sinh, cư xử bình đẳng không phân biệt. Thấy người đói như chính mình đói, thấy người chìm đắm như mình chìm đắm… phát khởi tâm Bồ đề như thế thì mới có thể cùng đạo tương ưng, cũng có thể thành Phật tức khắc. Nên nói: “Đạo niệm nếu bằng tình niệm thì thành Phật đã lâu”.

Chư Phật cùng với Hiền thánh ứng hiện ở thế gian, tất cả đều vì phục vụ chúng sinh, nên mới gọi là “cứu khổ ban vui”, khởi lòng từ giúp đỡ. Các ông và tôi cần nên “Khắc kỷ phục lễ” làm việc không vì sự thọ hưởng của mình. Được vậy, chúng ta ai cũng đều không khốn khổ, làm việc gì cũng có thể hoàn tất. Đồng thời, bản thân các ông cũng nhờ đó mà được quả thù thắng viên mãn.

Như khi nước sông dâng thì thuyền cũng được dâng cao, các ông nếu biết dùng tâm từ bi, lòng cung kính đối với mọi người, không tự cao tự đại, không kiêu ngạo giả dối thì mọi người nhất định sẽ cung kính lễ độ đối với ông. Ngược lại, nếu ỷ tài coi thường thiên hạ, hoặc miệng nói phải mà tâm làm quấy, chỉ biết toan tính danh lợi theo thinh sắc, thì cho dù người đời có cung kính ông, e chỉ là giả dối mà thôi.

Thế nên, Đức Khổng Tử nói: “Kính người thì được ngươi kính. Yêu người thì được người yêu”. Lục Tổ dạy: “Người quấy ta đừng quấy, mình sai thì nên sửa sai”. Cho nên tất cả chúng ta, điều cần nhất là chớ sinh tâm thị phi, khởi lòng phân biệt mình người, nên noi gương chư Phật và Bồ tát mà phụng sự chúng sanh, thì hạt giống bồ đề sẽ được gieo rắc khắp nơi, quả ngọt lúc nào cũng thu hoạch được. Phiền não tự nhiên trói buộc các ông chẳng nổi.

Đức Thế Tôn dạy nhiều đến Tam tạng, Mười hai bộ Kinh… tất cả đều vì ba độc Tham, Sân, Si của tôi và các ông. Điều trọng yếu của Tam tạng và Mười hai bộ Kinh là Giới, Định, Huệ tức là nhân quả, cốt để chúng ta ngăn trừ tham dục, khởi lòng hỷ xả, thực hành Lục độ vạn hạnh, phá bỏ tà kiến ngu mê, viên mãn trí huệ, đức tướng, trang nghiêm pháp thân công đức. Nếu có thể y theo đây xử thế, vì người, lợi người thì dù ở bất cứ nơi nào cũng là thế giới Hoa tạng cả.

Ngày hôm nay, người tham dự đả thất phần đông là cư sĩ, chúng ta cần phải khéo léo hàng phục tâm mình, khẩn thiết trừ bỏ những thứ trói buộc. Tôi xin nói thêm một công án để làm gương, bởi vì các ông đều là những người phát lòng tin mãnh liệt muốn đến chỗ chứa kho tàng. Tôi nếu không cho các ông giải thoát, sợ các ông không đến được chỗ có kho báu, trở về tay không thì khó tránh khỏi việc làm phụ lòng tin các ông. Mong các ông tĩnh tâm lắng nghe.

“Thuở trước, thời Đường có một cư sĩ tên Uẩn họ Bàng, tự là Đạo Huyền, người đất Hoành Dương, Hổ Nam. Cư sĩ vốn theo nghiệp Nho, thuở nhỏ đã ngộ được trần lao nên nuôi chí cầu đạo chân thật… Niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu (785), ông nghe danh Hòa thượng Thạch Đầu bèn đến yết kiến, hỏi rằng: – “Ai là người không cùng muôn pháp làm bạn?”. Thạch Đầu liền lấy tay bịt miệng ông. Bàng Uẩn ngay đó có chút tỉnh ngộ. Một hôm, Hòa thượng Thạch Đầu hỏi: “Ông từ khi gặp lão Tăng đến nay, hằng ngày làm việc gì?” Bàng thưa: “Nếu hỏi việc hằng ngày thì không có chỗ mở miệng”. Rồi trình bài kệ như thế này:

Nhật dụng sự vô biệt
Duy ngô tự ngẫu hài
Đầu đầu phi thủ xả
Xứ xứ một trương quai
Chu tử thùy vi hiệu
Khưu sơn tuyệt điểm ai
Thần thông tinh diệu dụng
Vận thủy cập ban sài.

Hằng ngày không việc khác
Tôi chỉ sống tùy duyên
Mọi việc không thủ xả
Nên chẳng gặp phải phiền
Tía hồng mặc người gọi
Núi gò bặt bụi trần
Bửa củi là diệu dụng
Gánh nước là thần thông.

Thạch Đầu chấp nhận và hỏi:

– Ông muốn xuất gia hay tu cư sĩ?

Bàng nói:

– Xin cho con được giữ nguyện không xuất gia.

Về sau, Bàng đến tham vấn Mã Tổ hỏi:

– Ai là người chẳng cùng muôn pháp làm bạn?

Tổ đáp:

– Đợi ông uống một hớp cạn dòng Tây Giang, ta sẽ nói cho ông biết.

Bàng liền đốn ngộ huyền chỉ, ở lại tham học với Mã Tổ hai nàm.

Cư sĩ từ khi tham thấu được “bản lai nhân” về sau không làm gì nữa, từ sáng đến chiều chỉ chuyên đan sáo tre để mưư sinh, gia tài có đến muôn quan, tiền vàng tiền bạc, ông đem liệng hết xuống sông Tương. Một hôm, hai vợ chồng cùng ngồi bàn luận về pháp vô sinh, ông bảo:

– Nan nan nan, thập thạch du ma thọ thượng than.

(Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên đầu cây vuốt)

Bà vợ nói:

– Dị dị dị, bách thảo đầu thượng Tổ sư ý

(Dễ dễ dễ, trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư)

Cô con gái tên Linh Chiếu nghe cha mẹ bàn, cười nói:

– Dã bất nan, dã bất dị, cơ lai ngật phạn, khốn lai thùy.

(Cũng không khó, cũng không dễ, đói ăn cơm, mệt ngủ khì).

Từ đó, biện tài ông càng sắc bén, tiếng đồn vang dội khắp nơi. Một hôm, ông đến thăm Dược Sơn, lúc từ giả, Dược Sơn sai mười vị thiền khách tiễn ông ra cửa, ông chỉ tuyết lơ lửng giữa trời nói:

– Tuyết đẹp! Từng mảnh, từng mảnh không rơi vào chỗ khác.

Một Thiền khách tên Toàn hỏi:

– Rơi ở đâu?

Ông cho Toàn một bạt tai. Toàn nói:

– Cũng chẳng nên lếu láo.

Ông bảo:

– Sao gọi là Thiền khách? Lão Diêm la chưa tha cho ông đâu!

Toàn nói:

– Cư sĩ làm gì vậy?

Ông lại tát tai nói:

– Có mắt như mù, có miệng như câm.

Bàng còn lui tới những chỗ giảng Kinh Luật. Một hôm, nghe vị pháp sư giảng Kinh Kim Cang, đến chỗ “không ngã không nhân”, liền hỏi: “Thưa Tọa chủ, đã không ngã không nhân thì ai giảng ai nghe vậy?”. Tọa chủ không đáp được. Ông bảo: – “Tôi tuy là người thế tục nhưng cũng biết được chút đỉnh” Tọa chủ hỏi: “Theo ý cư sĩ thì thế nào?” ông dùng kệ đáp:

Vô ngã phục vô nhân
Tác ma hữu sơ thân
Khuyến quân hưu lịch tọa
Bất tợ trực cầu chân
Kim Cang Bát Nhã tánh
Ngoại tuyệt nhất tiêm trần
Ngã văn tịnh tín thọ
Tổng thị giả danh trần.

Không ngã lại không nhân
Làm gì có sơ, thân
Khuyên Thầy đừng ngồi mãi
Đâu bằng thẳng cầu chân
Tánh Kim Cang Bát Nhã
Chẳng dính một mảy trần
Tôi nghe và tin nhận
Thảy đều giả đanh trần.

Tọa chủ nghe xong hoan hỷ khen ngợi.

Một hôm, cư sĩ hỏi Linh Chiếu:

– Người xưa nói: “Rõ ràng đầu trăm cỏ, rõ ràng ý Tổ sư”, con hiểu như thế nào?

Linh Chiếu nói:

– Ông già đã lớn tuổi rồi mà còn nói như vậy.

Cư sĩ hỏi:

– Con thì sao?

Chiếu đáp:

– Rõ ràng đầu trăm cỏ, rõ ràng ý Tổ sư.

Long Uẩn cười.

Lúc sắp nhập diệt, ông bảo Linh Chiếu:

– Con ra xem mặt trời đã đứng ngọ chưa?

Linh Chiếu bước ra xem rồi quay vào nói:

– Trời đã đúng ngọ nhưng lại bị nguyệt thực, sao cha không ra xem thử?

Cư sĩ tưởng là thật, rời tòa ngồi ra cửa xem. Trong lúc ấy Linh Chiếu liền lên tòa của cha ngồi kiết già chấp tay thị tịch. Cư sĩ trở vào thấy Linh Chiếu đã mất than rằng: “Con gái lanh lẹ quá, đi trước ta rồi!” Ông đành hoãn lại bảy ngày nữa.

Quan Châu Mục là Vu Công đến thăm bệnh ông. Cư sĩ bảo: “Chỉ mong không các cái có, cẩn thận đừng cho những cái không là thật. Khéo sống giữa đời, tất cả như bóng vang”. Nói xong ông nằm gác đầu trên gối Vu Công mà hóa. Theo lời di chúc, người ta mang thi hài ông đem thiêu và đổ tro xuống sông Tương. Bà vợ ông được tin liền báo cho con trai hay. Cậu con trai nghe nói đứng chống cuốc, tựa trán vào đó mà tịch. Bà mẹ thấy vậy cũng tự ẩn đi”.

Các ông xem, cả nhà họ Bàng gồm bốn người, đều có được những thần thông diệu dụng như thế, đủ để các ông tin là làm cư sĩ cao quí biết bao! Bây giờ, chớ nói là trong hàng cư sĩ các ông không có nhân tài giống vậy, mà cả hai chúng xuất gia, cũng chẳng khác gì Hư Vân này. Mong các ông hãy nỗ lực, tinh tấn.

THẤT THỨ NHẤT HOÀN MÃN

Rằm tháng giêng, Quý TỊ (28/2/1953)

Xin chúc mừng quí vị công đức bảy ngày hôm nay đã viên mãn, những ai đã chứng ngộ, chiếu theo quy củ nên thăng đường để khảo thí. Hôm nay, mới thật là một ngày yết bản, cần phải vui mừng. Nhờ Thường trụ quá từ bi nên sáng mai lại tiếp tục đả thất nữa, giúp cho chúng ta có thể gắng công tiến bước. Chư vị lão tham đều đã biết đường, gặp thắng duyên đều không bỏ thời giờ trôi suông. Riêng các vị mới phát tâm tu tập cần phải biết: “Thân người khó được, sinh tử là việc lớn”. Chúng ta đã được thân người, phải hiểu là Phật pháp khó được nghe, bậc thiện tri thức không dễ gặp. Hôm nay chư vị đã đích thân đến bảo sơn, nên nương duyên lành này nỗ lực tu, chớ để trở về tay không. Pháp trong tông môn, tôi đã giảng qua, lúc Đức Thế Tôn đưa cành hoa trước đại chúng, từ đời này sang đời khác đều từ cội nguồn đó mà lưu truyền đến ngày nay. Tôn giả A-nan tuy là em Phật, theo Phật xuất gia làm thị giả nhưng lúc Phật trụ thế vẫn chưa đại triệt đại ngộ. Đến khi Phật diệt độ rồi, các huynh đệ không bằng lòng cho Tôn giả vào dự hội kết tập Kinh. Ngài Ca-diếp bảo: “Ông chưa được tâm ấn của Thế Tôn, xin mời ra lật ngược cây cột cờ trước sân kia!”… Ngài A-nan liền đại ngộ. Tôn giả Ca-diếp bèn đem tâm ấn của Như Lai giao cho ngài A-nan làm vị Tổ thứ hai ở Ân Độ, trải qua nhiều đời đến tổ Mã Minh, Long Thọ sau này.

Đời Bắc Tề, ngài Thiên Thai nhân xem quyển Luận Trung Quán của Tổ Long Thọ, liền phát minh tâm địa lập ra Tông Thiên Thai. Bấy giờ Tông môn đặc biệt hưng thạnh, về sau, Tông Thiên thai bị suy vi. Đến Quốc sư Thiều, nhân xem được bản phiên dịch của Cao Ly mới hưng khởi lại.

Sư Đạt-ma là vị Tổ thứ 28 ở Ấn Độ, sang miền Đông truyền pháp ,làm vị Tổ đầu tiên Trung Hoa. Từ đó truyền đến Ngũ Tổ, thắp sáng đèn tâm. Dưới Lục Tổ có 43 người được khai ngộ. Từ ngài Thanh Nguyên Hành Tư, Nam Nhạc Hoài Nhượng truyền đến Mã Tổ, lại xuất hiện 83 người, chánh pháp được chấn hưng, quốc vương, đại thần thảy đều tôn kính. Cho nên Như Lai thuyết pháp tuy nhiều nhưng chỉ có Tông này là vượt trội nhất.

Như pháp môn niệm Phật cũng do Ngài Long Thọ, Mã Minh tán dương. Sau thời Tổ Huệ Viên, Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ cũng là vị Tổ thứ sáu của tông Tịnh Độ. Sau này Tịnh Độ Tông cũng nhờ các Thiền Sư hoằng dương.

Còn pháp tu Mật tông do Thiền sư Nhất Hạnh hoằng dương, sau truyền sang Nhật Bản, nước ta không có người thừa kế.

Tông Từ Ân (Pháp Tướng) do Pháp sư Huyền Trang sáng lập chẳng bao lâu thì dứt tuyệt. Chỉ có Thiền tông nguồn xa dòng lớn, thiên thần đến quy y, cọp rồng đều nép phục. Lữ Đồng Tân trong hội Bát tiên, có biệt hiệu là Thuần Dương, là người Kinh Châu. Vào cuối đời Đường, ông đi thi ba lần chẳng đậu, bèn quay về nhà. Lúc ghé vào quán rượu Trường An, tình cờ gặp Chung Ly Quyền dạy cho thuật trường sinh. Đồng Tân bèn theo pháp đó tu hành, về sau bay đi tự tại, vân du khắp thiên hạ.

Một hôm ông đến chùa Hải Hội Lô Sơn, viết lên vách lầu chuông bốn câu kệ:

Nhất nhật thanh nhàn tự tại thân
Lục thần hòa hợp bảo bình an
Đan điền hữu bảo hưu vấn đạo
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Ngày một thanh nhàn thân tự tại
Sáu thần hòa hợp báo bình an
Đan điên có ngọc thôi hỏi đạo
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.

Chẳng bao lâu ông đi ngang núi Hoàng Long, thấy mây đẹp giăng như hình chiếc lọng, nghĩ có bậc dị nhân ở đây, bèn vào yết kiến. Gặp lúc chuông trống gióng vang, ngài Hoàng Long thăng tòa, Lữ bèn theo mọi người vào Pháp Đường nghe giảng.

Hoàng Long nói:

– Hôm nay có kẻ đến trộm pháp, lão Tăng không nói đâu.

Đồng Tân bèn bước ra thi lễ, nói:

– Thế nào là trong một hạt thóc chứa cả thế giới, trong cái chảo nửa thăng nấu cả núi sông?

Ngài Hoàng Long mắng:

– Đó là đồ quỷ giữ thây.

Đồng Tân nói:

– Làm sao trong chiếc túi này lại có thuốc trường sinh bất tử?

Hoàng Long bảo:

– Dù có sống tám muôn kiếp, chưa khỏi lạc vào ngoan không.

Đồng Tân quên béng cái công phu “Đối cảnh vô tâm chẳng hỏi Thiền”, nổi sân bừng bừng, phóng kiếm chém ngài Hoàng Long. Hoàng Long đưa tay chỉ một cái, kiếm rơi xuống đất. Đồng Tân không lượm kiếm lên được bèn lễ bái xin sám hối, thưa hỏi Phật pháp, ngài Hoàng Long nói:

– Không hỏi chuyện chiếc chảo nửa thăng nấu cả núi sông, chỉ hỏi: Trong một hạt thóc chứa cả thế giới là thế nào?

Đồng Tân ngay đây liền khế hội huyền chỉ, đọc bài kệ sám hối:

Khí khước biểu nang kích toái cầm
Tùng kim bất luyến hống trung kim
Tự tùng nhất kiến Hoàng Long hậu
Thủy giác đương niên thác dụng tâm.

Bỏ quách bị bao, đập nát đàn
Từ nay chẳng thiết luyện bạc vàng
Sau khi gặp được Hoàng Long dạy
Mới biết lâu nay dụng công lầm.

Đó là chuyện một vị Tiên qui y Tam bảo, xin gia nhập vào hàng Hộ pháp Già-lam. Đạo giáo nhờ tay của Đồng Tân mà được hưng khởi, làm Bắc Ngũ Tổ. Tử Dương chân nhân nhờ xem Tổ Anh Tập mà sáng được tâm địa, làm Nam Ngũ Tổ. Cho nên Đạo Lão cũng là một Tông môn tiếp nối  theo của Phật giáo vậy.

Đạo của Đức Khổng Tử đến Mạnh Tử thì bị thất truyền. Mãi đến triều Tống, ông Chu Liêm Khễ phát minh được tâm địa nơi cửa Thiền, ông Trình, ông Trang, ông Chu đều theo Phật pháp. Thế nên Tông môn đã có công giúp cho Nho, Đạo mọi thời cơ. Hiện nay nhiều người khinh thị Thiền tông, thậm chí còn hủy báng, thật là tạo nghiệp vô gián. Các ông và tôi hôm nay có duyên lành, gặp được nhân duyên thù thắng, cần phải sinh lòng đại hoan hỷ, phát thệ nguyện lớn, mọi người nên thực hành đến chỗ trời rồng phải quy y, khiến cho chánh pháp được hưng thịnh mãi, chớ xem như trò đùa trẻ con. Hãy tinh tấn dụng công.

NGÀY ĐẦU TIÊN, THẤT THỨ HAI

16 tháng Giêng Quí Tỵ (1/3/1953)

Hư Vân này đến đây quấy rối quý vị. Nhờ Hòa thượng cùng các vị Sư Ban thủ đặc biệt ưu đãi. vì quá khao khát nên hôm nay lại mời tôi làm chủ Pháp hội. Cái danh dự này thật tình tôi không dám đảm nhận.

Hiện có Lão pháp sư Ứng Từ, tuổi cao hạ lớn, lẽ ra phải mời Ngài đến lãnh đạo mới đúng lý. Đồng thời trong chúng thường trụ đây, các vị pháp sư cũng rất đông, đều là những bậc học đức kiêm ưu.

Tôi như cánh bèo trôi trên mặt nước, là một kẻ vô dụng. Hôm nay vì tôi là người lớn tuổi, quý vị lại có lòng hiếu khách, nhưng đây thật là một chuyện lầm lẫn. Bởi trong thế pháp còn không luận tuổi tác lớn nhỏ nữa là…!

Như ngày xưa khi triều đình mở khoa thi tuyển, chẳng luận tuổi nhiều hay ít, đối với vị Chủ khảo mọi người đều phải tôn là Lão Sư (thầy giáo) và ai cũng phải tôn kính, chẳng kể tuổi tác. Trong pháp Phật lại càng hơn thế. Như Bồ Tát Văn Thù, vào thời quá khứ lâu xa về trước đã từng thành Phật, đã từng giáo hóa cho 18 vị vương tử. Đức Phật Thích Ca cũng từng làm đồ đệ của Bồ tát. Đến khi Đức Thích-ca thành Phật, ngài Văn Thù lại thị hiện đến giúp đỡ… đủ để thấy bình đẳng rất mực, không có cao thấp. Cho nên hôm nay, xin quí vị chớ hiểu sai.

Hiện tại về phương diện tham học thì chúng ta cần phải tôn trọng phép tắc qui củ. Trên Thường trụ đã phát khởi đạo tâm, giảng Kinh đả thất, hoằng dương Phật pháp, thật là hi hữu, duyên lành khó có. Quí vị đều không ngại phong trần, chẳng ngại mệt nhọc. Có những vị rất ư bận rộn cũng tự nguyện đến tham gia, đủ để thấy ai cũng có cái tâm chán phiền thích tĩnh. Xưa nay các ông và tôi đều có cùng một tâm. Chỉ vì liên quan đến mê và ngộ nên có chúng sinh và Phật.

Chúng ta suốt ngày bận rộn không một phút giây rỗi rảnh. Nếu có suy nghĩ, chỉ toàn là nghĩ những điều vô ích. Đa số con người sống trên thế gian, cả đời bôn ba, ngày đêm mê muội, luôn mơ tưởng chuyện ăn no mặc ấm, đắm say ca vũ, đa phần mong con cháu mình được giàu sang phú quý, muôn đời vinh hoa. Ngay cả khi hơi thở ra không trở vào, dù họ có chết thành ma, lòng vẫn còn muốn bảo hộ vợ con, tài sản… được hưng vượng. Những người này quả thật là ngu si hết sức! Lại có nhiều người, biết được chút đỉnh thiện ác, nhân quả, muốn tạo công đức, nhưng chỉ biết làm chay cúng dường, hoặc sơn phết tượng Phật hay sửa chùa miếu… đây đều thuộc gieo nhân hữu lậu, mong cầu phước báo đời sau. Vì họ không hiểu được sự quí báu của công đức tu hành (vô lậu) nên mới bỏ qua không thực hành.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói: “Nếu có người chỉ ngồi tĩnh tọa trong khoảnh khắc, còn hơn kẻ xây tháp bảy báu hằng sa”. Bởi vì pháp ngồi tĩnh tọa có thể giúp chúng ta thoát ly trần lao, khiến thân tâm an lạc, tự tánh được viên minh, liễu sinh thoát tử. Trong khoảnh khắc tức là trong thời gian một sát-na, nếu người dùng tâm thanh tịnh, phản chiếu hồi quang, ngồi trong khoảnh khắc, dù chẳng ngộ đạo nhưng đã gieo được hạt giống chánh nhân Phật tánh, thế nào cũng có ngày thành tựu, hoặc trong khoảnh khắc công phu đắc lực cũng có thể thành Phật. Cho nên trong Kinh Lăng Nghiêm, Tôn giả A Nan nói: “Không cần trải qua vô số kiếp mà được pháp thân”.

Chỉ vì tôi và các ông cùng bao người, bình thường toàn ở trong ngũ dục, trần lao, mừng vui theo được mất, toàn mưu toan hưởng lạc. Nhưng hôm nay, Thiền Đường này, trong thời gian chỉ tịnh. Dòm không thấy, lắng chẳng nghe, đối với cửa sáu căn cũng giống như con rùa co rút hết các chi vào vỏ, mặc tình cảnh giới quấy nhiễu, các ông cũng bất động, tức là tu pháp vô vi, cũng là pháp vô lậu. Cho nên dùng bảy báu như vàng bạc… để xây tháp dầu nhiều như cát sông Hằng, vẫn không bằng công đức một khoảnh khắc ngồi yên nhiếp tâm.

Con rùa đen rút hết các chi vào mai là một thí dụ. Bởi vì loài hái cẩu săn mồi, thấy rùa đang bò trên bãi biển, bèn bắt lấy định ăn. Rùa biết hải cẩu muốn ăn thịt mình, bèn rút hết bốn chân, đầu, đuôi vào mai. Hải cẩu thấy không làm gì được rùa, chỉ mất công cay đắng liền bỏ đi. Bấy giờ rùa được thoát nạn. Chúng ta sống trên thế gian này, những người không tiền thì suốt đời bận rộn chuyện áo cơm, kẻ giàu sang thì đắm say sắc dục không rứt ra được. Thế thì cũng giống như bị hải cẩu bắt ăn thịt. Nếu hiểu được sự nguy hại và biết thu nhiếp sáu căn, hồi quang phản chiếu, thì có thể trong cái chết được sống lại.

Hai ngày trước tôi có nói qua về chánh pháp nhãn tạng, là tâm pháp Như Lai, là căn bản của viêc liễu sinh thoát tử. Pháp môn giảng Kinh, tuy là giúp người phát khởi lòng tin, nhưng muốn liễu sinh tử thì cốt yếu vẫn là bản thân phải trải qua việc tu hành chứng ngộ, đây là điều rất khó. Trong tông môn không những các Tỳ kheo và hàng Cư sĩ có công hạnh không thể nghĩ bàn, mà trong giới Tỳ kheo ni cũng có những bậc nhân tài vĩ đại.

Hiện nay trong quí vị cũng có nhiều Ni chúng. Vì sao không hiển tay mắt biểu hiện chánh pháp thay cho tiền nhân? Nên biết Phật pháp bình đẳng, các vị phải nỗ lực, không nên sinh lòng lui sụt, làm uổng phí duyên lành.

Người xưa nói: “Bách niên tam van lục thiên nhật. Bất phóng thân tâm tĩnh phiến thời” (Trăm nám ba vạn sáu ngàn ngày. Chẳng chịu buông hết thân tâm cho yên tĩnh?). Các ông cùng tôi từ vô lượng kiếp đến nay trôi nổi trong sinh tử, chỉ vì không chịu buông nên cam chịu luân hồi, chẳng được giải thoát.

Vì vậy các ông cần phải buông bỏ thân tâm đến chỗ yên tĩnh, hy vọng là thùng sơn lũng đáy cùng chứng vô sanh pháp nhẫn.

NGÀY THỨ HAI, THẤT THỨ HAI

17 tháng Giêng, Quí Tỵ (2/3/1953)

Hôm nay là ngày thứ Hai của thất thứ Hai, trong thời gian ngắn ngủi này quí vị đến tham gia càng ngày càng đông, đủ thấy dân Thượng Hải thiện tâm thuần thục, phước đức sâu dày, và cũng đủ thấy mọi người đều chán phiền thích tĩnh, muốn bỏ khổ theo lạc.

Xưa nay, con người sinh ra trên đời khổ nhiều vui ít. Thời gian trôi nhanh, mấy chục năm dài loáng qua như chớp mắt. Dù có sống lâu đến 800 tuổi như cụ Bành Tổ thì nhìn theo pháp Phật vẫn còn rất ngắn. Hãy xem trong đời những người sống được 70 tuổi xưa nay thật hy hữu. Các ông và tôi đến nay đã chứng kiến bao cảnh ngắn ngủi như huyễn như hóa nên không còn lưu luyến. Những vị đã đến tham gia thiền thất này quả thật đã có căn lành đời trước, Pháp tu hành chỉ quí ở tâm lâu bền.

Tất cả chư Phật và Bồ tát trong quá khứ không ai mà không trải qua nhiều kiếp tu hành mới được thành công.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, nơi Chương Viên Thông, Bồ Tát Quán Thế Âm nói: “Con nhớ lại trong vô số hằng sa kiếp về trước, có Đức Phật xuất hiện trên đời tên là Quán Thế Âm. Con ở nơi Đức Phật đó phát tâm Bồ đề. Ngài dạy con hành theo pháp Văn, Tư, Tu mà vào tam muội.

Dẫn đoạn Kinh này để thấy Bồ Tát Quán Thế Âm không phải ngày một ngày hai mà thành. Đồng thời Ngài còn công khai đem pháp môn đã tu, giảng cho chúng ta nghe. Đây là pháp đệ nhất trong 25 pháp viên thông trên Hội Lăng Nghiêm. Cách dụng công của Ngài là nhờ Văn, Tư, Tu mà vào được tam muội Nhĩ căn viên thông (nước ta gọi là Chánh định). Ngài nói tiếp: “Mới đầu ở nơi tánh nghe, vào dòng thì quên mất”. (Sơ ư văn trung, nhập lưu vong sở).

Phương pháp này là đem nhĩ căn nghe trở lại tự tính (phản văn văn tự tánh), chẳng để sáu căn chạy theo sáu trần, cần thâu nhiếp sáu căn vào trong pháp tánh. Cho nên Ngài nói: Chỗ vào đã tịch tĩnh thì hai tướng động tịnh tất nhiên chẳng sinh” (Sở nhập ký tịch, động tĩnh nhị tướng liễu nhiên bất sinh).

Lai nói: Như thế tăng dần lên, cái nghe và cái bị nghe đều hết, nhưng cũng chẳng trụ nơi chỗ hết nghe này”. Câu này có ý nhắc chúng ta đem cái công phu “phản văn” chẳng để ngưng trệ mà phải thứ lớp tăng dần lên, cần gia tăng thêm công hạnh mới được: “Giác và sở giác đều không. Giác được cái không đã viên mãn rồi thì năng không và sở không đều diệt, Sinh diệt diệt rồi thì tịch diệt hiện tiền” Đến cảnh giới này là tự đem công phu phản văn văn tự tánh, tất cả những thứ sinh diệt diệt hết rồi, thì chân tâm hiện tiền. Tức là nói: “Cuồng tâm chợt dừng, dừng tức Bồ dề”. Bồ tát Quán Thế Âm đã đến cảnh giới này, Ngài nói: Bỗng nhiên siêu việt khỏi cảnh giới của thế gian và xuất thế gian. Mười phương tròn sáng, được hai điều thù thắng:

1. Trên hợp với bản tâm diệu giác của chư Phật, đồng một lực tu với Đức Như Lai.

2. Dưới hợp mười phương sáu đường chúng sanh, cùng các chúng sinh đồng một tâm bi ngưỡng.

Chúng ta hôm nay, học Phật tu hành, trước hết phải tự mình dụng công phu cho tốt, đem hết những tính chúng sinh như tham, sân, si… độ tận hết. Chứng được chân tâm diệu giác thanh tịnh xưa nay, rồi sau mới Thượng hành hạ hóa như 32 ứng thân của Bồ tát Quán Âm, mới có sức mạnh và năng lượng tùy loài hóa độ. Cho nên Bồ tát Quán Âm hoặc hiện thân đồng nam, đồng nữ ở thế gian, người đời không biết công hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm là đã thành Phật, không còn các tướng nam, nữ, ngã, nhân… Ngài chỉ tùy theo căn cơ chúng sinh mà ứng hiện.

Những ai nghe danh Bồ tát Quán Thế Âm mà khởi lòng thương kính, là do trong đời quá khứ họ đã từng trì niệm Thánh hiệu của Ngài. Hạt giống lành này đã có sẵn trong ruộng Bát thức nên gặp duyên là hiển hiện. Bởi vậy Kinh nói: Vừa vào nhĩ căn thì vĩnh viễn thành hạt giống đạo”. (Nhất nhập nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng).

Các ông và tôi hôm nay đến đây huân tu, cần phải y nơi pháp Tối thượng thừa mà chư Phật Bồ Tát đã tu đã chứng. Phương pháp hiện tại này là phải sáng tỏ được bản tâm diệu giác, tức kiến tánh thành Phật”. Nếu như không sáng tỏ được tâm địa thì Phật không thể thành, nên cần phải sáng tâm địa. Muốn sáng tâm, việc đầu tiên là phải hành thiện đạo. Chúng ta từ sáng đến tối, các điều ác chớ làm, các điều thiện hằng làm thì phước đức tự tăng trưởng, thêm một câu thoại đầu thường đề khởi, một niệm chẳng sinh, lập tức thành Phật. Chư vị nên nắm lấy thời gian, chớ tạp dụng tâm, hãy khéo léo tu đi!

NGÀY THỨ BA, THẤT THỨ HAI

18 tháng Giêng, Quí Tỵ( 3/3/1953)

Hôm nay, ngày thứ ba của thất thứ hai lại sắp trôi qua mất, những vị công phu đã thuần thục, trong lúc động tĩnh đều nắm vững được thì không còn lòng dạ đâu để phân biệt thất thứ nhất hay thất thứ hai, là ba ngày hoặc hai ngày?… Chỉ những người mới phát tâm thì cần phải nỗ lực tinh tấn, không nên lơ là để thời giờ trôi qua đáng tiếc.

Tôi nay lại kể thêm một ví dụ cho những người mới phát tâm, mong các ông khéo lắng nghe. Trong Thiền Đường các nơi đều có thờ một vị Bồ tát, là vị thánh Tăng, đệ tử lớn của Đức Phật Thích Ca, tức tôn giả A-nhã-kiều-trần-như. Khi Thế Tôn đi xuất gia, phụ vương Ngài có sai ba người bên họ cha cùng hai người bên họ mẹ vào Tuyết Sơn chăm sóc Ngài. Tôn giả là một trong hai người thuộc họ mẹ. Sau khi Thế Tôn thành đạo, ban sơ Ngài đến vườn Lộc Uyển, vì nhóm các ông Kiều-trần-như thuyết pháp Tứ đế. Tôn giả là người ngộ đạo đầu tiên, đồng thời cũng là vị đệ tử xuất gia đầu tiên trong hàng đệ tử lớn của Đức Thế Tôn nên mới gọi là thánh Tăng, cũng gọi là Tăng thủ (bậc thượng thủ trong hàng Tăng chúng). Phương pháp tu hành của Ngài, trong Kinh Lăng Nghiêm có nói rất rõ:

“Ta lúc mới thành đạo, trong vườn Nai hỏi các Tỳ kheo A-nhã-kiều-trần-như… cùng bốn chúng rằng: Tất cả chúng sanh do bị khách trần phiền não làm mê hoặc. Các ông đương thời nhân đâu mà được khai ngộ, thành Thánh”. Chỗ này Đức Phật hỏi các vị đệ tử lớn trong hội chúng, đã dùng phương pháp gì mà được khai ngộ, thành công? Lúc bấy giờ tôn giả A-nhã-kiều-trần-như ở trong hội chúng đứng dậy đáp lời Thế Tôn rằng:

“Con nay đã lớn tuổi, trong đại chúng được xem là đã giải thoát, nhờ con ngộ được hai chữ Khách, Trần mà thành chánh quả”.

Sau khi trình xong, Tôn giả giải thích thêm: “Bạch Thế Tôn, ví như có vị khách bộ hành đi vào một quán trọ để nghỉ ngơi và ăn uống; khi đã nghỉ ngơi ăn uống xong, thì xách túi lên đường không ở lại đó. Còn nếu thật là người chủ thì không có đến đi chi cả. Vì vậy con nghĩ “Chẳng trụ lại thì là Khách, còn thường trụ là Chủ? Cũng giống như lúc trời vừa tạnh mưa, vầng dương xuất hiện, ánh sáng chiếu xuyên qua kẽ tường, con phát hiện ra trong hư không có các hạt bụi li ti, những hạt bụi này xao động nhưng hư không thì vẫn tịch nhiên. Nên con nghĩ: “Tịch tĩnh là hư không, loạn động là trần, vì chúng lao xao động nên gọi là trần”.

Trong đoạn văn trên, Tôn giả đã mang hai chữ Chủ, Khách ra nói rõ ràng biết bao. Trong thí dụ này, Tôn giả đã dạy cho chúng ta biết phương pháp hạ thủ dụng công: Chơn tâm của chúng ta chính là ông chủ, ông chủ này vốn bất động. Phần dao động tức là khách, là vọng tưởng, vọng tưởng cũng như bụi. Do bụi rất nhỏ nên trong lúc nó bay lăng xăng cần phải có ánh mặt trời chiếu qua ta mới thấy được chúng”. Ý nói vọng tưởng trong tâm chúng ta trong lúc bình thường, ta khởi tâm động niệm khó mà nhìn thấy nhận biết được. Phải đợi lúc ta tĩnh tọa, tu hành, tâm an trí sáng, ta mới có thể nhìn rõ những tạp niệm lăng xăng đang khởi diệt không ngừng trong tâm ta.

Những lúc vọng niệm sôi sục như thế, nếu công phu của quý vị không đắc lực, chẳng làm chủ được, thì không ngộ đạo, nên phải trôi lăn trong biển sanh tử: Đời này họ Trương, đời sau họ Lý… giống như người khách đi vào quán trọ trụ lại không được bao lâu. Còn chân tâm thường trụ bất động của chúng ta thì không như thế. Chẳng đến chẳng đi, chẳng sinh chẳng diệt. Vì thường trụ bất động nên mới gọi là chủ nhân. Ông chủ này ví như hư không. Còn hoa bụi thì bay nhảy lăng xăng song hư không vẫn tịch nhiên bất động. Giống như người chủ quán trọ, lúc nào cũng thường trực, không đi đâu khác.

Nói về danh tướng, thì Trần tức là trần sa (cát bụi) là một thứ phiền não mà phải đến địa vị Bồ tát mới đoạn được. Vọng tức là vọng hoặc (mê lầm). HoặcKiến hoặc gồm 88 kiết sử và Tư hoặc có 81 loại. Kiến hoặc do Ngủ độn sử mà có. Người tu hành trước hết phải đoạn sạch Kiến hoặc, mới có thể chứng quả Tu-đà-hoàn. Để trừ sạch Kiến Hoặc phải dụng công hết sức khó khăn (cũng giống như ngăn dòng thác dài 40 dặm), đủ thấy sự dụng công của chúng ta cần phải có sức mạnh rất lớn. Phải đoạn sạch hết Tư hoặc mới chứng quả A La Hán được, vì vậy mà sự dụng công cần theo thứ lớp.

Chúng ta hiện nay chỉ mượn một câu thoại đầu, linh linh bất muội, liễu liễu thường tri, Kiến hoặc hay Tư hoặc gì cũng chặt một dao cho đứt làm hai khúc, giống như bầu trời xanh không gợn một phiến mây, khi vầng dương xuất hiện thì ánh sáng tự tánh hiện bày. Vị Tôn giả này đã ngộ được cái đạo lý ấy, đã nhận biết được ông chủ vốn có sẵn. Tôi và các ông ngày hôm nay ở bước đầu dụng công, cần phải hiểu cho thấu đáo về Khách, Trần. Khách, Trần là những gì dao động còn chủ thì bất động. Nếu chẳng hiểu rõ thì không biết chỗ hạ thủ công phu, vẫn bỏ thời giờ trôi suông như trước. Mong các ông lưu tâm dụng công!

NGÀY THỨ TƯ, THẤT THỨ HAI

19 tháng Giêng, Quí Tỵ (4/3/1953)

“Pháp vô thượng sâu xa vi diệu, trăm nghìn muôn kiếp khó gặp đưgc”. Lần trở về chùa Ngọc Phật tham dự tuần đả thất này, thật là một nhân duyên thù thắng. Chư vị thiện nam tín nữ ở mọi nơi đều hăng hái đến tham gia, gieo trồng chánh nhân thành Phật. Có thể nói là hy hữu khó được. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có nói: Nếu người tâm tán loạn, bước vào trong tháp miếu, vừa niệm Nam mô Phật, đều trọn thành Phật dạo”. (Nhược nhân tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng Nam mô Phật, giai cộng thành Phật đạo).

Người ta sống ở trên đời, mấy chục năm trôi qua nhanh như chớp mắt mà chẳng biết chẳng hay. Trong thời gian đó những kẻ có tiền thì đắm say tửu sắc tài vật, người không tiền thì bị chuyện ăn, mặc chi phối, bôn ba khổ nhọc, ít có ai được tự tại thanh nhàn. Thật là khổ không nói được! Chỉ có những người tình cờ đi đến cửa Phật, thấy cảnh chùa trang nghiêm tịch tĩnh, lòng sinh hoan hỷ, hoặc thấy hình tượng của Phật và Bồ Tát mà buộc miệng thốt ra danh hiệu Phật, hoặc lòng sinh thanh tịnh mà sinh cảm động, tán thán khen ngợi sự cát tường của Như Lai, cho là hi hữu. Tất cả những người này đều đã trồng căn lành rất sâu trong đời quá khứ nên nhờ vậy mà sẽ được thành Phật. Bởi vì chúng ta trong lúc bình thường mắt thấy phong hoa tuyết nguyệt, tai nghe tiếng đàn ca hát xướng, miệng mê đắm các thức cao lương mỹ vị… tư tưởng đều bị nhiễm. Chính cái tư tưởng bị nhiễm này là tâm tán loạn, tâm sinh tử, tâm hư vọng. Ngày hôm nay ta có thể nơi chùa tháp,niệm một danh hiệu Phật, đây chính là tâm giác ngộ, tâm thanh tịnh, là hạt giống Bồ đề thành Phật.

Phật, tiếng Phạn gọi là Phật Đà, tiếng Trung Hoa dịch là Giác Giả (người giác ngộ). Giác nên chẳng mê. Tự tánh thanh tịnh, tức là tâm giác ngộ. Chúng ta hôm nay không vì danh lợi mà đến, cũng là do tác dụng của lực giác ngộ. Có nhiều người nghe nói Đả thiền thất, liền sinh lòng sợ, bởi không hiểu ý nghĩa của pháp “Đả thiền thất”, chỉ vì tò mò mà đến xem khá đông. Đã đến đây rồi thì như người đến núi báu, đừng trở về tay không, mà phải phát đạo tâm vô thượng, cố gắng ngồi cho được một cây hương để gieo cái chánh nhân thành Phật thì trong tương lai các vị sẽ được thành Phật.

Thuở xưa, Đức Thích ca Mâu Ni có một người đệ tử tên là Tu Bạt Đà La. Nhà ông nghèo khổ lại cô độc không họ hàng thân quyến để nương tựa, trong lòng rất sầu muộn, tính theo Phật xuất gia. Một hôm, ông đến chỗ Phật, nhằm lúc Ngài đi vắng. Các vị đệ tử lớn liền quan sát nhân duyên đời trước, thấy trong tám muôn kiếp ông chưa từng gieo trồng căn lành, bèn bảo ông hãy trở về nhà, và từ chối không thu nhận ông vào Tăng đoàn. Tu Bạt buồn lắm, ông đi ra ngoài thành, càng tủi phận mình nghiệp chướng quá sâu, ông nghĩ thầm: “Chẳng thà mình tự tử chết quách…tốt hơn”.

Đang lúc ông loay hoay tìm cách chết thì bỗng gặp Đức Thế tôn đi đến, hỏi han. Tu Bạt trình bày tự sự. Đức Phật bèn nhận ông làm đồ đệ, dẫn về tịnh xá. Trong vòng bảy ngày, ông chứng quả A-la- hán. Các vị Đại đệ tử đều ngạc nhiên, không rõ duyên cớ, thắc mắc hỏi Phật. Thế Tôn dạy:

-Các ông chỉ quán sát được việc xảy ra trong tám muôn kiếp, chứ không thấy được ngoài tám muôn kiếp, Tu Bạt đã từng gieo trồng căn lành. Thuở xa xưa ấy, ông là một kẻ nghèo cùng khốn khổ, làm nghề đốn củi mưu sinh. Một hôm vào núi gặp cọp không biết trốn vào đâu, ông hoảng hốt leo lên cây. Cọp trông thấy ông, chạy đến cắn vòng quanh gốc cây. Thấy cây sắp đổ, ông sợ quá vì không có ai đến cứu, chợt nhớ đến Đức Phật có lòng từ bi, hay cứu giúp các chúng sinh đau khổ, ông bèn kêu lên: “Nam Mô Phật! Xin hãy cứu con!” Cọp nghe niệm Phật bèn bỏ đi, tha mạng cho ông. Do hạt giống Phật gieo từ lúc đó, tới nay đã chín mùi nên ông chứng quả.

Chư vị Đại đệ tử nghe Phật giải thích, lòng rất vui mừng, đều khen là hi hữu.

Các vị và tôi ngày nay gặp được nhân duyên thù thắng, có thể ngồi tĩnh tọa hết một cây hương thì nghiệp lành so ra đã vượt hơn Tu Bạt gấp bội. Vì vậy, nghìn muôn lần xin các vị chớ xem đây là trò đùa trẻ con, nếu các vị vì thích náo nhiệt mà tìm đến thì đã lầm rồi vậy!