HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch

 

Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH

(TT)

NGÀY THỨ HAI, THẤT THỨ NHẤT

Mồng 10 tháng Giêng Quí Tỵ (23/2/1953)

Pháp đả thất là một pháp môn hay nhất, có ấn định kỳ hạn để chứng ngộ. Thuở xưa khi căn tánh con người còn lanh lợi, thì pháp này chưa được chú trọng lắm. Mãi đến triều Tống nó mới dần được mở rộng. Đến triều Thanh, khoảng niên hiệu Ung Chính (1723-1736), pháp môn này càng thịnh, vua Ung Chính thường đả thất tại hoàng cung, ông ta rất xem trọng Thiền, đồng thời mức thiền định của nhà vua cũng khá phi thường. Dưới tay ông có hơn mười người ngộ đạo. Ngài Thiên Huệ, vị tổ đã đắc pháp, ở chùa Cao Mân, Dương Châu cũng ngộ đạo trong hội của nhà vua. Tất cả phép tắc quy củ của Thiền môn đều do ông một phen chỉnh đốn. Nhờ vậy mà tông phong đại chấn, nhân tài xuất hiện khá nhiều. Cho nển quy củ hết sức cần thiết, là khuôn phép tắc ấn định kỳ hạn để cùng tuân thủ, giống như Nho sinh khi vào trường thi, phải theo đề mà làm văn, y theo bài văn mà khảo xét, phải có thời gian nhất định. Đề mục đả thất của chúng ta gọi là tham Thiền, cho nên ngôi nhà này được gọi là Thiền Đường. Hiện nay trong Thiền Đường này, có ai tham thấu được nghi tình, ngồi dứt được mạng căn thì liền đồng với Như Lai. Cho nên Thiền Đường này còn có tên là Trường tuyển Phật, cũng gọi là Bát Nhã Đường. Những pháp học được trong nhà này đều là pháp Vô Vi. Vô: nghĩa là không có tạo tác, không một pháp để được, không một pháp để làm. Nếu hữu vi thì sinh diệt, có được thì có mất. Ngay đây nhận lấy (trực hạ thừa đương), chẳng cần phải xài ngôn thuyết nhiều.

Xưa, có một học nhân đến tham vấn Ngài Nam Tuyền, hỏi:

– Thế nào là đạo?

Đáp:

– Tâm bình thường là đạo.

Chúng ta thường ngày ăn cơm mặc áo, hít vào thở ra, không gì mà chẳng hành đạo. Chỉ vì chúng ta đụng đâu chấp đó, nên chẳng biết tâm mình là Phật.

Xưa, Thiền sư Pháp Thường Đại Mai, lúc mới đến tham vấn Mã Tổ, hỏi:

– Thế nào là Phật?

Tổ bảo:

– Chính tâm là Phật.

Sư liền đại ngộ, bèn từ giã Mã Tổ, đến Tây Minh, (chỗ ẩn cư của ông Mai Tử Chân trước kia), cất am tranh trú ngụ. Khoảng niên hiệu Đường Trinh Nguyên (785-805), dưới hội Diêm Quang có một vị Tăng, nhân đi tìm cây làm gậy bị lạc đường tới am của Sư, bèn hỏi:

– Hòa thượng ở nơi đây được bao lâu rồi?

Sư đáp:

– Chỉ thấy bốn núi xanh rồi vàng.

Lại hỏi:

– Đi lối nào ra khỏi núi?

– Theo dòng nước mà đi.

Ông Tăng trở về trình lại Diêm Quang. Quang nói:

– Lúc Giang Tây ta từng gặp một vị Tăng, từ đó về sau không nghe tin tức gì, chẳng biết có phải là ông ta chăng?

Bèn sai vị Tăng đi mời Sư, Đại Mai dùng bài kệ đáp:

Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâm
Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm
Tiều khách ngộ chi du bất cố
Dĩnh nhân na đắc khổ truy tầm
Nhất trì hà diệp y vô tận
Sổ thọ tùng hoa thực hữu dư
Cương bị thế nhân tri trụ xứ
Hựu di mao xá nhập thâm cư.

Cây khô gãy mục dựa rừng hoang
Mấy độ xuân về chẳng đổi tâm
Ông tiều gặp phải không thèm ngó
Dĩnh khách nhọc chi phải kiếm tầm?
Lá sen vô tận may làm áo
Lót dạ hoa thông mãi vẫn thừa
Vừa bị người đời hay chỗ ở
Liền dời nhà ẩn tận non xanh

Mã Tổ nghe Sư trụ núi bèn sai Tăng đến hỏi:

– Hòa thượng, gặp Đại sư Mã Tổ được cái gì mà vào ngụ trong núi này?

Sư đáp:

– Đại Sư nói tôi: “Tức tâm là Phật”, tôi liền vào ở đây.

Tăng nói:

– Gần đây Đại Sư dạy Phật pháp đã khác đi rồi.

Sư hỏi:

– Ngài dạy ra sao?

Tăng nói:

– Ngài bảo “Phi tâm phi Phật” (chẳng phải tâm chẳng phải Phật).

Sư nói:

– Cái ông già đó cứ mê hoặc người chẳng có ngày dừng. Mặc kệ thuyết “phi tâm phi Phật” của ổng, tôi chỉ biết “tức tâm là Phật”.

Vị Tăng trở về thuật lại tự sự cho Mã Tổ nghe, Tổ bảo:

– Trái mai đã chín rồi!

Qua mẫu chuyện trên thấy người xưa liễu ngộ đơn giản, thiết thực ra sao! Chỉ vì các ông và tôi căn cơ hạ liệt, vọng tưởng quá nhiều nên chư vị Tổ Sư mới dạy tham một câu thoại đầu, đây chỉ là việc bất đắc dĩ mà thôi!

Tổ Sư Vĩnh Gia nói:

Chứng thật tướng vô nhân pháp
Sát-na diệt khước A-tỳ nghiệp
Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sinh
Nguyện chiêu bạt thiệt trần sa kiếp.

Chứng thật tướng, không nhân pháp
Sát-na diệt hết nghiệp A-tỳ.
Nếu đem lời dối gạt chúng sinh
Nguyện bị rút lưỡi trần sa kiếp.

Tổ sư Cao Phong Diệu nói: “Kẻ học đạo dụng công cũng giống như đem một mảnh ngói ném vào đầm sâu, nó sẽ chìm mãi xuống tới đáy mới dừng lại”. Bọn chúng ta khán câu thoại đầu, cần phải đem câu thoại đầu khán cho đến đáy, thẳng đến ỉúc khám phá được câu thoại đầu đó mới thôi. Tổ sư Cao Phong Diệu lại phát nguyện rằng: “Nếu có người đề cử một câu thoại đầu mà chẳng sinh hai niệm, nội trong khoảng bảy ngày nếu không ngộ đạo thỉ tôi sẽ vào địa ngục Bạt Thiệt vĩnh viễn”. Chỉ vì bọn chúng ta niềm tin chẳng thật, tu hành không kiên cố, buông vọng tưởng không nổi… Nếu như tâm sinh tử thiết tha thì một câu thoại đầu chẳng thể dễ dàng lẫn mất được.

Tổ Quy Sơn nói:

“Sinh sinh nhược năng bất thối
Phật giai quyết định khả kỳ”.

Nghĩa là:

Đời đời nếu không thối chuyển
Quả Phật quyết định có ngày.

Người mới phát tâm tu thảy đều có nhiều vọng tưởng. Ngồi thiền chân bị đau, chẳng biết dụng công sao cho đúng pháp. Kỳ thật, chỉ cần đem tâm sinh tử thiết tha, không rơi vào hôn trầm, không lạc vào trạo cử, thì lo gì quả Phật không có ngày?

Nếu gặp hôn trầm đến, ông có thể mở lớn mắt ra, ngồi thẳng lưng lên một chút nữa thì tinh thần tự nhiên được phấn chấn lại. Nếu dụng công quá lơ là thì vọng tưởng dễ sinh khởi, vọng tưởng đã khởi thì trạo cử khó điều phục. Cho nên trong lúc dụng công cần phải trong thô có tế, trong tế có thô, mới có thể khiến cho công phu đắc lực, vừa có thể khiến cho động tịnh nhất như.

Ngày xưa, tôi dự Bảo Hương tại các chỗ như Kim Sơn… Sư Duy na giục đúng dậy khởi hương, hai chân chạy như bay, sư tăng chạy thật giỏi, nhưng vừa nghe tiếng bảng gõ thì đứng sựng lại như người chết, lúc đó còn có vọng tưởng hôn trầm gì nữa? Bọn chúng ta hiện nay tu tập Bảo Hương thật cách xa.

Phương pháp tu này đối với ai mới bắt đầu dụng công đương nhiên là không dễ, nhưng các ông cần phải dụng công trong từng giờ. Tôi nói thêm một ví dụ nữa: “Việc tu hành cũng giống như dùi đá lấy lửa, cần phải có phương pháp. Nếu không có phương pháp thì dù cho ông có đem viên đá lửa ấy đập nát, cũng không lấy được lửa. Điều cần yếu của phương pháp ấy là phải có một cái mồi bằng giấy cùng một con dao bật lửa, mồi giấy bắt lửa phải đặt phía dưới cục đá lửa. Sau đó mới dùng con dao lửa đập mạnh vào cục đá một cái thì lửa từ hòn đá xẹt ra, bắt vào mồi giấy, mồi giấy liền phát cháy. Chúng ta giờ đã biết rõ tự tâm mình là Phật, chỉ vì không thể thừa nhận nên đành mượn một pháp tu làm con dao bật lửa. Thuở xưa, Đức Thế Tôn một đêm nọ nhìn thấy sao mai, hoát nhiên ngộ đạo. Cũng giống như thế, chúng ta ngày nay đối với cách lấy lửa này lại không biết cho nên không rõ được tự tánh. Tự tánh của chúng ta vốn cùng với Phật không hai, chỉ do vọng tưởng chấp trước nên không được giải thoát. Vì vậy mà Phật vẫn là Phật, ta cứ là ta. Tôi và các ông sáng nay đã biết được phương pháp rồi, có thể tự mình tham cứu, đây quả là một nhân duyên thù thắng không gì bằng, hy vọng các ông nỗ lực, trên đầu sào trăm thước tiến thêm một bước nữa, vượt khỏi trường thi này, ngõ hầu “Trên báo ân Phật, dưới lợi ích chúng sinh”. Trong Phật pháp, nhân tài không xuất hiện là vì các ông không chịu nỗ lực, tôi thật đau lòng mà nói như thế. Nếu như tin chắc lời dạy của ngài Vĩnh Gia cùng tổ Cao Phong Diệu, đã vì bọn chúng ta mà phát lời thệ nguyện thì chúng ta chắc chắn đều có khả năng ngộ đạo, các ông hãy nỗ lực mà tham đi!

NGÀY THỨ BA, THẤT THỨ NHẤT

11 tháng Giêng, năm Quí Tỵ (24/2/1953)

Thời giờ trôi qua thật mau, mới nói đả thất, nay đã qua ngày thứ ba. Với người dụng công, một câu thoại đầu chiếu cố đắc lực thì trần lao vọng niệm nào cũng lóng trong, có thể đi thẳng đến nhà. Cho nên cổ nhân nói: “Tu hành không tu gì khác, chỉ cần biết đường”. Đường đi nếu biết rành thì việc sinh tử dứt. Đường của chúng ta chĩ cần buông hết gánh nặng xuống thì quê nhà gần trong tấc gang. Lục Tổ nói: “Niệm trước chẳng sinh là tâm, niệm sau chẳng diệt là Phật”. Các ông và tôi xưa nay tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có. Chỉ do vọng niệm chấp trước, yêu mến ràng buộc pháp huyễn thế gian nên mới thành ra: Tứ đại chẳng không, sinh tử chẳng rõ. Nếu như trên thể của một niệm khởi vô sinh, thì những pháp môn do chính Đức Phật Thích Ca nói ra, chẳng cần dùng đến, lẽ nào sinh tử chẳng thể dừng? Cho nên một pháp này trong Tông môn, chính là ánh sáng vô lượng chiếu khắp mười phương.

Xưa, Tổ sư Đức Sơn là người Giản Châu, Tứ Xuyên, họ Chu. Sư xuất gia năm 20 tuổi, thọ giới cụ túc cũng vào năm này. Sư nghiên cứu Luật tạng cùng tánh tướng các Kinh, hiểu thông suốt ý chỉ. Sư thường giảng Kinh Kim Cang Bát Nhã nên người thời đó gọi Sư là Chu Kim Cang. Sư thường bảo bạn đồng học rằng: “Một sợi lông nuốt biển, tánh biển vẫn không thiếu, ghim hạt cải trên đầu mũi kim, mũi kim vẫn bất động. Học cùng không học, chỉ có ta tự biết”. Sau, Sư nghe ở phương Nam Thiền tông thịnh hành, bất bình nói: “Kẻ xuất gia ngàn kiếp học oai nghi Phật, muôn kiếp học tế hạnh của Phật, còn chưa thành Phật. Vậy mà lũ ma ở phương Nam dám nói: “Chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật”. Ta phải quét sạch hang ổ, diệt hết bọn chúng để báo ân Phật”. Rồi Sư gánh bộ Thanh Long Sớ Sao ra khỏi đất Thục. Trên đường đến Phần Dương, Sư gặp một bà già bán bánh, bèn dừng lại mua bánh điểm tâm. Bà già chỉ gánh hành lý của Sư hỏi:

– Đây là Kinh sách gì vậy?

Sư đáp:

– Thanh Long Sớ Sao.

– Thầy thường giảng Kinh gì?

– Kinh Kim Cang.

Bà già nói:

– Cho tôi hỏi một câu, nếu Thầy đáp được tôi xin cúng dường bánh điểm tâm, bằng đáp không đươc, xin mời đi nơi khác.

Sư bằng lòng, bà hỏi:

– Trong Kinh Kim Cang có câu: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được” Chẳng biết Thượng tọa muốn “điểm” cái tâm nào?

Sư không đáp được, bèn đi đến Long Đàm.

Tới Pháp Đường, Sư nói:

– Từ lâu đã nghe danh Long Đàm (đầm rồng) nhưng đến nơi rồi thì đầm chẳng thấy, mà rồng cũng không.

Ngài Long Đàm bước ra bảo:

– Ông đã đến được Long Đàm rồi.

Sư không đáp được bèn dừng lại đây.

Một buổi tối, đến phiên Sư đứng hầu, Long Đàm nói:

– Khuya rồi, sao ông không về đi!

Sư trân trọng bước ra rồi quay lại thưa:

– Bên ngoài tối thui.

Long Đàm mồi đèn trao cho Sư, Sư vừa đưa tay nhận, Long Đàm liền thổi tắt. Sư ngay đây đại ngộ. Bèn làm lễ. Long Đàm hỏi:

– Ông thấy cái gì?

Sư thưa:

– Từ nay về sau con chẳng còn nghi ngờ lời của các Hòa thượng trong thiên hạ nữa.

Hôm sau, Long Đàm thăng tòa bảo đại chúng:

– Trong đây có một gã răng bén như kiếm, miệng tợ chậu máu, một gậy đánh chẳng quay đầu. Lúc khác, hắn ta sẽ lên ngọn núi cao dựng lập đạo của ta.

Sư đem bộ Thanh Long Sớ ra chất trước Pháp Đường châm lửa nói:

– Tột cùng các lời bàn về lý huyễn như một sợi lông ở giữa hư không. Hết thảy những trọng yếu trên đời tợ như một giọt nước gieo vào hồ lớn.

Và Sư đốt trụi lũi, rồi bái biệt ngài Long Đàm đi thẳng đến Quy Sơn.

Vào Pháp Đường, Sư đi từ phía Đông sang Tây, rồi từ Tây sang Đông, xong lại nhìn Phương trượng hỏi:

– Có chăng, có chăng?

Quy Sơn ngồi trên tòa không thèm dòm tới.

Sư nói:

– Không, không!

Rồi bỏ đi ra. Đến đầu Sơn môn lại nói:

– Mặc dù là vậy, cũng chẳng cẩu thả sơ sài.

Bèn đầy đủ uy nghi đi trở vào yết kiến. Vừa đến cửa, Sư đã đưa tấm tọa cụ lên gọi: “Hòa thượng”. Quy Sơn toan nắm phất tử, Sư liền hét, phất áo đi ra.

Chiều đến, Quy Sơn hỏi sư Thủ tòa:

– Ông Tăng mới đến hôm nay còn đây không?

Thủ tòa thưa:

– Ngay lúc quay lưng ra khỏi pháp đường, ông ta đã xó giầy đi thẳng.

Quy Sơn bảo:

– Gã này ngày sau lên đỉnh núi cao, kết am tranh la Phật, mắng Tổ ở đó.

Sư trụ ở Lễ Dương 30 năm. Gặp lúc Đường Võ Tông phê giáo, Sư lánh nạn ở một mình trong Thạch Thất Phù Sơn. Năm Đại Trung đầu tiên (847), quan Thái thú Tiết Đình Vọng ở Võ Lăng, trùng tu lại Tịnh Xá Đức Sơn đề hiệu là Cổ Đức Thiền Viện, định mời những vị cao đức đến trụ trì, nghe đạo hạnh của Sư liền đến nài thỉnh nhiều phen. Nhưng Sư vẫn từ chối không chịu xuống núi. Đình Vọng bèn lập kế sai người đem trà muôi đến vu cáo, bảo Sư phạm pháp rồi giải về châu. Chiêm lễ xong ông khẩn khoản mời Sư ở lại xiển dương Thiền tông. Người sau đồn nhau: “Đức Sơn hét, Lâm Tế gậy”.

Được như ngài Đức Sơn thì lo gì sanh tử chẳng dứt. Môn đệ ngài Đức Sơn có Nham Đầu, Tuyết Phong. Môn đệ Tuyết Phong có Vân Môn Pháp Nhãn, rồi Quốc sư Đức Thiều, Vĩnh Minh Diên Thọ, đều nhờ một gậy đánh này mà xuất hiện. Trải qua các triều đại, Phật pháp đến nay đều nhờ các vị Đại tổ sư trong Tông môn gánh vác.

Chư vị đến đây đả thất, đều đã thể hội sâu đạo lý tối thượng này, ngay đây nhận lấy, liễu thoát sinh tử, chẳng phải là chuyện khó. Còn nếu xem chuyện tu hành như trò đùa trẻ con, chẳng chịu đạt đến tử tâm. Cả ngày chỉ thấy bóng sáng cửa quỷ, (quang ảnh môn đầu) hoặc cứ ở trong hang văn tự mà toan tính, nên cuối cùng sinh tử chẳng thể dứt. Xin các ông hãy nỗ lực tinh tấn!

NGÀY THỨ TƯ, THẤT THỨ NHẤT

12 tháng Giêng Quí Tỵ (25/2/1953)

Bốn ngày trong thời gian một thất đã trôi qua, quí vị đều nỗ lực dụng công, có người làm thi kệ đến trình tôi xem. Đó là điều thật khó được. Chí cần xem sự dụng công của quí vị như vậy thì đủ biết quý vị đã quên tuốt những điều tôi nói trong hai ngày trước.

Tối qua, tôi có nói: “Chuyện tu hành không có gì. khác, chỉ cần phải rõ đầu đường”. Mục đích chính của chúng ta là thành Phật, liễu sanh tử. Muốn liễu sanh tử thì cần phải mượn câu thoại đầu làm thanh bảo kiếm Kim Cang vương. Ma đến chém ma, Phật đến chém Phật, chẳng lưu một mảy tình, chẳng lập một pháp. Trong đó làm sao lại có nhiều vọng tưởng để mà làm thơ làm kệ? Khoe thấy các cảnh giới không, cảnh giới quang minh này nọ? Nếu dụng công kiểu đó, tôi chẳng rõ câu thoại đầu của quí vị đã đến đâu rồi!? Các vị đã tu tập lâu năm thì chẳng nói, riêng các vị mới phát tâm tu cần phải lưu ý. Do tôi sợ các vị không hiểu cách dụng công cho nên hai ngày trước đã nói về nguyên cớ của việc đả thất, giá trị của pháp môn và cách dụng công, tất cả đều giảng qua cả rồi. Pháp dụng công của chúng ta là đơn cử môt câu thoại đầu, ngày đêm sáu thời như dòng nước chảy không cho gián đoạn, cẩn phải “linh minh bất muội, liễu liễu thường tri” (sáng suốt không mờ, rõ ràng thường biết), tất cả tình pham kiến giải Thánh chỉ cần đưa một dao chặt đứt cả hai.

Người xưa nói:

Học đạo du như thủ cấm thành
Khẩn bả thành đầu chiến nhất trường
Bất thọ nhất phiên hàn triệt cốt
Chẩm đắc mai hoa phốc tỷ hương.

Học đạo giống như giữ cấm thành
Đầu thành giữ chặt đánh tan xương
Chẳng trải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương

Đó là lời của Thiền sư Hoàng Bá nói, bài thơ có hai ý nghĩa: Hai câu trước thí dụ người dụng công như chúng ta, phải giữ chặt câu thoại đầu hệt như người giữ cấm thành, bất kỳ ai cũng không cho ra vào. Sự canh phòng giữ gìn như thế thật hết sức nghiêm ngặt. Bởi vì mỗi người chúng ta đều có một Tâm vương, cái Tâm vương này tức là đệ bát thức (thức thứ Tám). Ngoài thức thứ Tám này ra, còn có thức thứ Bảy, thức thứ Sáu và Năm thức đầu. Năm thức đầu là năm tên giặc: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Thức thứ Sáu là tên giặc Ý. Thức thứ Bảy là Mạt-na. Thức Mạt-na này từ sáng đến tối luôn tham trước kiến phần của thức thứ Tám, chấp đó là ngã, hướng dẫn thức thứ Sáu xuất lãnh năm thức đầu khiến chúng tham ái trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc, nên bị trói buộc mê lầm không giây phút nào gián đoạn, khiến cho thức thứ Tám (Tâm vương) này lao đao gần chết, không thể nào chuyển nổi. Vì vậy chúng ta ngày hôm nay cần phải mượn câu thoại đầu làm (bảo kiếm Kim Cang vương) chém sạch bọn giặc cướp đó, khiến thức thứ Tám chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí, thức thứ Bảy chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí, thức thứ Sáu chuyển thành Diệu Quan Sát Trí, Năm thức đầu chuyển thành Thành Sở Tác Trí. Nhưng điều tối khẩn yếu là phải chuyển thức thứ Sáu và thức thứ Bảy trước, bởi vì tác dụng của chúng là lãnh đạo, do có khả năng suy lường nên mới có khả năng phân biệt so đo. Hiện giờ chúng ta làm thơ, làm kệ, thấy không, thấy sáng đều do hai thức này phát tác. Chúng ta hôm nay cần phải mượn câu thoại đầu, biến thức phân biệt thành Diệu Quan Sát Trí, tâm so đo tính toán nhân ngã thành Bình Đẳng Tánh Trí. Như vậy là chuyển Thức thành Trí, chuyển Phàm thành Thánh, cần phải làm cho tên giặc tham đắm sắc, thinh hương, vị, xúc, pháp không thể xâm phạm. Vì thế mà ngài Hoàng Bá dạy: “Như giữ cấm thành”.

Hai câu sau:

Chẳng trải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương.

Là dụ cho chúng ta: Những chúng sinh đang chìm trong biên khổ sanh tử, bị ngũ dục trói buộc, bị trần lao mê hoặc chẳng được giải thoát, vì vậy mới đem hoa mai làm thí dụ. Bởi hoa mai là loài hoa có thể nở trong ngày tuyết đổ. Mọi vật trên thế gian này đều sinh vào mùa xuân, tăng trưởng trong mùa hạ, thu hoạch vào mùa thu, và ẩn vào mùa đông. Vào mùa đông khí trời giá buốt, tất cả các loài côn trùng thảo mộc đều bị chết cóng nên thường thu mình ẩn trốn đi. Bụi đất trong mùa tuyết rơi cũng trở nên lạnh lẽo trong sạch vì không thể dấy bay lên được. Như vậy, hết thảy côn trùng, cây cỏ, bụi đất, tro nhơ… cũng ví như bản tâm của chúng ta chứa đầy vọng tưởng phân biệt, vô minh, tật đố, tam độc, phiền não… chúng ta phải quét sạch hết những thứ đó đi thì Tâm vương được tự nhiên tự tại, giống như cành mai trong mùa tuyết đổ, nở hoa tỏa ngát hương. Các ông phải biết là: chính trong lúc trời băng đất tuyết mà mai có thể trổ hoa, chứ không phải vào tiết xuân ấm áp, hoặc gió thuận khí hòa mà nở hoa. Các ông và tôi cần phải biết rằng Hoa tâm của mình không thể nở hay xuất hiện trong lúc mừng giận vui buồn; nhân, ngã, phải, quấy… được. Bởi vì tâm của chúng ta (tám thức) chỉ cần một phen hồ đồ thì rơi vào tính vô ký. Nếu tạo ác liền thành tính ác, nếu tạo thiên liền thành tính thiện. Riêng vô ký còn có: Vô ký trong mộng, vô ký ngoan không. Vô ký trong mộng tức là lúc hôn mê trong chiêm bao, chỉ có những huyễn cảnh trong mộng, là những chuyện tạo tác hằng ngày không được biết rõ, đó là cảnh giới đơn độc của ý thức cũng là đơn độc vô ký. Còn vô ký ngoan không – là như chúng ta hiện nay đang ngồi thiền, đang tỉnh táo thì chợt quên mất thoại đầu, lạc vào cảnh giới rỗng không, mơ hồ, gì cũng không có, chỉ còn sự tham đắm vào cảnh giới thanh tịnh, đây là một loại thiền bệnh mà chúng ta khi dụng công cần phải tránh. Trạng thái này là Không vong vô ký.

Trong suốt ngày đêm hành đạo chúng ta chỉ cần đem một câu thoại đầu sáng tỏ không mờ, rõ ràng thường biết (linh minh bất muội, liễu liễu thường tri), đi cũng thế, ngồi cũng thế. Cho nên người xưa nói: “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói, nín, động, tịnh, thể an nhiên). Tổ Sư Hàn Sơn nói:

Cao cao sơn đỉnh thượng
Tứ cố cực vô biên
Tĩnh tọa vô nhân thức
Cô nguyệt chiếu hàn tuyền
Tuyền trung thả vô nguyệt
Nguyệt thị tại thanh thiên
Ngâm thử nhất khúc ca
Ca trung bất thị thiền.

Cao cao trên đỉnh núi
Bốn bề rộng vô biên
Tĩnh tọa không ai biết
Suối lạnh vâng tràng nghiêng
Trong suối trăng nào có
Trăng ngự tại thanh thiên
Ngâm một khúc ca này
Khúc ca chẳng có Thiền.

Ông và tôi, tất cả chúng ta đều có duyên, nên tôi mới đem pháp dụng công này nói lại một lần nữa. hy vọng các ông sẽ nỗ lực tinh tấn, chẳng nên tạp dung tâm.

Tôi xin nói thêm một công án nữa:

Ngày xưa, vị Tổ khai sơn chùa Tất Đàn ở núi Kê Túc, sau khi xuất gia đi tham lễ khắp nơi. Ngài dụng công hành đạo rất tinh tấn. Một hôm đang trụ tại nhà tro, chợt nghe cô gái nấu đậu hũ ở nhà bên cạnh hát:

Trương đậu hũ
Lý đậu hũ
Chẩm thượng tư lương thiên điều lộ
Minh triêu nhưng cựu đả đậu hũ.

Trương nấu đậu hủ
Lý nấu đậu hũ
Đêm kề gối, mộng nghìn mơ
Sáng ra, nầu đậu như xưa khác gì.

Lúc đó Tổ sư đang ngồi, nghe cô gái hát xong liền khai ngộ. Qua đây các ông có thể thấy được chỗ dụng công của người xưa, không phải chỉ trong Thiền Đường mới dụng công, mới ngộ đạo, mà dụng công tu hành quí ở chỗ nhất tâm. cần nhất là các ông chớ phân tâm tán loạn, nếu để thời gian trôi suông thì không chừng sáng mai vẫn nấu đậu hũ như trước!

NGÀY THỨ NĂM, THẤ THỨ NHẤT

13 tháng Giêng Quí Tỵ (26/2/1953)

Pháp tu hành nói dễ thì cũng thật dễ, nói khó thì cũng thật khó. Dễ là: Chỉ cần các ông buông xả hết, lòng tin chắc thật, phát tâm kiên cố lâu bền thì sẽ được thành công. Còn khó là: Vì chúng ta sợ cực khổ, chỉ muốn an lạc. Chẳng biết rằng, đối với tất cả pháp hữu vi trên thế gian, ta vẫn phải trải qua học tập mới được thành, huống nữa là học đạo Thánh hiền? – Muốn thành Phật thành Tổ mà vội vàng cẩu thả là có thể thành công sao? Cho nên, điều tối quan trọng là:

1- Phải có lòng tin kiên cố

Bởi vì, người tu một khi hành đạo tất cả đều không thể tránh khỏi ma chướng. Ma chướng đây tức là những trần lao nghiệp cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp mà tôi đã giảng hôm qua. Những nghiệp cảnh này chính là oan gia sanh tử của các ông và tôi. Cho nên phần đông các Pháp sư giảng kinh, thường ở trong cảnh giới này mà đứng không vững. Nguyên nhân chính là do tâm đạo không kiên cố.

2- Phải phát tâm lâu bền

Chúng ta sinh trên đời này tạo nghiệp vô số vô biên, một khi muốn tu hành, liễu sinh thoát tử, há có thể đem mớ tập khí lâu đời ấy buông được hết trong một lúc hay sao? Như chư Tổ xưa nay: Thiền Sư Trường Khánh, ngồi rách đến bảy cái bồ đoàn, Thiền Sư Triệu Châu 80 tuổi rồi mà vẫn còn đi hành cước, 40 năm khán một chữ VÔ, chẳng tạp dụng tâm, sau mới được đại triệt đại ngộ. Yến Vương và Triệu Vương rất kính mộ Sư, thường cúng dường đủ thứ. Đến triều Thanh, Hoàng đế Ung Chính xem Ngữ Lục của Sư thấy quá cao siêu, bèn phong là Cổ Phật… Như thế, chư Tổ đều do một đời khổ hạnh mới được thành công.

Các ông và tôi hiện nay phải đem những tập khí xấu buông sạch hết, lắng trong một niệm thì sẽ đồng với Phật Tổ. Như trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Như lóng nước dơ, phải chứa trong một nơi yên tĩnh, lắng lâu đến bất động, cát đất sẽ tự chìm xuống đáy, nước liền trong trẻo… đây gọi là mới điều phục khách trần phiền não. Tới khi đã gạn bỏ hết chất cặn bã rồi, còn thuần là nước trong, mới được gọi là Đoạn đứt cội gốc vô minh”. Tập khí phiền não của các ông và tôi giống như bùn cặn, nên phải dùng câu thoại đầu trị. Câu thoại đầu này cũng giống như cục phèn, có khả năng làm cho nước dơ lắng trong (tức là hàng phục phiền não). Nếu người dụng công có kết quả, đến chỗ thân tâm nhất như, bấy giờ cảnh tịnh hiện tiền thì cần phải chú ý, chẳng nên dừng bước nơi đây – phải biết đây chỉ là bước đầu của công phu, phiền não vô minh hãy còn, chưa đoạn trừ hết. Đó là từ tâm phiền não đi đến chỗ thanh tĩnh, cũng như lóng nước dơ thành nước trong. Mặc dù đã được như thế song cặn bùn còn nằm dưới đáy chưa trừ sạch nên cần phải gia công tiến tới. Người xưa nói:

Nếu không tiến bước thì đã nhận hóa thành làm nhà mình, phiền não (bùn nhơ chưa gạn đi) gặp cơ hội sẽ dấy khởi lại. Trong trường hợp này thì muốn làm một người tu liễu cũng khó. Cho nên cần phải gạn bỏ bùn nhơ đi, còn lại thuần nước trong mới là đoạn dứt được cội gốc vô minh. Như thế mới thành Phật. Đến lúc vô minh đã đoạn dứt hẳn, thì ông mới có thể tùy nghi tại mười phương thế giới hiện toàn thân thuyết pháp. Như Bồ-tát Quán Thế Âm có 32 ứng thân, tùy chúng sanh hợp thân nào, Ngài liền hiện thân đó đế thuyết pháp. Lúc này thì dù ở trong dâm phòng quán rượu, thai lừa bụng ngựa, thiên đường địa ngục gì… các ông đều tự do tự tại, không bị câu thúc. Nếu không được như thế thì: “Một niệm sai liền bị luân hồi”.

Thuở xưa, Tần Cối đã từng ở trước Bồ Tát Địa Tạng làm Hương đăng, chỉ vì ông ta không phát tâm trường viễn, vô minh phiền não chưa đoạn nên bị tâm sân làm hại. Đây là một thí dụ. Nếu như lòng tin các ông kiến cố, tâm lâu bền bất thối thì dù các ông là một người bình thường thế nào cũng không đáng lo, vẫn có thể thành Phật.

Thuở xưa, tại Chương Châu có một người nghèo khổ vào chùa xuất gia, lòng muốn tu hành nhưng khổ nỗi, không biết tu thế nào cho đúng, cùng không biết thưa hỏi ai. Mỗi ngày ông ta chỉ biết làm các công tác lao nhọc. Hôm nọ, có vị Tăng đi hành cước đến ngôi chùa này xin tạm trú, thấy ông ta đầu tắt mặt tối, vị Tăng hỏi:

– Công phu thường ngày của ông ra sao?

Ông đáp:

– Hằng ngày tôi chỉ biết làm các việc nặng nhọc, xin Thầy chỉ giúp tôi phương pháp tu hành!

Vị Tăng bảo:

– Ông hãy tham câu “Niệm Phật là ai?” đi!

Ông bèn làm theo lời chỉ dạy của vị khách Tăng. Thường ngày trong lúc lao tác, ông đem chữ “AI” đặt vào lòng mà chiếu cố. Về sau, ông vào ẩn tu trong Thạch Nham (núi đá), mặc cỏ, ăn cây. Bấy giờ, bà mẹ và chị ông ở nhà, nghe tin ông tu hành trong núi quá khổ, bà mẹ bèn sai người chị mang một mảnh vải và ít vật thực đến hang đá, thấy ông ngồi trên đá, nghe tiếng động vẫn bất động, bèn cất tiếng gọi, ông cũng chẳng đáp, người chị giận quá, liền ném đồ đạc rồi quay về, ông cũng không ngó ngàng chi tới, chỉ nhất tâm ngồi trong động đá tu hành. Trải qua 13 năm, người chị lại đến thăm, thấy manh vải và vật thực mình ném lần trước vẫn chưa được động đến.

Về sau, có một người lánh nạn đến nơi này, đói bụng, thấy vị Hoà thượng y phục đã rách nát ở trong hang, bèn đến gần hỏi xem có gì để ăn không. Vị hoà thượng bèn đến bên vách đá, lượm vài cục đá bỏ vào nồi, đun chín rồi đem ra cùng ăn với nhau, thấy mùi vị giống như khoai tây. Người lánh nạn ăn xong liền cáo từ. Vị hoà thượng dặn: “Ông chớ nói với ai chuyện này nhé!”. Một thời gian sau, ông ta nhủ thầm; “Mình tu đây nhiều năm rồi, cũng phải đi gieo duyên!”. Thế là ông đi đến Hạ Môn (Ma Cao) cất một túp lều tranh ven đại lộ, đãi trà nước cho người qua lại.

Đến niên hiệu Vạn Lịch (1573-1616), Đức Hoàng thái hậu, mẹ của Hoàng đế mạng chung, vua muốn thỉnh các bậc Cao tăng làm Phật sự. Trước tiên vua định thỉnh các bậc Cao tăng trong kinh thành, nhưng vì bấy giờ trong Kinh không có Đại đức Cao tăng, Hoàng thái hậu bèn báo mộng cho Hoàng đế Vạn Lịch hay là ở Chương Châu, Phước Kiến có bậc Cao tăng. Hoàng đế bèn sai người đến Chương Châu rước rất nhiều Tăng sĩ vào Kinh làm Phật sự. Chư Tăng đều mang hành lý tề chỉnh vào Kinh đô. Khi thấy họ đi ngang qua chỗ mình, vị Tăng già kia bèn hỏi: “Chư Sư hôm nay đi đâu mà hoan hỷ quá vậy?”. Mọi người đáp:

“Chúng tôi vâng lệnh vua về Kinh làm lễ cầu siêu cho Hoàng thái hậu.

– Cho tôi đi với được không?

– Bộ dạng ông khổ quá, làm sao mà đi chung cho được?

– Tôi không thể tụng đám nhưng có thể gánh giùm hành lý của quý vị, hãy cho tôi theo để xem kinh đô đẹp đến cỡ nào nhen?

Mọi người đồng ý cho ông đi theo gánh hành lý.

Bấy giờ Hoàng đế biết rõ con đường mà chư Tăng phải đi qua, bèn cho người đem bộ Kinh Kim Cang ra chôn dưới cổng ra vào. Chư Tăng thảy đều không biết nên cứ thong thả bước qua đi vào hoàng cung, chỉ riêng vị Hòa thượng có bộ dạng khổ não, lúc đi đến đó thì quỳ gối chắp tay, chẳng chịu bước qua. Mọi người thấy vậy bèn cất tiếng gọi, thúc ông tiến bước nhưng ông vẫn không chịu. Người gác cổng bèn tâu với Hoàng đế. Bấy giờ Hoàng đế biết là Thánh tăng đã đến, bèn thân hành ra đón, hỏi:

– Vì sao Thầy chẳng chịu vào?

– Dưới đất có Kinh Kim Cang nên tôi chẳng dám bước qua.

– Sao không lộn ngược mà đi?

Vị Tăng nghe nói bèn chống hai tay xuống đất chỏng hai chân lên trời, phóng mình một cái, nhảy xa hơn một thước mà vào. Hoàng đế rất kính trọng, rước Sư vào cung đình khoản đãi, hỏi cách lập đàn làm Lễ cầu siêu. Sư bảo:

– Vào canh năm sáng mai khai đàn, chỉ cần lập một cái đàn, treo một bức phan, bày chút đỉnh hương đèn, trái cây là được rồi.

Lúc ấy Hoàng đế trong lòng không vui, vì thấy đàn tràng không long trọng, cũng lo thầm vị Tăng không có đạo đức. Song vua vẫn thiết lập đàn tràng đơn giản y theo lời Sư dạy. Hôm sau, Sư thăng tòa thuyết pháp, lên đài cử hành nghi thức xong, Sư cầm tràng phan đến trước bàn vong, nói: “Tôi vốn không định đến đâu, chỉ vì bà có lòng thương muốn mời – một niệm vô sinh liền được lên cõi trời”. Làm lễ xong, Sư nói với nhà vua: “Xin mừng Thái hậu đã giải thoát”. Hoàng đế còn hồ nghi, cho là việc chưa thành, vì e chưa đủ công đức. Trong lúc đang nghi ngờ thì bỗng nghe trong cung có tiếng Thái hậu nói: “Hoàng đế hãy lễ tạ Thánh tăng đi, mẹ đã được siêu thăng rồi”. Nhà vua vừa sợ vừa mừng vội lạy tạ ân, rồi truyền thiết trai trong nội đình cúng dường. Lúc ấy, vị Tăng thấy nhà vua đang mặc chiếc quần gấm, chăm chăm nhìn không chớp mắt, vua hỏi: “Đại đức có thích cái quần này không? Và cởi tặng cho Sư. Tăng nói: “Cám ơn”. Nhà vua phong cho vị Tăng là Long Khố Quốc Sư. Thọ trai xong, vua mời Sư vườn xem hoa, trong vườn có một bảo tháp, vị Tăng trông thấy bảo tháp có vẻ vui lắm, bồi hồi chiêm ngưỡng. Vua nói:

– Quốc sư thích ngôi tháp này à?

– Tháp đẹp quá!

– Trẫm có thể dâng tặng Sư tháp này.

Vua bèn ra lệnh hạ tháp để đem đến Chương Châu xây dựng lại. Sư nói:

– Chẳng cần dỡ tháp, tôi sẽ mang nó đi!

Vừa nói Sư vừa cầm ngọn tháp, đặt vào tay áo rồi bay lên hư không, đi mất. Nhà vua vừa sợ, vừa mừng, tán thán là chưa từng có.

– Chư vị hiểu câu chuyện này ra sao? Chính nhờ từ lúc xuất gia trở đi, vị Sư đó không tạp dụng tâm, đạo tâm kiên cố, chị đến thám cũng chẳng đoái, áo quần rách nát cũng chẳng quản, bỏ mặc manh vải suốt 13 năm trời không quan tâm đến. Các ông và tôi hãy tự xét lại mình. Có thể nào dụng công như vị Sư ấy được chăng? Đừng nói từ sáng đến tối, thấy chị mình đến không thèm ngó tới là việc làm không nổi. Nội việc đang chỉ tịnh đây, thấy người Giám hương đi đốt nhang hoặc người bên cạnh có chút động tĩnh gì là cũng đưa mắt liếc họ một cái. Dụng công như thế thoại đầu làm sao mà thuần thục được? Chư vị chỉ cần bỏ bùn giữ nước lại, nước trong thì tự nhiên trăng hiện. Hãy khéo léo đề khởi thoại đầu. Tham đi!