HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch

 

Chương 5
NGỘ ĐẠO

Tôi được rảnh rang tu, từ đây muôn niệm đều dứt, công phu ngày đêm như một, hành động nhanh nhẹn như bay.

Một đêm, trong lúc thắp hương, tôi mở mắt nhìn, bỗng thấy trời sáng như ban ngày, nhìn xuyên suốt cả trong lẫn ngoài. Cách một bức vách tôi còn thấy rõ vị sư Hương đăng đang đi tiểu và một vị Sư khác đang ngồi trong cầu, tôi còn thấy luôn ghe thuyền đang lướt trên sông tận tít đằng xa… thấy luôn màu sắc cây cối hai bên bờ ra sao, mỗi mỗi đều rõ ràng. Lúc này, tiếng bảng đang báo hiệu canh ba.

Sáng ra, tôi hỏi thăm các vị liên quan đến cảnh thấy của mình hồi khuya thì đúng y như vậy. Tôi biết đây chỉ là cảnh, không cho là kỳ lạ.

Đến tháng chạp, vào buổi tối thứ ba của tuần thất thứ tám, khi tôi đã ngồi đến nén hương thứ sáu, thì vị hộ thất pha trà rót nước sôi làm văng trúng tay tôi, chén trà rơi xuống đất vỡ tan, vang lên thành tiếng, gốc nghi trong tôi ngay đây dứt sạch, cảm giác thật khoan khoái tuyệt vời! Tôi giống như người vừa tỉnh mộng, tự nghĩ mình xuất gia phiêu bạt ngót mấy mươi năm… nhớ lúc ở chòi tranh Hoàng Hà, bị anh chàng thế tục hỏi một câu, chẳng biết đường mà nói… Nếu như khi đó tôi đá nhào cả nồi lẫn bếp, xem anh chàng Văn Cát thốt lời gì? Lần này, nếu không bị té sông rồi bệnh nặng, nếu không nhờ gặp thuận cảnh, nghịch cảnh và các thiện tri thức giáo hóa cho, e là sẽ còn lầm lạc cả đời, đâu có được như sáng hôm nay.

Nhân đó, tôi làm bài kệ:

Bôi tử phốc lạc địa
Hưởng thinh minh lịch lịch
Hư không phấn toái đã
Cuồng tâm đương hạ tức.

Chén trà rơi xuống đất
Vang thành tiếng rõ ràng
Hư không đà vỡ nát
Cuồng tâm ngay đây tan

Bài kệ tiếp theo:
Đãng trước thủ, đả toái bôi
Gia phá, nhân vong, ngữ nan khai
Xuân đáo hoa hương xứ xứ tú.
Sơn hà đại địa thi Như Lai.

Phỏng tay rơi chén vỡ tan rồi
Nhà nát người tan khó mở lời
Xuân đến hoa thơm, nơi nơi đẹp
Núi sông trời đất là Như Lai.

Năm này ký điều ước Mã Quan, cắt Đài Loan, Liêu Nam cho Nhật Bản.

QUANG TỰ 22 BÍNH THÂN (1896) 57 TUỔl

Mùa hạ tôi đến chùa Kim Sơn, Trấn Giang ở qua kỳ giới. Hòa thượng Đại Định giữ ở lại hết mùa đông.

QUANG TỰ 23 ĐINH DẬU (1897) 58 TUỔI

Từ Kim Sơn tôi đến Lãng Sơn, lễ tượng Bồ-tát Đại Thế Chí rồi trở về, được Hòa thượng Đạo Minh mời đến Dương Châu giúp việc cho chùa Trùng Ninh.

Tháng tư, Pháp sư Thông Trí giảng Kinh Lăng Nghiêm tại Tiều Sơn, thính chứng có đến nghìn người. Sư mời tôi phụ giảng. Giảng xong, tôi từ giã xuống núi.

Lễ xá-lợi

Tôi vừa sinh ra đã mất mẹ, chưa một lần được thấy từ dung, ở nhà chỉ nhìn di ảnh, mỗi khi nghĩ đến đây, lòng đau như cắt. Vì vậy, tôi phát nguyện đến chùa A Dục Vương lễ xá-lợỉ, đốt tay cúng dường Phật, cầu siêu cho mẹ. Tôi đến Ninh Ba gặp sư Huyền Nhân cùng sư Ký Thiền đang hộ trì chùa Thiên Đồng, còn sư Hải Ngạn lo chỉnh lại sử sách chùa A Dục… ai cũng rủ tôi trợ giúp, nhưng tôi đang có nguyện riêng nên từ chối hết.

Mời mẹ cỡi rồng đến Tây Phương

Tôi phát nguyện lễ xá-lợi, ấn định mỗi ngày lạy ba ngàn lạy, sáng sớm bắt đầu từ thức chúng đến giờ nghỉ ban đêm. Tôi không dùng bồ đoàn hay trải tọa cụ gì. Một đêm nọ, trong lúc tọa thiền, giống như mơ mà không phải mơ, tôi thấy có một con rồng vàng dài mấy mươi thước, vảy óng ánh lấp lánh bay từ trên không đáp xuống ao Thiên Trì trước Điện thờ xá-lợi. Tôi cỡi lên lưng rồng và nó bay thẳng lên không trung, đến một nơi sông núi đẹp lạ lùng, có lầu các cung điện cực kỳ nguy nga tráng lệ, cảnh trí rất đẹp xinh, có đủ kỳ hoa dị thảo… tôi thấy mẹ tôi đang ở trên lầu nhìn xuống, tôi mừng rỡ gọi to: “Mẹ ơi! Mời mẹ cỡi rồng đến Tây Phương”. Rồng liền hạ xuống. Tôi chợt tỉnh. Cảm giác thân tâm thật nhẹ nhàng, khoan khoái. Cảnh tượng vừa rồi tôi còn nhớ rõ như in. Trong đời, chỉ duy nhất lần này là tôi được thấy từ dung của mẫu thân.

Từ đó, mỗi lần có người đến xem xá-lợi, tôi đều tham gia. Mỗi người đều có cảm nhận khác nhau. Tôi được xem nhiều lần, thấy xá-lợi biến đổi luôn. Mới đầu, tôi thấy xá-lợi nhỏ như hạt đậu xanh, màu đen tía. Đến rằm tháng mười, khi lạy xong hai tạng xá-lợi, tôi xem lại, thì thấy xá-lợi vẫn vậy nhưng đã đổi sang màu đỏ, chiếu sáng rực rỡ. Tôi lễ tiếp tục, gấp rút, ráng cho được nhiều lạy hơn để xem thử… Lúc này toàn thân tôi đều đau đớn, nhưng đã thấy xá-lợi có hai màu: nửa vàng, nửa trắng và to bằng hạt đậu vàng. Lúc này tôi mới tin và chắc chắn rằng hình dáng xá-lợi hiện tùy theo căn thức và nghiệp của mình chiêu cảm. Tôi nôn nóng thử nghiệm, càng gia tăng lễ lạy cho đến tháng mười một… Kết quả: tôi bị bệnh nặng, không thể lạy được nữa. Bệnh mỗi ngày một trầm trọng, tôi phải vào Như Ý Liêu điều trị, song tất cả thuốc men đều vô hiệu, tôi nằm liệt giường, không sao ngóc dậy nổi.

Ai cũng cho là phần số tôi sắp mãn

Lúc này, Thủ tọa Hiển Thân, Giám viện Tông Lượng cùng Lư cô nương… tìm đủ cách để cứu tôi… thảy đều hao tài tốn sức mà chẳng có kết quả. Ai cũng cho là phần số tôi sắp mãn. Tôi cũng nghĩ vậy, lòng canh cánh nỗi lo thệ nguyện đốt tay chẳng thực hiện được nên rất buồn.

Ngày 16, có tám người (từng phát nguyện đốt tay) vào liêu thăm tôi, họ nghĩ là bệnh tôi còn gượng được nên có ý nán đợi tôi cùng làm lễ. Tôi biết là sáng mai lễ thiêu tay sẽ cử hành, bèn nài nỉ xin được tham gia. Phần đông đều không bằng lòng vì sợ tôi bị nguy hiểm. Tôi khóc như mưa, nói:

– Sinh tử là chuyện chẳng ai tránh khỏi, tôi vì muốn báo ân cha mẹ nên mới phát nguyện đốt tay, nếu giờ vì bệnh, vì sợ nguy hiểm mà bỏ cuộc thì cho dù tôi được sống cũng chẳng ích gì, thà tôi được dự lễ mà chết, còn hơn là nằm ở đây…

Giám viện Tông Lượng (khi đó chỉ mới 21 tuổi) nghe tôi nói, cũng sụt sùi theo, ông bảo:

– Thầy đừng phiền não, tôi sẽ giúp Thầy thỏa nguyện. Ngày mai khi hành lễ, tôi sẽ dìu và sắp đặt hết cho Thầy.

Tôi chắp tay xá cảm tạ ông.

Sáng 17, Tông Lượng mời Sư đệ Tông Tín, cùng các vị phát nguyện đốt tay khác… đến phụ dìu tôi lên đại điện hành lễ. Tất cả cùng tụng niệm, phát nguyện và sám hối. Tôi chí thành niệm danh hiệu Phật, tha thiết cầu siêu cho mẹ. Mới đầu đốt tay còn thấy đau đớn, nhưng dần dẩn tâm được an định, tôi có cảm giác rất nhẹ nhàng khinh an, thần trí trở nên sáng suốt. Rồi khi niệm đến câu “Nam mô Pháp giới tàng thân A Di Đà Phật”, toàn thân tôi chấn động, tất cả lỗ chân lông như dựng đứng, tôi tự bật dậy lễ Phật chẳng cần ai dìu. Lúc này, tôi không còn cảm thấy đau hay bệnh hoạn gì nữa, quá vui mừng, tôi bước tới cảm tạ từng vị trong đại chúng.

Khi trở về liêu, mọi người đều tấm tắc khen là hy hữu. Ngay hôm ấy tôi ra khỏi nhà dưỡng bệnh.

Hôm sau, tôi ngâm tay vào nước thuốc cả ngày, không bị chảy máu nữa. Được vài ngày thì da thịt liền lặn, sức khỏe khôi phục dần, tôi tiếp tục lễ bái và ở lại chùa A Dục Vương cho đến hết năm.

Điện thờ xá lợi nơi chùa A Dục Vương

Chùa thuộc địa phận Ninh Ba. Trước đây có tên là A Dục Vương, sau đổi thành Quảng Lợi. Theo truyện tích thì sau khi Phật diệt độ khoảng trăm năm, nơi miền Trung Ân có vị vua tên A Dục cai trị. Ông đã đem 84 ngàn viên xá-lợi của Phật cất vào bảo tháp, sai chư vị quỷ thần mang đi phân bố  khắp nơi. Tại Trung Quốc có 19 chỗ lần lượt xuất hiện bảo tháp này chẳng hạn như chùa A Dục Vương Ngũ Đài. Tại Ngũ Đài, xá lợi được cất kỹ, giấu trong Đại bảo tháp, không dễ gì chiêm bái.

Đến đời Tấn Võ Đế, niên hiệu Thái Khang năm thứ ba (282), nhờ ngài Huệ Đạt ở chùa A Dục lễ bái thỉnh cầu, bảo tháp xá-lợi mới từ đất vọt lên. Ngài bèn lập chùa và cho xây tháp thờ xá-lợi. Cửa tháp luôn khóa kín. Ai muốn xem xá-lợi, trước phải cầu xin người giữ tháp, rồi vào chánh điện lễ Phật, quỳ gối ngoài thềm điện chờ. Những người đến chiêm bái này phải quì theo thứ tự, người giữ tháp mới mang bảo tháp xá-lợi ra, tháp cao hơn 45cm (l,4m Tàu) chu vi hơn 30cm (l m Tàu). Lòng tháp trông, trong có một cái chuông, giữa chuông có một cây kim, xá-lợi được đính trên đầu kim này. Người xem xá-lợi có cảm nhận chẳng đồng. Thường thì thấy xá-lợi lớn bằng hạt gạo hoặc ba phần tư hạt gạo, màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng khác nhau… tùy. Ai có phúc duyên nhiều nữa thì sẽ nhìn thấy hoa sen cùng tượng Phật…

Đến niên hiệu Vạn Lịch triều Minh, có Thượng thư Lục Quang Tổ cùng thân hữu đến chiêm bái. Mới đầu thấy xá-lợi chỉ bằng hạt đậu nhỏ, sau lớn hơn, kế đó to bằng trái táo, trái dưa, rồi lớn như bánh xe, ánh sáng chói lòa, tâm mát đếu thanh lương. Bấy giờ Điện thờ xá-lợi đã hư hoại. Thượng thư Lục mới cho xây lại, trùng hưng Điện thờ trang nghiêm cho đến giờ. Đức Phật đại từ đã lưu lại pháp thân chân thể này khiến cho chúng sinh đời sau có thêm tín tâm chân chánh vậy.

QUANG TỰ 24 MẬU TUÂT (1898) 59 TUỔI

Đầu xuân, tôi ở chùa A Dục Vương. Nhân chùa Thất Tháp (Ninh Ba) có đúc đại hồng chung, các sư Qui Y, Bổn Lai… thỉnh sư Mặc Am đến giảng Kinh Pháp Hoa và mời tôi giảng phụ. Tôi bèn đến đó giảng. Xong việc, tôi lên núi Đồng Quan, Nghi Hưng, cất am tranh ở đây đến hết năm.

NĂM QUANG TỰ 25 KỶ HƠI (1899) 60 TUỔI

Tôi cùng hai sư Cát Sâm, Bảo Lâm đến Đan Dương trùng tu Tiên Đài Quán, ở đây hết mùa hạ.

Tháng bảy tôi đến Cú Dung, Hòa thượng Pháp Nhẫn ở Xích Sơn giao am tranh cho tôi ngụ qua mùa Đông.

QUANG TỰ 26 (1900) CANH TÝ – 61 TUỔI

Tính ra tôi ở vùng Giang Triết này đã mười năm, dự định sẽ làm một chuyến viễn du thăm Ngũ Đài lần nữa rồi về Chung Nam ẩn tu. Thế là tôi rời Xích Sơn. Ban đầu tôi đến Trấn Giang, Dương Châu lễ núi Vân Đài. Vào Sơn Động chiêm bái Đông Nhạc, Thái Sơn, đến núi Lao Sơn viếng chùa Hải Ấn của Hám Sơn rồi đến Khúc Phụ lễ Lăng miếu Khổng Tử.

Sao ngồi trên đầu người ta?

Trên đường về miền Tây. Một đêm nọ, tôi ghé vào một cái miếu hoang cũ ngụ qua đêm. Miếu bốn bề trống lốc, chẳng có gì. Ngoài chiếc hòm đặt giữa nhà với nắp quan lật ngửa. Tôi liền lên nằm nghỉ trên nắp quan. Nửa khuya, nghe bên dưới rục rịch, trong hòm phát ra mấy tiếng động to… rồi một âm thanh vọng lên:

-Cho tôi ra ngoài!

– Là người hay ma?

– Người!

– Người thế nào?

– Ăn xin!

Tôi bật cười, tránh chỗ. Một cái mặt nhăn nhó thò lên, bộ dạng giống như quỉ, hỏi tôi là ai.

Tôi đáp: – Là Hòa thượng.

Hắn nổi sùng la:

-Sao ngồi trên đầu người ta?… rồi tỏ vẻ muốn hành hung.

Tôi bảo: – Lúc tôi ngồi trên nắp quan, anh động đậy nhúc nhích còn chẳng được, giờ còn đòi đánh ư?

Hắn nghe nói, nguôi giận, bước ra ngoài đi tiểu rồi chui vào quan tài ngủ tiếp.

Tờ mờ sáng, tôi đã lên đường. Lúc bấy giờ, đảng Nghĩa Hòa đang nổi loạn tại các huyện vùng Sơn Đông. Một hôm, tôi đang đi thì gặp một người lính ngoại quốc cầm súng chỉa vào tôi và hỏi:

– “Có sợ chết không?”.

Tôi đáp: “Nếu mạng tôi phải chết về tay ông thì cứ việc”…

Thấy tôi thần sắc chẳng động, y bảo: “Thôi được, cho ông đi!”…

Tôi đến Ngũ Đài lễ bái xong, định trở về Chung Nam, thấy cảnh loạn lạc xảy ra mỗi lúc một nhiều nên đành lui về Bắc Kinh. Tôi đến chùa Tây Vực lễ Thạch Tạng Kinh. Lên núi Đàm Thạch, thăm một vị tăng hành cước, rồi ghé chùa Giới Đài, lễ tháp Thiền sư Phi Bát.

Tôi tham gia đạo tràng niệm Phật ở núi Hồng Lô, viếng chùa Đại Chung, chiêm ngưỡng quả chuông đồng nặng 87.000 cân, cao 5m, quai chuông 2m33 , rộng 4m66 . Bên ngoài chuông có khắc một bộ Kinh Hoa Nghiêm, bên trong khắc một bộ Pháp Hoa, đường viền chuông là kinh Kim Cang. Quai chuông khắc bộ chú Lăng Nghiêm. Chuông này do vua Vĩnh Lạc đúc cầu siêu cho mẹ.

Xem xong, tôi trở về trú ngụ ở chùa Long Tuyền phía Nam thành.

Tháng 5, loạn Nghĩa Hòa ngày một tăng, họ lấy danh nghĩa “Phò Thanh diệt Dương” ủng hộ Hoàng thái hậu, giết chết thư ký của Sứ quán Nhật Bản cùng nhân viên Công sự nước Đức.

Ngày 17 tháng 5, vua hạ chiếu tuyên chiến với các nước, kinh thành hỗn loạn…

Tháng 6, Thiên Tân thất thủ.

Tháng 7, liên quân các nước vây hãm Bắc Kinh. Bấy giờ các Vương công, đại thần đều kéo đến ở chùa Long Tuyền và quen biết tôi, họ khuyên tôi nên theo đoàn xa giá về miền Tây lánh nạn.

Đi miệt mài suốt ngày đêm, muôn vàn gian khổ. Đến huyện Phụ Bình mới nghe tin sầm Xuân Tuyên đem quân cần Vương đến. Hoàng đế cùng Thái hậu rất mừng, xa giá được hộ vệ ra khỏi Trường Thành, tới Nhạn Môn Quan ở Sơn Tây. Tại đây có chùa Vân Môn, có vị Sư già thọ 124 tuổi. Vua ban lụa vàng và truyền lập Phường (biểu dương những người hiền trong làng).

Rồi đoàn đi về phía tây đến Bình Dương, vùng này mất mùa đói kém, nhân dân mang rau rừng, khoai núi đến dâng, vua cùng Thái hậu ăn, khen ngon nức nở.

Đến Tây An vua ở Vũ Viện, bấy giờ nạn đói hoành hành, có nơi còn ăn cả thây người chết, vua ra chỉ cấm ngặt và truyền mở quán cơm bố thí tại bốn cửa thành. Các thôn làng và thị trấn lớn, nhỏ gì cũng được bố thí như vậy.

Quan Tuần vũ sầm Xuân Tuyên mời tôi đến chùa Ngọa Long lập đàn Cầu Tiêu Tai. Xong đại lễ, Hòa thượng Đông Hà mời tôi lại chùa, tôi thấy đoàn xa giá ở Tây An ngày càng ồn ào phiền phức nên lẻn trốn đi.

Tên Hư Vân bắt đầu có từ đây

Tháng 10, tôi lên núi Chung Nam cất am tranh, kiếm được cái hang Sư Tử phía sau Ngũ Đài, cảnh trí nơi đây rất u tịch. Muốn cắt dứt ngoại duyên phiền toái, nên tôi đổi hiệu là Hư Vân, tên Hư Vân bắt đầu có từ đây. Núi thiếu nước nên tôi hứng nước mưa, tuyết để uống và tự trồng rau củ ăn. Bấy giờ sư Bổn Xương núi Phá Thach, sư Diệu Liên ở miếu Quan Đế, sư Đạo Minh động Ngũ Hoa, sư Diệu Viên ở Mao Bồng, sư Tu Viên, Thanh Sơn ở phía sau núi. Các vị đều là bậc Tôn đức, chúng tôi thường qua lại với nhau.

Tháng 8, Sư Phục Thành, Nguyệt Hà, Liễu Trần đến thăm, vừa gặp tôi thì nói:

– Mấy năm rồi vắng bặt tin tức, ai biết Thầy ngự trong đây?

Tôi cười đáp:

– Trong đây để đó, trong kia thì thế nào?

Họ hành lễ. Dùng bữa bằng rau rừng xong, tôi tiễn họ về núi Phá Thạch. Sư Nguyệt Hà mách:

– Lão Xích Sơn chùa Quy Nguyên, Hán Dương giảng Kinh Pháp Hoa. Hiện Ngài đang chán rộn ràng, muốn lên miền Bắc ở nên sai tôi lên núi Thuý Vi tìm chỗ trước… Sư Nguyệt Hà rủ tôi hãy đi với ông, nhưng tôi muốn tĩnh tu nên từ chối. Lúc tôi nhập thất xong thì các sư Hoá Thành, Dẫn Nguyệt, Phục Giới đi thăm núi Thúy Vi đã trở về. Nguyệt Hà khoe: – Vùng đất bọn tôi mới xem ưng ý lắm!

– Tôi khuyên:

– Đất ấy hướng Bắc phạm thế Bạch Hổ, Thái Bạch, phía sau chẳng có điểm tựa, không phải đất lành đâu!

Họ không nghe lời tôi nên sau này rước lấy kết quả không tốt.

Mùa đông đến, lão Thanh Sơn sai tôi đi chợ Trường An mua đồ. Mua xong thì trời đổ tuyết to. Tôi lò mò lên núi, đến chỗ am tranh mới, ngay đoạn đường cheo leo thì trợt chân té nhào rơi xuống hố tuyết. Tôi kêu lớn, những người lân cận chạy đến phụ kéo tôi lên. Tôi y phục ướt đẫm mà trời đang nhá nhem tối. Nghĩ đến cảnh ngày mai tuyết phủ đầy núi, sẽ khó tìm ra lối đi nên tôi mặc kệ đêm đầy tuyết, cứ bươn bã đi về. Đến chỗ sư Thanh Sơn, ông thấy bộ dạng tôi thảm hại, cười bảo là tôi chẳng được việc. Tôi mỉm cười cáo từ, về cốc ở đến hết năm.

QUANG TỰ 27 (1901) TÂN SỬU – 62 TUỔI

Suốt từ mùa xuân đến hạ tôi vẫn ở Mao Bồng, còn lão Xích Sơn đã lên núi Thúy Vi cất am ở, dẫn hơn 60 người theo, phân nửa ở chùa Hoàng Dụ, phân nửa ở am mới chùa Hưng Thiện.

Bấy giờ quân đội tỉnh Giang Tô, khai ruộng nước ở đất Bắc và giao hơn trăm mảnh đất gần sông Âp Bá cho Tăng chúng canh tác. Dân bản địa tại đầy muốn đem ruộng đổi lấy đất đó nhưng Tăng chúng Thúy Vi không chịu, thế là kiện tụng xảy ra, Tăng chúng kém lý nên thua kiện. Lão Pháp sư Xích Sơn buồn lắm, năm sau Ngài bỏ về Nam, đem hết đồ vật cho sư Thể An, Nguyệt Hà… còn đại chúng đều đi tứ tán. Mỗi lần nghĩ đến những trắc trở này, tôi thở dài…. Lần này Tăng chúng miền Nam đến đất Bắc chịu rất nhiều ảnh hưởng, từ núi sông, địa hình, cảnh khí, không gì là không liên can…

Khí trời cuối đông kết hợp với tuyết tụ ngàn năm, phả hơi lạnh thấu xương, tôi ngồi một mình trong thảo am, thân tâm rỗng rang trong lặng. Một hôm, tôi nhóm lửa nấu khoai, ngồi kiết già chờ khoai chín, ai ngờ nhập định luôn.

Năm này Ký Hòa ước Tân Sửu, bồi thường 450 triệu lượng bạc.

Tháng 10 liên quân các nước rút khỏi Kinh Sư.

Tháng mười một, Thái hậu cùng nhà vua trở về Bắc Kinh.

QUANG TỰ 28 NHÂM DẦN (1902) 63 TUỔI

Tôi nhập định không biết bao lâu… Đông tàn, Xuân sang. Qua năm mới, chư Tăng quanh đấy lấy làm lạ vì đã lâu không thấy tôi đến, họ rủ nhau tới am tôi chúc Tết. Nhìn ngoài chòi đầy dấu chân cọp mà không có dấu chân người, họ liền bước vào xem, thấy tôi đang nhập định nên họ đánh khánh thức định. Tôi mở mắt.

Họ hỏi: -Đã ăn uống gì chưa?

– Tôi đáp: “Chưa! Có khoai ở trong nồi đấy, chắc đã chín rồi.”

Nhìn lại thì khoai đã bị đóng băng cứng ngắc, meo tuyết phủ cả lớp dày. Phục Thành kinh ngạc nói: “Thầy nhập định đã hơn nửa tháng rồi đấy”… Thế là chúng tôi nhóm lửa, bỏ tuyết vào nồi luộc khoai, cùng dùng bữa, cả cười rồi chia tay.

Sư Phục Thành đi rồi, vài ngày sau Tăng tục xa gần tìm đến chiêm lễ. Chán trò thù tạc, tôi gom ít hành lý trốn đi, tìm đến chỗ xa xôi muôn dặm mà ở.

Tôi ngụ ở sơn cốc Thái Bạch mới được vài hôm thì sư Giới Trần tìm đến, rủ tôi đến tận nga My. Chúng tôi đi qua cửa khẩu Bảo Âp đến núi Tử Bá, viếng mộ Trương Lương. Đến huyện Chiêu Hóa, chiêm ngưỡng cây bách Trương Phi, rồi đến Thành Đô, nghỉ tạm một lát tại chùa, sau đó men theo đường Gia Định đến núi Nga My, lên Kim Đỉnh chiêm ngưỡng hào quang Phật, thấy giống như hào quang trên núi Kê Túc. Ban đêm, hiển hiện hàng vạn ngọn đèn sáng tương tợ Đèn Trí Huệ ở Ngũ Đài. Đến Điện Tích Ngọa, đảnh lễ Lão Hòa thượng Chân Ưng, Ngài đã hơn 70 tuổi, là bậc Đại thiện tri thức đứng đầu tông môn vùng núi này, Ngài vui vẻ rủ chúng tôi lưu lại vài hôm.

Vượt sông Kim Sa viếng núi Kê Túc

Xuông núi, chúng tôi đến chùa Đại Nga ở ao Tẩy Tượng, gặp Trưởng lão Bình, tới Điện Tỳ Lô huyện Nga My, đi qua thôn Ngân huyện Hiệp Giang đến bến sông Lưu Sa gặp con nước lớn, đợi từ sáng tới trưa mới có đò. Mọi người đều lên đò, tôi nhường Giới Trần lên trước rồi trao hành lý cho ông. Nhưng khi tôi vừa bước lên đò thì sợi dây buộc ghe bỗng đứt, làm tôi té nhào xuống sông, tay mặt vừa kịp bấu vào dây buộc thuyền. Gặp lúc nước chảy xiết, thuyền nhỏ mà người đông, chỉ cần hơi nghiêng một tí là đò bị chìm ngay. Vì vậy tôi không dám cử động mạnh, đành thả trôi theo dòng nước. Đến tối, đò mới cập bến, mọi người kéo được tôi lên thì y phục cùng hai chân tôi đều bị đá nhỏ cắt nát… Đã vậy, trời lạnh buốt mà còn đổ mưa, chúng tôi dầm mưa đi đến Sái Kinh Quan, nơi này các nhà trọ đều không cho Tăng ở, thấy bên đường có một cái am do một vị Tăng coi giữ, chúng tôi bèn tiến đến xin ngụ tạm, năn nỉ rất lâu mà ông ta vẫn khăng khăng không cho. Túng thế, chúng tôi đành phải ra ngoài nghỉ trên cái nền đất của một rạp hát nghèo. Khố nỗi, đất quá ẩm, mà y phục chúng tôi thì ướt mem, tôi bèn đưa tiền, nài nỉ ông tăng khó tính bán cho ít rơm. Ông ta lấy tiền xong, thảy cho chúng tôi ba bó rơm ướt sũng nước – đốt không cháy, nằm không xong – thôi thì đành chịu trận vậy. Tôi với sư Giới Trần, ngồi mãi cho đến trời sáng mới mua được mây trái chuối chát ăn đỡ lòng, phần tôi thêm đôi chân bị đá cắt nát chưa lành, ráng chịu đau mà bước.

Chúng tôi qua núi Hỏa Nhiên, đến phủ Ninh Viễn…vào địa phận tỉnh Vân Nam. Tới huyện Vĩnh Bắc, lễ Thánh tích Bồ-tát Quán Thế Âm, vượt sông Kim Sa viếng núi Kê Túc, đêm đến chúng tôi chỉ biết nghỉ lại ở dưới gốc cây, bỗng nghe trong thạch môn có tiếng mõ vang lên.1

Ngậm ngùi gạt lệ xuống núi

Sáng ra, chúng tôi lên Kim Đỉnh, đi dâng hương khắp nơi, tôi nghĩ thầm: “Chốn Đạo tràng của Phật, Tổ mà suy tàn đến thế này, Tăng quy tỉnh Điền lại tệ như thế kia? Con nguyện sẽ đây, chiêu đãi, tiếp đón, giúp những người đi triều lễ núi không còn bị cảnh bạc đãi…”.

Nhưng hoài bão của tôi khó thực hiện vì bị đám con cháu các chùa miếu vùng này quyết liệt cản ngăn, tôi chỉ biết ngậm ngùi gạt lệ xuống núi. Đến Côn Minh, gặp một Phật tử hộ pháp tên Sâm Khoan, ông ân cần mời tôi lưu lại chùa Phước Hưng. Tôi bế quan ở đây đến hết năm, sư Giới Trần hộ thất cho tôi.

QUANG TỰ 29 QUÍ MÃO (1903) 64 TUỔI

Tôi đang ở trong thất thì có vị tăng chùa Nghinh Tường mang một con gà trống nặng đến mấy cân tới phóng sinh. Tính nó rất dữ, ưa gây chiến, cả bầy gà đều bị nó hành hung, đá cho tơi tả mào, cánh… Tôi quy y truyền giới cho nó, dạy nó niệm Phật. Chẳng bao lâu, nó không còn hung hăng nữa, chỉ leo lên cây đứng một mình, không ăn sâu bọ. Đồ người ta không cho thì không ăn. Lâu ngày, hễ nghe tiếng chuông khánh là nó theo chúng lên Chánh điện, làm lễ xong thì trở về ở dưới cội cây. Tôi dạy niệm Phật, nó phát thinh: “Phật, Phật, Phật”. Được hai năm, một hôm nọ sau khóa lễ tối, nó đứng yên, ngẩng đầu, vỗ cánh ba lần, giống như cất tiếng niệm Phật rồi đứng yên mà chết. Trải qua mấy ngày thân xác không biến đổi, bỏ nó vào hộp chôn. Tôi làm bài minh:

Hiếu chiến gà ưa đá lung tung
Lông mào tơi tả, máu chảy ròng
Từ khi thọ giới cuồng tâm hết
Tuyệt dục, trường trai, chẳng hại trùng
Hai mắt kính thành chiêm ngưỡng Phật
Niệm Phật “ót ót”, dáng thung dung
Nhiễu quanh, vỗ cánh an nhiên mất
Chúng sinh và phật đâu chẳng đồng?