AN LẠC TỪ TÂM
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định
CHƯƠNG 5: CHUYẾN HÓA CẢM NHẬN CHỦ QUAN
Trong quá trình sống của chúng ta, mọi đau khổ trong lòng đều xoay quanh “cái tôi”. Vì “tôi” mà chúng ta luôn cảm thấy thiếu thốn, không tự do tự tại, luôn luôn khao khát những thứ ngoài thân, có lúc còn oán trách, hoài nghi, đố kị, tham lam, giận dữ, tạo biết bao nghiệp ác. Đợi đến lúc phải chịu nhận quả báo thì lại muốn trốn tránh như người nghèo vay nợ muốn tránh chủ nợ cũng vì thế lại tạo thêm vô vàn nghiệp ác khác, đây chính là “ngũ ấm xí thịnh khổ” mà Phật giáo nói đến.
Ngũ uẩn gồm: sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, nói cách khác đó là năm yếu tố tạo nên thân thể con người, cũng có thể chia thành hai đó là vật chất và tinh thần. Phần vật chất được gọi là sắc uẩn, nó có nghĩa là hình dạng, hình dạng đấy cũng chính là biểu hiện về mặt vật lý của thân thể. Bốn uẩn còn lại thuộc về tinh thần, trong đó “thụ” nghĩa là cảm thụ, “tưởng” là tri nhận sinh ra sau khi cảm thụ.
“Hành” tức là sau khi nhận thức liền khởi lên quyết định phản ứng thế nào và nên xử lý ra sao, ba thứ này thuộc về tầng lớp tâm lý.
Uẩn thứ năm gọi là “thức”. “Thức” là chủ thể của mạng sống con người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, từ đời này cho đến đời sau, là chủ tể của cả một quá trình sinh mạng. Khi hai phần tâm lý và thân thể hòa hợp lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau thì sẽ nảy sinh ra ở hành vi và động tác. Hành vi sau khi phát sinh sẽ tạo thành một thứ tác dụng mà con người thường gọi là “nghiệp lực”, đó cũng chính là bản chất ý thức của chúng ta. Hành vi bao gồm ba mặt là thân thể, lời nói và tâm lý. Vì vậy, “thức” chính là hành vi do thân, khẩu, ý tạo thành, còn lại một phần là tác dụng của nghiệp lực. Chúng ta tạo nhân ý thức trong hiện tại, chấp trước vào ý thức này, vì thế có thể lãnh chịu quả báo trong đời này, nhưng cũng có thể đến đời sau mới nhận lấy quả báo.
Con người nói chung thường cho rằng “thức” chính là “linh hồn”, nhưng “linh hồn” là cái duy trì mãi mãi không bao giờ thay đổi, còn “thức” lại không ngừng biến hóa.
Chỉ cần tiếp tục tạo nghiệp, cho dù nghiệp lành hay nghiệp dữ đi nữa thì thức kia cũng sẽ thay đổi. Khi chúng ta nhận lấy quả báo thì thức cũng tùy theo đó mà biến đổi. Vì thế, khi thọ nhận quả báo đổng thời cũng chính là đang tạo nhân, khi tạo nhân đồng thời cũng đang nhận lấy quả báo, cứ thế xoay dời chuyển đổi không dứt. Vì thế, thức bên trong thường xuyên thay đổi.
Cái gọi là “ngã”, thật ra nó chính là hiện tượng tâm lý do ngũ uẩn kết hợp tạo thành. Đây là một thể hòa hợp của nhân duyên, trong đó chẳng có linh hồn nào thường hằng bất biến cả. Cho nên bạn của ngày hôm qua và bạn của mười năm trước cũng không giống nhau, thậm chí là bạn của giờ trước và bạn của giờ hiện tại cũng hoàn toàn khác biệt. Không những thân thể không giống mà ngay cả trạng thái tâm lý, phương thức hành động, ý thức bên trong cũng thay đổi theo từng giờ từng phút. Vì vậy, cái ngã do ngũ uẩn tạo thành luôn thay đổi biến hóa không ngừng, nó vốn không phải là cái ngã đích thực, cũng không có cái ngã nào bất biến.
Nguyên nhân phát sinh của “ngũ ấm xí thịnh khổ” chính là không hiểu rõ chủ thể của mạng sống. Thức là cái biến động không bị trói buộc. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Bồ-tát Quan Thế Âm khi “quán sát thấy được năm uẩn đều không” nên Ngài có thể “vượt qua tất cả mọi tai nạn khổ ách”, nhưng do hàng phàm phu không biết được “ngũ uẩn giai không” nên cứ mãi khổ đau không thể nào nói hết được.
Nếu chúng ta không biết “ngũ uẩn giai không”, chúng ta sẽ không biết ngũ uẩn chính là công cụ tạo ra các phiền não, phiền não không ngừng phát sinh giống như ngọn lửa đang ngày đêm thiêu đốt, nó mang đến cho con người nỗi thống khổ không cùng. Nếu như con người có thể hiểu rõ “ngũ uẩn giai không” thì sẽ không còn tạo ra các phiền não nữa, mà dần chuyển các thứ phiền não kia thành những công cụ tu phước, tu huệ, giúp con người đạt đến cảnh giới giải thoát hoàn toàn.
THAY ĐỔI CẢM NHẬN CHỦ QUAN
Thân thể con người là do ngũ uẩn kết hợp tạo thành. Vì thế, nếu không có trí tuệ để thấy được “ngũ uẩn giai không” thì chúng ta sẽ chấp vào bản ngã do ngũ uẩn tạo thành, lấy bản ngã làm trung tâm nên không ngừng nảy sinh các vọng niệm, từ đó mang đến cho bản thân ta không ít phiền não và đau khổ.
Vọng niệm chính của bản ngã là đối với bản thân, cách nghĩ, giá trị quan của mình mà sinh lòng chấp thủ đắm trước, sự đắm trước này có lúc cùng với sự thật khách quan mà nảy sinh đối lập với người, sự và vật trong môi trường, khi đối lập nhau thì tất nhiên sinh ra va chạm, mâu thuẫn và tạo nên một chuỗi đau khổ. Trong cảm giác chủ quan của chúng ta dường như mỗi sự vật đều không như ý, ta luôn cảm thấy môi trường hiện tại và tâm ý mình chống đối nhau: khi trời mưa ta oán trách trời sao mưa mãi, khi trời nắng ta cũng oán trách sao cứ nắng hoài. Thực ra, không phải hoàn cảnh bên ngoài có vấn đề, mà do chúng ta luôn chấp thủ đắm trước vào bản thân mình, nên mới không có cách gì hòa hiệp với hoàn cảnh bên ngoài, từ đó cảm thấy không thoải mái, tự tại.
Con người vì muốn thoát khỏi cảm giác không thoái mái, muốn đáp ứng đầy đủ yêu cầu ưa thích của bản thân mà không ngừng chạy đua theo cảm giác dễ chịu thoải mái. Họ thường cho rằng miệng phải ăn những món ăn ngon, tai phải nghe những âm thanh hay, mắt phải xem những cảnh sắc đẹp đẽ. Thực ra, vốn dĩ khi miệng khát, chúng ta chỉ cần uống nước là được, nhưng vì muốn hưởng thụ nên người cầu kỳ thường muốn uống trà ngon và các loại nước uống có mùi vị khác. Những tham muốn của con người chẳng bao giờ có điểm dừng, cũng chỉ vì muốn bảo vệ sự tồn tại của bản thân mà khởi lên biết bao điều ham muốn vô cùng tận. Vì muốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho bản thân mà con người đã hao phí quá nhiều sức lực, không những thế lại còn tạo ra biết bao nghiệp nhân. Hẳn có nghiệp nhân thì tất phải chịu quả báo, khi quả báo đến sẽ mang lại cho bản thân biết bao phiền não. Vì thế, nên biết rằng thân thể này chính là nguồn gốc tạo ra mọi đau khổ.
Mọi người đều thích cảm giác mát mẻ, mềm mại, mịn màng, nhẹ nhàng, ấm áp, thế nhưng không thể bất cứ lúc nào ta cũng có thể ở mãi trong cảm giác dễ chịu, thoải mái đó được. Tục ngữ có câu:
“Cái gì mắt không nhìn thấy luôn luôn sạch”, cho nên chỉ cần tai không nghe được, mắt không nhìn thấy thì sẽ không chịu sự ảnh hưởng của những cảm giác ấy.
Có thể thấy cái không hài hòa mà bản thân chúng ta cảm nhận thực ra không phải là vấn đề của hoàn cảnh bên ngoài, mà nó liên quan đến vọng niệm ở bên trong chúng ta. Nếu như chúng ta không chấp thủ đắm trước vào bản ngã thì tuy có bản ngã cũng không xảy ra mâu thuẫn với hoàn cảnh bên ngoài, cho dù xảy ra vấn đề gì đi nữa cũng không quá nghiêm trọng. Khi thân tâm xảy ra mâu thuẫn với hoàn cảnh bên ngoài, bấy giờ “thọ” để xoay chuyển nội tâm là cách giải quyết căn bản nhất. Tục ngữ có câu: “Tâm yên thì tự nhiên cảnh vắng lặng”. Khi chúng ta cảm thấy nóng bức không thể chịu được, ngoài việc mặc ít áo quần ra cũng chưa đủ, điều quan trọng là phải để cho lòng mình được bình tĩnh, lắng đọng, không nên nôn nóng, vội vàng, bởi vì khi lòng nôn nóng, hấp tấp, ta sẽ cảm thấy nóng nực, bức bối hơn. Nếu tâm ta không bình tĩnh thì có thể chuyên chú tập trung vào niệm danh hiệu Phật, vì niệm Phật có thể giúp cho tâm chúng ta bình tĩnh hơn, bấy giờ không còn cảm thấy nóng nảy bức bối và đau khổ nữa. Đây chính là sức mạnh của nội tâm.
Nếu như “thọ” mà không thể điều chỉnh được nội tâm thì nó thường xuyên ở trong cảnh tham muốn mong cầu (thọ khổ). Biểu hiện bề ngoài của tham muốn giống như cảm giác theo đuổi hạnh phúc, thực ra chính nó đang xây dựng cảm giác theo đuổi nơi lòng ham muốn, như thế khiến cho ta không bao giờ cảm thấy vừa lòng, vui vẻ, hạnh phúc được. Trái lại, nó đã vô tình tạo ra vòng luẩn quẩn cho sự đau khổ triền miên.
Tuy bất cứ uẩn nào trong năm uẩn đều tạo ra nhiều thứ phiền não khiến cho ta đau khổ mãi không thôi, nhưng chúng ta không nên vì trốn tránh cái khổ của “ngũ ấm xí thịnh” mà phủ định sự tồn tại của bản thân ta, bởi vì bản chất con người vốn tốt đẹp, đó cũng là công cụ để chúng ta cầu phước và tu huệ. Chỉ cần quán sát thấy được “ngũ uẩn giai không” thì có thể hóa giải được cái khổ trong “ngũ ấm xí thịnh”, cũng có thể khiến cho chúng ta cố gắng vận dụng thay đổi bản thân mình, tự bản thân vun bồi phước đức trí tuệ, và không ngừng tiến thêm bước nữa là tạo phước cho mọi người.
KHÔNG LẤY “CÁI TÔI” LÀM TRUNG TÂM
Bát Nhã Tâm Kinh dạy “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” là phương pháp để hóa giải, đối trị khổ tốt nhất trong “ngũ ấm xí thịnh”, nhưng có người lại cho rằng vì có sự hợp tan của sầu bi khổ ưu não mới hiện ra sức sống dồi dào trên nét mặt con người, điều đó có thể chứng minh được giá trị tồn tại của chúng ta, nếu không thì nó sẽ giống như “cành khô tro lạnh” mà thôi. Cách nói này thực ra đã hiểu lầm ý nghĩa của “ngũ uẩn giai không”.
Cảnh giới của “ngũ uẩn giai không” tuyệt nhiên không như gỗ, đá, cỏ cây, nếu không thì sao sau khi quan sát thấy được năm uẩn đều không, Bồ-tát Quan Thế Âm sẽ không muốn cứu độ chúng sinh; trái lại, khi Bồ-tát quán sát thấy được năm uẩn đều không, vượt qua tất cả mọi tai nạn khổ ách, không những Ngài giải thoát cho bản thân khỏi đau khổ mà thậm chí còn cứu tất cả chúng sinh thoát khỏi mọi khổ nạn. Ngài tự nguyện dùng thời gian vô hạn, lòng từ bi rộng lớn vô biên để cống hiến cứu giúp cho tất cả chúng sinh. Cuộc sống [“ngũ uẩn giai không” của Quan Thế Âm] sinh động, tự nhiên như thế, vì sao lại bảo như cành khô tro lạnh ư?
Thế nên sự khác biệt giữa “ngũ uẩn giai không” và “ngũ ấm xí thịnh” thể hiện nơi trạng thái tâm lý hành sự của chúng ta: Nếu lấy bản ngã trung tâm làm điểm xuất phát thì đó chính là “ngũ ấm xí thịnh”; nhưng nếu vì lòng từ bi rộng lớn muốn cứu độ tất cả chúng sinh thì đó là “ngũ uẩn giai không”, hai điều này rõ ràng không giống nhau.
Khi bản ngã trung tâm của con người quá mạnh và lòng ích kỷ quá nặng nề, bấy giờ con người sẽ rong ruổi chạy theo bên ngoài tìm cầu không biết mệt mỏi, đổng thời họ không ngừng bác bỏ hoàn cảnh bên ngoài, cho nên mang lại cho họ không ít khổ đau. Tuy nhiên, trong xã hội này, con người ta luôn muốn đem người có bản ngã trung tâm cứng rắn, mạnh mẽ để nhiếp phục lại người mạnh mẽ, nhưng dường như họ chẳng bao giờ có được những người bạn bền lâu, vì một khi bạn bè trở thành đối thủ ngang tài ngang sức thì với họ không thể tha thứ cho sự dũng mãnh không biết sợ của đối phương, mà bấy giờ họ sẽ trở thành kẻ thù của nhau. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng, hễ là người mạnh bạo không khiếp sợ thường rất cô độc và khổ đau.
Nhưng trên thực tế, họ chẳng bao giờ chấp nhận như thế, bởi vì họ sợ mất mặt, họ lo lắng không còn đường thối lui, họ sợ rằng sau khi vấp ngã sẽ không bao giờ đứng dậy được. Vì thế, họ nhất định phải chiến đấu đến cùng, nhưng một khi đã như thế lại càng thể hiện ra bản bản chất khiếp nhược yếu đuối của họ. Có thể thấy rằng, người quá cứng rắn, mạnh mẽ cũng không nhận được điều gì tốt đẹp. Có những lúc trong thoáng chốc, dường như người cứng rắn, mạnh mẽ mang hết sức lực vốn có của mình để thúc đẩy thế giới tiến bộ, họ cho rằng xã hội phải dựa vào họ để duy trì và phát triển. Nhưng trên thực tế, người mạnh mẽ cũng không phải là người thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội này, mà người thuộc tầng lớp cao nhất phải là các nhà tôn giáo, các nhà triết học, bởi vì họ đã bỏ đi sự ích kỷ hẹp hòi của bản thân, họ đem cuộc đời mình để cống hiến, chia sẻ cho cả cộng đồng thế giới.
Ví như đức Phật Thích Ca Mâu Ni không muốn giành địa vị danh vọng hay bất cứ thứ gì trong xã hội cả. Ngoài việc cống hiến bản thân mình để cứu giúp chúng sinh ra, Ngài không cầu bất kỳ điều gì khác. Ngoài ra, còn có các bậc vĩ nhân, họ chỉ muốn cống hiến hết mình chứ không muốn tranh giành bất cứ lợi ích nào để tôn vinh cho bản ngã của họ. Thế nhưng thật khó nhìn bề ngoài để đánh giá được người mạnh mẽ và bậc vĩ nhân, mà cần phải phân tích từ bên trong con người họ, rốt cuộc ai là người lấy bản ngã làm trung tâm? Ai là người lấy thiên hạ làm của chung? Nếu như lấy bản ngã làm trung tâm thì chỉ có thể xem họ như người mạnh mẽ, họ vẫn còn có sự đau khổ của “ngũ ấm xí thịnh”, không có cách nào tìm thấy giải thoát trong phiền não được.
Có lẽ con người nói chung không thể thực hành được hạnh nguyện của Bồ-tát Quan Thế Âm, nhưng trong cuộc sống hằng ngày con người vẫn có thể học theo tinh thần Bồ-táttừng chút, từng chút một. Ví như khi chúng ta cảm thấy đau khổ, sợ hãi và giận dữ, ta tự nhủ: “Bồ-tát Quan Thế Âm luôn vận dụng trí tuệ để thấy được bản ngã do năm uẩn tạo thành đều không, mà ta bây giờ lại cảm thấy đau khổ như thế, đây chính là tự mình ôm giữ lấy cái khổ của ngũ ấm xí thịnh chứ chẳng thể khác được” hoặc là tụng một đoạn kinh trong Bát Nhã Tâm Kinh: “Bồ-tát Quán Tự tại, khi thực hành sâu xa trí tuệ Ba la mật, quán sát thấy được năm uẩn đều không mà vượt qua tất cả mọi khổ ách tai nạn.” Thế nên chúng ta phải dùng trí tuệ của Phật pháp để tự răn mình, trung tâm của bản ngã chính là ngũ uẩn giai không, cho nên không cần phải chấp thủ đắm trước, đau khổ như thế.
Nếu như chúng ta thường dùng phương pháp này để tự răn mình thì sẽ phát hiện được rằng trong cuộc sống cần phải “quan sát để thấy được năm uẩn đều không”, cũng không tưởng tượng có sự khó khăn đến thế. Khi vứt bỏ dần được mọi thứ phiền não của bản ngã trung tâm, bất cứ lúc nào chúng ta cũng cảm thấy được sự vui vẻ, tự tại.
ĐỒNG CẢM HÓA GIẢI CHẤP CHẶT
Phàm là người đều có đủ thất tình lục dục. Khi chúng ta mới rơi vào vũng bùn của thất tình lục dục, chúng ta sẽ cảm thấy nó ngọt ngào, tốt đẹp làm sao, nhưng cuối cùng chắc chắn phải chịu nỗi đau khổ không thể nói được. Kinh Tứ Thập Nhị Chương dạy: “Con người đối với tài sắc như đứa bé thèm chút mật ngọt trên đầu lưỡi dao, miếng ngon ngọt đó không đủ cho một bữa ăn, nhưng lại bị nạn là đứt lưỡi.” ở đây ý nói rằng, người tham đắm vào tài sản và sắc đẹp cũng giống như dùng lưỡi mà liếm mật trên lưỡi dao vậy, mặc dù thưởng thức được vị ngọt nhất thời, nhưng kết cục lưỡi bị dao cắt đứt nên đau khổ vô cùng. Cho nên chúng ta nhất định phải cẩn thận, không thể vừa nhìn thấy sự vật tốt đẹp trước mắt mà không thể chịu nổi được sự cám dỗ đó. Nếu chúng ta có tâm cảnh giác như thế, thì bản thân ta có thể bớt đi nhiều điều rắc rối, phiền muộn và đau khổ.
Ví như có một người con gái nọ đã có người bạn trai rất tốt, nhưng khi xuất hiện một người con trai khác thông minh, khôi ngô tuấn tú, lại thêm nhiều tiền lắm của hơn, thì cô gái kia động lòng ngay nên bỏ rơi người bạn trai trước kia. Giống như hai chân dẫm lên hai chiếc thuyền, cô gái ấy đang chơi đùa với những cuộc tình ái, điều đó còn đáng sợ hơn đùa với lửa! Nếu trong lòng cô gái ấy đã có sự cảnh giác, cô ấy biết thế nhưng vẫn tiếp tục đùa chơi, thì không những sẽ dẫn đến sự quấy nhiễu cho bản thân mình và người khác, thậm chí nó có thể phá hoại cả tính mạng của đôi bên. Trước sự sai lầm to lớn đó, cô ấy vội vàng buộc ngựa vào vách núi. Nếu không có tâm cảnh giác, biết rỗ là có vấn đề nhưng lại tự an ủi bản thân rằng: “Có lẽ không xảy ra vấn đề gì đâu, nhưng cho dù có xảy ra hậu quả gì đi nữa, khi thuyền đi đến đầu cầu thì tự nhiên sẽ dừng lại.” Một khi đã mê đắm vào trạng thái tâm lý này thì không còn cách nào để chống đỡ nổi lòng ham muốn của bản thân mình được.
Vì thế, khi đứng trước sự mê hoặc cám dỗ, chúng ta phải chọn lựa để xa lìa nó hoặc thay đổi cách nhìn của mình. Chỉ cần giữ tâm cảnh giác thì có thể điều chỉnh được cảm tính và lý tính nên tránh được cái khổ bị thất tình lục dục lôi cuốn. Tuy nhiên, nếu như chỉ tự nhủ mình phải lìa xa sự mê hoặc, cám dỗ thì sẽ không dễ gì làm được triệt để, điều này chính là không đủ can đảm để cảm nhận vấn đề cho sự tương quan không dứt của cuộc đời mình. Vì thế, ngoài cách sửa đổi quan niệm ra, lúc nào ta cũng phải giữ tâm cảnh giác và luôn nhắc nhở bản thân mình, chúng ta còn phải chuẩn bị mang trong lòng đầy đủ để “cảm nhận với thân thọ”.
Có một thời báo chí thường đưa tin: Thịt bò của Mỹ đa số đều được nhập khẩu từ Nam Mỹ, nên những người nông dân ở Brazil thường chọn rừng nhiệt đới để làm nơi nuôi bò. Thế rồi họ chặt hết rừng cây ở đó và trồng lại một thảm cỏ lớn để nuôi súc vật, như thế họ lại phá hoại đi cả bầu không khí làm nguy hại đến môi trường sinh thái của cả trái đất. Bấy giờ có một em bé người Mỹ chỉ mới 13 tuổi, sau khi đọc được tin này trên báo, cậu nhất quyết không bao giờ ăn thịt bò và bánh hamburger… nữa.
Cha mẹ cậu cho rằng tất cả mọi người đều ăn thịt bò, chỉ một mình cậu ấy không ăn cũng chẳng sao, dù sao thì rừng cây miền nhiệt đới vẫn bị phá hoại như thường. Cậu bé ấy trả lời một cách chắc chắn rằng: “Bớt đi một người ăn thịt bò thì thịt sẽ bớt hao đi một chút, như thế sẽ bảo vệ được một cây, cho nên con tuyệt đối không bao giờ ăn đâu!”
Quả thật từ đó về sau, cậu bé ấy không bao giờ ăn thịt bờ nữa, vì cậu cảm nhận được hành động của mình có sự tương quan với từng hơi thở trong môi trường của toàn thế giới. Cho nên cậu thấu suốt được sự quyết tâm của bản thân mình, cũng như cảm nhận được bản thân mình và cuộc sống của mọi người có tính cấp thiết tương quan trong từng hơi thở. Đây chính là “cảm nhận thông cảm với thân thọ”, thứ cảm nhận này có thể giúp chúng ta khơi dậy động lực, để tiến thêm một bước nữa là tự thay đổi bản thân mình.
Vì thế, khi đã xuất hiện sự mê hoặc hấp dẫn của thất tình lục dục, trừ phi bất cứ lúc nào chúng ta cũng phải giữ gìn tâm cảnh giác, còn không thì phải thực sự sửa đổi bản thân, đồng thời phải dùng tâm để cảm nhận được bản thân và mọi sự vật là thể đồng nhất của mạng sống, tương quan trong từng hơi thở. Như thế ta sẽ phát hiện rằng mỗi khi ta thuận theo lòng ham muốn của bản thân thì sẽ tạo ra cho bản thân mình và người khác lòng tổn thương rất lớn, cũng chính là không muốn để cho bản thân mình rơi vào vũng bùn của sự ham muốn. Chỉ cần chúng ta lấy trí tuệ để nương tựa vào Phật pháp thì sẽ giảm bớt phiền não do thất tình lục dục gây nên, bấy giờ chúng ta sống một cuộc đời hết sức thong dong, tự tại.
TỪ BI ĐỂ BẢO VỆ BẢN THÂN
Lòng từ bi của sự cảm nhận và thông cảm với thân thọ có thể giúp chúng ta trừ bỏ được sự đắm trước, chống lại những điều mê hoặc, hấp dẫn của người khác. Nhưng trong xã hội biết bao kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu như thế, cho dù ta có lấy lòng từ bi để đối xử với mọi người thế nào đi nữa thì chưa chắc họ đã đem lòng từ bi đối xử lại ta. Bởi vì, khi đứng trước sự tranh giành quyền lợi, tài sản và sắc đẹp, thật khó tránh khỏi lo lắng bản thân mình sẽ chịu thua thiệt.
Đem lòng từ bi đối xử với người khác, trước mắt xem ra như ta bị thiệt thòi, nhưng nếu đặt ở phạm vi lớn hơn thì chúng ta phát hiện ra chẳng bị thiệt thòi tí nào cả. Vả lại, cuối cùng đối với mbản thân mình hay người khác đều có lợi ích. Ví như khi đi trên chiếc cầu độc mộc, nếu như hai người đang đi trên cầu không chịu nhường bước nhau thì kết cuộc là cả hai bên đều bị tổn thương chứ không thể khác được. Tục ngữ có câu: “Hai con hổ vì miếng mồi ngon mà tranh giành nhau, nếu như có một con chết thì con kia cũng bị thương”, đến nước này thì không ai có thể chiếm được lợi thế cả. Nếu chúng ta đem lòng từ bi đối xử với người khác, chịu nhường đường để họ đi trước, ngay lúc đó bản thân ta có lẽ chịu thiệt thòi, nhưng ít nhất cũng giữ được tính mạng của đôi bên, không bị tổn thương dù chỉ một sợi tóc.
Thế nên, khi chúng ta gặp phải đối thủ quá cứng rắn, mạnh mẽ, hai bên cứ giằng co mãi không thôi, bấy giờ chúng ta biết rằng nếu như tiếp tục tranh giành, cấu xé nhau thì cả hai bên
đều bị tổn thương, tốt nhất là nên đem sự thành bại, được mất kia mà buông xả đi nhé! Cho nên mới nói “ở lại trên núi thì lo gì không có củi để đốt”, lòng từ bi không những có lợi cho người khác, mà nó còn bảo vệ cho bản thân mình. Khi mình rút lui để nhường đường thành công cho người khác, bấy giờ bản thân mình xem ra như người nhu nhược, mềm yếu, không có tài năng, là người thất bại, nhưng thật sự nó đang bảo vệ sự an toàn tính mạng cho mình, và cũng để bảo toàn sức lực, nên bản thân ta không bị tổn hại nặng nề.
Điều mà hiện nay con người ta khó buông bỏ được đó là vấn đề tình cảm, khi bản thân cho đi không ngừng, nhưng khi nhận về chỉ là những thứ họ không cam tâm, không tình nguyện. Thực ra, kinh nghiệm quý báu nhất của cuộc đời là rút ra nhiều bài học từ trong sự thua thiệt, giày vò và thất bại. Nếu chúng ta đã trao cho đối phương rất nhiều thứ mà vẫn bị thất tình, nhưng cứ một lòng mong muốn đối phương kia quay trở lại bên mình, điều này chẳng khác nào như người trèo lên cây mà bắt cá thì đâu có ích gì. Giống như có người đánh bạc thua mà trong lòng không phục, nên anh ta luôn nghĩ cách để gỡ lại. Khi thua hết sạch tiền rồi lại nghĩ cách mượn tiếp, mượn rồi lại đánh thua, thua rồi lại mượn tiếp nữa, như thế anh ta càng chơi càng lún sâu vào hố thẳm không cách nào thoát khỏi được, đây thật là một hành động vô cùng ngu xuẩn không gì bằng.
Khi đứng trước người khác cũng thế, nếu bản thân ta không phải là đối thủ của họ, ta đã thua hoàn toàn. Vả lại, khi không thể cứu vãn được tình thế, không nên lún sâu vào hố sâu đó nữa.
Lúc bấy giờ chúng ta phải nhanh chóng rút lui kịp thời, cho dù ta có chịu thua, bị thiệt thòi một chút cũng chẳng sao, chỉ cần có thể ngăn chặn được tình thế này, rút ra được bài học kinh nghiệm là được. Đây chính là từ bi đối với bản thân mình vậy.
Khi đem lòng từ bi đối đãi với người khác, mặc dù có một vài người cảm ơn ta, nhưng đa số mọi người đều cho rằng đây là nguyên nhân khiến họ mạnh hơn bạn. Cho nên bạn không đạt được gì cả là bạn đáng đời, cái mà họ cướp được là họ đáng được hưởng, cũng không cần phải cám ơn bạn làm gì. Khi gặp phải tình huống này, ta không nên xem đó là sự sỉ nhục hay mất mát, cũng không nên mặc cảm, tự ti, vì lòng từ bi chủ yếu là nhìn từ một góc độ nào đó để suy nghĩ bảo vệ bản thân.
Người Trung Quốc thường nói “việc nhân đức thì không được nhường bất kỳ ai”. Khi bạn đem lòng từ bi để đối đãi với người khác, nhưng đối phương lại được đằng chân lên đằng đầu làm hại hết người này đến người khác, khiến ta không thể cứ tiếp tục nhượng bộ được nữa.
Đứng trước cảnh tranh giành quyền lợi được mất, tất nhiên ta phải dùng trí tuệ để suy nghĩ tính toán, nếu như đã nắm chắc được điều gì thì phải dũng cảm tiến thẳng lên phía trước, phải dùng hết sức mình để giành đến cùng, nếu không thì đối phương sẽ còn làm tổn thương đến nhiều người khác nữa.
Lòng từ bi đối với người khác chính là nhường cho họ có một lối đi. Thế giới này là một cộng đồng mà ta và người cùng sống chung trong đó, khi ta nhường cho người khác có được hạnh phúc, vui vẻ, tự do, có hy vọng thì cuối cùng chắc chắn bản thân ta cũng sẽ được lợi ích. Cho nên lòng từ bi không chỉ làm lợi ích cho người khác, mà trên thực tế cũng chính là để bảo vệ cho bản thân mình. Nếu chúng ta luôn luôn khởi lòng từ bi, hết lòng thương yêu, giúp đỡ mọi người thì đó chính là ta đang giúp đỡ bản thân ta vậy.
“NHÂN DUYÊN” LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN
Trong vô số pháp môn tu của đức Phật có một pháp môn gọi là “quán nhân duyên”. Pháp môn này có thể giúp chúng ta thay đổi quan niệm, phá bỏ được sự chấp thủ đắm trước vào các sự vật hiện tượng, từ đó đưa ra quyết định chính xác để tránh bị thất tình lục dục lôi kéo, dẫn dắt.
Khi chúng ta đối diện với những thứ hấp dẫn, mê hoặc hay kích thích, cho dù cảm nhận phát sinh này là khổ đau hay hạnh phúc, chúng ta phải lập tức nghĩ rằng cảnh giới này đến từ những cảm giác, chỉ là sau khi vật chất tiếp xúc với cái này cái kia mà phát sinh một thứ hiệu quả, nó thật sự không tồn tại vĩnh viễn. Ví như khi chúng ta nhìn thấy một bông hoa, ta không nên suy nghĩ phán đoán ngay lập tức rằng mình thích hay không thích nó, vì hoa chỉ là hoa mà thôi. Bấy giờ ta phải đem nó tách riêng ra ngoài giá trị phán đoán mới không nảy sinh vấn đề bị nó kích thích, hấp dẫn được. Nhưng nếu chúng ta cho nó một giá trị phán đoán, khi ý niệm “xinh đẹp” xuất hiện thì trong lòng nghĩ ngay: “Màu hoa này đẹp làm sao! Từ trước đến nay tôi chưa từng thấy bông hoa nào đẹp đến thế!” Bấy giờ hiện tượng vật chất đơn thuần đã biến thành sức hấp dẫn mê hoặc người khác, bởi vì có ý niệm “thích” nên muốn chiếm lấy nó về cho mình, từ đó một chuỗi phiền não liên tiếp kéo theo sau. Cho nên, khi chúng ta nhìn thấy một đóa hoa, ta phải dừng ngay ở ý nghĩ “đây là một đóa hoa”, chứ không nên khởi lên sự phân biệt đẹp hay xấu.
Có lúc chúng ta cho rằng bản thân mình thích những sự vật nào đó, nhưng sự thật lại không phải như thế. Tôi nhớ vào mùa xuân năm nọ, khi tôi đi du lịch đến nước Anh, bấy giờ nhìn thấy hai bên đường trồng những khóm hoa rất đẹp. Tôi cảm thấy quang cảnh ở đây đẹp biết bao, nên cảm thấy rất hứng thú, nhưng sau khi nhìn thấy một vài lần thì dần dần cảm giác kỳ lạ không còn nữa, chỉ nhìn để nhìn thế thôi! Sau đó tôi đến một đạo tràng để tu tập thiền định. Đó là một nơi vô cùng thanh tịnh, chỉ có cỏ và cỏ, chẳng có hoa gì cả, cho nên khi thấy có người hái những đóa hoa cắm vào bình rồi đặt trên bàn ăn, tôi lại bắt đầu chăm chú ngắm nhìn hoa.
Bấy giờ tôi suy nghĩ: “Rốt cuộc tôi có thích hoa này hay không nhỉ?” Sau đó tôi lại ngắm nhìn nó, thực ra chẳng có cái gọi là thích hay không thích, vì nhìn từ góc độ nhân duyên để thấy hoa chỉ là hoa thôi, ngoài ra nó chẳng có ý nghĩa đặc biệt gì cả.
Bất cứ sự vật, hiện tượng nào đi nữa cũng đều do nhân duyên hòa hợp tạo thành, phải có đủ nhân và duyên, khi hội đủ các điều kiện đó thì tự nhiên nó sẽ phát sinh; khi nhân duyên không hội đủ thì tự nhiên tan rã. Một đóa hoa cũng như vậy: sau khi hoa khô héo, nó sẽ trở thành rác rưởi và bị quăng bỏ đi, lúc này không còn xuất hiện vấn đề đẹp hay xấu nữa, mà đó chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Còn nhớ nhân vật Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”, cô đem cuộc đời mình và loài hoa ra để liên tưởng so sánh với nhau, vì có sự liên tưởng này nên mới nảy sinh phiền não và chấp thủ đắm trước. Khi nhìn thấy hoa tàn rơi rụng trên đất, cô chợt xúc cảnh sinh tình, cảm thấy đóa hoa này thật tội nghiệp đáng thương. Trái lại, nếu nhìn những hiện tượng tự nhiên này một cách riêng biệt độc lập thì hoa nở chỉ là hoa nở, khi hoa tàn chỉ là hoa tàn mà thôi. Khi biết tất cả mọi sự vật đều do nhân duyên hòa hợp sinh ra thì sẽ không còn khởi lên phiền não hay đau buồn nữa.
Vì thế, nhóm họp là một thứ nhân duyên và tan rã cũng là một thứ nhân duyên, tất cả mọi sự vật có mặt trên thế giới này cho dù tốt hay xấu cũng đều do nhân duyên. Ta thử nhìn từ góc độ nhân duyên để đánh giá quan sát sẽ nhận ra, không có bất cứ sự vật nào trên thế giới có thể khiến chúng ta sinh khởi phiền não, đắm trước và đau khổ cả. Tất nhiên, điều này cần phải có thời gian rèn luyện không ngừng mới thể nghiệm được. Ví như, khi chúng ta nhìn thấy một vật nào đó mà ta yêu thích, nhưng đó không phải thứ cần thiết thì lập tức quán ngay đến nhân duyên, nghĩ rằng mọi vật trên thế gian này vốn nó là như vậy, chẳng có ý nghĩa đặc biệt gì, bây giờ ta cũng chẳng cần nó, như thế mới không bị nó mê hoặc hấp dẫn.
Khi chúng ta phân tích rõ ràng mối liên hệ chủ quan và khách quan giữa bản thân và sự vật bên ngoài, không để cho bản thân mình có mối liên quan đến nó thì sẽ không còn đắm trước nhiều vào nó nữa. Chẳng hạn khi ta đến cửa hàng bách hóa, nhìn thấy nhiều áo quần và hàng mỹ phẩm đẹp đẽ, nhưng ta không thể mặc, cũng không thể dùng nó, vì thế nó và ta chẳng có bất cứ mối liên quan nào, khi đã không có bất cứ mối liên hệ nào với mình thì sẽ không có vấn đề bị nó mê hoặc.
Phân tích rõ vấn đề “không có mối liên quan” và “có mối liên quan” đó chính là quán nhân duyên, nhưng cũng có một số người không hiểu lý lẽ này, nên có lúc chỉ vì cảm giác thích thú hiếu kỳ liền mang những thứ mà ta không cần thiết về nhà. Ví như có một số người cảm thấy tạp chí trên máy bay rất hay nên đem nó về nhà, nhưng khi đã mang về rồi lại không có thời gian để đọc nó, hay là khi đi dạo trong tiệm sách, ta đều cảm thấy thích thú bởi mỗi một cuốn sách ở đó nên kết quả là mua một đống sách thật lớn mang về đặt trên kệ sách, nhưng kể từ đó về sau chẳng thèm quan tâm để ý gì đến nó cả.
Ta phải đọc hết từ đầu đến cuối một cuốn sách thì mới xem là có ích thật sự, nếu không thì cho dù có mua bao nhiêu sách đi nữa cũng “chẳng có liên quan” gì với bạn cả, nhưng chúng ta vẫn có thói quen hay phan duyên bên ngoài, khi nhìn bất cứ thứ gì xinh đẹp, ưa thích liền muốn có nó, chiếm hữu nó nên mới gây nên không ít phiền não đau khổ. Vì thế, chỉ có hiểu rõ lý nhân duyên, phân biệt rõ mối quan hệ giữa bản thân mình và sự vật bên ngoài mới có thể giúp chúng ta tránh khỏi sự hấp dẫn và đau khổ do thất tình lục dục mang lại.
PHẢI RÈN LUYỆN KIỀM CHẾ TÍNH PHÓNG ĐÃNG
Giáo pháp của đức Phật dạy chúng ta chống lại sự mê hoặc hấp dẫn, diệt trừ chấp thủ mê đắm vào thất tình lục dục, sử dụng có hiệu quả về việc quán nhân duyên, quán từ bi và thay đổi phương pháp để quán sát, thế nhưng lắm khi ta chưa kịp sử dụng phương pháp phòng ngừa hay chưa kịp thay đổi quan niệm này thì đã bị rơi vào hố sâu bùn lầy của lòng ham muốn dục vọng. Cho nên phương pháp cơ bản nhất vẫn là cách phải “thâu nhiếp lục căn”, cũng chính đem tâm mình quay về một mối để nó tập trung vào “sáu căn” mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chứ không nên hướng bên ngoài để tìm cầu.
Thông thường các bộ máy trong thân thể chúng ta như mắt, tai, mũi, v.v… sau khi tiếp xúc với sự vật bên ngoài sẽ có cảm giác thích thú, nên mong muốn chiếm đoạt, giành lấy bằng được nó mà chẳng có cách nào chống lại sự hấp dẫn của nó cả. Thậm chí có lúc mắt đã nhắm lại, nhưng hình ảnh kia vẫn cứ chập chờn tồn tại trong tâm, cho dù bịt tai lại không nghe cũng chẳng ích lợi gì, vì nó vẫn còn âm thanh khác, bấy giờ ta phải tiếp tục cảm nhận, những cảm giác quấy nhiễu này rốt cuộc có thoải mái dễ chịu không, có vui vẻ hạnh phúc không? Là cảm giác khổ đau hay là sự hưởng thụ? Trên thực tế, nếu ta đã nhắm mắt lại nhưng hình ảnh vẫn còn lắc lư chập chờn qua lại trước mặt, điều này quả là vô cùng đau khổ, không thể xem đó là niềm hạnh phúc được.
Cũng thế, khi nói đến chuyện yêu đương thì ta vô cùng say đắm, nét mặt, nụ cười, giọng nói của người đó cứ mãi chập chờn mãi trong đầu ta, không thể buông xả được, cho dù người đó ở cách xa ngàn dặm, nhưng cũng như đang ở trước mặt ta, đây chính là hiện tượng của bệnh tương tư. Nếu như hai người không yêu thương nhau mà chỉ một người yêu đơn phương, tương tư một mình, điều đó lại càng đau khổ biết chừng nào.
Thế nên, chúng ta cần phải phân tích tỉ mỉ rõ ràng, hình ảnh và âm thanh cứ mãi quấn quýt chập chờn trong đầu ta rốt cuộc là thật hay giả? Khi ta mở mắt nhìn kỹ hình ảnh trong đầu thì có lẽ sẽ không còn thấy nữa; nếu phân tích tỉ mỉ âm thanh tai nghe được thì nó cũng sẽ mất đi, tất cả mọi sự vật chỉ là sự tưởng tượng trong đầu ta mà thôi, cho nên chúng ta phải luôn nhắc nhở mình rằng tất cả những thứ đó đều là ảo giác trong tâm chứ không phải là hạnh phúc đích thực.
Nếu vẫn còn đau khổ thì chúng ta nên tập trung chú ý đếm hơi thở của mình không ngừng, dùng cảm giác tập trung vào hơi thở để cảm nhận hơi thở, như thế sẽ có tác dụng hơn, nếu ý niệm trong đầu mãi không mất, nhưng nhờ chú ý đếm hơi thở thì có thể sẽ thay đổi được ý nghĩ.
Ngoài ra, khi phân tích ý niệm của bản thân cũng là một cách thu nhiếp sáu căn. Từng ý niệm từng ý niệm một cứ mãi xuất hiện trong đầu chúng ta, cho nên khi xuất hiện ý nghĩ mạnh mẽ, thô tế mà ta lại không có cách gì để thoát ra được nó, bấy giờ chúng ta có thể thực hiện phương pháp đếm hơi thở, cảm nhận hơi thở vào ra như thế nào. Khi xuất hiện ý nghĩ khác nữa, ta có thể lãnh hội được dần dần mới có thể làm sáng tỏ sự việc , bấy giờ ta không còn suy nghĩ đến nó nữa, còn nguyên nhân không suy nghĩ hiện nay chỉ là bạn đang chú ý đếm hơi thở nên ý nghĩ lúc nãy đã bị cắt đứt và gián đoạn.
Song, trong đầu chúng ta sẽ không còn tự do tiếp tục nghĩ đến việc khác nữa, ý niệm “tập trung chú ý đếm hơi thở, cảm nhận được hơi thở” này cũng sẽ bị ý niệm khác làm cho gián đoạn. Mỗi khi chúng ta phát hiện có xuất hiện ý niệm khác thì không cần phải để ý đến những ý nghĩ này làm gì, chỉ tiếp tục quay trở lại với cảm giác đến hơi thở, bấy giờ những ý niệm này tự nhiên sẽ bị ngắt quãng, cứ lấy ý niệm bị cắt đứt ngắt quãng này đan xen vào nhau như vậy thì ý niệm đó sẽ biến thành từng đoạn một, một khi ý niệm đã biến thành từng đoạn thì đó chỉ là ảo giác, ảo tưởng mà thôi, bấy giờ ta có thể buông bỏ dần dần ý niệm này.
Ngoài ra, khi vọng niệm quấy nhiễu nhưng ta không có cách gì để khống chế được thì bấy giờ lạy Phật là cách tốt nhất. Khi lạy Phật chúng ta nên tập trung chú ý vào cảm nhận của bản thân, phải chuyên tâm chú ý vào mỗi một động tác khi lạy xuống, khi ngẳng lên của chúng ta, nếu người bình thường không biết lạy Phật thế nào cũng chẳng sao, chỉ cần chú tâm cúi đầu quỳ trước đức Phật cũng có lợi ích rồi. Ngoài ra cũng có thể ra ngoài tản bộ, khi tản bộ ta phải chú ý đến cảm nhận của mỗi bước chân, khi chúng ta làm như thế thì sức mạnh của sự tập trung sẽ được thu về trong bản thân, cũng chính là thu nhiếp được cả tâm mình.
Trong cuộc sống hằng ngày, đại đa số thời gian tâm chúng ta thường hướng ra bên ngoài để dong ruỗi tìm cầu, cho nên chúng ta cần phải rèn luyện để thu nhiếp nó quay về nội tâm, quay về với hơi thở, ý nghĩ của mình và sự cảm nhận của hành động. Nếu rèn luyện đầy đủ như thế thì dần bỏ được sự quấy nhiễu bên ngoài, đạt được mục đích thu nhiếp sáu căn.