AN LẠC TỪ TÂM
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

CHƯƠNG 4: TÌM ĐƯỢC ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA HẠNH PHÚC

TRI TÚC LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA HẠNH PHÚC

Hạnh phúc là hai chữ thiêng liêng mà bất kì ai cũng mơ ước về nó. Trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc, biết bao người đã để tuột mất nó khỏi tầm tay, có biết bao người đang sống trong hạnh phúc nhưng lại không hay biết đó là hạnh phúc. Con người dùng hết thời gian đời mình để mưu cầu hạnh phúc nhưng chỉ đổi được lấy mái đầu phơ phơ tóc trắng, bóng dáng hạnh phúc đâu thì vẫn mù khơi. Sở dĩ như thế là vì họ không hiểu được hạnh phúc đích thực là gì- Tuy giàu có, khổe mạnh, có địa vị, quyền thế đều là những điều mà thông thường ai cũng thích, nhưng đó không phải là những tiêu chuẩn, là những điều đại diện cho hạnh phúc. Tâm Bình An mới là hạnh phúc đích thực, có được bình an hay không tuy có liên quan mật thiết đến hoàn cảnh ngoại tại, nhưng mang tính quyết định vẫn là trạng thái tâm lí chủ quan nội tại của mỗi con người.

Nếu lòng mình thấy bình an, tri túc, đó là hạnh phúc! Nếu không biết đủ thì rất khó tìm được hạnh phúc.

Tri túc đích thực phải đạt đến trình độ “nhiều cũng thấy đủ, ít cũng thấy đủ mà không có cũng thấy đủ”, đây là điều kiện tiên quyết để con người đạt đến trạng thái bình an thường lạc. Tuy nhiên, về vấn đề “nhiều cũng thấy đủ” hơi khó hiểu, “ít cũng thấy đủ và không có cũng thấy đủ” càng khó hiểu hơn. Người bình thường sẽ cảm thấy lo lắng, phiền muộn khi cảm thấy vật chất thiết yếu không đủ dùng, và ngay khi cả những thứ được cho là thiết yếu cũng không đủ thì làm sao tri túc? Huống gì là khi trơ trọi chẳng có gì, khi đó nói tới tri túc chẳng phải là kì quái hay sao?

Thực ra, vật chất nhiều bao nhiêu cũng không thể gọi là đủ vì khái niệm nhiều ít chỉ hiện hữu khi được so sánh chứ chưa ai quy định thế nào là nhiều, thế nào là ít. Hơn nữa, nếu thực sự sở hữu được nhiều vật chất cũng không thể giữ mãi không mất, cũng không thể giúp chủ sở hữu phát triển, trưởng thành hơn người khác được. Cho nên, khi “có” cần biết đủ, khi “ít” cần biết đủ và khi không có gì càng nên biết đủ, vì ít và không có đều có thể là điểm khởi đầu của có nhiều!

Vì thế, bất luận tương lai có hay không đều phải cố gắng, tự hoàn thiện mình chứ không nên sánh người này, so người nọ. Chỉ cần còn sống là còn phải phấn đấu làm việc, nếu lỡ làm việc gì đó sai trái thì cần sám hối, sửa sai, thức tỉnh; nếu làm chưa tốt thì phải cố gắng làm cho thật tốt, không thẹn với lòng mình, với người, đấy gọi là “tri túc”. Tôi thường lấy ví dụ dạy các học trò rằng “người không biết tri túc như con chuột sống trong hũ gạo nhưng không biết xung quanh mình là gạo để ăn lại phóng uế vào ngay trong đó, làm bẳn hết thức ăn mới đi nơi khác kiếm thức ăn. Người sống trong phúc lại không biết đó là phúc, chà đạp lên phúc báo của mình”. Ví dụ như trong thiền viện có đầy đủ điều kiện để chúng ta tu tập, có thầy chỉ đường, nhưng nhiều người vẫn muốn rằng “cách này không tốt, điều kiện tu hành ở đây kém quá, tôi thấy không thoải mái chút nào…”. Đấy chỉ là những cái cớ biện minh cho sự lười biếng của mình, thế có khác gì chuột sống trong hũ gạo kia đâu?

Vì thiếu lòng tri ân, không biết tri túc nên con người sau khi nhận được lợi ích vẫn không thấy thỏa dạ, hơn nữa còn trách người ta toàn cho mình những thứ mình không cần, đấy quả là người sống trong phúc không hiểu gì là phúc. Hạnh phúc trong kiếp này nhờ kiếp trước tích lũy mà có nên chúng ta cần gìn giữ, trân trọng, không nên lãng phí.

Người tri túc đích thực là người hiểu được đạo lí cương nhu, tiến thoái đúng thời đúng tiết.

Khi thoái không oán trời trách người, khi tiến họ sẽ nghĩ đến ân người khác đã giúp mình như thế, họ còn biết đó là do phúc phận quá khứ của mình mà có nên họ càng trân trọng, càng tích đức cho kiếp sau hơn nữa.

Thế nên, nếu một người không gieo trồng phúc đức mà chỉ biết hưởng thụ, phúc báo đó sẽ ngày một ít dần và nhất định sẽ có ngày hết phúc. Một người biết tri túc, biết trân trọng phúc đức, vun bổi thiện căn thì khi gặp nghịch cảnh không oán hận, gặp thuận cảnh không cao ngạo, trong lòng họ luôn đầy lòng tri ân và báo ân chúng sinh, đấy mới là người hạnh phúc thực sự.

BÀI HỌC TỪ NHỮNG SAI LẦM

Mọi người thường nói tu hành tức tu sửa hành vi của mình cho đúng, điều đó nói lên rằng tu hành cần phải sửa thân, tu tâm. Trong cách đối nhân xử thế, đi đứng nằm ngồi, khởi tâm suy nghĩ đều cần phải thức tỉnh mọi lúc mọi nơi, có như thế mới sửa sai thân tâm, bằng không chúng ta tu mù tu mờ chỉ lãng phí công sức, thời gian.

Biết xấu hổ là then chốt trong việc tự phản tỉnh bản thân. Không nên bỏ qua sai lầm, xem như không có gì vì không ai biết, không nên lười biếng trong công việc để những việc mình làm đáng lí sẽ tốt nhưng không làm tốt hơn: một khi bị như thế, cần phải thấy đó là điều đáng xấu hổ.

Không nên sợ làm sai, nghĩ sai mà sợ nhất là không biết sửa sai, không chịu nhận sai. Chúng ta cần thức tỉnh mọi lúc mọi nơi, biết cách kiểm điểm, đánh giá bản thân một cách vô tư mới thấy được lời nói sai, suy nghĩ sai và việc làm sai của mình.

Khi tu tập kiểm điểm bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy khi mọi người suy nghĩ, hành động hoặc nói năng đều phạm sai lầm, nói đúng làm đúng rất ít. Đúng sai chỉ phân biệt khi chúng ta đặt chúng trong điều kiện hoàn cảnh, mức độ phạm vi lớn nhỏ mới biết. Trong đời không có việc gì hoàn toàn đúng cũng chẳng có việc gì hoàn toàn sai mà chúng chỉ khác nhau ở mức độ đúng bao nhiêu trong sai và sai bao nhiêu trong đúng, vượt qua giới hạn nào đó thì đúng thành sai, sai lại thành đúng là lẽ thường tình. Là một tín đổ theo Phật, chúng ta cần kiểm điểm tam nghiệp gồm hành vi, lời nói và suy nghĩ đúng sai thế nào để có cách điều chỉnh thích hợp.

Có lúc ta nói sai điều gì đó nhưng không nhớ đợi đến khi có người chỉ ra mới nhớ. Bất kì ai cũng có những điểm “mù” trong cách nhìn nhận, đánh giá bản thân, nên ai cũng cần người khác nhắc nhở, chỉ điểm. Nếu người khác chỉ ra khuyết điểm nhưng mình không chịu nhận lỗi, ngược lại còn to tiếng quát mắng, tự cho mình đúng thì lúc đó chúng ta đã sai lầm đến mức không cứu chữa được nữa. Nếu bạn làm đúng nhưng bị người khác “sửa lưng” cũng không sao, vì bất luận họ nhận xét đúng sai thế nào đi nữa thì họ vẫn đang có ý tốt với bạn, mong bạn sửa sai. Thậm chí khi đối phương có ý xấu cũng phải cảm ơn vì họ đã nhận xét.

Có thể nói rằng, đời người là quá trình học tập lâu dài từ những sai lầm đã phạm cho đến phát hiện sai lầm và sửa sai. Công phu thức tỉnh bản thân một mặt vừa phải tự giác phát hiện để sửa đổi, mặt khác phải nhờ người khác chỉ ra để sửa chữa. Người ta thường nói “nhận phê bình và tự phê là chìa khóa giúp con người trưởng thành” chính là ý nghĩa ở đây tôi muốn nói vậy.

CẢM ƠN NGƯỜI GÂY HỜN OÁN

Bất luận ở trong gia đình hay trong môi trường công sở, môi trường xã hội, chúng ta đều nghe thấy rất nhiều sự hờn oán, trách móc nhau: có người oán vợ, trách chồng, có người trách con không nghe lời, có người trách cấp trên chèn ép, có người trách cấp dưới không nghe lời, thậm chí còn có người oán trách các chính sách của chính phủ, môi trường xã hội… Thực ra, oán trách chỉ làm cho tinh thần của chính họ sa sút, phiền muộn chứ chẳng giúp được gì cho mong ước của họ. Đương nhiên, mọi oán trách đều có lí do chứ không phải trách khống, trách bừa mà có thể là trách vì người khác không hiểu mình, trách vì đối phương ăn nói thiếu tôn trọng, xử lí vấn đề không thỏa đáng… Có người thường có tính giận cá chém thớt, không dám trực diện nói với người mình oán trách mà chỉ nói với người khác, nói sau lưng hoặc trút giận vô cớ lên ai đó.

Trách oán sau lưng tuy giảm căng thẳng, bực tức trong lòng nhất thời nhưng nếu một khi đối phương nghe thấy thì sự việc sẽ phức tạp hơn lên. Vì thế, oán trách không giúp gì được cho vấn đề cần giải quyết mà còn tăng thêm ngăn cách giữa mình và đối phương. Vậy nên tốt nhất là chúng ta không nên oán trách sau lưng, nếu có bất kì điều gì mâu thuẫn thì hãy bày tỏ, kiến nghị hoặc tìm một cách nào đó tiện nói nhất để giải quyết. Cần lưu ý rằng khi chúng ta nói với đối phương là mong đối phương sửa đổi chứ không phải nói để trút cho đã cơn giận.

Thực ra, trong sâu thẳm lòng mình, ai cũng biết được mình thiếu sót mặt nào, tốt mặt nào.

Trường hợp này chúng ta nên nói như cách nói của các nhà sản xuất: “Hãy nói khuyết điểm của chúng tôi cho chúng tôi nghe và xin hãy nói ưu điểm chúng tôi cho người khác nghe”. Thế nhưng, lời hay thường chối tai. Tâm lí chung của con người là thích nghe lời ngon ngọt, thích được khen ngợi dù mình không có ưu điểm đó.

Ngược lại, dù đó thực sự là khuyết điểm nhưng lại không muốn nghe người ta phê bình, vấn đề chung của con người là ít nhìn ra lỗi của mình nên khi nghe người khác phê bình thì không chịu chấp nhận, đổ lỗi là người ta xúc phạm mình, lỗi ở người ta chứ mình chẳng chút khuyết điểm gì.

Lời trách oán thường mang cảm giác khó chịu cho người nghe nên chúng ta cần dưỡng đức tính khiêm nhã đối với những lời nhận xét, trách oán. Khổng Tử nói “văn quá nhi hỷ” (nghe người nói lỗi của mình thì vui). Bất luận là người ta phê bình trực diện hay nói xấu sau lưng, thậm chí người khác bêu diếu cái xấu của mình trước mặt mọi người thì chúng ta cũng cần có khí độ của người quân tử để nhận sai nếu có. Những ai chịu nghe lời phê bình mới thực sự trưởng thành, mới mong hoàn thiện bản thân, mới mong mình ngày càng tốt đẹp. Có lúc người khác phê bình, chỉ trích không đúng như những gì mình có, trường hợp này cũng cần học thêm đức tình nhẫn nhịn, hơn nữa phải biết cám ơn sau những lời nhận xét, bất luận đó là nhận xét đúng hay sai.

Hơn nữa, khi nào đối phương còn chỉ trích, phê bình thì khi đó mình còn có trong lòng đối phương. Vì thế, những lời phê bình kia thực ra là một động lực giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, hoàn thiện nhân cách.

Cuối cùng, chúng ta phải nhớ lấy hai nguyên tắc cơ bản trong “oán trách”: thứ nhất là không nên oán trách bất kì ai; thứ hai là khi nghe người khác oán trách mình thì không nên buồn cũng không nên xem họ là thù địch. Điều quan trọng và rất khó làm là khi người ta oán trách, chỉ trích mình dù đúng dù sai đều phải biết cảm ơn họ từ đáy lòng, nếu làm được thế bạn không những là bậc quân tử như Nho giáo quan niệm mà bạn còn là một vị Bồ-tát tu hạnh nhẫn nhục.

CHUYỂN THAM MUỐN TƯ LỢI THÀNH ƯỚC VỌNG CỐNG HIÉN

Theo Phật giáo, trong “Bát khổ” (tám điều khổ) có một điều gọi là “cầu bất đắc khổ” (khổ vì cầu không toại nguyện).

Cầu ăn no mặc đủ, an toàn, được tự do, được tôn trọng là bản năng của con người, bản năng đó đến từ nhu cầu rất nhân tính, nhưng một khi những nhu cầu đó không toại, bất thành thì con người thường có khuynh hướng tìm đến cái chết.

Có người xem sự mong cầu của mình còn quý hơn cả mạng sống nên một khi không toại nguyện họ sẽ tìm đến cái chết. Ví dụ, người xem tình yêu là mạng sống thì sẽ tìm đến cái chết khi tình yêu không trọn vẹn, có người thi không đỗ đại học cũng tìm đến cái chết vì tâm chí không thỏa. Tuy nhiên, những người tự tử vì tình, vì danh, vì lợi dù sao cũng chỉ giới hạn ở những phần tử cực đoan, người thường phần lớn không như thế. Nhưng, nếu những mong cầu, kì vọng của mình không được đền đáp như nguyện thường sẽ rất đau khổ, nản chí, ảnh hưởng suốt đời. Người từng nếm mùi thất bại thường tự ti, tiêu cực, than thân trách phận… Vì thế, bất luận ở trường hợp nào, lĩnh vực nào họ cũng đều mất hết niềm tin, không muốn xây dựng lại từ đầu, làm lại cuộc đời mới. Từ những điểm này cho thấy, khổ do cầu không toại nguyện thật sự làm người ta điêu đứng, sống không yên chết không toại. Từ đau khổ đó, có người biến nó
thành lòng đố kị, ghen ghét, nghĩ rằng những thứ mình không có được thì người khác cũng không thể có. Đây đích thực là cái khổ lớn trong những cái khổ.

Để giảm nhẹ bớt sự đau khổ do sở cầu không toại, Phật giáo hướng dẫn chúng ta cần biết tiết chế tham muốn, sống biết đủ – thiểu dục, tri túc. Khi chúng ta thực hiện được bước “thanh tâm quả dục” (thanh lọc tâm hồn, tiết chế tham muốn) mới không còn bị các tham muốn mang tính bản năng làm đau khổ nữa. Thiểu dục ở đây chỉ sự tham muốn vượt khả năng cơ bản, tham cầu những thứ ngoài tầm tay và vượt lên những tham muốn cơ bản để sống. Một khi các nhu cầu cần thiết để tồn tại đã được đáp ứng, chúng ta không nên quá tham lam, mơ ước những thứ ngoài tầm tay nữa, đấy chính là “tri túc” (sự biết đủ). Ví dụ, chúng ta vốn chỉ cần sống trong một căn phòng đủ rộng để sinh hoạt là được, nhưng có người do không biết đủ, muốn khoe khoang tài sản nên mua căn nhà thật lớn để thể hiện rằng mình nhiều tiền. Nhu cầu về mặc cũng thế, chỉ cần có đủ năm ba bộ để thay là được, thế nhưng có người mua đến mấy chục bộ, thậm chí mấy trăm bộ, đấy chính là biểu hiện rõ nét nhất của việc sống không biết đủ.

Lòng tham muốn thỏa mãn cái tôi quá độ, thích hưởng thụ vật chất như thế gọi là “dục vọng”. Mọi dục vọng đều mang tính ích kỉ và nhất định sẽ dẫn đến phiền não, thậm chí còn mang mầm họa diệt thân.

Nhưng nếu chúng ta mơ ước không riêng cho bản thân mà cho mọi người bằng tấm lòng bác ái thì đó không phải là dục vọng nữa mà là nguyện vọng. Nguyện tức tâm lượng rộng lớn, vì mọi người, đấy là lòng thanh tịnh, không mang lại phiền não. Ví dụ, một người phát nguyện dốc hết sức lực, trí lực để cống hiến cho xã hội, muốn người xung quanh được hạnh phúc, đấy đích thực là tâm nguyện thanh tịnh.

Thế nên thiểu dục tri túc không có nghĩa là không làm gì, không cần phải nỗ lực, không cần có chí tiến thủ, cũng không có nghĩa là đánh mất nhiệm vụ và mong ước của mình. Nếu không thì sẽ ngộ nhận rằng người thực hành hạnh Bồ-tát đều là người có quá nhiều dục vọng. Hiểu lầm như thế sẽ không muốn thực hành hạnh nguyện Bồ-tát, không muốn thành Phật. Quan niệm này không phù hợp với tinh thần Phật pháp, vì thực hiện hạnh nguyện Bồ-tát không phải là “dục” mà là “nguyện”, hơn nữa đấy còn là “bi nguyện” (ước nguyện xuất phát từ tâm từ bi vĩ đại).

Người ta thường nói “tri túc giả thường lạc” (người tri túc thường vui). Chúng ta không những phải thực hiện hạnh tri túc, thiểu dục để tránh cái khổ cầu không toại nguyện mà còn phải lập nguyện, dốc hết sức mình phục vụ cho lợi ích của mọi người, giúp mọi người lìa khổ được vui, đấy mới là hạnh phúc đích thực.

TÂM VÔ CẦU

Trong cuộc sống, con người tham cầu nhiều thứ: Không có tiền thì cầu cho có tiền, không có danh vọng, địa vị thì cầu cho được danh vọng, địa vị, chưa có con thì cầu sao cho có con. Người chưa kết hôn, nam thì mong cầu gặp được cô gái xinh đẹp, nết na; nữ thì mong tìm được cho mình một chàng trai khôi ngô tuấn tú…

Ngoài ra, trong thế gian còn có rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng với tiêu chí “có cầu ắt được”, trong lúc con người cảm thấy trong lòng không được an ổn, thì họ thường tìm đến những nơi đó để gieo quẻ bói toán, cầu mong được bình an. Đây cũng là một loại cầu tự. Xem ra người không mong cầu quả thật ít thấy.

Trong vấn đề cầu tự, có điều hợp lí, cũng có điều không hợp lí. Có kẻ cầu người, cầu Thần, thì lẽ đương nhiên cũng có người cầu Phật, Bồ-tát, nhưng chưa chắc muốn cầu là được. Nếu như mong cầu những điều hợp lí, thích đáng thì đương nhiên là không sai, ví dụ như cầu được sức khoẻ, sống lâu, học hành nên người, công danh, v.v… Tất cả những điều đó mọi ngươi đều mong muốn, không có gì là không đúng. Nếu cầu những điều đó mà được như ý nguyện thì rất vui mừng. Nhưng trong thực tế cuộc sống không phải điều nào cũng đưa đến như ý nguyện, có những điều cầu mong thái quá sẽ khó thành hiện thực, chỉ mang lại sự đau khổ. Ví dụ, có những người tuổi tác đã cao mà lại lâm trọng bệnh, hoặc là bệnh đã đến lúc không chữa trị được nữa, nhưng vẫn đi van vái thần minh bảo hộ cho không chết, những hình thức mong cầu không thực tế như thế chính là một trong những nguồn gốc cho sự đau khổ. Có rất nhiều người ôm cái đau khổ rồi cầu mong thoát khổ nhưng không được, đó cũng chính là “cầu bất đắc khổ” (khổ vì cầu không toại nguyện), một trong tám nỗi khổ (Bát khổ) mà Phật pháp đã nói.

Trong thực tế cuộc sống, đã từng có người muốn gì được đó, thậm chí kêu gió gọi mưa, thay đổi vận mệnh của bản thân. Kỳ thật họ gặp được thời thế, hoàn cảnh phối hợp tạo sự thuận lợi mới được như ý. Nhưng vận may sẽ không bao giờ vĩnh viễn đến với một người nào, trong một phút xui xẻo cũng sẽ làm cho họ hoàn toàn trắng tay, vui sướng trong lúc được bao nhiêu thì lúc mất càng đau khổ nhiều hơn.

Vì vậy, muốn hoá giải những điều đau khổ do “cầu không được” mang lại, điều trước tiên phải phân biệt rõ ràng những mong cầu nào không hợp lí. “Cầu” có lúc là một hình thức yêu cầu, có khi lại là một hình thức tham muốn, mà tham muốn cùng với yêu cầu không giống nhau. Ví dụ, một người kia vốn đã có một căn nhà tại Đài Loan, nhưng anh ta lại muốn có thêm một vài căn nhà nữa ở Hong Kong, Mĩ hay Trung Quốc, đây không phải là yêu cầu mà chính là tham muốn.

Sự tham muốn thái quá như thế thì có thể cần được thỏa mãn trong khoảng thời gian ngắn, chứ không thể đợi được lâu. Trong khi sở cầu không được thì không làm sao tránh khỏi thất vọng và đau khổ.

Nhưng, có những yêu cầu hợp lí có khi lại không thể nào thành hiện thực. Nguyên do là vì “cầu” còn phân ra là “cầu cho mình” với “cầu cho người” vốn là hai điều kiện khác nhau. Nếu tự tư tự lợi mà “cầu cho mình”, nếu cầu được sẽ rất sung sướng, nhưng cũng khó tránh khỏi sự lo lắng một ngày kia mình sẽ bị mất, mà cứ lo lắng như thế thì tự đưa lại cho bản thân cái cảmgiác không an toàn. Còn nếu như “cầu cho người” thì vốn dĩ tự thân mang tâm trạng “được thì lẽ tất nhiên là rất tốt, mà không được thì cũng không sao”, cho nên cảm giác đau khổ khi cầu không được cũng theo đó mà nhẹ nhàng hơn.

Lấy tôi làm ví dụ, từ nào đến giờ bản thân chưa nghĩ nên truy cứu một mục tiêu gì cho cuộc sống của mình, nhưng tôi có một phương hướng, nếu có thể thuận lợi đi hết quãng đường thì tốt, mà nếu không đạt được như nguyện cũng không sao. Vì đó chỉ là một quan hệ nhân duyên chưa chín muồi, đối với tôi được mất không có liên quan gì nhau, nhưng nếu vì mong cầu cho người khác mà lại không được thì đó là sự đau khổ, dằn vặt của bản thân tôi.

Vì thế, “cầu cho mình” là một sự đau khổ, “cầu cho người” tuy tích cựa hơn so với “cầu cho mình”, nhưng tốt hơn hết là cái gì cũng không nên cầu. Nếu có thể cái gì cũng không cầu, chỉ là sự nỗ lực không ngừng, phụng hiến, bất luận sức lực của bản thân bao nhiêu đều phải dùng hết, được rồi thì về sau phụng hiến cho người khác. Những cái vui sướng, hạnh phúc trong suốt quá trình phấn đấu đó, người khác không thể nào đoạt mất nó đi được. Đây cũng chính là sự sung sướng, hạnh phúc chân chính.

TÌM CẦU THEO TINH THẦN NHÂN QUẢ

Thông thường con người nghĩ rằng Phật pháp yêu cầu chúng ta cái gì cũng không được mong cầu, thực ra đây là một hình thức giải thích sai lầm. Pháp của Phật tuy dạy chúng ta không được “tham cầu”, nhưng dạy chúng ta nên “cầu nguyện”, có như thế thì bản thân mới không đánh mất đi mục tiêu phấn đấu, xã hội mới có động lực để tiếp tục tiến bộ. “Cầu nguyện” chính là ước nguyện, phát nguyện, nguyện bản thân sớm chiều đi mọi phương hướng, hoặc hoàn thành bất cứ điều gì. Ví dụ, trong “Tứ hoằng thệ nguyện”, Phật dạy: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô tận thệ nguyện học, Phật đạo vô tận thệ nguyện thành.” Bất luận là độ chúng sanh số nhiều không bờ bến, cắt đứt phiền não vô cùng, hoặc là học tập vô lượng pháp môn đều là hình thức vì chúng sinh mà phát khởi nguyện lực hưng khởi tâm nguyện học tập. Do đó, cầu nguyện là sống đến già, học đến già, suốt cuộc đời kiên quyết không ngừng học tâp, thêm nữa yêu cầu bản thân còn cần trồng phước, bồi đắp phước cũng là để cho bản thân càng tiến bộ hơn. Mà “tham cầu” tức là sự tham muốn không bờ bến, thấy người khác có mình cũng muốn có.

Ví dụ, thấy người ta có một căn nhà, mình liền khởi ý niệm cũng phải có một căn nhà; nếu người ta có một chiếc xe nhập khẩu đời mới, tức thì chuyển ý niệm sang muốn có một chiếc xe nhập khẩu đời mới. Bất luận là nên muốn hay không nên muốn, có thể muốn hay không thể muốn, muốn hay không muốn, phàm khi bản thân đã muốn rồi thì muốn phải có cho được. Vì thế, “tham cầu” chẳng có cái gì là đạo lí, chỉ là thoả mãn tham muốn của bản thân mà cầu, chỉ là tham muốn không thiết thực.

Có người thấy lợi thì sinh tâm đen tối, chỉ vì tham cầu những thứ không thuộc về mình nên tìm đến với bàng môn tả đạo, kết cuộc chỉ rước họa vào thân. Ngoài ra có kẻ không cầu cứu người mà đi cầu cứu Phật, trời, như vào đền chùa cầu nguyện, bản thân cầu được rồi bèn trở lại báo đáp Thần minh bằng nhiều hình thức. Bất quá đây là một hình thức trao đổi, là thủ đoạn mua thánh bán thần không ngoa.

Như trong cuộc sống có người đưa của đút lót, có người nhận của hối lộ, trong thế giới quỷ thần cũng có quỷ thần nhận của hối lộ, nhưng Phật, Bồ-tát và chư Thánh thần chánh phái không bao giờ nhận của hối lộ. Những quỷ thần nhận của đút lót cũng giống như những quan tham trong thế giới loài người, tham ô chẳng khác gì nhau. Tuy tạm thời yêu cầu được thoả mãn, hình như là cũng có hiệu quả, nhưng lợi ích nhất thời chẳng khác gì bọt xà phòng có đó rồi lại không, đổi lại là một tương lai không thể làm chủ chính mình. Cũng giống như pháp thuật “điểm thạch thành kim” (biến đá thành vàng), sự thật chỉ là hình thức che mắt, nếu như vật được “điểm” vốn là một viên đá thì mai sau nó cũng sẽ chỉ là viên đá mà thôi. Còn Phật, Bồ-tát và chư Thánh thần chánh phái đã hứa khả nguyện vọng của bạn rồi, cũng chỉ là cái phước báo lĩnh trước của mình, ngày sau cũng phải trả lại mà thôi.

Chính vì điều đó, tham cầu mà không có phúc phận thì chỉ mang đến phiền não. Nếu có cầu được thì cũng chỉ là hình thức vay mượn, vay càng nhiều thì ngày sau trả càng nhiều, sung sướng trong hiện tại nhưng sẽ gặt quả khổ trong mai sau. Không nỗ lực vun bồi phước đức, không phụng hiến thì tội lỗi chất chồng, mai sau nhận lấy quả báo nặng nề không thể nghĩ tưởng được, cũng có thể kiếp sau làm trâu làm ngựa cũng khó mà trả xong.

Con người muốn cầu được phước báo thì trước tiên phải vun bồi ruộng phước, nếu không vun đắp mà chỉ ngồi hưởng thì phải mang nợ, cũng giống như người đi vay tiền vậy. Vì thế, một người vốn có bao nhiêu thì chỉ bấy nhiêu, không có ai tự nhiên kiếm được tiền, tự nhiên sinh ra giàu có. Nếu không đổ sức mà được, thì ngày sau cái giá phải bỏ ra càng nhiều gấp bội.

Đứng về mặt Phật pháp mà nói, bình thường người cầu học, cầu chức vụ, cầu giàu sang đều là đúng, nhưng truy cầu của chúng ta cần phải hợp lí và cần phải bỏ công sức để đổi lấy. Trong đó, chúng ta cần phải hiểu rõ cái giá của mối quan hệ giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm, nếu chúng ta cầu phước, thì phải vun đắp ruộng phước; muốn hưởng thụ quyền lợi thì phải cần làm tròn nghĩa vụ, đây là nhân quả. Chỉ có truy cầu đạo lí nhân quả phù hợp mới là tốt nhất, chỗ dựa vững chắc nhất, nếu không như vậy mà chỉ có tham cầu không thôi, miễn cưỡng có thể đạt được nhưng họa cũng theo đó mà đến.

Vì vậy, chúng ta cần dùng phương pháp “cầu nguyện”, vì đạt đáo mục đích mà nỗ lực phụng hiến, chứ không nên dùng phương pháp mê tín để “tham cầu”, nếu không thì chẳng những không được gì mà còn mất hết.

MỘT TÂM NGUYỆN THỰC TẾ

Ai ai cũng có nguyện vọng, nhưng không nhất định là tất cả nguyện vọng đều thành hiện thực. Nguyện vọng có thể hỏng là vì chúng ta thường xem trọng vấn đề nhỏ nhặt trước mắt, cũng như muốn có một đoá hoa, nhất thời không có cách nào để được nó, bèn nghĩ là nguyện vọng của mình đã không thực hiện được, rồi cảm thấy đau buồn. Kì thực, nếu không có hoa, mà có một nhành cỏ cũng đã được rồi; dù cho không có hoa, không có nhành cỏ nào mà có thể có được một cành cây cũng rất tốt; và hơn nữa, cái gì cũng không có thì tâm của mình cũng không nên vìthế mà bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, nếu vì người khác, vì chúng sinh mà phát lời thề, thì mới gọi là “nguyện”. Nếu chỉ là vì thoả mãn cho cái 164 tâm riêng biệt của mình thì chỉ là một loại niệm tham lam, mà cứ kiến lập nguyện vọng theo cái tham niệm đó thì dễ dàng bị hỏng. Cái “nguyện” chân chính là vì chúng sinh mà phát, mà nguyện cho chúng sanh là không cùng không tận, vì thế nguyện của chúng ta vĩnh viễn khó mà hoàn mãn. Như trong Phật pháp dạy “hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng” (hư không là vô tận, lời nguyện của Bồ-tát là vô cùng), cứ như thế cho đến lúc nào thành Phật. Vì vậy, nguyện là một phương hướng, một hy vọng, chỉ dẫn chúng ta hướng về phía trước mà không thiên lệch.

Sau khi thành Phật, liệu có phải nguyện hoàn toàn đã thực hiện xong? Tuy chư Phật trong mười phương thế giới rất nhiều, nhưng vẫn còn rất nhiều chúng sanh chưa thành Phật cần được độ. Vì vậy, sau khi thành Phật cũng vẫn tiếp tục theo nguyện hạnh đã phát lúc trước để tiếp tục bước về phía trước, cho nên vĩnh viễn cũng không thể nào đi hết. Ví như từ lúc đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, tuy đối với tự thân ngài đã hết hệ luỵ, nhưng mới là lúc chính thức ngài độ chúng sinh, mà chúng sinh thì vô 165 cùng nên nguyện lực đương nhiên cũng sẽ không giới hạn.

Vì vậy, trong lúc thực hiện nguyện vọng của chính chúng ta mà vấp phải trở ngại, tâm có thừa mà lực không đủ, thì không nên suy nghĩ nhiều, chỉ cần hiểu rõ rằng bản thân mình có cái tâm, như thế là đủ. Còn với phần việc chưa xong thì từ từ nỗ lực làm cho xong. Một lần làm chưa hoàn thành thì vẫn còn lần kế tiếp, thậm chí suốt cuộc đời mình làm chưa xong thì thế hệ con cháu tiếp theo đều có thể làm tiếp. Theo quan điểm Phật giáo, sinh mạng của con người là do quá trình tích luỹ từ vô hạn sinh mạng, một cuộc đời là một quá trình, cuộc đời này qua đi, thì
tiếp theo một cuộc đời khác hay đúng hơn là một quá trình khác sẽ tiếp tục, vĩnh viễn đều có cơ hội để thực hiện nguyện vọng.

Ngoài ra, muốn độ chúng sinh còn phải cần nhiều nhân duyên cùng phối hợp, nếu chúng sinh đó nhân duyên đã hội đủ mới có thể độ được, nếu nhân duyên chưa đủ chín muồi thì cũng không nên ngồi đợi, mà phải thúc đầy nhân duyên để họ nhanh chóng được độ. 166 Ví dụ 20 năm về trước, lúc tôi hoằng pháp ở phía đông nước Mĩ, tuy đi Nam về Bắc đã bao lần, nhưng ngay một người đệ tử cũng không có. Bấy giờ có người nói với tôi rằng: “Hòa thượng Thánh Nghiêm, hình như nguyện của Thầy hỏng rồi.” Tôi mới nói rằng: “Chưa hỏng, hôm nay tôi đến để thả lưới, qua một thời gian sau Tôi sẽ đến kéo lưới, bắt cá. Mà không có cá thì cũng không sao, lưới đã thả rồi, sẽ có một ngày cũng có cá mà bắt thôi. Cũng có thể thời điểm này cá vẫn còn nhỏ, mà mắt lưới của tôi thì lớn, dù kéo lưới lên có cá chăng nữa thì cá cũng sẽ theo mắt lưới mà ra thôi. Vì thế đợi đến lúc cá lớn hẳn, tự nhiên sẽ vào lưới thôi mà.” 20 năm sau, vùng Đông Bắc nước Mĩ đã có rất nhiều người học Phật, rốt cuộc cá có do tôi bắt hay không thì không còn quan trọng nữa. Tuy có thể tôi không nhất định được báo đáp, biểu hiện bên ngoài hình như nguyện vọng của tôi không thực hiện được, nhưng công việc thả lưới căn bản là tâm nguyện của tôi. Cũng như Phật đã dạy “công bất đường quyên”, chúng ta đã nỗ lực làm bất cứ điều gì thì sẽ không bao giờ không đạt kết quả, nhất định sẽ có công 167 dụng của nó, tuy bây giờ chưa nhìn thấy, nhưng rồi từ từ cũng sẽ xuất hiện thôi.

Chính vì như thế, chỉ cần chúng ta phát ra nguyện ý, nhất định sẽ có ảnh hưởng, tuy không biết ảnh hưởng nhiều ít, nhưng từ từ cũng sẽ có hiệu quả. Vì vậy, nếu đã có nhận thức như thế, chúng ta nên vì chúng sinh tạo phước mà phát lời nguyện, có như vậy thì nguyện vọng sẽ chẳng bao giờ hỏng.