Chương III: Luận Về Sinh Tử Trọng Đại

Sinh mạng vô thường 

Vạn vật trong mỗi sát na hiện tướng lưỡi rộng dài thuyết pháp
Mạng mạng vô thường huống chi phú quý vinh hoa
Việc tử sinh phải được chuẩn bị lâu xa
Tu sửa thân tâm khi tuổi còn thơ dại
Nghiệp lực chồng chất từng ngày qua tháng lại
Cán cân đời chưa biết ngả về đâu
Có kẻ lúc lâm chung thân xác đớn đau
Tâm thần tán loạn biết nơi nào nương dựa
Người xưa nói,
“Kẻ thông minh không thể dùng thông minh thắng nghiệp
Người giàu sang chẳng tránh khỏi chuyển luân” [1]
Nên biết kính tin vào Phật lực đã trải ân
Như mưa pháp thấm nhuần trong ba cõi
Người không kính tin phải đành lạc lối
Người kính tin nhưng ngày có, ngày không
Tín-Hạnh-Nguyện không khắc cốt ghi tâm
Thì chẳng khác kẻ không tin kia vậy.
Lại có kẻ cầu vãng sinh nhưng sợ mốt mai phải chết
Cầu thì cầu những chưa muốn xả bỏ thân
Không như người:
“Sáng nghe đạo, chiều chết cũng cam tâm”[2]
Tâm tham luyến lại trở thành chướng ngại
Hãy tùy nghiệp xưa như thuyền theo mái đẩy
Tránh tạo nghiệp kiếp này, lánh dữ làm lành
Nếu thọ mạng kéo dài cả đến trăm năm
Hoặc kết thúc ngày mai, đều chẳng bận
Nghiệp trả cõi phàm, đài sen chín phẩm
Phật thọ ký một đời viên mãn đạo tâm.

Khuyên chuyên cậy vào Phật lực

Ấn Quang tôi du hóa từ nam bắc đến tây đông
Duyên đưa đẩy cùng muôn người qua lại
Gặp gỡ nhiều kẻ xưng tinh thông tông phái
Khinh thường Tịnh tông như tà mị giáo môn
Lúc lâm chung thân run rẩy, miệng cuống cuồng
Kẻ thì kêu khóc, gào cha gọi mẹ
Quang tôi cũng gặp những người lặng lẽ
Niệm Phật danh lúc sắp bỏ xác thân
Dù hạnh nguyện chưa đến được chỗ tận cùng
Tướng lành không hiện nhưng an nhiên quá vãng.
Bởi vì sao?
Tâm như nước hồ sóng yên gió lặng
Niệm Phật danh vọng thức chẳng trào dâng
Không giống như người chới với giữa sóng thần
Thiếu định tuệ mặc phong ba cuồng nộ.
Có kẻ ngu cho rằng Lăng Nghiêm phá trừ Tịnh độ
Người tinh thông biết kinh pháp tương đồng
Buổi mạt thời mấy ai chứng được viên thông
Riêng pháp niệm Phật như con thơ gọi mẹ
Tịnh niệm liên tục thì nhập tam-ma-địa[3]
Dụng công tu hành vì muốn vượt tử sanh
Nếu đã dụng công mà công chẳng thể thành
Nên tự hỏi đã đúng cơ, đúng pháp?
Tất cả pháp môn đều phải đoạn hai thứ Hoặc
Kiến Hoặc trừ, chứng sơ quả [4], vẫn tử sinh
Bảy lần sinh cõi trời, bảy lần vào cõi thế tình
Mới có thể phá tan dòng Tư Hoặc
Tư Hoặc đoạn trừ, chứng liền tứ quả[5]
Nếu vì người lại phát khởi đại bi tâm
Vào luân hồi hóa độ khắp thế nhân
Tâm rộng lớn, tự tồn và tự lực.
Khác với phàm phu mê tâm chưa dứt
Bắt chước tiền nhân muốn vào chợ độ người
Có biết đâu là bậc Đại Sĩ Pháp Thân[6]
Chỉ thấy thân tướng, biết được đâu tâm tướng.
Đường tu tập như trèo sào trăm thước [7]
Thánh nhân sơ quả 14 lượt khó khăn
Huống chi phàm phu nghiệp lực đa đoan
Mà từ chối không nương vào Phật lực.
Trở lại chuyện nhỏ như y trang, ẩm thực
Hàng xuất gia từ tăng lữ đến ni sinh
Hàng tại gia cư sĩ giữa thế tình
Ai là kẻ tự sinh và tự sống?
Nếu không phải là cha mẹ chăm lo dưỡng dục
Khi lớn lên thầy tổ dạy xuất gia
Vội vàng lấy câu tự lực, độ tha
Chẳng lượng sức hóa ra người ngã mạn.
Đó là chuyện nhỏ như cơm ăn, áo mặc
Việc lớn như lập đức đến lập ngôn
Sự nghiệp lưu truyền, vì nước lập công
Tất cả việc đều cùng chung thiên hạ.
Không một việc nào chỉ mình ta gây tạo
Không một điều gì chẳng nhờ kẻ lạ hoặc người thân
Sao lại muốn tỏ ra phong cách phi thường
Lập chí lớn, hỏi đức tài có lớn?
Nên phải biết,
Thiên Thai Trí Giả[8], chẳng thể suy lường bản địa[9]
Nhưng hiện thân chưa đoạn Kiến Hoặc chứng chân
Ngũ Phẩm Đệ Tử [10] là quả vị lúc lâm chung
Dù chỗ ngộ của đại sư đồng chư Phật
Bởi quên mình, lo hậu sinh chỉ chuộng minh tâm kiến tánh[11]
Thường khuyên người chớ bỏ nguyện vãng sinh
Kiến tánh là đại triệt, đại ngộ, tức tâm minh
Là bậc thượng thượng căn, khi ngộ là khi chứng.
Bằng không,
Như Viên Trạch vẫn tái sanh khi duyên đến
1970. Ngũ Tố Giới lại sinh làm quan thứ sử họ Tô
Thảo Đường Thanh là thân của Lỗ Công
Hải Ấn Tín là con gái Châu Phòng Ngự
Tần Cối từng là tăng nhân trong núi Nhạn.

Nên biết rằng,
Giáo pháp Như Lai khi thuyết sâu, khi thuyết cạn
Nhưng không một pháp nào tương tự Tịnh tông
Khiến kẻ còn đầy dẫy Hoặc Nghiệp, trầm luân
Lại có thể thoát ngoài vòng sinh diệt
Đới nghiệp vãng sinh nương vào Phật lực
Ngày một tiến tu chứng được vô sanh
Bất thoái Bồ tát, Phật đạo viên thành
Riêng tự lực há dễ làm nên đại sự.
Muốn thoát tử sinh phải từ thực chứng
Nếu không thường tự quán chiếu Bản Tâm
Công phu càng cao nhân ngã càng tăng
Phàm tình khởi vì nặng mang Kiến Hoặc
Dù đại ngộ đã đồng như chư Phật
Kiến Tư Hoặc chưa trừ thì phải gìn giữ chân tâm
Kẻo lúc ngộ, lúc mê, uổng phí bao công
Phàm tình dứt, cắt ngang vòng sinh diệt
Ví như người què đi đường xa, sức kiệt
Nếu được ngồi luân bảo của thánh vương
Trong chớp mắt qua lại bốn đại châu[12]
Bởi nương đức Chuyển Luân Vương[13] mà được đó
Người què ví cho người từng gây nghiệp khổ
Thập ác[14], ngũ nghịch[15], tội lỗi nặng nề
Lúc lâm chung tướng địa ngục hiện về
Nếu biết chí tâm niệm Phật, Phật liền tiếp dẫn.
Phật thương chúng sinh như con thơ lầm lẫn
Đứa hiền hòa thì dưỡng dục, chỉ đường
Đứa cang cường, phiêu bạc lại càng thương
2002. Hằng kêu gọi con ơi mau quay lại!.

Khuyên nên giữ tâm cung kính

  1. 2003. Ấn Quang tôi từng thấy người chép kinh dùng máu

Tâm chưa an mà gây khổ cho thân

Chẳng khác gì trò bỡn cợt của trẻ con

Lại tạo thêm nghiệp vì thiếu lòng cung kính

Lấy ra rất nhiều máu mỗi lần châm chích

Qua vài ngày chung máu đã tanh tao

Dưới nắng hè oi ả đổi sắc màu

Thêm ruồi nhặng nếu không che đậy kỹ

Vậy mà người vẫn bắt chước Pháp Thân Đại Sĩ

Chấm bút lông viết ngoáy một đôi tờ

Lại có người mang chung máu phơi khô

Khi muốn chép kinh, hòa máu cùng nước lã

Chép luộm thuộm trang kinh với lòng vội vã

Tâm không thành vì chỉ muốn vang danh

Hoặc là khoe tài viết chữ thảo đẹp, nhanh

Gieo duyên với pháp nhưng lại là duyên bất kính

Pháp chư Phật tuy là pháp bất định

Nhưng gốc nền cung kính tấc lòng thành

Ví như cành không bén rễ, há tươi xanh

Cũng như kẻ đối kinh lòng hờ hững

Lúc tụng kinh thì đọc nhanh như gió cuốn

Tỏ ra người thành thạo chữ và lời

Không gẫm suy pháp ý thì dù tụng cả đời

Khác chi tiếng vẹt kêu cho qua ngày đoạn tháng

Hóa ra chỉ là kẻ hữu danh vô thực

Lễ sám, lập đàn tràng cứ theo đó mà suy

Người chung quanh nghe thầy tụng như bay

Lại khổ nỗi mình văn không hay, chữ dốt.

Riêng pháp niệm Phật ai tu cũng được

Phật danh thốt ra như con gọi cha hiền

Không đắn đo, không mang nặng não phiền

Lòng cung kính không lơi là khi niệm Phật

Luôn luôn như vậy tức tâm không tạp loạn

Loạn đây là ý tạp loạn thế tình

Chớ phải đâu siêu đẳng đại chân kinh

Mà e ngại trí mình không đến được

Người trọng kinh tượng là người hữu phước

Không nên để kinh bừa bãi lúc thuận tay

Niệm Phật danh như giữ tuệ mạng ngày ngày

Nếu được vậy chẳng lo gì lạc hướng

Nên tưởng như là Phật mỗi khi đối tượng

Không nên nghĩ rằng là đất, gỗ, đồng, thau

Đọc kinh như lời di chúc để ngàn sau

Được như vậy, nghiệp tiêu, thêm phước tuệ

Không thành kính thì như bày tuồng hát Phật

Lợi chẳng bao nhiêu mà tạo nghiệp khó lường

Lục Tổ [16] dạy rằng: “Chỉ tụng đọc Kim Cương

Tức có thể được minh tâm kiến tính.”

Chữ “chỉ”có nghĩa là tâm cung kính

Nào phải đâu chỉ tụng mỗi Kim Cang

Kinh Đại Thừa đều hội đủ công năng

Nếu biết đọc tức minh tâm kiến tính.

Trí Giả [17] đại sư đang tụng Pháp Hoa liền nhập định

Minh Tuyết thiền sư không biết đọc kinh văn

Tu hành nhẫn nhục, làm việc khó khăn

Đầu ngọn bút tung hoành trang thư pháp.

Những chuyện kể trên đều do tâm không loạn tạp

Nghiệp chưa tiêu, hãy lấy câu Phật hiệu làm đầu

Niệm chuyên tâm, trí sáng tựa ngọc châu

Đến lúc ấy nghiên cứu kinh càng toàn vẹn

Tâm tạp loạn thì chỉ bàn suông ngoài miệng

Dù vén mây thấy được khoảng trời trong

Cũng chẳng khác gì loại thế trí biện thông

Không mảy may can dự đến thân tâm, tính mạng

Kẻ hiểu được chút ít thì tâm nông cạn

Muốn sống buông lung nên tự giảng lời kinh

“Tâm đã an thì cần chi giới luật phân minh”[18]

Không trì giới mà tâm an thì cũng lạ!.

Tăng tục ngày nay lắm kẻ thiếu lòng khiêm hạ

Đối với pháp ngôn Như Lai lễ nghĩa chẳng vẹn toàn

Ví như người đếm của báu thế gian

Mà chẳng có được vài đồng trong túi

Kinh Kim Cang nói,

“Chỗ nào có kinh này thì chỗ đó có Phật

Trời, Người, A-tu-la đều phải cúng dường kinh

Chỗ ấy là tháp Phật, dâng hoa thơm nhiễu quanh

Bởi vì sao?

Pháp vô thượng và hằng muôn chư Phật

Đều xuất sinh từ yếu chỉ của kinh”.

Pháp là mẹ Phật, Phật từ pháp hóa sinh

Tam thế Như Lai cúng dường diệu pháp

Như nguồn cội, như đại ân thành quả Phật

Mười pháp giới cùng một nguồn tâm

Ba đời không đổi, cõi cõi nhất chân

Lý tự tâm sinh, đạo là thực tướng.

Tựa Như Ý châu, như vô tận tạng

Tùy tâm hiện lượng, sở nguyện tựu thành

Ứng đáp vô cùng mỗi mỗi chúng sanh

Nên Lăng Nghiêm nói,

Cầu con được con, cầu vợ được vợ

Cho đến kẻ cầu tuổi đời trường thọ

Cầu Niết Bàn, cầu tam muội viên minh

Như Lai bổn tâm trong toàn bộ khế kinh

Trí hèn kém, chúng sinh chưa hội nhập.

Ví như cơn mưa thấm nhuần sớ đất

Loài cỏ cây hấp thụ có khác nhau[19]

Trí chúng sinh có lớn nhỏ, thấp cao

Đạo chỉ Một, tùy tâm người lấy, bỏ.

Nếu gieo thiện căn hẳn thành Phật quả

Thiện tâm lại từ vọng dục nẩy sanh

  1. Nên nói bệnh kia là thuốc trị mau lành

Trong đất khổ nẩy hạt mầm Phật trí

Tâm chúng sinh gồm thu muôn diệu lý

Là bổn tâm, là diệu tạng nhất như

Ngoài tâm này không một pháp thực hay hư

Cho nên gọi là chân như thật tướng

Bởi si tâm nên trí tuệ thành phiền trược

Do tham sân, thường trụ hóa bể dâu

Trong chéo áo người, còn đó một hạt châu

Kẻ hạ tiện chính là con trưởng giả.[20]

Bao số kiếp luân lưu trong sáu ngã [21]

Có ngờ đâu Thật Báo[22], chốn quê xưa

Giữa chợ đời, trí dày nắng, dạn mưa

Tâm như ngọc, thân bơ phờ đói, lạnh.

Nay nhìn lại hạt châu ngời Tự Tánh

Giọt lệ này gột rửa được thiên thu

Một tiếng than nuối tiếc kiếp phù du

Dường chấn động vỡ tan nghìn thế giới

Trong một niệm thánh phàm phân hai cõi

Tâm niệm phàm thì dang díu với kẻ phàm

Gạn lọc phàm tình thì khai mở thánh tâm

Mười pháp giới từ một tâm biến hiện.

 

Những điều thiết yếu lúc người thân lâm chung

Cửa ải lúc lâm chung muôn vàn khẩn thiết

Như người bệnh một mình trèo dốc núi cao

Chân tay rã rời, thần thức tựa chiêm bao

Cảnh ly biệt bồi hồi giây phút cuối

Lòng bấn loạn nghe bên tai inh ỏi

Tiếng kêu gào than trách của người thân

Như sức kiệt hơi mòn lại thêm đá đeo chân

Tiếng than khóc ví ngàn cân gồng gánh

Lúc tắm gội thân đau như bị đánh

Lòng trông mong nghe được tiếng từ bi

Bởi vậy cho nên,

Hàng quyến thuộc trong dạ phải khắc ghi

Câu Phật hiệu trợ duyên là cần thiết

Chớ dùng chữ tình trói người bên bờ cõi chết

Thay vì thoát ly lại vướng vít chốn thế gian

Người lâm chung khó gìn giữ chánh tâm

Quyến thuộc như vậy khác gì oan gia đối mặt.

Phật dạy con người có tám loại thức

Năm thức đầu là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân

Ba thức sau là Ý, Mạt Na, Tàng.

Khi thọ thân, Tàng là thức đến trước

Khi thọ tử, Tàng lại đi sau cuối

Một linh hồn là tiếng của thế gian

Tàng thức chưa đi khi người dứt hơi tàn

Cho đến lúc toàn thân đều lạnh giá

Thức, hơi ấm, và thọ mạng, cùng nương gá

Người còn ấm tức tàng thức vẫn nơi thân

Tàng thức còn tức thọ mạng chưa cùng

Nên có kẻ chết đi rồi sống lại.

Việc tống táng trong hai bên tăng tục

Vừa mất, đốt, chôn liền thì quá vội vàng thay

Theo phong tục Nho gia để đến ba ngày

Vì giữ Lễ, và cũng vì tàng thức.

Lúc toàn thân lạnh giá, phải chờ đúng lúc [23]

Có thể dùng nước nóng đắp trên thân

Trong tất cả mọi thời đều nên niệm Phật danh

Quyến thuộc tại gia, xuất gia đều nên ghi nhớ.

 

Trong 49 ngày, và về sau cũng không bỏ

Niệm Phật trợ duyên là việc trọng đại thay

Chớ để hết tâm hồn vào chuyện ma chay

Tụng kinh rất quý, nhưng lúc này nên niệm Phật.

Lúc giỗ kỵ, cháu con thường quên lãng

Niệm Phật danh hồi hướng kẻ qua đời

Cứ tưởng rằng mọi chuyện đã xong xuôi

Đâu biết được chốn nào hồn phiêu bạt

Liên Trì Đại Sư nói,

“Trong năm thường phải truy tiến người đã khuất”

Con cháu hiện đời gieo cấy thiện căn

Niệm Phật, trì kinh, mở rộng bi tâm

Hồi hướng khắp cả mười phương pháp giới

Bi đát thay, chúng sinh trong các cõi

Sinh thì vui, tử thì hận, có biết đâu

Lúc sống trên đời không sắp xếp chỗ về sau

Mười pháp giới, chốn nào tâm an trú?

Kẻ thích xa hoa dặn dò hậu sự

Con cháu lăng xăng, tang phục rộn ràng

Không biết lắng lòng khiến thần thức khinh an

Lại dùng tang sự để bày trò náo nhiệt.

Người thế gian có sinh thì có diệt

Tâm chẳng nên nuối tiếc, oán trời người

Tang tế không nên dùng cá thịt theo đời

Dâng Phật hương hoa, đãi người chay lạt

Tâm chuyên chú vào hồng danh Đức Phật

Nếu có của tiền thì bố thí tạo phước ân

Hồi hướng người quá cố được hưởng chung

Đó mới gọi là người tròn đạo hiếu

Trong 49 ngày ăn chay, niệm Phật hiệu

Thấy người, tưởng mình, hãy buông xuống vạn duyên

Lúc ốm đau, không niệm chuyện tư riêng

Trì thánh hiệu, tưởng như cầu tiếp dẫn

Nếu tuổi thọ chưa đến thời cùng tận

Nghiệp tiêu trừ, sức khỏe lại phục hồi

Nếu đã xong nhân quả trọn một đời

Tâm không tạp loạn hẳn vãng sinh Lạc quốc

Nếu chẳng hướng tâm niệm danh Đức Phật

Chỉ mong cầu bệnh tật được tiêu trừ

Nếu chẳng phải là người phước báu có dư

Bệnh không giảm, tâm cuồng làm thân khổ

  1. Nếu là người thọ mạng đà tận số

Nghiệp đưa đường chìm đắm cõi mê tâm.

Trợ niệm vãng sinh là thành tựu chánh nhân[24]

Trong cõi tục đà vẹn toàn Phật sự

Là công đức đoạn tuyệt vòng sinh tử

Phước báu tầm thường há dám sánh vai.

———————————————————-

[1] Thông minh bất năng địch nghiệp. Phú quý khởi miễn luân hồi.

[2] Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ.

[3] Định, Tam muội.

[4] Quả vị đầu trong Thập Tín của Viên giáo

[5] Quả vị thứ 7 trong Thập Tín của Viên giáo.

[6] (大士) I. Đại sĩ. Phạm: Mahàpuruwa, Pàli: Mahàpurisa. Một trong những tiếng tôn xưng đức Phật, đồng nghĩa với Vô thượng sĩ, hàm ý là bậc sĩ phu hơn hết. Kinh Tạp a hàm quyển 48 chép, từng có tám vị thiên thần khen ngợi sa môn Cù đàm, trong đó, vị Thiên tử thứ hai khen rằng (Đại 2, 355 trung): Đại sĩ là rồng lớn, Đại sĩ là ngưu vương, Đại sĩ phu là người có sức mạnh, Đại sĩ phu là con ngựa hay, Đại sĩ phu là bậc đứng đầu, Đại sĩ phu là người hơn hết. [X. Vô lượng thọ Như lai hội Q.thượng]. II. Đại sĩ. Phạm:Mahàsattva. Tiếng tôn xưng Bồ tát. Dịch âm: Ma ha tát đỏa, cũng gọi Ma ha tát, cùng nghĩa với Bồ tát. Trong kinh thường nối liền: Bồ tát ma ha tát. Vì Bồ tát là bậc có đại hạnh, đại nguyện cứu độ chúng sinh nên gọi là Ma ha tát đỏa. Thông thường, khi Ma ha tát đỏa được dịch thành Đại sĩ thì Bồ tát phần nhiều được dịch thành Khai sĩ, nhưng đều chỉ cho Bồ tát cả. [X. kinh Độ thế phẩm Q.4; Pháp hoa văn cú Q.2; Thích thị yếu lãm Q.thượng Xưng vị điều]. (xt. Bồ Tát).

[7] Bách Xích Can Tụng.
Xin trưng dẫn bài kệ của Hòa Thượng Tuyên Hóa ngày 5 tháng 9, 1970

Tu đạo như đăng bách xích can,
Hạ lai dong dịch thượng khứ nan.
Nhược năng can đầu cánh tiến bộ,
Thập phương pháp giới nhậm vãng hoàn

Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm phiên dịch:
Bài tụng cây sào trăm trượng

Tu đạo như trèo trăm trượng sào
Xuống thì quá dễ, khó lên cao
Đến được đầu sào thêm tiến bộ
Mười phương pháp giới mặc ra vào.

[8] (天臺大師) Biệt hiệu của đại sư Trí giả, người Hoa dung, Kinh châu (nay là huyện Hoa dung, tỉnh Hồ nam), họ Trần, tự Đức an, tên là Trí khải. Năm 18 tuổi, sư xuất gia ở chùa Quả nguyện tại Tương châu. Sau, sư đến núi Đại tô ở Quang châu theo ngài Tuệ tư tu tập 4 hạnh an lạc.ỞKim lăng, sư lần lượt giảng kinh Pháp hoa, luận Đại trí độ và xiển dương Thiền pháp. Năm Thái kiến thứ 7 (575), sư đến núi Thiên thai, tăng tục theo về rất đông. Năm Khai hoàng 11 (591), sư truyền giới Bồ tát cho Tấn vương Quảng (tức vua Tùy Dạng đế sau này) ở Dươngchâu, vương ban cho sư hiệu Trí Giả. Tháng 11 năm Khai hoàng 17 (597), sư thị tịch, thọ 60 tuổi, người đời gọi sư là Thiên thai Đại sư. Một đời sư xây dựng 36 ngôi chùa, viết được 15 tạng kinh, tạo 10 vạn tôn tượng(có thuyết nói 80 vạn tôn), độ trên 1000 vị tăng, 32 vị học sĩ được truyền nghiệp. Trong số đệ tử của sư, các ngài Quán đính, Trí việt, Trí tảo… là nổi tiếng hơn cả. Sư để lại các tác phẩm: -Diệu pháp liên hoa kinh huyền nghĩa, 20 quyển. -Diệu pháp liên hoa kinh văn cú, 20 quyển. -Duy ma kinh lược sớ, 10 quyển. -Kim quang minh kinh văn cú, 6 quyển. -Nhân vương hộ quốc bát nhã kinh sớ, 5 quyển. -Bồ tát giới nghĩa sớ, 2 quyển. -Ma ha chỉ quán, 10 quyển. (Từ điển Phật Quang )

[9] (本地) Chỉ thực tướng Pháp thân của Phật Bồ tát. Tức đối với Hóa thân sở hiện mà gọi Bản thân năng hiện là Bản địa. Bản, là căn bản; địa, là nghĩa sở y (chỗ nương tựa); ý nói thực tướng Pháp thân là gốc của vạn hóa, cũng như đất là chỗ nương tựa của muôn vật, vì thế gọi là bản địa. [X. Pháp hoa văn cú Q.9]. (Từ điển Phật Quang)

[10] (五品弟子位) Ngũ phẩm đệ tử vị. Chỉ cho giai vị Ngoại phàm trước Thập tín, là hành vị thứ nhất trong 8 hành vị của Viên giáo do tông Thiên thai lập, tương đương với vị Quán hành tức trong Lục tức vị. Vì giai vị này chia ra 5 phẩm và chuyên tâm vào sự tu hành thực tiễn của chính mình, nên gọi là Ngũ phẩm đệ tử vị. Năm phẩm là: 1. Tùy hỉ phẩm: Nghe pháp thực tướng viên dung vi diệu mà trong lòng tin hiểu vui mừng, nên bên trong dùng 3 quán để quán xét cảnh của 3 đế, bên ngoài thì dùng 5 hối mà siêng năng tinh tiến sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỉ, phát nguyện và hồi hướng. 2. Đọc tụng phẩm: Sau khi tin hiểu thì đọc tụng và thuyết giảng kinh pháp mầu nhiệm sâu xa. 3. Thuyết pháp phẩm: Thuyết pháp để dẫn dắt người khác, cũng lại nhờ công đức ấy mà quán xét tâm mình để tiến tu. 4. Kiêm hành lục độ phẩm: Ngoài việc quán xét tâm còn tu thêm 6 pháp: Bố thí, giữ giới, nhịn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ. 5. Chính hành lục độ phẩm: Khi công phu quán xét tâm đã tiến triển thì thực hành hạnh hóa tha, lí sự đầy đủ và đến đây thì lấy việc thực hành 6 độ làm chính yếu. Ngũ phẩm đệ tử vị có xuất xứ từ phẩm Phân biệt công đức trong kinh Pháp hoa, còn trong Pháp hoa kinh huyền nghĩa quyển 5, phần đầu, thì Ngũ phẩm đệ tử vị được so sánh với Ngũ đình tâm vị của Tam tạng giáo. Ngoài ra, Pháp hoa văn cú kí quyển 27 đem Ngũ phẩm đệ tử vị phối hợp với Tam tuệ vị, trong đó, Tùy hỉ, Đọc tụng và Thuyết pháp phối với Văn tuệ vị, Kiêm hành lục độ phối với Tư tuệ vị, còn Chính hành lục độ thì phối với Tu tuệ vị. Theo truyền thuyết, Đại sư Trí khải tông Thiên thai từng tự xưng mình là Ngũ phẩm đệ tử vị. [X. Thiên thai tứ giáo nghi; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.hạ; Phật tổ thống kỉ Q.6]. (xt. Lục Tức). (Từ điển Phật Quang )

[11] (冥心) Tâm thầm khế hợp với Như lai tạng thanh tịnh sẵn có. Thiền giới thiên ghi: Mười giới, 3 tụ không phân biệt thể tài, đều trở về nơi Tam bảo như đã thệ nguyện. Khi chân thật trở về rồi, thì thầm hợp với nguồn tâm (minh tâm), giới tâm không đâu khác, chỉ là con người ấy thầm hợp nguồn tâm (minh tâm) thôi, tất cả đều bình đẳng. Kiến tánh là thấy Phật tánh rõ ràng trong mỗi chúng sinh.

[12] Bốn lục địa tạo nên thế giới mà con người, muông thú sinh sống. Đó là: 1. Nam thiêm bộ châu; 2. Đông thắng thần châu; 3. Tây ngưu hoá châu; 4. Bắc Câu-lư châu. Bốn châu nầy bao quanh núi Tu-di, được bao bọc quanh bởi vô số biển và nhiều dãy núi.

[13] (轉輪聖王) Phạm: Cakra-varti-ràjan,Pàli: Raja cakkavattin. Dịch âm là Chước cu la phạt lạt đề át la xà, Già ca la bạt đế, Già gia việt. Dịch ý là Chuyển luân vương, Chuyển luân thánh đế, Phi hành hoàng đế. Nghĩa là ông vua quay chuyển bánh xe báu (tương đương với chiến xa). Vua có bảy thứ quí báu (bánh xe, voi, ngựa, ngọc, nữ, cư sĩ, bề tôi chủ binh), đầy đủ bốn đức (sống lâu, không đau ốm, dung mạo hồng hào, kho báu phong phú), thống nhất bốn châu Tu di, dùng chính pháp trị đời, đất nước giàu có, nhân dân hòa vui. Thuyết Chuyển luân thánh vương xuất hiện và thịnh hành ở thời đại đức Thích tôn, trong các kinh luận, có rất nhiều chỗ đem đức Phật so sánh với vị vua này. Kinh Tạp a hàm quyển 27, luận Đại trí độ quyển 25, đem bảy thứ quí báu và sự hóa trị của Chuyển luân thánh vương nêu ra song song với bảy giác chi của Phật. Hoặc gọi sự thuyết pháp của đức Phật là Chuyển pháp luân (quay bánh xe pháp) sánh với sự quay bánh xe báu của Chuyển luân thánh vương. Lại luận Đại tì bà sa bảo bánh xe báu của Chuyển luân thánh vương có bốn thứ là vàng, bạc, đồng, sắt, đều có luân vương. Kinh Nhân vương bát nhã quyển thượng phẩm Bồ tát giáo hóa, kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp quyển thượng phẩm Hiền thánh học quán, căn cứ theo các loại bánh xe trên đây mà phối với hành vị Bồ tát, lấy Luân vương sắt làm ngôi Thập tín, Luân vương đồng làm ngôi Thập trụ, Luân vương bạc làm ngôi Thập hành, Luân vương vàng làm ngôi Thập hồi hướng. Pháp uyển châu lâm quyển 43, nêu Luân vương có Quân luân vương, Tài (của cải) luân vương và Pháp luân vương. A dục vương là Quân (việc binh) luân vương, bốn luân vương từ vàng đến sắt là Tài luân vương, còn Như lai là Pháp luân vương. Xét về Chuyển luân thánh vương thì phần nhiều đã xuất hiện ở thời thái cổ, các kinh luận có đề cập đến rất nhiều tên, Đính sinh vương, Đại thiện kiến vương, Dân chủ thiện tư vương v.v… đều là những vua thực sự đã ra đời tại Ấn độ vào thời thái cổ. Ngoài ra, Trường a hàm quyển 6 kinh Chuyển luân thánh vương tu hành chép, trong vị lai, khi Phật Di lặc ra đời, sẽ có Nhương già Chuyển luân thánh vương xuất hiện. Kinh Bi hoa quyển 3 phẩm Đại thí chép, trong kiếp San đề lam giới thiện trì, có vô lượng Tịnh chuyển luân thánh vương ra đời. Kinh Như lai trí ấn chép, khi đức Phật Nguyệt kế ra đời thì có Tuệ khởi chuyển luân thánh vương xuất hiện. Lại luận Câu xá quyển 12 chép, khi Chuyển luân thánh vương ra đời thì người ta thọ vô lượng tuổi đến tám vạn tuổi. Nhưng Pháp hoa kinh huyền nghĩa quyển 4 thì nói, khi Luân vương vàng ra đời thì người ta nhất định thọ tám vạn tuổi, còn Luân vương bạc cho đến Luân vương sắt thì không nhất định, như khi A dục vương là Luân vương sắt ra đời thì người ta thọ một trăm tuổi. [X. kinh Tạp a hàm Q.15 – Trung a hàm Q.11 kinh Tứ châu, Q.41 kinh Phạm ma – Trường a hàm Q.15 kinh Cứu la đàn đầu, Q.18 phẩm Chuyển luân thánh vương – kinh Đại bảo tích Q.59, Q.75, Q.76 – kinh Hiền ngu Q.8, Q.13 – luận Đại tì bà sa Q.30, Q.150, Q.183 – luận Đại trí độ Q.4, Q.24, Q.82 – Đại đường tây vực kí Q.1]. (Từ điển Phật Quang )

[14] (s: daśākuśala-karma-pathāni, 十惡): còn gọi là Thập Ác Nghiệp Đạo (十惡業道), Thập Bất Thiện Nghiệp Đạo (十不善業道), Thập Bất Thiện Căn Bổn Nghiệp Đạo (十不善根本業道), Thập Hắc Nghiệp Đạo (十黑業道); là 10 hành vi ác, không tốt của ba nghiệp thân, miệng và ý; gồm:
(1) Sát sanh;
(2) Trộm cắp;
(3) Tà dâm;
(4) Nói dối;
(5) Nói hai lưỡi, tức nói lời ly gián;
(6) Nói thô ác, tức mắng nhiếc thậm tệ, nói lời ác độc;
(7) Nói lời thêu dệt;
(8) Tham dục;
(9) Sân si;
(10) Tà kiến.

[15] (五逆) Cũng gọi Ngũ nghịch tội. Chỉ cho 5 cái tội cực ác trái với đạo lí. Cứ theo thuyết của Tiểu thừa thì 5 tội nghịch là: 1. Hại mẹ, cũng gọi giết mẹ. (Phạm: Màtf-ghàta). 2. Hại cha, cũng gọi giết cha (Phạm: Pitfghàta). 3. Hại A la hán, cũng gọi giết A la hán (Phạm: Arhad-ghàta). 4. Ác tâm làm thân Phật ra máu, cũng gọi làm thân Phật ra máu (Phạm: Tathàgatasyàntike duwỉa-cittarudhirotpàdana). 5. Phá tăng, cũng gọi Phá hòa hợp tăng, Đấu loạn chúng tăng (Phạm: Saôghabheda). Trong 5 tội trên đây, 2 tội trước là bỏ ruộng ân nghĩa, 3 tội sau là hủy hoại ruộng đức, vì thế gọi là Năm tội nghịch, Năm tội nặng. Vì hành vi của 5 tội là nguyên nhân làm cho người vi phạm phải rơi vào địa ngục Vô gián nên cũng gọi là Năm nghiệp Vô gián (Phạm: Paĩca anantarya-karmàịi), gọi tắt là Năm vô gián hoặc 5 tội không cứu được. Ba tội trước là tội cố ý giết hại cha, mẹ và A la hán. Còn tội Phá hòa hợp tăng thì chia làm 2: a) Phá yết ma tăng: Li khai giáo đoàn mà mình vốn là 1 thành viên để thành lập giáo đoàn mới thực hành các việc bố tát, yết ma riêng rẽ. b) Phá pháp luân tăng: Tôn thờ thầy khác, lập học thuyết khác, tổ chức giáo đoàn riêng. Ngoài ra, theo luận Câu xá quyển 18, thì Ngũ vô gián đồng loại nghiệp (Phạm:Paĩca Upànantarìyaịi), cũng gọi Cận ngũ vô gián, Ngũ vô gián đồng phận, Cận ngũ nghịch, Loại tự ngũ nghịch, là 5 tội cùng loại với 5 nghiệp Vô gián nói trên. Tức là: 1. Ô nhiễm ni A la hán (Phạm:Màtur arhantyà dùwaịam). 2. Giết bồ tát Trụ định địa (Phạm: Niyatabhùmisthitasya bodhisattvasya màraịam). 3. Giết bậc thánh Hữu học (Phạm: Zaikwsasya màraịam). 4. Phá hòa hợp tăng (Phạm: Saôghàyadvàraharaịam). 5. Phá hoại tháp (Phạm: Stùpabhedanam). Kinh Đại tát già ni kiền tử sở thuyết quyển 4 thì nêu 5 tội nặng là: 1. Phá hoại chùa tháp, thiêu hủy kinh tượng, chiếm đoạt tài sản của Tam bảo, hoặc sai bảo người khác làm các việc ấy. 2. Chê bai Thanh văn, Duyên giác và pháp Đại thừa. 3. Cản trở người tu hành hoặc giết hại người xuất gia. 4. Vi phạm 1 trong 5 tội nghịch của Tiểu thừa.5. Chủ trương không có nghiệp báo, thực hành 10 nghiệp bất thiện; hoặc không sợ quả báo đời sau, khuyến khích người khác làm 10 điều ác. Trong Kim quang minh tối thắng vương kinh sớ quyển 5, ngài Tuệ chiểu hợp tội giết cha và giết mẹ trong 5 tội nghịch của Tiểu thừa làm 1 và thêm tội phỉ báng Phật pháp mà lập thành 5 tội nghịch chung cho cả 3 thừa.[X. kinh Tăng nhất a hàm Q.47; kinh Kim quang minh tối thắng vương Q.3; kinh Đại tập địa tạng thập luân Q.3; luật Tứ phần Q.46; luật Thập tụng Q.36; luận Câu xá Q.17; luận Thuận chính lí Q.43; Du già luận kí Q.3, thượng, Q.5; Du già sư địa luận lược toản Q.4; Câu xá luận quang kí Q.18]. (Từ điển Phật Quang )

[16] Lục Tổ Tuệ Năng, Lục Tổ Đàn Kinh:“Ðãn khán Kim Cang kinh, tức năng minh tâm kiến tánh”.

[17] Tổ thứ tư Thiên Thai Tông (538-597).

[18] Lục Tổ Đàn Kinh, Tâm bình hà lao trì giới?.

[19] Chỉ cho phẩm Dược Thảo Dụ, kinh Pháp Hoa.

[20] Phẩm Thí Dụ, kinh Pháp Hoa.

[21] Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a tu la, trời.

[22] Tây phương Cực Lạc.

[23] Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau.

[24] Tam nhân Phật tánh: Chánh nhân, Liễu nhân, Duyên nhân.