AN LẠC TỪ TÂM
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

CHƯƠNG 3: LÀM THẾ NÀO ĐẾ ĐỐI DIỆN VỚI SINH TỬ – HỢP TAN

DÙ BỆNH TẬT VẪN KHÔNG ĐAU KHỔ

Về lĩnh vực y học, bất luận Tây y hay Đông y, khi đối diện với các nỗi bệnh khổ của con người đều có những căn bệnh không thể chữa khỏi. Cho nên, chúng ta hay nghe nói về những bệnh nhân mắc nhiều chứng quái lạ, dù có chữa trị bằng phương pháp nào đi nữa vẫn không thể khỏi được.

Bệnh tật có thể chia thành hai loại lớn là thân bệnh và tâm bệnh. Người xưa có câu “bệnh tùng khẩu nhập” (bệnh từ miệng vào). Phần lớn thân bệnh đều do ăn các loại thức ăn chứa nhiều độc tố mang lại, có lúc bệnh còn lây qua tai, lây qua mắt, lây qua da… Nói cách khác, chỉ cần chúng ta thiếu ý thức vệ sinh, không biết cách điều tiết trong ăn uống đều dễ dẫn đến tật bệnh.

Tâm bệnh con người do sáu căn tiếp nhận sáu trần mang lại. Sáu căn chỉ mắt, tai, mũi, miệng lưỡi, thân và ý. Tâm bệnh đi vào theo sáu đường dẫn trên, tức sáu căn nói trên, một khi bị tâm bệnh, chúng ta cần tìm đến bác sĩ tâm lí để chữa trị.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự phân chia thân và tâm một cách gượng ép chứ thực tế thì thân tâm ảnh hưởng lẫn nhau. Thân bệnh có thể dẫn đến tâm bệnh, ngược lại tâm bệnh cũng dẫn đến thân bệnh.

Hiện nay các phương pháp chữa trị thân bệnh, tâm bệnh theo Đông y, Tây y đều dựa vào việc chiết xuất tinh chất trong động thực vật có tính chữa trị cũng có thể chữa trị bằng cách châm cứu, bấm huyệt, massage,… nhưng đấy chỉ là những cách chữa trị ngọn chứ không phải là cách chữa trị tận gốc. về mặt y tế dự phòng, người ta cũng chỉ hạn chế ở việc duy trì môi trường sống vệ sinh sạch sẽ, khuyến khích sống đúng khoa học, tiết chế ăn uống, nâng cao thể chất bằng cách luyện tập thể dục thể thao… nhưng vẫn chưa quan tâm, chú ý đúng mức về cách bảo vệ tâm bệnh của con người.

Thậm chí cả bác sĩ tâm lí cũng thế. Thông thường họ chỉ hỏi bệnh nhân về môi trường hoàn cảnh sống trước đây thế nào, kinh nghiệm sống ra sao, có biểu hiện bất thường gì về tâm sinh lí không rồi hướng dẫn cách chữa trị, hóa giải. Đây quả là cách chữa trị hay mang lại hiệu quả nhất định, có thể tạm thời trì hoãn bệnh tình của bệnh nhân nhưng rốt cục vẫn chưa thể chữa trị tận gốc tâm bệnh.

Trong các học trò học thiền với tôi có nhiều vị là bác sĩ tâm lí hoặc nhà tâm lí học. Họ thường giúp người bệnh chữa trị, giải thích căn nguyên tật bệnh nhưng bản thân họ lại mắc phải nhiều chứng tâm bệnh nghiêm trọng. Có người mời các bác sĩ tâm lí nổi tiếng khác chữa trị cho mình vẫn không hiệu quả, vì thế họ đến tìm tôi, mong rằng tôi sẽ dạy thiền để giúp họ chữa trị tâm bệnh.

Chúng ta thường gắn liền hai từ bệnh và khổ vào nhau. Nhưng đau khổ do tật bệnh mang lại thuộc lĩnh vực tâm lí hay sinh lí? Thoạt nhìn, đấy dường như thuộc về thân bệnh, vì thân có bệnh, cảm thấy đau đớn nên mới thấy khổ. Thực ra, đau không có nghĩa là “khổ”, vì khổ là cảm nhận về mặt tâm lí của người bị thân bệnh lâu ngày nhưng không cam tâm nghĩ rằng mình đang bệnh. Họ không còn hy vọng, không biết làm thế nào để thoát khỏi tình trạng đó. Nếu tâm lí khổe mạnh, có niềm tin, có quan niệm khoáng đạt, đúng đắn thì thân bệnh bất quá chỉ mang lại cảm giác đau chứ chúng vẫn chưa phải là vấn đề gì nghiêm trọng, trong lòng vẫn chưa thấy gì là khổ cả.

Có một vị cư sĩ mắc chứng ung thư giai đoạn cuối, vô cùng đau khổ, nhưng do vị này có niềm tin mãnh liệt vào Tam bảo, nên tuy đau đớn nhưng không thấy khổ. Trước lúc lâm chung, vị đó còn tỉnh táo niệm danh hiệu Phật Di Đà. Do tìm được cho mình hướng đi của tâm hồn nên vị đó vui vẻ xả bỏ báo thân một cách nhẹ nhàng, điều đó cho thấy hiệu quả thần diệu của niềm tin vào Phật giáo.

Trong vô số danh hiệu Phật có một vị Phật tên là Vô Thượng Y Vương (thầy thuốc bậc nhất).

Vị đó là bậc thầy trong các bậc thầy về trị bệnh cho chúng sinh, ngài trị khỏi cả thân bệnh lẫn tâm bệnh. Cho nên chỉ cần chúng ta có niềm tin vào Phật thì bất luận ai, mắc phải bệnh gì đều có thể giảm bớt đau khổ khi họ biết gửi trọn thân tâm mình cho niềm tin vào Phật pháp. Chỉ cần chúng ta trút bỏ gánh nặng tâm bệnh thì thân có bệnh đi chăng nữa vẫn sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều, đây chính là một trong những công năng cứu khổ cứu nạn của đạo Phật.

LÃO HÓA LÀ HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN

Mọi người thường nghĩ “sinh” là việc đáng mừng. Thực ra, “sinh” là một sự thật về đau khổ.

Khổ từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Hệ lụy từ nỗi khổ của “sinh” là già khổ, bệnh khổ và chết khổ, nên có thể tổng kết rằng bản thân của sự sống, của sinh mạng là khổ. Một đời người chỉ một lần sinh ra và chết đi nhưng già lão là cả một quá trình liên tục. Trong quá trình lâu dài và liên tục đó, người ta thường mắc bệnh trong một thời gian nhất định, có nhiều trường hợp bệnh tật suốt cả một đời từ khi sinh ra cho đến khi chết. Quả thực “già” và “bệnh” dày vò con người trọn cả một đời.

Có người nhầm khi cho rằng sau khi sinh ra thì phải sinh bệnh mới đến giai đoạn già nua.

Thực ra không phải đợi đến khi tóc bạc da mồi mới được gọi là già mà già lão là kết quả tích lũy trong từng giờ từng phút trong suốt một thời gian nhất định. Từ khi sinh ra đời, và quãng thời gian từ khi sinh ra cho đến khi chết đi là cả một quá trình lão hóa. Một đứa bé đang lớn lên cũng có thể nói đó là một quá trình lão hóa! Con người đang già theo từng giờ từng phút, nên trong bài kệ tán ở khóa tụng buổi chiều (công phu chiều) có câu “thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc, đại chúng đương cần tinh tiến như cứu đầu nhiên, thận vật phóng dật” (một ngày qua đi mạng sống giảm dần, như cá trong ao nước cạn, hỏi có gì vui, mọi người phải nên tinh tiến tu hành, chớ có phóng túng).

Hồi còn bé, ai cũng mong mình sớm thành người lớn vì một khi lớn sẽ hưởng thụ được những quyền lợi của một người lớn tuổi, có thể đi chơi, làm việc tùy thích mà không bị ai ngăn cấm.

Khi đó, thầy cô, bố mẹ không còn quản mình, cũng không phải nghe lời người khác dạy dỗ, hưởng được tự do cao nhất. Sở dĩ thuở nhỏ chúng ta có cách nghĩ thế vì chúng ta chưa từng biết cảm giác “già” là gì. Cuộc đời ngắn ngủi, học hết cấp một, cấp hai, cấp ba rồi vào đại học, tốt nghiệp đi làm, dựng vợ gã chồng xong là giật mình thấy tóc trắng trong tay, như ngày xưa Lý Bạch nói “tóc sáng xanh ngắt mà chiều đã bạc trắng”.

Nhiều người nghĩ: “Lại thêm một năm trôi qua, thế mà chẳng làm nên trò trống gì, trong khi người ta đến độ tuổi này đã công thành danh toại…”. Cách so sánh tuổi tác như thế cũng là một nỗi khổ.

Tuy lão hóa là một hiện tượng tự nhiên nhưng nhiều người, nhất là các cô các chị, rất ngại mỗi khi có người đề cập đến chúng; họ thường giấu tuổi của mình như một bí mật cá nhân, hễ có người hỏi đến liền cho rằng hỏi như thế là thiếu lịch sự, khi người khác đoán tuổi mình trẻ hơn tuổi thật thì vui mừng và cho rằng khuôn mặt và vẻ ngoài của mình trẻ hơn tuổi thực. Phần lớn ai cũng sợ già, không muốn cho người khác thấy mình đã già, họ muốn giữ mãi tuổi thanh xuân, muốn mình trẻ mãi trong mắt người khác. Tâm lí sợ già, trốn tránh sự già nua của tiến trình tự nhiên quả thực là một trong những nỗi khổ của con người, đeo đẳng mãi.

Già không nhất thiết chỉ già đến độ lầm cầm, nhưng đến tuổi suy lão quả rất khổ. Nhiều người an ủi tôi: “Thưa thầy, thầy trẻ lắm, trông như chỉ mới 50 thôi!”. Tôi nói: “A di đà Phật! Đạo hữu chớ khen tôi quá thế, năm nay tôi đã bảy mươi!”. Tôi thế nào chỉ mình tôi hiểu, thế mà nhiều người lại muốn “lừa” tôi, khen tôi trẻ khổe như chỉ độ ngũ tuần! Bảy mươi tuổi là bảy mươi, sáu mươi năm mươi là sáu mươi năm mươi, giống nhau thế nào được, nhưng xuất phát từ tâm lí sợ già, sợ tuổi tác, đấy cũng là một nỗi khổ. Vì thế, chúng ta cần cảnh giác mọi lúc mọi nơi trong suốt quá trình lão hóa, đồng thời phải biết tận dụng từng giây phút của đời mình. Như thế chúng ta mới giúp mình sống hữu ích trong thân xác tạm bợ và thời gian tồn tại ngắn ngủi này.

TÀN TẬT NHƯNG KHÔNG TÀN PHẾ

Sự chướng ngại về thân thể có nhiều chủng loại, nhiều cấp độ đồng thời cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những tật bệnh, chướng ngại về thân thể bẩm sinh như mù, điếc, câm ngọng, quái thai, dị tật. Có những chướng ngại do điều kiện môi trường hoặc tai họa sau khi sinh như do chiến tranh, tật bệnh, tai nạn.

Những người mang tật bẩm sinh đã đành chấp nhận số phận còn người tàn tật do nguyên nhân ngoại tại sau khi sinh thì rất có thể họ sẽ mất hết niềm tin và ý chí để tiếp tục sống. Tuy nhiên, với những người như thế, nếu chúng ta biết cách hướng dẫn, khích lệ thì họ chỉ là người tàn thân chứ không tàn tâm. Thậm chí những người khuyết tật thường phát huy được những khả năng tiềm tàng hơn những người khổe mạnh, đấy chính là phần bù trừ. Tuy nhiên, chúng ta phải biết quan tâm thương yêu và giúp đỡ họ.

Tôi gặp rất nhiều người tàn tật, có rất nhiều bạn tàn tật như họa sĩ Hồng Thánh Côn chẳng hạn. Ông là họa sĩ nổi tiếng ở Đài Loan, Mĩ… Tôi còn quen thân với một bác sĩ tai mũi họng nổi tiếng bị điếc. Tuy điếc nhưng ông là một bác sĩ nổi tiếng, có chuyên môn cao.

Những người khuyết tật muốn lấy lại niềm tin, làm lại cuộc đời rất cần chúng ta quan tâm ủng hộ, nhất là về phương diện tâm lí. Theo tôi, đấy là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không riêng gì người thân của họ. Chúng ta phải giúp họ bằng lòng với những gì không thể thay đổi được, thân có thể tàn tật nhưng tâm tuyệt đối không thể tàn tật theo, vẫn có quyền hiểu biết, quyền tự do và những quyền cơ bản khác không kém gì người bình thường, không nên tự ti, mặc cảm. Một người tàn tật, thiếu sót một bộ phận nào đó trên thân thể sẽ sinh tâm lí tự ti, mặc cảm. Đó cũng là phản ứng tâm lí tự nhiên vì họ không thể không so sánh họ với những người bình thường khác được. Nên chúng ta cần khuyên họ rằng “tàn tật và giá trị con người là hai khái niệm hoàn toàn tách bạch nhau, quan trọng là tâm trí bạn, sự cống hiến của bạn không thua kém gì so với một người bình thường, thế nên bạn đừng tự ti mặc cảm”.

Chúng ta không những giúp họ về phương diện quan niệm, niềm tin với đời mà quan trọng hơn chúng ta cần giúp họ có niềm tin tôn giáo, vì qua niềm tin tôn giáo, họ sẽ hiểu và giảm bớt phần nào gánh nặng tâm lí, giúp họ điều chỉnh quan niệm sống, thay đổi chính mình.

Trong “nhân duyên” của Phật giáo có cái gọi là “tăng thượng duyên”, tăng thượng duyên tức là sự giúp đỡ từ bên ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân chính phát triển. Tuy nhiên, sự giúp đỡ đó – tăng thượng duyên – có lúc là những nhân tố có lợi tác động trực tiếp đến đối tượng nhưng có lúc lại là những nhân tố xấu gọi là “nghịch tăng thượng duyên”, tức là tạo nghịch cảnh để thách thức, tạo điều kiện ngăn cản giúp đối tượng khẳng định mình trong nghịch cảnh. Vì thế, theo quan điểm đạo Phật, mọi trở ngại về mặt thân thể của con người đều là “tăng thượng duyên”, thế nên chúng ta cần bình tĩnh gánh chịu, đối diện và chuyển hóa chúng nhằm giúp mình trưởng thành hơn. Khi một người tàn tật có niềm tin tôn giáo, tin theo Phật giáo, chúng ta sẽ giúp họ biết cách tụng niệm, sám hối, bố thí để giảm bớt mâu thuẫn, xung đột trong lòng họ. Khi lòng họ khôi phục trạng thái bình thường, xóa hết tự ti, mặc cảm, rở nên phóng khoáng, tự tin thì họ có khả năng khai thác những khả năng tiềm ẩn của mình, nhờ thế thực hiện được tôn chỉ “thân tàn nhưng tâm không phế” của mình.

CHẾT CHẲNG CÓ GÌ ĐÁNG SỢ

Phật giáo cho rằng, đời người có bốn nỗi khổ cơ bản đó là khổ do sinh ra, khổ do già nua, khổ do tật bệnh, khổ vì chết chóc từ đó không ít người nhầm tưởng rằng đạo Phật là đạo bi quan yếm thế. Thực tế là, trong các quan điểm của đạo Phật về nhân sinh, về thế giới chỉ là những nhận xét đúng như thực tế của nó vốn vậy. Sự thay đổi biến hóa của thân thể từ khi sinh ra cho đến khi chết đi chỉ là một tướng trạng hư giả, không thực, chúng ta cần học và vượt lên trên những tướng trạng hư giả đó mới đích thực là người đệ tử phật, mới hiểu được chân ý nghĩa của giáo lí đạo Phật. Đức Phật sở dĩ thành Phật là nhờ ngài đã tự quán sát, thể nghiệm và thấu triệt tất cả chúng sinh sinh ra trong cõi đời này đều không thể vượt qua được sinh, già, bệnh, chết. Đã có sinh ắt có tử, sống và chết là hai trạng thái, hai giai đoạn của chuỗi luân hồi vô tận. Một khi đã sinh ra nhất định sẽ có ngày chết đi, sinh lão bệnh tử là một chuỗi mắc xích, là hiện tượng tự nhiên. Trong quá trình lão hóa sẽ có các hiện tượng khác kèm theo như bệnh tật, suy yếu kéo dài mãi cho đến khi chết mới hết. Đấy là sự thực ở đời mà không một người nào có thể vượt qua được.

Chúng sinh sinh ra trong đời để chịu khổ nạn chứ không phải để hưởng hạnh phúc. Dù có khi cảm thấy hạnh phúc thì cũng chỉ tạm thời, vui ít khổ nhiều. Cũng giống việc nấu ăn, chúng ta phải chuẩn bị nhiều, từ đi chợ cho tới nấu nướng, đến dọn cơm, thời gian ăn không bằng một nửa thời gian chuẩn bị để ăn. Khổ – vui là anh em song sinh, không thể chia tách, bản thân của vui là kết quả của khổ và cứ thế, bản thân của vui là khởi đầu của khổ. Ví như chúng ta đang ở giữa mà hai đầu là lửa, tuy chưa bị lửa đốt nhưng luôn bị lửa tấn công, uy hiếp. Vì thế có thể nói rằng, người hàng xóm của vui là khổ. Người đời có câu “sướng quá hóa buồn” là thế, tức là khi con người hưởng thụ vui sướng thì vui đã ẩn mình trong khổ.

Nếu chúng ta muốn vượt qua khổ đau trong cuộc sống thì ắt phải học cách đối diện và nhìn nhận sinh tử, vượt ra khỏi sự ràng buộc của chúng, sống chết do nhân duyên, sinh không hẳn là chuyện đáng vui đáng mừng, chết vị tất là điều đáng đau đáng khổ. Tham sống sợ chết biết rõ là không giúp ích gì cho chúng ta nhưng ai cũng tham sống, sợ chết. Tuy nhiên, trong biển khổ luân hồi, ai ai cũng phải đối diện với chúng, bởi vì sự sống là thế, đấy là hiện tượng tự nhiên không ai thoát khỏi. Thế nên, chúng ta hà tất phải tham sống, sợ chết, vì đã không những vô ích mà còn chuốc thêm khổ đau, phiền não.

Chúng ta cần biết bản thân của sự chết không có gì đáng sợ vì sau khi chết lại có một sự sống bắt đầu. Điều đó khác nào ngày đêm: ban ngày lao động vất vả, đêm đến ngủ nghỉ để tiếp tục đón ngày mới. Ngoài ra “sinh” là một kết quả, chúng ta hãy tận dụng kết quả đấy để chuẩn bị cho cái chết. Sau khi chết, tất cả tài sản, danh lợi đều không mang theo, chỉ có nghiệp lực là cái đeo đẳng chúng ta như bóng theo hình. Vì thế, điều mà chúng ta mong muốn mang đi chỉ có tâm từ và trí tuệ. Cho nên khi chết, chúng ta chớ bận tâm rằng mình sẽ đi về đâu mà hãy xem thử trong hiện tại mình đã chuẩn bị những hành lí gì. Hãy tận dụng tấm thân hiện tại để tích phúc, tích tuệ, để một khi cái chết gần kề, chúng ta không còn sợ hãi, lo âu nữa.

Từ điểm này chúng ta thấy, Phật giáo tuy luôn luôn nhấn mạnh rằng cuộc đời là biển khổ, nhưng không tiêu cực như một số người thường nhận xét, ngược lại còn giúp chúng ta dám đối diện với tất cả, ngay cả điều đáng sợ nhất là cái chết. Phật pháp dạy chúng ta tích lũy công đức, hãy thực hành điều thiện, giúp đỡ mọi người để biến cuộc đời này thành cõi cực lạc, đến khi thân mạng chấm dứt, chúng ta mang theo công đức đó về cõi nước cực lạc thật. Đấy mới là nơi đáng được chúng ta trở về nương tựa, mới có niềm hạnh phúc thực sự mãi mãi với thời gian.

MỐI QUAN HỆ TỰ TẠI

Mạng xã hội của con người hiện đại ngày càng phức tạp, mối quan hệ giữa người với người cũng ngày một nhạt đi,. Vì thế, ở những nước phát triển có nhiều người muốn trốn tránh cuộc đời, tìm đến ở những nơi thâm sơn cùng cốc. Tuy nhiên, trong cuộc đời tương quan tương duyên này, muốn sống hoàn toàn độc lập là điều hoang tưởng. ít nhất chúng ta vẫn còn những người không thể bỏ như cha mẹ, anh chị em, quan hệ họ hàng, thân thuộc, lớn lên chúng ta còn phải đi vào xã hội tham gia lao động kiếm sống thì càng không thể xa rời cuộc đời. Con người sống được nhờ nương tựa nhau, phục vụ cho nhau. Cho nên, trong quá trình từ sinh ra đến khi chết đi, chúng ta luôn luôn gắn bó với mọi con người, nên thực sự không thể tách biệt khỏi đời sống xã hội này.

Mối quan hệ giữa người với người gọi tắt là “nhân gian” (giữa người với người). Đức Phật Thích Ca đã thấu suốt các nỗi đau khổ của con người mới giác ngộ thành Phật. Thực ra, hai nỗi khổ “ ái biệt ly khổ” (yêu thương chia lìa) và “oán tăng hội khổ” (oán thù gặp gỡ) trong Bát khổ đều đến từ mối quan hệ giữa người với người, đây cũng là những nỗi đau không thể tránh được của con người. “Oán thù gặp gỡ” chỉ những người oán hận nhau nhưng tránh nhau không được, người ta thường gọi là “oan gia ngõ hẹp”. Ví dụ như do oán hận nhau mà một người phải chuyển nhà nhưng sau khi chuyển mới phát hiện nhà hàng xóm mới chính là kẻ thù của mình trước khi chuyển nhà; hoặc khi đi công tác, trong lòng đang nghĩ viễn cảnh của người đón rước, nhưng đến khi gặp mới biết đó chính là kẻ thù của mình đang đón mình.

Đây quả là điều kì lạ: thông thường những người chúng ta muốn gặp lại không gặp, ngược lại những người muốn tránh lại cứ gặp. Thực ra, mối quan hệ giữa người với người đều có duyên, nếu biết phát triển duyên đó thành duyên tốt thì thành người thân, ngược lại nếu không trân trọng mối quen biết và làm cho nó xấu đi thì thành thù oán. Khi ân oán chưa giải thì phải gặp nhau để trả nợ hoặc kết thêm tình cảm. Vì thế, khi gặp người thù oán, nếu là người con Phật thì chúng ta hãy chủ động giảng hòa trước, nếu có lỗi hãy thành thật nhận lỗi và mục đích là phải kết thêm mối thiện duyên với họ. Thực ra chỉ phải đối diện nhận lỗi mới được gọi là giải được oán thù.

Còn về “ái biệt li” (yêu thương chia lìa), tức chỉ những người thân yêu ruột thịt hoặc người mình yêu thương nhưng không thể gần gũi nhau, sự chia lìa này có thể là đi xa vì một lí do nào đó hoặc là không may qua đời khiến chúng ta mãi mãi không bao giờ gặp lại được nữa. Khi những người thân yêu đang chung sống bỗng nhiên phải xa nhau, họ sẽ cảm thấy trống trải, hụt hẫng và đau khổ. Nhất là khi người thân yêu qua đời, nỗi đau sinh li tử biệt thật khó nói hết.

Nhưng, chúng ta thử nghĩ xem nguyên nhân nào dẫn đến nỗi đau chia lìa, oán thù gặp gỡ kia?

Có một nữ Phật tử khóc lóc đau khổ suốt mấy tuần liền vì chổng bất hạnh qua đời. Tôi hỏi rằng:

– Cô khóc lóc bi thảm thế rốt cục là vì gì?

– Dạ, đương nhiên là con khóc cho chồng của con ạ, ông ấy nỡ bỏ con một mình trên đời này, thật đau khổ lắm thầy ạ. ông ấy thật tàn nhẫn!

Chồng đã mất lại còn trách là tàn nhẫn, thực tế là cô không phải khóc vì ông ấy mát mà khóc vì mình đã bị mất chồng, đây bất quá chỉ là khóc vì thương bản thân mà thôi.

Cho nên, khi có người thân đi xa, trước tiên chúng ta phải tự hỏi tại sao mình đau buồn, phải chăng đau buồn vì lòng ích kỉ? Nếu mình đau buồn vì lo cho đối phương thì hãy nghĩ rằng người ta chết đi không thể sống lại, khóc lóc không những không giúp được gì cho người ra đi mà ngược lại còn khiến người ra đi không được yên lòng.

Điều chúng ta cần làm lúc này là phải tụng kinh niệm Phật, làm nhiều điều thiện để hồi hướng công đức cho người đã khuất, đồng thời phải thành tâm cầu cho người đó vãng sinh Tây phương hoặc được sinh ra ở những cảnh tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, nếu người thân ra đi vì sự nghiệp tiền đồ thì chúng ta càng không nên đau lòng mà nên vui mừng chúc tụng để người đi yên tâm, phải tỏ ra cứng rắn, động viên khích lệ và xem đó như một cách ủng hộ hữu hiệu. Bất luận là yêu thương chia lìa hay oán thù gặp gỡ, chúng ta đều không vì lòng tự tư ích kỉ của mình mà chuốc lấy thêm đau khổ cho cả đôi bên. Chỉ khi nào chúng ta chịu được nỗi đau chia lìa, dũng cảm đối diện với những nỗi đau mà người khác khó đối diện, buông xả sự chấp trước, chúng ta mới tự tại vô ngại trên đường tu cũng như trên đường đời.

NGƯỜI THỰC SỰ HIỂU ĐƯỢC TÌNH CẢM

Có người nói, người xuất gia đã từ bỏ gia đỉnh, cha mẹ, họ hàng, bè bạn, người thân nên họ không cần tình cảm nữa; cũng có người nói, người xuất gia không lấy vợ lấy chồng, không có con cái nên căn bản không hiểu tí gì về tình cảm. Thực ra tình cảm chỉ mối quan hệ, sự quan tâm giữa người với người và cả người với sự vật, sự việc, bất luận là ai cũng không thể không có, nếu không họ không phải là người nữa.

Phật pháp gọi chúng sinh là “hữu tình”, hữu tình có nghĩa là những loài chúng sinh có tình thức, có tình cảm. Tình cảm có thể chia thành ba: một là tình thân trong quan hệ gia đình, họ hàng; hai là tình bè bạn, thầy trò, đồng nghiệp; ba là tình yêu thương nam nữ. Người xuất gia chỉ không có tình cảm nam nữ, những tình cảm còn lại đều có hết.

Người xuất gia cũng cần phải quan tâm chăm sóc bố mẹ, nếu người từng có vợ chồng, con cái mới xuất gia cũng cần quan tâm đến họ. Đây tuy cũng là biểu hiện tình cảm nhưng thứ tình cảm đó đã được tịnh hóa, đã trở thành thứ tình cảm thuần khiết, cao thượng, nói khác đi đó là lòng từ bi. Từ bi hiểu theo một khía cạnh nào đó là tình cảm, nhưng tình cảm ở đây đã thăng hoa!

Tình cảm cũng có thể chia thành tình đồng đạo và tình đời. Tình đời chỉ những mối quan hệ tình cảm của thế gian, quyến luyến bám chặt lấy nhau; tình đồng đạo đạo chỉ tình cảm giữa những người trong đạo, cùng tu tập. Người xuất gia biến tình bạn thành tình thân trong đạo, đôi bên quan tâm đến nhau về những điều nên quan tâm chứ không phải quyến luyến không nỡ dứt.

Tu hành giúp tình cảm của mình thăng hoa thành từ bi, từ “hữu tình (có tình cảm) thành “giác hữu tình” (giác ngộ cho chúng sinh có tình cảm).

Bản thân đức Phật cũng có tình cảm, nhưng tình cảm của Phật đã chuyển hóa thành từ bi tâm, tình cảm đó quan tâm đến hết thảy chúng sinh, tình cảm rộng vô biên yêu tất cả chúng sinh như bản thân. Trong đó có cả cha mẹ, con cái, vợ, bạn bè…Người có lòng từ bi thì yêu thương bình đẳng trước mọi đối tượng, nhưng vẫn có sự sai khác về xa gần, người thân với người xa lạ, người trước với người sau. Những người được ngài tiếp độ thường là những người đã gieo duyên trước, sau đó mới độ cho người ít duyên hoặc vô duyên sau.

Sau khi giác ngộ, ngài liền nghĩ đến bạn cùng tu khổ hạnh – năm anh em ông Kiều Trần Như, tiếp theo ngài độ cho thân mẫu là Ma gia phu nhân, sau đó mới độ cho người thân trong họ hàng thế tục như bà ngoại, mẹ kế, con trai…

Từ ví dụ thực tế, có thực là đức Phật Thích Ca, chúng ta thấy rằng từ người xuất gia cho tới Phật, Bồ- tát không những sống có tình mà còn rất hiểu về tình cảm.

KHÔNG CÒN VƯỚNG BẬN TÌNH CẢM

Tình là gì? Tình tức tình cảm, có thể chia thành tình thân, tình yêu, tình bạn, tình đồng đạo.

Đạo Phật khuyên con người lìa dục, xả bỏ tất cả nhưng không phải biến mình trở thành kẻ vô tình, vì, chúng sinh vốn được gọi là “hữu tình chúng sinh” (chúng sinh có tình cảm).

Nếu chưa được giải thoát giác ngộ thì tất cả con người đều có tình cảm, đấy là lẽ thường tình, tự nhiên của con người. Trong những thứ tình cảm đó, tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái là tình cảm thuần khiết, vị tha nhất. Tình cảm đó chỉ có cho đi mà không hề mong cầu báo đáp; tình bạn bè là tình đạo nghĩa của con người trong mối tương quan với người khác trong xã hội. Tục ngữ có câu “tình cảm của người quân tử trong sáng, thanh đạm như nước lã”, cho thấy tình bạn nhẹ hơn tình thân một bậc. Tình đạo hữu chỉ mối quan hệ giữa những người cùng tu tập theo Phật pháp, họ sẽ quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ nhau.

Tình yêu nam nữ là thứ tình cảm phức tạp nhất trong đời, tuy có những tình yêu trong sáng, chân thực cũng là thứ tình cảm chỉ cho đi mà không hề muốn đền đáp, nhưng rất hiếm! Phần lớn tình yêu nam nữ là tình yêu chiếm hữu, ràng buộc. Điều này có liên quan đến nhu cầu cảm giác an toàn của con người, vì bất kì ai cũng không mong cùng người khác chia sẻ những thứ mình có, cho nên tình cảm thường là cội nguồn của đau khổ. Tuy nhiên, có thể nói rằng, trong những thứ tình cảm của con người bình thường thì tình cảm nam nữ ngọt ngào nhất. Vì thế, tình yêu nam nữ là thứ tình cảm phức tạp, khó xử lí nhất trong bốn thứ tình cảm nêu trên, đồng thời đây cũng là thứ tình cảm tiềm ẩn nhiều nguy cơ nảy sinh vấn đề nhất. Người xưa có câu “trời nếu có tình, trời cũng già”, điều đó muốn nói rằng tình cảm là thứ giày vò tâm trí con người nhiều nhất. Khi tình yêu lên ngôi, đôi bên quấn quýt gắn bó keo sơn, nhưng nếu yêu quá mức liền thành đau khổ.

Tình cảm yêu đương nam nữ nồng thắm như người Trung Quốc nói “yêu nhau như thuở ban đầu”, đôi bên quan tâm yêu thương trân trọng, tha thứ cho nhau. Một khi có điều gì đó khúc mắc, hai bên phải tìm hiểu và bù đắp cho nhau, như thế tình cảm mới được bền lâu. Thực ra, khi hai người nam nữ đến với nhau, họ đã có hai thế giới riêng, yêu thương bao nhiêu cũng chỉ là hai thế giới chứ không thể hóa thành một được! Vì thế, khó tránh những lúc to tiếng, cãi vã.

Cho nên, tình yêu nam nữ cần phải học cách tha thứ, tôn trọng và bổ sung cho nhau.

Ngoài ra, trong quá trình quen biết, yêu thương nhau của những đôi bạn trẻ thường có sự chênh lệch về mặt tình cảm: một bên quá yêu thương đến nỗi bên kia không thể chấp nhận được tình cảm đó, vì yêu thương có mặt quá nhiều chiếm hữu. Có trường hợp một bên quá yêu thương, bên kia quá thờ ơ, lãnh đạm, vì thế người kia nghĩ rằng mình không được tôn trọng.

Trường hợp này sẽ dẫn đến lòng tự trọng bị tổn thương, tâm lí mất thăng bằng. Điều đau khổ nhất trong tình yêu là “thất tình”. Tình cảm phải được xây dựng từ hai phía, nếu chỉ đến từ một phía thì không được xem là tình yêu nữa. Nếu chỉ đến từ một phía nhưng vẫn chấp chặt, theo đuổi thì chỉ làm tổn thương cho mình và đối phương.

Điều này nói thì dễ nhưng thực tế thì muôn vàn khó khăn. Con người thường đau khổ vì tình cảm, biết thế nhưng mấy ai gạt được tình cảm nam nữ ra khỏi lòng mình? Chúng ta thường thấy báo đài đăng tải những chuyện tình đau khổ do yêu không thành, có người tìm đến cái chết để giải quyết tình cảm, cũng có người do quá yêu nên giết người mình yêu. Họ thường làm thế với lí do là “anh làm tôi đau thì anh cũng đừng hòng sống yên thân” hoặc “anh không có được em thì không ai được phếp có em”. Khi hai người đều yêu nhau nhưng bị gia đình, xã hội ngăn cấm, họ rủ nhau tự vẫn…Tình yêu là mầm hận, đây là thứ tình cảm thiếu sáng suốt, đầy tình cảm thành mối bất hạnh cho đôi bên. Theo Phật giáo, đấy đều là những việc làm ngu si, thiếu hiểu biết. Nếu yêu không thành mà tìm đến cái chết thì không những bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với xã hội mà còn bất nhân đối với cả người mình yêu.

Nếu muốn hiểu rõ về tình cảm này, chúng ta cần suy nghĩ ở khía cạnh khác. Thực ra, khi chúng ta yêu, chúng ta cứ chấp chặt vào một đối tượng và muốn tạo mối ràng buộc sống chết cho nhau; nếu mở rộng lòng mình, nhìn vào thực tế xã hội thì đâu cũng có người đáng yêu thương. Hơn nữa, chỉ cần người mình yêu sống hạnh phúc là được chứ không hẳn phải nhất định sống với ta là được.

HÃY BIẾN TÌNH YÊU THƯƠNG THÀNH ĐỘNG LỰC SỐNG

Tình yêu là thứ tình cảm đáng trân trọng, đáng quý, đáng ca tụng trong đời, cuộc đời nhờ có tình cảm mới phát triển, tươi vui hạnh phúc. Nhưng những năm gần đây, các phương tiện báo chí trong và ngoài nước thường đăng tải những vụ án tình thảm khốc, trong đó nguyên nhân chính, chủ yếu là do các nạn nhân đều là “tín đồ tình ái” nhưng không hiểu tình yêu là gì. Yêu có thể chia thành tình yêu ích kỉ và tình yêu dâng hiến: tình yêu dâng hiến là lòng từ bi, tức là tình yêu thương rộng lớn mà người ta thường gọi là bác ái; tình yêu ích kỉ là thứ tình yêu muốn chiếm hữu, thường là tình yêu nam nữ.

Đương nhiên trong tình yêu nam nữ vẫn có rất nhiều mối tình đáng được người đời trân trọng.

Tuy vậy, tình yêu nam nữ có tính chiếm hữu lớn, lúc nào cũng muốn giữ lấy người mình yêu.

Vì thế khi yêu, đôi bên cứ ngỡ đấy là thứ tình yêu dâng hiến, thực ra đấy là thứ tình cảm luôn luôn tranh thủ, chiếm lấy trọn vẹn tình cảm của đối phương và đấy cũng là cái đích của tình yêu này.

Trong quá trình “chiếm hữu”, thể hiện tình yêu, nếu chỉ thấy đối phương không như những gì mình mong muốn hoặc không phù hợp với tâm nguyện mình thì sẽ nảy sinh xung đột, oán hận, hoài nghi, thậm chí sinh lòng thù hận.

Không thể có một tình yêu nam nữ hoàn toàn vô tư, dâng hiến, vì khi yêu rất dễ gây ra nghi ngờ, nghi ngờ dẫn đến cãi vã, nhất là trong những mối tình tay ba, yêu và hận quyện chặt nhau rất khó phân định: yêu vì hận, hận vì yêu.

Vì tình yêu nam nữ xuất phát tự lòng ích kỉ, chiếm hữu nên tình yêu thường không yên bình. Nhân gian có câu “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Một khi không đạt được mục đích, tất cả công sức theo đuổi không được đền đáp thường sinh lòng oán hận, khi đó họ có tư tưởng “ăn không được thì đạp đổ”. Khi “đạp đổ”, họ không lường được kết quả sẽ thế nào, trong cơn nóng giận sẽ hủy hoại đối phương, thậm chí có người còn cướp mất mạng sống của người mình yêu, đây chính là bi kịch tình yêu của con người.

Có người rất mù quáng trong tình yêu, chỉ biết yêu và yêu chứ không nghĩ đến các nhân tố hiện thực khác, đấy chính là “si tình”. Si tình có thể vì mục đích tình dục, cũng có thể do mù quáng trong cách nhìn nhận đánh giá đối phương. Trong mắt gã si tình, người mình yêu là đẹp nhất, tài giỏi nhất. Trường hợp này đối phương không còn là đối phương nữa mà chỉ là cái xác cho người kia tưởng tượng ra một con người hoàn hảo như thế. Vì thế, kết cục của những tình yêu mù quáng, si tình không bao giờ tốt đẹp như ý cả. Khi rơi vào trường hợp này, bạn cần sớm thức tỉnh.

Tại sao có người nói “hôn nhân là mộ phần của tình yêu?”. Vì trước khi lấy nhau, cả hai đều che giấu cái xấu, tô điểm cái đẹp vốn không phải của mình hoặc mình không có như thế, thậm chí có người còn tìm cách làm đẹp cho những khuyết điểm của mình. Đến khi kết hôn thành vợ thành chồng chung sống với nhau, tất cả khuyết điểm dần dần hiện rõ và đôi bên dần thất vọng về nhau, cuối cùng hạnh phúc tan vỡ. Vì thế, trong tình cảm nam nữ, không nên sống mơ mộng, ảo tưởng về tính cách cao đẹp của đối phương, không nên mụ mị trong tình cảm.

Tình yêu đích thực là phải không ngừng học tập, kiện toàn bản thân vì người mình yêu, biết cách tôn trọng, giúp người yêu phát triển ưu điểm, bỏ dần khuyết điểm, biết cách biến tình yêu thành động lực sống tốt, không để tình cảm nam nữ trở thành gánh nặng, tạo nên bi kịch cho cuộc sống của mình và người yêu. Yêu tức là tìm người bạn để chung sống trọn đời, nên giữa hai người không những phải tôn trọng, thương yêu nhau như khi ban đầu mà còn phải biết san sẻ, thẳng thắn, không giấu giếm nhau điều gì. Hai bên phải đối đãi bình đẳng, ôn hòa, trong sáng mới mong sống với nhau trọn đời. Khi nào bạn thực hiện được như thế mới được gọi là tình yêu thực sự.

TÂM KHỎE MẠNH MỚI MONG THÂN MẠNH KHỎE

Nếu chúng ta tế nhị quan sát những người tính tình nóng nảy, hay bực tức sẽ dễ dàng phát hiện họ đang mắc một số bệnh như chức năng gan suy nhược, tuyến nội tiết không đều… Mỗi khi tinh thần suy nhược, chán chường, đó là lúc thân tâm đều mệt mỏi, không đủ sức làm việc, xử lí tình huống. Trường hợp đó chúng ta thường quy kết rằng do tâm bất an nên ảnh hưởng đến sức khổe. Nỗi đau vật chất quả thực ảnh hưởng không nhỏ đến sức khổe tinh thần. Có thể nói rằng, tâm làm chủ thân, nếu tâm suy nhược, khiếm khuyết thì nhất định sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khổe của thân thể.

Cho nên, thân bệnh có thể chữa lành thông qua việc chữa tâm bệnh.

Trước hết, chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng thân thể vốn luôn tiềm ẩn các mầm bệnh. Có người từng hỏi tôi: ai mới là người không mắc thân bệnh? Tôi nói: “Người không mắc bệnh đã chết hết rồi, không có người không mang bệnh”. Vì chỉ có người đã chết mới không còn có nơi để sinh bệnh chứ người còn sống thì ai cũng có bệnh cả.

Sinh, già, bệnh, chết là quy luật tự nhiên, từ khi sinh ra con người đã không ngừng tiến đến cái chết, không ngừng bị lão hóa, không ngừng phát triển các mầm bệnh, thậm chí nó còn để lại trong gen di truyền. Có thể nói, ai cũng đang mang bệnh, chỉ là bệnh nặng, nhẹ khác nhau thôi chứ không phải đợi đến già, sinh bệnh rồi mới chết.

Bất luận bạn có cảm thấy đau hay không thì thực tế ai cũng đang mắc bệnh cả. Như tôi đây, từ nhỏ đã mang nhiều bệnh, thân thể gầy yếu, suy nhược nên tôi rất biết tự chăm sóc bản thân.

Tôi thường kiêng ăn quá no, uống quá nhiều, không làm việc quá sức, có lẽ vì thế mà đến nay tôi vẫn sống khổe mạnh. Vì nhiều bệnh nên tôi thường thấy mình kém phúc, nghiệp chướng nặng nề, tôi cũng thường thấy xẩu hổ vì điều này. Tuy nhiên, theo tôi thì bệnh là “được phúc nhờ họa”, tức bệnh là họa nhưng thông qua bệnh hiểu được nhiều thứ, đấy là phúc.

Ngược lại, có người hiếm khi mắc bệnh, nhưng một khi có bệnh đều là bệnh hiểm nghèo.

Thực ra, người khổe mạnh thường cậy khổe, ăn uống bừa bãi, không biết tiết chế nên càng làm tăng thêm cơ hội cho mầm bệnh trong người phát triển. Từ điều này chúng ta thấy, người thường cảm thấy có bệnh trong người cũng là một điều phúc, nên trong luận Bảo vương tam muội có nói “nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không tật bệnh”. Tuy vậy cũng không có nghĩa là chúng ta cần sống trong thấp thỏm bất an vì tật bệnh. Tôi có người bạn thường than thân trách phận với tôi rằng đâu đâu trên thân cũng mắc bệnh, có lúc than rằng có lẽ tôi không sống nổi đến tháng sau! Cách nói và nghĩ như thế sẽ ảnh hưởng không tốt đến mình và mọi người, đấy cũng không phải là người có đời sống nội tâm lành mạnh.

Vì thế, chúng ta nên nghĩ rằng “bệnh tật chỉ là một trong những điều tất yếu không thể tránh khỏi của con người”, một là để nhắc nhở chúng ta thêm trân trọng sự sống, hai là để hiểu được cuộc đời vô thường, sinh lão bệnh tử là tất yếu. Khi nghĩ được như thế, một khi sinh bệnh, bạn không bị chao đảo, ảnh hưởng đến tâm lí. Có người mất hết niềm tin và nghị lực sống một khi phát hiện mình mang bệnh nặng. Bị bệnh thì chữa trị, chữa trị không khỏi thì ít nhất cũng không nên để chúng trở thành tâm bệnh. Phát hiện bệnh là điều nên mừng chứ không phải là điều nên lo, vì ít ra trong trường hợp xấu nhất, bạn cũng có sự chuẩn bị trước để hoàn thành những việc cần làm. Nên, biết mình mang bệnh hẳn là một điều đáng mừng vậy.

Nhìn theo quan điểm Phật giáo, phàm là con người sinh ra trong đời này ai cũng có vô lượng tội đã làm trong vô lượng kiếp quá khứ. Một khi lâm bệnh nghĩa là một lần nghiệp quả báo ứng, đó là cách trả nợ ác nghiệp mình tạo trong quá khứ, đã làm được thì phải chịu được chứ chẳng có gì phải âu lo cả. Ngoài ra, Phật thường dạy các đệ tử rằng “tỷ kheo thường đới tam phân bệnh” (người xuất gia phải mang trong người một ít bệnh). Câu nói có ngụ ý rằng bệnh tật cũng là một trong những cách giúp người tu tập hiểu được bản thân, hiểu được cuộc đời vô thường.

Trên đây là những quan điểm, những cách nhìn nhận về tật bệnh giúp chúng ta có cái nhìn thấu đáo, chính xác về thân bệnh. Nếu biết vận dụng các quan điểm vào cách nhìn nhận, đánh giá tật bệnh của bản thân thì tuy thân thể không khổe mạnh nhưng vẫn không ảnh hưởng đến tâm lí, không đến nỗi buồn rầu, tuyệt vọng khi mang bệnh.

VƯỢT LÊN NỖI KHỔ CHIA LÌA

“Trăng có lúc tròn lúc khuyết, người có lúc tụ lúc tan”, trong đời chẳng có buổi tiệc nào không dứt. Người sống trong đời khó tránh được bi hoan li hợp. Khi chia lìa với người thân cũng ít ai cầm được nước mắt, đây là sự thật về khổ trong đời, Phật giáo gọi là “ái biệt li khổ”.

Tình cảm con người có tình cha con, tình vợ chồng, tình yêu nam nữ, tình cảm bạn bè,… trong đó tình cảm người thân trong gia đình và tình yêu nam nữ là những tình cảm thân thiết nhất. Khi đối diện với sinh li tử biệt cũng là lúc đau khổ nhất. Tình cảm bè bạn nhạt hơn nhưng nếu là những người bạn từng sống chết có nhau, chân thành giúp đỡ nhau trong ngọt bùi, hoạn nạn thì khi phải chia lìa cũng là một nỗi khổ lớn.

Tình thân chủ yếu chỉ tình thương của bố mẹ giành cho con cái vì thực ra, như người ta nói “nước mắt chảy xuôi” nên tình cảm con cái dành cho bố mẹ không đầm ấm, vô tư và đại lượng như tình bố mẹ dành cho con cái. Sự trưởng thành khôn lớn của con cái không thể thiếu sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của bố mẹ. Thế nhưng, khi con cái lớn khôn cũng là lúc sắp phải chia xa vì trai phải dựng vợ, gái phải gả chồng, không thể sống mãi bên bố mẹ được, như những chú chim đủ lông đủ cánh không thể ở mãi trong tổ được. Đó tuy là sự thực nhưng chưa từng có bố mẹ nào không rơi nước mắt khi nhìn “chim non xây tổ ấm mới”. Có người muốn cho con đi du học nhưng lại không chịu được cảnh xa con, khóc lóc nhung nhớ, đó âu cũng là lẽ thường. Tất cả đó chính là “ái biệt li khổ” (khổ vì yêu thương chia lìa).

Khi có con cái, các bậc làm cha làm mẹ phải chuẩn bị tâm lí để một ngày nào đó con khôn lớn phải tách rời tổ ấm cũ, xây dựng tổ ấm mới, tránh đau buồn quá mức. Khi chúng ta có sự chuẩn bị trước sẽ không thấy sốc hay quá đau khổ vì chia lìa. Ngoài ra, sự chia lìa của tình yêu thương nam nữ cũng là nỗi đau lớn của con người: tình yêu càng sâu đậm thì biệt li càng đau khổ. Nếu yêu thương nhau không đến được với nhau đấy là một nỗi khổ lớn của con người trong tuổi yêu đương.

Cũng may tôi là người xuất gia, khi vào quân ngũ từ Trung Quốc đại lục đến Đài Loan ít bị tình thân, tình yêu ràng buộc nên cũng nhẹ nhàng khi ra đi. Tuy nhiên, cảnh bin rịn, quyến luyến hôm chúng tôi vào quân ngũ giữa đông đảo bạn bè, các bậc bố mẹ và người thân đưa tiễn chúng tôi quả thực rất khó lòng dứt khoát ra đi.

Tôi nghĩ rằng giữa con người với con người chỉ cần có tình cảm dành cho nhau, bất luận là tình thân, tình bạn hay tình yêu thương nam nữ đều sẽ rất đau khổ khi biệt li. Tuy tôi là người xuất gia nhưng trái tim tôi vẫn bằng xương thịt, cũng có phần đau buồn khi phải chia tay với người thân, bè bạn. Ví dụ năm lên 14 tuổi, tôi vào chùa xin xuất gia, còn nhớ có lần mẹ đến thăm tôi và ở lại trong chùa một ngày rồi về. Mẹ tôi không nỡ rời xa nhưng cũng không muốn bắt tôi về lại nhà. Cái cảm giác như đứt ruột khi phải xa tôi lúc đó của mẹ quả thực khiến tôi
thấy nhói đau.

Tuy nhiên, sau đó tôi nghĩ bụng, chính mình phát tâm xuất gia, muốn dùng tấm thân do bố mẹ tác thành này để báo đáp ân đức sinh thành dưỡng dục của bố mẹ. Tôi muốn vượt lên giới hạn nhỏ bé của bản thân để mang lại lợi ích cho nhiều người trên đời này nữa, tôi muốn gieo hạt giống Phật vào lòng người để giúp họ tránh khổ tìm vui đồng thời tôi xem đó là cách báo ân cha mẹ. Theo tôi, nếu sáng tối bên bố mẹ suốt đời cũng không phải là cách báo đáp thâm ân hay nhất. Nghĩ thế, tôi thấy lòng mình vơi đi đau khổ rất nhiều.

CÓ ĐOÀN VIÊN, LY HỢP MỚI TRƯỞNG THÀNH

Tục ngữ có câu “trời còn trẻ lắm vì chưa thấu tình” (nguyên văn là: trời có tình, trời cũng già), điều đó muốn nói rằng tình thân, tình yêu, tình bạn mang lại sự ấm áp cho chúng ta, thế nhưng vẫn mang mầm mống đau khổ, nhất là khi phải đối diện với sinh li tử biệt. Vì thế, có người cho rằng chỉ cần cắt đứt tình cảm với mọi người thì không còn khổ vì nó nữa. Nhưng như đức Phật nói, chúng sinh là loài “hữu tình” (có tình cảm), chúng ta là chúng sinh làm sao tránh được tình cảm? Mạng sống của chính mình là cái mà chúng sinh yêu quý nhất, sau đó mới đến những người, sự việc và sự vật liên quan đến mình. Tình thân tượng trưng cho sự kéo dài của sự sống con người, vì con cái là hóa thân của bố mẹ. Tình yêu cũng thế, nhờ có sự kết hợp giữa nam nữ mới có con cháu đời sau nên nói tình yêu là sự nối dài của sự sống. Tình bạn bè tuy không liên quan trực tiếp đến sự sống của mình nhưng người sống trong đời ai không có bạn?

Bạn bè là người chia sẻ buồn vui, làm đời sống thêm thú vị, là một trong những suối nguồn của đời sống tinh thần nên tình bạn cũng góp phần rất quan trọng trong cuộc sống con người.

Tình yêu nam nữ có liên quan mật thiết đến sự sống con người, nhờ có tình cảm này mới có con người, đấy là sự thực không thể phủ nhận. Nếu chúng ta phủ định hoặc cắt đứt hẳn thứ tình cảm này, thực sự không hợp với quy chuẩn đạo đức thế gian, không hợp với đạo lí làm người.

Xét theo quan điểm Phật giáo, bất luận là tình thân, tình yêu hay tình bạn đều do duyên sinh, có nhân có duyên mới khiến mọi người sống chung, gần gũi, hợp tác với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ rằng, nhân duyên tụ tán là lẽ tất yếu của tự nhiên, như chúng ta thường nghe nói “sông có khúc, người có lúc” hay “trăng có khi tròn khi khuyết, người có lúc tụ lúc tan”. Như thế đủ thấy rằng, sống chết, hợp tan đều là lẽ tự nhiên của trời đất.

Sum họp, chia lìa đã là sự thực tất yếu thì chẳng có lí do gì khiến chúng ta phải đau khổ cả. Giáo lí Phật giáo dạy chúng ta nên giữ tâm mình ở mức bình thường, vì “bình thường tâm thị đạo” (tâm bình thường chính là đạo). Nhờ có tâm đó mà khi sum họp ta không quá vui mừng, khi chia lìa ta không quá đau khổ. Hơn nữa, người ta sống trong đời phải có lúc tụ lúc tan, phải trải qua tất cả khổ đau của đời mới mong tiến bộ, trưởng thành. Nếu cuộc đời cứ phẳng lặng, đứng yên bất động thì chúng ta mãi mãi dừng lại tại một điểm cố định, không thể tiến bộ được.

Ví dụ, hôm nay quen biết người này, ngày mai lại quen người khác, nhờ thế chúng ta mở rộng thêm mối giao du với mọi người, mở rộng mặt bằng giao tiếp. Thế nên, hợp tan trong đời là sức mạnh giúp chúng ta trưởng thành, vì nhờ mở rộng giao lưu với mọi người mà kiến thức sống phong phú hơn, đa dạng hơn, quả thực đấy là điều rất tốt. Vả lại, hợp tan thể hiện lẽ vô thường, không thể hợp mãi cũng không thể tan mãi. Hơn nữa, với sự phát triển của các phương tiện kĩ thuật hiện đại, chúng ta có thể liên lạc với nhau dễ dàng qua điện thoại, mạng toàn cầu,… dù cách nhau bao xa cũng có thể nói chuyện trực tiếp, thấy mặt nhau được. Hơn nữa, con người thường chú trọng sự giao lưu về mặt tinh thần nên tuy không ở gần nhau được nhưng vẫn có thể thông tin, thăm hỏi nhau. Do đó, chuyện hợp tan đã không còn khổ như xưa nữa. Chia cách nhau sở dĩ làm cho người ta đau khổ bắt nguồn từ tâm lí chấp chặt, muốn người mình yêu thương mãi mãi bên ta. Vì thế, chỉ cần chúng ta thay đổi cách nhìn, thay đổi quan điểm, lấy tâm bình thường để ứng phó với tụ tán, li hợp bất thường trong cuộc sống, đồng thời phải nắm bắt cơ hội trưởng thành trong tan hợp hợp tan, chúng ta mới không còn bị yêu thương chia lìa làm đau khổ