SAO TRỜI MÊNH MÔNG
Nguyên tác: Hán văn: “Hạo Hãn Tinh Vân”
của Lâm Thanh Huyền
Hạnh Đoan lược dịch

 

CHƯƠNG 14: THÂM ÂN

“Cha bịnh nặng, về quê gấp!” vừa quay về phòng làm việc, thì phát hiện ngay bức điện tín vị phụ tá để trên bàn, đọc xong tôi hết hồn, vội xin phép nghĩ để về quê ngay.

Cha tôi nằm viện ngót hai tháng nay. Ông đã hôn mê, chúng tôi phải dùng xe cứu thương đưa ông về nhà. Tôi vừa bắt đầu học Phật, suốt lộ trình ngồi cạnh phụ thân tôi chăm chú niệm Phật.

Lúc phụ thân nằm nơi sảnh đường, hơi thở ông đã yếu lắm, tôi hiểu đây là giờ phút cuối cùng ông còn ở thế gian. Trong kinh Phật nói: “ Lúc lâm chung cần phải thỉnh người niệm Phật trợ lực giúp cho thần thức minh mẫn, vãng sinh tốt.”

Ðến đâu để tìm người hộ niệm đây? Mặc dù tôi đang học Phật, song đối với các tự viện cũng chưa rành lắm, nhất là vào thời điểm lòng đang rối rắm bàng hoàng, đột nhiên tâm tôi lóe sáng: “Sao mình không thỉnh pháp sư Phật Quang Sơn đến hộ niệm cho nhỉ?” Do việc cấp bách, nên tôi gọi điện cho Phật Quang Sơn tại Hội niệm Phật Kỳ sơn trước rồi mớiõ điện đến Giám viện Phật Quang Sơn sau, tôi nói:

– Phụ thân con đang hấp hối, xin quí thầyï đến hộ niệm trợ sức giúp!

Nửa tiếng sau, thầy Tông Nhẫn cùng ba vị tăng sĩ khác đáp xe lửa hỏa tốc, đồng đến hộ niệm cho cha tôi. Hai tiếng sau, pháp sư Huệ Quân dẫn đầu mười một vị tu sĩ và mười lăm cư sĩ ở Hội niệm Phật Kỳ sơn đến hộ niệm cho cha tôi. Sảnh đường giờ rợp bóng hoàng y, thánh hiệu A Di Ðàtrầm hùng vang vọng giữa đêm khuya, tôi cảm thấy phụ thân diễm phúc làm sao, lúc lâm chung được các bậc thiện nhân tụ tập đến đưa tiễn. Bỗng dưng tôi thấy thẹn trong lòng, nghĩ mình chưa làm gì được cho đạo pháp, nhưng ngay giờ phút quan trọng này, lại được chư vị pháp sư và các cư sĩ nhiệt tình giúp đỡ như thế! Càng nghĩ tôi càng xúc động, bất giác lệ tuôn đầm đìa.

Các pháp sư hộ niệm cho cha tôi đến nửa đêm, đột nhiên có mùi hương thơm ngát lan tỏa khắp phòng, bầu không khí giờ phủ trùm ánh kim quang, chúng tôi tiếp tục niệm Phật đến trời sáng. Mãi đến khi thân phụ tôi qua đời, thầy Tông Nhẫn vẫn còn hướng dẫn các tăng sĩ niệm Phật liên tục suốt tám tiếng đồng hồ liền. Khi liệm phụ thân, nhìn dung nhan người sáng đẹp, mặt như mỉm cười, toàn thân mềm mại, đỉnh đầu còn ấm, lòng chúng tôi hân hoan khôn tả.

Pháp sư Phật Quang Sơn thật tuyệt vời!

Ðó là năm 1985, phụ thân tôi qua đời. Tiếp đến thầy Giám viện Phật Quang Sơn làm lễ siêu độ cho phụ thân tôi, tự đầu đến cuối các thầy tận tụy, dốc hết tâm lực lo rất chu đáo. Sư cô Y Hậu tụng kinh kim cang cho phụ thân tôi, thậm chí có mệt mỏi đến mấy cũng không chịu ngừng nghỉ dù một phút giây, cứ kiên trì tụng suốt, khiến chúng tôi cảm động khôn kể.

Trong sổ tay của tôi có ghi danh của các vị pháp sư ấy: Tông Nhẫn, Huệ Quân, Y Quả, Y Hậu, Huệ Khai, Huệ Ðức… còn có một số pháp sư tôi không biết tên, nhưng các vị ấy cùng cóù tên chung là “Pháp sư Phật Quang Sơn” đều là đệ tử của Ðại sư Tinh Vân. Uy nghi tế hạnh của họ đã gieo vào làng quê chất phác của chúng tôi một âm hưởng không gì sánh được. Mọi người đều luôn miệng suýt xoa:

– Pháp sư Phật Quang Sơn tuyệt quá!

Các tu sĩ đã tổ chức nghi lễ Phật giáo thật tôn nghiêm, trang trọng; làm dân quê nơi đây xúc động, cảm mộ không cùng; các vị trưởng bối cao niên trong làng thèm khát bày tỏ: “Lúc tôi qua đời, tôi chỉ ước được các tu sĩ Phật Quang Sơn đến hộ niệm cho mình thôi!”

Mười năm sau, thân mẫu tôi tạ thế, tôi cũng thỉnh pháp sư Phật Quang Sơn đến lo mọi sự, thầy Trụ trì Tâm Ðịnh đặc biệt đến thắp hương. Ðạo tràng mẫu thân tôi ngày ba thời, khóa lễ tôn nghiêm, hồng danh Phật được niệm khẩn thiết, có đến hai mươi sáu vị pháp sư tham dự. Dân làng hỏi tôi:

– Anh và các pháp sư Phật Quang Sơn có quan hệ gì đặc biệt hả?

 Tôi đáp:

– Tuyệt chẳng có quan hệ gì đặc biệt, tôi chỉ là một trong số hằng trăm vạn Phật tử của Ðại sư Tinh Vân, mười năm trước quí thầy ấy từng đến đây hộ niệm lo tang lễ cho thân phụ tôi, tôi thậm chí còn chưa qui y với Ðại sư nữa!

Pháp sư Phật Quang Sơn làm lễ siêu độ cho mẹ tôi chu đáo đến nỗi chúng tôi quá cảm động, đồng phát nguyện trước Phật: “Nguyện đời đời làm đệ tử Ðại sư, kiếp kiếp hộ trì Phật Quang Sơn, hộ trì Phật giáo mãi mãi!

 Tôi biết, Phật Quang Sơn làm Phật sự cho tín đồ, chẳng thiên vị trường hợp cá biệt nào, ngay cả khi ông của bằng hữu Giản Chí Trung qua đời. Ðại sư Tinh Vân đã sốt sắng mượn Ðạo tràng Ðài Bắc làm lễ siêu độ cho ông ta, sư phụ còn thân hành thuyết giảng giữa pháp hội và an ủi thân quyến ông, khiến cho những người có mặt tại đấy vô cùng xúc động. Hoàng Việt Tuy, giữ chức cố vấn quốc sách, sau buổi lễ vội chạy tới gặp tôi, nói:

– Nếu như sau khi tôi chết mà được làm lễ trang nghiêm như thế này, tôi chết cũng hả lòng!

Năm 1995 sư phụ giảng kinh tại Phi Luật Tân, một hôm đang giảng thì nghe tin lão tiên sinh Ngô Hồng Lân phụ thân của Ngô Bá Hùng qua đời, Ðại sư tức tốc về Ðài Loan để dự “Lễ Tiễn Biệt” tiên sinh. Ðây tuyệt chẳng phải vì Ngô Bá Hùng quyền cao chức trọng, hay vì Ngô Bá Hùng là ái đồ của Ðại sư, mà giữa sư phụ và Ngô lão tiên sinh còn có một mối nhân duyên đặc biệt.

Hồi Ðại sư mới qua Ðài Loan, phải đến cơ quan chính phủ làm hộ khẩu, qui định thời đó bắt buộc phải có giấy “Chứng Nhận Nhập Cảnh” của Ðài Loan, ngay lúc đang bối rối vì không có giấy chứng nhận, thì may thay, đúng lúc đó Nghị viên Ngô Hồng Lân ra mặt giúp đỡ, nhờ vậy các tu sĩ trẻ mới có được giấy chứng nhận đểø vô hộ khẩu.

Sau đó Ðại sư Tinh Vân bị vu khống nên bị bắt giam vào ngục, Ngô lão tiên sinh đã phải chạy vạy khắp nơi để lo cứu Ngài, khiến sư phụ trọn đời nhớ ân ông.

Suốt sáu mươi năm qua, những chuyện Ðại sư nhớ và kể ra luôn khiến người cảm động, bất kể là người hữu duyên vô duyên với Ngài, đều được Ðại sư tận tụy phụng hiến, rộng kết thiện duyên; nhất là vào thời điểm quan trọng này, là một nhà lãnh đạo tôn giáo, hiểu sâu sắc “sinh tử sự đại”, nên Ðại sư rất lưu tâm đến việc vãng sinh của tín đồ, khi tín đồ có cha mẹ tạ thế.

Chén đậu hủ nóng thiên thu

 “Nhiều năm trước, lúc tôi đến Hoa Liên hoằng pháp, Thấy vị quận trưởng là Tiên sinh Ngô Quốc Ðống, đến nghe giảng, lòng tôi cảm kích khôn cùng. Sau đó chứng kiến cảnh ông hành sự nơi huyện, xử lý chánh trực vô tư nên đối với ông tôi càng có ấn tượng rất sâu sắc. Vậy mà một hôm bỗng thấy báo đăng tin ông mưu đồ trục lợi giúp người và bị cách chức điều tra, lòng tôi đau đáu tội ông bị oan.

Sau đó được tin phụ thân ông tạ thế, tôi thầm dự tính: “không thỉnh ai đến tham gia”. Ðể khỏi trở ngại hành trình ấn định, đúng bốn giờ khuya, tôi lần mò trong đêm đen khởi hành từ Phật Quang Sơn, dùng trưa ở Hoa Liên xong thì lập tức đến trước linh cửu phụ thân ông thắp nén hương tỏ chút tâm thành, rồi sau đó thuyết pháp an ủi thân quyến ông. Chỉ thấy cả nhà ông từ lớn tới nhỏ người nào cũng tuôn lệ ròng ròng, tiễn tôi ra đến tận cổng, khi xe sắp lăn bánh, tiên sinh Hoàng Anh Cát, Hiệu trưởng trường Tứ Duy ở Cao Trung đến bên cửa xe, bảo tôi:

– Ðại sư! Ngài đúng là một người có tình có nghĩa!

 Trên đường, nhìn qua song, dõi mắt ngắm bầu trời xanh, mây trắng trôi lững lờ; núi xanh nước biếc, tôi nhớ tới lời Hoàng Hiệu trưởng vừa nói ban nãy, không khỏi tự vấn thầm: “có thật tôi là một người có tình có nghĩa chăng?” – có tình có nghĩa – há chẳng phải là tính mà, làm người ai cũng phải có hay sao?”

  Tháng 2 năm 1994, tôi nghe nói phụ thân của Tây Nguyên Hựu Hội trưởng “Hiệp Hội Phật Học Viện Ðông Kinh” qua đời, nên đặc biệt đến Gia Nghĩa thắp hương cho ông. Lúc Hội trưởng Tây Nguyên đem hài cốt phụ thân mình vào nhập tháp Phật Quang Sơn, ông thưa với tôi:

– Bây giờ con đưa thân phụ vô đây ở trước, hi vọng tương lai sau này cả nhà chúng con đều được đến ở cả nơi cõi Cực Lạc Phật Quang Sơn này!

Hội trưởng có cô con gái nuôi là Hồ Tú Khanh làm y sĩ, cô vốn là một người tài giỏi, nổi tiếng chữa bịnh rất mát tay, được mọi người quí trọng. Tính cô hiền thục, dung mạo trang nghiêm, đối với tam bảo rất có lòng thành, là người rất có nghĩa tình; mặc dù không phải là đệ tử tôi, nhưng do mến tài, mỗi năm hễ giảng thuyết tại “Nhà Kỷ niệm Quốc Phụ” tôi thường mời cô đảm nhiệm việc điều hành nghi lễ. Âm thanh của cô dịu dàng thanh bai, hướng dẫn lễ rất thù thắng, cô làm việc này ngót hai mươi mấy năm.

Năm nọ, mẹ ruột Hồ Tú Khanh ở Ðài Trung qua đời, cô vội về lo hậu sự. Tôi cũng biết tin sau đó, nên ngay trong đêm vội đến lo giúp tang ma, dự lễ tiễn biệt để bày tỏ chút lòng thành.

Còn Lão tiên sinh Trương Lai Phúc cũng là y sĩ, phụ thân của pháp sư Y Không, do vì con gái lên núi xuất gia cho nên thỉnh thoảng ông cũng lên núi ở.

Năm nọ ông lên núi đăng ký vào ở tại “Hội Quán Triều Sơn”. Tôi lo nhân viên phục vụ không chiêu đãi tận tình, nên hỏi Y Không:

– Phụ thân con lên đây ở có quen không? Ăn uống có được không?

Y Không thưa do cha mình lớn tuổi lại đau bao tử, ba mươi năm nay không thể ăn các món ngũ cốc, hay các thức tạp, chỉ có thể ăn đậu hủ nóng.

Buổi thọ thực sáng hôm sau, thị giả bưng lên mời tôi một chén đậu hủ nóng, tôi chợt nhớ đến Trương tiên sinh, vội phái người tìm Y Không, bảo cô mang chén đậu hủ ấy đến cho thân phụ dùng. Ai ngờ Trương tiên sinh dùng xong rồi, không ngớt lời cảm tạ tôi.

Mấy năm sau đó, Y Không thưa với tôi:

Phụ thân con trước khi qua đời, lúc nào cũng nhắc mãi, kể hoài chuyện sư phụ đã ban cho người chén đậu hủ nóng, hơn nữa cứ luôn khoe với thân hữu:

– Ðại sư Tinh Vân đối với hàng Phật tử chúng ta hậu đãi vô cùng, lo như thượng khách, có người cúng dường Ngài chén đậu hủ, Ngài còn từ bi nhịn cho tôi dùng đấy!

Nghe Y Không kể, tôi cảm thấy ngậm ngùi, chỉ có chén đậu hủ thôi đã khiến Trương tiên sinh canh cánh bên lòng và cảm tạ tôi cả đời. Còn tôi cho đệ tử cả một gia tài Phật giáo vinh hoa phú quí, trong lòng họ biết có ý thức ít nhiều chăng? Sự thật thì, không những tôi mong đồ chúng toàn núi đối xử hiếu kính với các bậc cha mẹ của những huynh đệ đồng môn của mình, mà còn mong hơn thế nữa, rằng họ sẽ xem những Phật tử này như chính cha mẹ, thân quyến của mình và lưu tâm chăm sóc họ chu đáo, hầu đáp tạ lại thâm ân những bậc sinh thành ấy đã cho con cái mình vào cửa Phật tu học, độ chúng, tôi cho rằng đây là đạo hiếu của “Phật Giáo Nhân Gian”.

Vách ngăn trong tâm đã “gạch rã hồ tan”

Nữ đồ đệ Tế Mạnh Hoa lo việc biên tạng phục vụ tại Phật Quang Sơn, gần đây có viết thư gởi cho tôi, thuật lại nhân duyên phát tâm học Phật của cư sĩ Tế Triều Phong, thân phụ cô.

Nguyên Tế Triều Phong có sáu người con gái, ông rất mực cưng yêu.

Bảy năm trước, cô con gái đầu của ông vừa tốt nghiệp Cao trung xong thì hăng hái phát tâm cầu đạo, mặc song thân phản đối, cô vẫn cương quyết theo tôi xuất gia, pháp danh Mãn Duy. Tiếp đó cô con gái thứ hai cũng nối gót chị, đi vào đường gánh vác sự nghiệp Như Lai, pháp danh Giác Khoan. Tôi nhớ lúc đó cha cô đã nổi lôi đình, không ngừng gây sóng gió. Ông viết đơn gởi chính quyền, kiện tôi trước công đường, kể lể công ông một tay vất vả nuôi con thơ trưởng thành và bắt đền tôi.

Sau đó thấy hai cô con gái quá cứng rắn, khăng khăng không đổi ý, nên Tế tiên sinh đành phải xuống nước, xử nhường; dù tỏ ra hoà hoãn nhưng trong lòng ông thầm ôm hận và một vách ngăn kiên cố chứa đầy tư tưởng bài xích Phật Quang Sơn đã được dựng lên trong lòng ông, muộn phiền này càng khó giải, khi Mạnh Hoa rời ông lên Phật Quang Sơn ở lo việc biên Tạng phục vụ, khiến ông càng buồn hiu hắt, chán nãn ngập lòng.

Ðến năm 1993, bà nội Mạnh Hoa từ trần, Tế tiên sinh bất chợt buông lời:

– Nếu như Ðại sư Tinh Vân có thể đến nhà mình một chuyến thì hay quá!

 Con gái ông nghe cha nói, mừng quá sức tưởng; cô không ngờ cha mình có ý nghĩ như thế.

Nhưng vào thời gian đó tôi thường xuyên ra nước ngoài hoằng pháp, hành tung bất định; còn Tế tiên sinh tính lại không ưa bàn đến việc phụng sự đạo pháp, nên con ông thầm lo là sẽ khó có được phúc duyên như ý.

Nhưng thật hay, tình cờ đúng lúc đó tôi lại trở về nước diễn giảng; nghe được tin này, tôi liền đổi chương trình, gác lại trăm việc bận bịu ở tiểu trấn Ðông Cảng để đến chủ trì “Lễ Tiễn Biệt” cho bà nội Mạnh Hoa.

Mạnh Hoa kể cô không bao giờ quên được giây phút tôi đặt chân tới ngưỡng cửa gia đìnhø cô, lúc đó cô thấy mắt phụ thân cô sáng lên, hai hàng lệ ứa ra; nhìn phụ thân quỳ xuống cúng dường tôi, tâm tư cô chấn động, sung sướng và cảm kích khôn cùng.

Lúc đó tôi bảo Tế tiên sinh:

– Chúng ta là người nhà cả, chẳng nên khách sáo như người ngoài; nếu không, tôi sẽ chẳng vui đâu!

Bốn năm nay, bức tường hiềm khích từng được dựng lên trong lòng Tế tiên sinh, giờ đã sụp đổ, đã “gạch rã hồ tan”, hơn thế nữa, thay vào đó là một tấm lòng thành đầy mến mộ.

Sau này, không những Tế tiên sinh dẫn ba mươi bảy người thân lên núi qui y, mà còn hăng hái đảm nhiệm chức “Hội trưởng Hội Phật Quang” ở Ðông Cảng vào năm 1995.

Mạnh Hoa hỏi ông:

– Sức mạnh nào đã khiến cha phát tâm tin Phật pháp, chịu qui y tam bảo vậy?

Ông đáp:

– Ðại sư tuy là một vị tăng xuất gia, nhưng rất có tình người, nghĩa tình ấy, cả dòng họ nhà chúng ta không sao báo đáp hết được!..”

Cuối thư, Mạnh Hoa viết:

“Ðại sư ! con xin cảm tạ Ngài! Nghĩa tình của Ngài đã cảm hóa cả thân quyến con, con xin chí thành đảnh lễ Ngài!”

Bốn mươi năm trước, lúc tôi còn là một tác giả chưa nổi danh, được Ni Sư Diệu Chuyên tiếp nhận, cho ngụ tại chùa Lôi Âm hoằng pháp, còn được Ni Sư Giác Nghĩa chùa Viên Minh dành cho một phòng xá yên tĩnh để tôi yên tâm viết lách, nhờ vậy mà tôi hoàn thành được tác phẩm “Thích Ca Mâu Ni Phật Truyện” và “Ngọc Lâm Quốc Sư”; có thể dùng văn tự hóa độ chúng sinh theo ý nguyện.

Sau này khi các vị ấy nối tiếp nhau qua đời, tôi lo trùng tu tự viện, tạc tượng, họa kim thân; cho mạch pháp được trường tồn.

Cư sĩ Trương Thanh Dương, phu nhân của Tướng quân Tôn Lập Nhân, đối với đạo pháp có nhiều cống hiến to tát, từ Ðông bắc đến miền Nam, từ Ðại Lục đến Ðài Loan, từ trùng tu tam bảo đến xả gia hoằng pháp, bao giờ bà cũng là người hăng hái góp công góp của, không những giúp trùng hưng chùa Thiện Ðạo, mà còn bán tư trang để giúp phí hoàn thành Ðại Tạng kinh. Từ việc thành lập thư cục xuất bản sách Phật, cho đến bôn ba khắp nơi giảng kinh độ chúng.. đối với sự phát triển của Phật giáo Ðài Loan hôm nay, sự cống hiến và giúp đỡ của Tôn phu nhân ai cũng nhìn thấy và không thể phủ nhận. Thế nhưng từ sau khi tướng quân Tôn Lập Nhân ẩn cư rồi, nhân tình bạc bẽo khiến người ta phải cảm thán. Ðến tuổi về già, càng chẳng có ai hỏi han đến bà. Tôi thấy bà một đời vì đạo, lại có công hộ pháp, nên thường đến thăm bà. Sau khi bà mất, dù biết là bà có con trai con gái, song tôi vẫn lo chi phí hỏa táng và đem hài cốt bà về nhập tháp, cho an dưỡng nơi Phật Quang Sơn.

 Cư sĩ Qua Bản Tiệp từng tham gia công tác dịch kinh Phật giáo, hơn nữa còn trợ giúp biên soạn bộ “Phật Quang Ðại Từ Ðiển”, lúc họ tuổi già, tôi cho rước hai vợ chồng về ngụ tại tịnh xá Phật Quang Sơn để cung dưỡng chăm sóc. Năm 1991, Qua Bản Tiệp lìa trần, lúc đó tôi mới bị gãy xương, vừa xuất viện không bao lâu, nên phải ngồi trên xe lăn đến trước linh cữu thắp hương cho ông. Phu nhân ông là nữ sĩ Chu Pháp An rất cảm động, cứ hành lễ cảm tạ mãi. Qua phu nhân thuộc dòng Hoàng tộc, chỉ quì trước Thiên tử, cha mẹ, đây là lần đầu tiên bà hành đại lễ như thế. Tôi nghe bà giải thích, xấu hổ quá không dám nhận. Bởi vì tôi chỉ là Thị giả Phật và thừa hành việc theo tôn chỉ của Ngài mà thôi.

 Những câu chuyện như thế rất nhiều, khó kể hết; nhan nhản trong ngôn đàm của Ðại sư và trong các tác phẩm của Ngài. Qua lời thuật của Ðại sư các câu chuyện ấy nghe nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay, nhưng đượm đầy nghĩa tình thâm thiết với nhân gian. Tôi thường nghĩ: “Ðâu phải chỉ có cảnh Tịnh độ của mười phương chư Phật mới làm người ta ngưỡng vọng, mà chính cách hành xử và mối giao hảo nghĩa tình của Ðại sư đã khiến người ta phải ngưỡng mộ vọng hướng đến!

Ngài có một người mẹ phi thường vĩ đại

Vì sao Ngài có được tình nghĩa và tiết tháo như thế? Khi tôi đọc đến những đoạn hoài niệm thương nhớ mẫu thân của Ngài, thì tôi hiểu ngay.

4 giờ khuya ngày 30 tháng 5 năm 1996 thân mẫu Ðại sư vãng sinh. Ngày mồng 3 tháng 6 Ðại sư đứng ra chủ trì lễ tang. Sau này Ngài viết: “Giữa lúc mọi người đang tụng kinh niệm Phật, tôi nhẹ nhàng bấm nút điện, một mồi lửa xanh, một trận gió, một luồng ánh sáng.. Thế là tôi vĩnh biệt mẫu thân mãi mãi.

Ngày xưa, khi mẫu thân hai mươi lăm tuổi, người đã tạo ra hình hài tôi. Bảy mươi năm sau, ngay bây giờ đây, chính tôi lại hỏa thiêu hình hài của người.

Mẹ tôi giống như con thuyền nhỏ mỏng manh, chở tôi chầm chậm lướt vào nhân gian; còn tôi giờ tựa như chiếc tàu con thoi chở đưa mẫu thân, chỉ trong nháy mắt thì thuyền đã đưa bà về một thế giới khác”.

Ðại sư hạnh phúc vì Ngài có một bà mẹ phi thường, vĩ đại. Mặc dù thân mẫu Ngài thuộc thế hệ xưa cũ; dù không biết chữ, nhưng bà đã có những phong cách và kiến thức phi phàm. Năm 1978, sau ba mươi năm xa cách, Ðại sư được gặp lại mẹ, khoảng thời gian hai mươi năm sau đó, Ngài cùng mẫu thân đi khắp Nhật bản, Ðài Loan, Hồng Kông, nước Mỹ.. và luôn tận hiếu với mẹ già. Vào thời buổi loạn lạc mà có được cảnh mẫu tử tương phùng như thế thì quả là hi hữu vô cùng!

Ðại sư là một cao tăng thoát tục, nhưng cực lực đề xướng hiếu đạo.

Nhớ lại lần đầu khi Ðại sư về Ðại Lục thăm cố hương và rước mẹ sang Ðài Loan phụng dưỡng, việc làm ấy đã khiến cho những người trong giáo giới bàn luận tưng bừng. Có người phê bình:

– Xuất gia là cắt ái từ thân, là tìm cầu giải thoát, sao có thể hành động giống hệt người thế tục, về quê thăm viếng, phụng dưỡng cha mẹ như vậy chứ?

Ðại hiếu trọn đời kính mẫu thân

Từ cội rễ, lập luận này đã không có giá trị! Cho dù lìa tục xuất gia là hướng đến lý tưởng cao siêu, nhưng không thể vì vậy mà xem mẹ cha như chướng ngại trên đường và nhìn thân quyến như oán thù. Ngày xưa, Phật cũng ca ngợi hiếu đạo. Sau khi Phật thành đạo rồi, Ngài đã trở về quê thăm viếng song thân, hóa độ thê tử. Việc “hồi hương thăm thân thuộc” chẳng phải là Phật đã từng làm hay sao? Thậm chí Ngài còn lên tận cõi trời Ðâu-suất để thuyết pháp cho thánh mẫu Ma-gia phu nhân nghe. Trong tang lễ vua Tịnh-phạn, Phật đã đích thân khiêng quan tài phụ thân, đây chẳng phải là hành vi hiếu kính đối với cha mẹ sao?

Thiền sư Ðạo Minh thời đường, vì phụng dưỡng mẹ già tuổi cao, ông đã phải đan giày cỏ bán để kiếm tiền nuôi mẹ, người sau tôn kính hạnh hiếu của ông nên gọi ông là “Trần Bồ Hài”

Vào thời Bắc Tề triều Nam Bắc, có thiền sư Ðạo Tế, người ta thường thấy cảnh Ngài quảy đôi thúng, một đầu gánh mẫu thân không đi đứng được, một đầu gánh kinh sách, đi khắp nơi giảng kinh thuyết pháp. Mọi người kính phục hạnh hiếu của Ngài, tình nguyện thay thế Ngài chăm sóc mẫu thân dùm để Ngài an tâm thuyết giảng. Ngài nói:

– Ðây là mẹ tôi, chẳng phải mẹ các ông! Nếu mẹ tôi muốn đi nhà xí hay cần ăn uống gì thì phải do chính tôi, con trai bà đích thân hầu mới tiện!

Thế nên, các bậc đại hành giả có nhân cách vĩ đại hơn người là ở chỗ họ chuyển được phàm tình thành thánh tình, thánh tình không phải là tuyệt tình, mà là tình sâu thâm, thánh tình không phải là vô tình vô nghĩa, mà là có tình có nghĩa. Thánh tình đúng như bài thơ mà Triệâu Phác Sơ, Hội trưởng hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đã tặng cho Ðại sư Tinh Vân:

Ðại hiếu chung thân mộ mẫu thân
Thâm bi lịch kiếp lợi quần sinh
Tây lai tổ ý vân hà thị?
Vô tận thiên nhai xích tử tâm.

(Ðại hiếu trọn đời kính mẫu thân
Tâm bi muôn kiếp lợi quần sinh
Ý tổ tây lai là sao nhỉ?
Lòng son vô tận giữa phàm trần).

Theo quan điểm của Phật giáo, được làm thân mẫu của những Bậc đại hành giả, tất nhiên các vị ấy đã gieo trồng thiện căn phúc đức rất nhiều.

Thân mẫu Ðại sư họ Lưu, tên Ngọc Anh, bà sinh ra trong một gia đình nghèo tại làng quê Giang Tô Dương Châu. tínhø quen sống cần kiệm, bình sinh không ham cầu vật chất; rất ưa làm phước bố thí. Bà chẳng cho không có của cải là nghèo và thường lấy việc thí xả làm giàu. Bà đi đứng uy nghi, hành động dũng cảm, nói năng lanh lẹ, từ tâm bao la.

Nhắc đến đức cần kiệm của mẫu thân, Ðại sư kể:

“Thuở ấu thơ, những tháng ngày gian khổ sống cạnh mẹ, tôi chưa bao giờ thấy bà tỏ vẻ sầu muộn lo lắng vì gia cảnh bần hàn thiếu thốn, bà thường dạy tôi:

– Người ta “bần” chứ không nên “cùng”! Nếu thấy châu ngọc tràn đầy mà lòng con không mê đắm thì con là người giàu có rồi!

Do quan niệm như thế nên cả đời mẹ tôi không ham của báu. Có vài lần, thấy tài vật trong nhà dồi dào hơn mọi khi, bà liền đem đổi ra thành tiền lẻ rồi tùy duyên bố thí, lấy xả thí làm giàu sang. Lý luận của bà là: “ Một xu bức tử kẻ hùng anh, nhưng một xu cũng cứu được anh hùng”

Nhu cầu ẩm thực mẹ tôi rất đạm bạc. Thuở nhỏ, do kinh tế trong nhà eo hẹp nên không có đủ tiền để mua thức ăn ngon. Nhưng mẹ tôi không cho ẩm thực là dinh dưỡng quan trọng, tính bà can đảm cương nghị lại rất ưa giúp đỡ người. Hễ thấy việc nghĩa là làm ngay, bà rất thích bốá thí hành thiện và cho đó là dinh dưỡng.

Hơn mười năm trước, tôi rước được mẹ sang Mỹ phụng dưỡng nên sung sướng lắm, hớn hở lo chuẩn bị các món chay thật ngon để dâng bà. Ai ngờ món nào mẹ tôi cũng không động đũa đến, chỉ toàn là uống sữa đậu nành và ăn món dưa dầm tương; nếu có thì thêm ly trà, vậy thôi. Ðối với bà những thứ này đã đủ để xem như là cao lương.

Mẹ tôi hay ca cẩm:

– Người bây giờ vật chất phong phú, chẳng biết quí tiếc thức ăn, cũng chẳng lưu tâm tích phúc..

Bà không chịu vậy và thường dạy con cái:

– Người ta phải hiểu về phúc và phải biết tích phúc. Tích phúc giống như tích trữ tiền của vậy, không nên hoang phí cẩu thả.

An phận, tri túc, thậm chí “lấy bần khổ làm khí tiết” đủ để diễn tả đời sống đẹp của mẫu thân.

Hành xử uy nghi

Bần khổ thì ai cũng gặp, nhưng bần khổ mà có khí tiết là rất hiếm thấy, mẫu thân Ðại sư Tinh Vân rất chú trọng đến oai nghi: có thể là do ảnh hưởng thân giáo từ bà ngoại Ðại sư.

“Mẹ tôi rất chú trọng đến oai nghi, “đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi”. Ðứng, chẳng lay động thân; ngồi, trang nghiêm tề chỉnh; hơn nữa cả đời bà chẳng hay dựa, cho dù ngồi trên giường cũng chẳng dựa vào gối, mền.

Những năm gần đây, tôi có cơ hội phụng dưỡng bà, có sắm cho bà một chiếc ghế dựa, hi vọng bà có thể ngả lưng thư thái, song mấy năm nay chẳng thấy bà xử dụng đến.

Bất cứ lúc nào gặp mẫu thân, tôi đều thấy bà y áo luôn chỉnh tề, về phần y phục, dù có rách hay chằm vá gì, bà đều không lấy làm điều, thế nhưng đặc biệt phải sạch sẽ.

Bất luận mẫu thân nói năng, hay đi trên đường, cử chỉ bà bao giờ cũng điềm đạm từ tốn, cho dù có đại sự gì phát sinh đều chẳng làm bà rối loạn. Nhiều đồ chúng từng kinh qua nền giáo dục tại Phật học viện, sau khi xuất gia thọ giới rồi, còn phải nể phục oai nghi mẫu mực của bà.

Vào thời kỳ cách mệnh đổi mới, do có tin đồn tôi đã cởi áo tu vào làm lính trong quân trại Ðài Loan, do vậy mà người thân ở quê nhà thảy đều bị xếp vào lý lịch đen nên lương bổng và khẩu phần bị chiết giảm tối đa. Hằng ngày mẹ tôi đi làm công độ nhật, nhưng ngày ba bữa cơm không đủ no nên bà phải hái trái, ăn thêm rau cỏ để sống qua ngày. Khó ai tưởng tượng được là bà có thể sống khỏe, an, trong cảnh ngộ như thế. Ngoài ra cứ cách ba hôm thì bà lại bị bắt đi tra vấn, nhưng mẹ tôi tuyệt chẳng tỏ ra sợ hãi, và khéo chuyển nguy thành an.

Dũng cảm cương nghị

Cách hành xử trang nghiêm của mẫu thân tôi không chỉ hiện bên ngoài, mà phát xuất từ bên trong, bắt nguồn từ tính dũng cảm gánh vác phi phàm của bà.

Ðại sư kể lại câu chuyện Ngài ấn tượng nhất:

“ Hồi tôi còn bé, có một ông hàng xóm được mẹ tôi tôn là nghĩa phụ, đi lấy nước bị vấp té chết. Gia đình họ Giải này nghèo không đủ sức lo ma chay, có người đề nghị mẹ tôi đi mua quan tài lo hậu sự dùm họ. Mẹ tôi vui vẻ nhận lời và tức tốc xuống thuyền đi mua những vật cần.

Ai ngờ con trai họ Giải là Giải Nhân Bảo, đã nhờ người khiêng thây chết đến trước nhà tôi, vu là nhà tôi đánh chết người. Người đông miệng tạp, chẳng mấy chốc chuyện được thổi phồng lên, làm náo động cả hiện trường, người ta bàn tán xôn xao.

Lúc đó vào tiết hè nóng nực, gia đình nào cũng thiếu nước, nên chuyện giành nước thường xảy ra. Người bị vướng dây thùng té chết, lại được kể là “do giành nước bị người đập chết”.. nhiều người cũng cho đó là hợp lý, tin theo.

Chính quyền Dương Châu phái nhân viên đến nghiệm thây, khi đó mẹ tôi đang trên đường về nhà và còn ở trong thuyền, nghe sự việc bất ngờ xoay qua diễn tiến như vậy, bà vội chở quan tài, áo liệm về nhà, chuẩn bị đối mặt với cửa quan. Do khởi đầu rắc rối này nên tử thi cứ để mãi đến hư hoại, chảy nước mà vẫn chưa ngả ngũ ra sao, chẳng nghe ai nói gì.

Tối hôm ấy, rất đông người tới nhà tôi, bắt phụ thân tôi đi. Lúc đó tôi còn bé lắm, bị tiếng động của đám đông làm kinh hoảng nên tôi sợ hãi chui trốn dưới gầm bàn, chẳng dám ló mặt ra. Phụ thân tôi bị dẫn đến Dương Châu, hai ngày sau, tòa Sơ thẩm hỏi cung xong thì cho về. Sau đó án được chuyển lên cho toà Thượng thẩm Tô Châu phán xét, cha mẹ tôi là bị cáo, nên cả hai đều phải đến Tô Châu hầu tòa. Còn nguyên cáo Giải Nhân Bảo thì không hiểu sao lại trốn biệt. Có thể vì Tô Châu là một thành phố lớn, mà nhà họ Giải khi vu hại cha mẹ tôi những tưởng là sẽ kiếm chác được chút lợi, ai dè chuyện lùm xùm dẫn đến rắc rối to, giờ còn phải lo kinh phí đến hầu tòa. về lý họ đành rành là không phải, nên họ càng không dám ra đối chất, chẳng dại dột mò tới công đường làm chi.

Thẩm phán hỏi mẹ tôi:

– Tại sao nguyên cáo không đến?

Mẹ tôi đáp:

– Tôi cũng không rõ.

Phán quan lại hỏi:

– Chính các ngươi đánh chết người có phải không?

Mẹ tôi trả lời:

– Không phải!

Nhờ phong thái mẹ tôi bình tĩnh thản nhiên, cốt cách phong độ không giống kẻ bất hảo, đối đáp lại thẳng thắn minh bạch, nên tòa tuyên bố vô tội ngay tức thì!

Nhiều năm sau, tôi xuất gia học ở Phật học viện, mẹ tôi chẳng những không nhớ đến oán xưa, còn viết thư bảo tôi nên tìm việc giúp cho Giải Nhân Bảo. Sư phụ Thượng nhân Chí Khai của tôi rất cảm kích tính bao dung quảng đại của bà, bèn cho mời Giải Nhân Bảo tới, sắp việc cho anh ta.

Dù mẹ tôi và tôi muôn trùng cách biệt, thế nhưng chính tấm lòng khoan dung trong sáng của bà đã dạy tôi cách sống, gây ảnh hưởng sâu sắc đến cả đời tôi. Theo năm tháng, tôi lớn khôn lên và thầm nhận ra rằng: “sống trong thế gian, không nên cưu mang lòng oán hận, không nên bất bình, phàm đối với mọi việc, nếu biết dùng tâm bình thường mà đối đãi, dùng tâm tôn trọng, bao dung mà tiếp giao, thì trong thế gian không có việc gì mà không giải quyết được”.

Còn có hai việc khó quên. Việc thứ nhất là: Mẫu thân cứu cậu.

Khi quân Nhật phát động cuộc chiến ở Lư Câu Kiều, lúc đó tôi còn bé, đeo dính bên cạnh me.ï Mùa đông năm ấy, chiến sự kéo dài tới Nam Kinh, mẹ tôi đứng trên đường lộ Dương Châu, nhìn cảnh quân Nhật thẳng tay đốt phá nhà cửa, lòng đau không xiết kể. Vào thời chiến tranh Trung Nhật, chính quyền Quốc Quân cho lùng sục trai tráng để sung vào quân ngũ, hầu như ngày nào cũng xảy ra mấy đợt bắt lính. Hồi đó cậu Lưu Quí Sinh vừa tới ở nhà tôi. Hôm đó lại có một đội quân đi bắt trai tráng, cậu vội vã chạy đi ẩn trốn nơi đồi cỏ sau nhà bếp. Thiệt xui xẻo, do lính quýnh nên cậu để một chân lộ ra ngoài, bị họ phát hiện, bắt đi.

Vài ngày sau, mẹ tôi tìm đến vị cảnh sát Trưởng, kể lể:

– Em tôi trên còn mẹ già, nếu như bắt cậu ấy đi, cả nhà toàn là cô nhi quả phụ, sống biết trông cậy vào ai? Ðến nước này thì chỉ còn cách dắt díu nhau đến nhà ông mà sống thôi…

Vị cảnh sát Trưởng ấy là người thấu tình đạt lý, liền cho thả cậu hai tôi ra, người ngoài thấy vậy, nghĩ là mẹ tôi biết cách, khéo lo lót cho quí Phu Nhân, nên đến quỳ trước bà, van nài xin cứu người thân họ dùm. sau đó bà cũng giúp, kết quả cũng xin thả được người nhà họ ra.

Việc thứ hai là mẹ tôi cứu một quân nhân lạ.

Vào thời kỳ nội chiến Quốc Cộng và kháng chiến chống Nhật, cứ sau mỗi trận chiến là xác người nằm phơi đầy.

Có lần, mẹ tôi đang đi trên đường thì bắt gặïp một anh lính nằm sóng xoài trên đất, thấy anh ta còn sống, mẹ tôi liền bảo:

– Chú không nên cử động, để tôi giúp chú.

Nói xong mẹ tôi tức tốc đưa anh lính về nhà, tận tụy cứu chữa.

Một thời gian sau, anh lính được thăng quan, tôi thấy cánh tay anh còn mang thương tích đã vội tìm tới nhà mẹ tôi tạ ân cứu mạng.

Ðại sư nói:

– Cuộc đời mẹ tôi trải qua biết bao cảnh chiến tranh, nếm nhiều nỗi sầu ly, vui hợïp; chứng kiến mấy trận quốc phá gia vong; nhưng anh chị em chúng tôi ít khi thấy bà rơi lệ, ngay cả khi phụ thân tôi bị mất tích trong trận đại đồ sát ở Nam Kinh. Mẹ tôi từng sống lây lất, chịu đói khổ trong thời kỳ cách mạng văn hóa, khi đất nước đổi thay, dù nếm nhiều mài luyện bầm dập, bà cũng hiếm khi rơi lệ.

Thông minh cơ trí

Ẩn sau dũng khí ấy, là tấm lòng từ bi thông tuệ, mỗi khi nhắc đến sự thông minh bén nhạy của mẫu thân, Ðại sư không nén được sự thán phục:

“Bình thường tôi thuyết pháp cho người nghe, nhưng khi ở cạnh mẫu thân, thì chỉ có việc lắng nghe bà thuyết pháp, bởi vì mẹ tôi xúc cảnh tùy duyên, thuận tiện buông lời, đạo lý bà giảng rất ý vị, sâu xa.

Chẳng hạn như, khi mẹ tôi đến “Ðại Phật Thành” lễ Phật, nhìn thấy thân tre uốn cong, ngọn rủ oằn xuống, (chẳng giống như tre ở Dương Châu thân to mập mọc cao ngất chọc thẳng lên trời), bà liền nói:

– Trước Phật tổ cái gì cũng phải cúi đầu!

Ðến “Nhà Trưng Bày Văn Hoá Phật giáo” khi chiêm ngưỡng Ðức Quan Âm nghìn tay, mẹ tôi liền chắp tay tán thán:

– Nghìn tay của Bồ-tát là để cứu giúp chúng sinh!

Có lần, tôi dìu mẹ tôi từ dưới núi lên đến chùa Tây Lai, tôi tiến đến trước cánh cổng sắt, mở khóa và bảo bà:

– Hôm nay chúng ta đổi hướng, đi cổng sau cho gần!

Mẫu thân tôi trả lời:

– Người bậc thượng chủ nhân ra đón tận cổng, người bậc trung thì chủ đợi để tiếp, còn người bậc hạ thì không thấy ai tiếp. Cửa trước, cửa sau thật ra không quan trọng, chỉ cần đến được chùa Tây Lai thì sẽ được người đón tiếp  .

Vào đến điện Phật, tôi nói:

– Ðể con châm hương cho mẹ lễ Phật!

Bà cụ đáp:

– Phật, Tổ đâu cần hương, đâu cần hoa chúng ta dâng cúng? Các Ngài chỉ cần tấm lòng thành của chúng ta thôi.

Có lần tôi đang giảng kinh Kim Cang, mẫu thân ngồi phía sau chăm chú nghe, đợi tôi xuống toà, bà phê bình tôi giảng cao xa quá và còn chất vấn tôi:

– Sao có thể bảo mọi người là: “ vô nhân tướng” kia chứ? “vô ngã tướng” thì tôi lý giải được, nhưng nếu như trong tâm “vô nhân tướng”.. người mà trong mắt không thấy có người khác thì còn tu hành gì nữa?

Tôi nghe mẫu thân nói, á khẩu tịt lời ngay tại chỗ, nhớ lại tất cả những gì bà cụ từng dạy thuở xưa. Quan niệm“Phải có nhân tướng” ( yếu hữu nhân tướng) của bà đến giờ vẫn không thay đổi, chẳng phải bà đã cho ra lời chú giải “dĩ nhân vi bổn” tuyệt vời nhất, đúng như tính cách “Phật Giáo Nhân Gian” và tôn chỉ của Phật hay sao?

Mấy năm trước, tôi rước mẫu thân sang Ðài Loan tịnh dưỡng, có một ký giả đã phỏng vấn bà:

– Ðài Loan và Ðại Lục bên nào tuyệt hơn?

Nghe họ hỏi thế, tôi đứng bên cạnh sợ bà khó trả lời, nhưng mẫu thân đáp tỉnh rụi:

– Người dân Ðài Loan sống rất tốt, kinh tế sung túc vững vàng, song tuổi tôi đã cao, nên ở Ðại Lục cũng thành quen.

Mẫu thân tôi đối đáp lanh lợi, cơ trí thông minh, mặt nào cũng đạt, bao giờ bà cũng muốn người ta được vui, do đó bất kể là đi đến đâu, mọi người đều yêu quí bà.

Bà cũng biết nhìn căn cơ của người để cho lời khuyên thích đáng, bất kỳ gặp ai, bà đều khéo nghĩ ra chuyện để nói với họ. Có lần một nhóm cư sĩ tại gia đến thăm bà, bà kể:

“Có một cậu con trai ra ngoài buôn bán, viết một lá thư gởi về cho vợ. Trong thư dặn dò thế này:

“Thu Hải Ðường thân thể bảo trọng
Kim hòa ngân tùy ý hóa dụng
Kỳ Lân nhi tiểu tâm dưỡng dục
Lão thái bà bất yếu quản tha”.

(Em Hải Ðường ơi, nhớ bảo trọng
Tiền bạc anh cho tuỳ ý xài
Chăm sóc bé Kỳ Lân cẩn thận
Còn mẹ già, chẳng cần lưu tâm!)

Ai dè lá thư ấy chẳng đến tay cô Vợ Hải Ðường, mà lại rơi nhè ngay vào tay bà mẹ chồng. Thế là bà cụ liền thảo một phong thư gởi cho cậu quý tử:

“Thu Hải Ðường bịnh tại sàng thượng
Kim hòa ngân dĩ kinh hóa quang
Kỳ Lân nhi khoái kiến Diêm vương
Lão nhân gia việt lão việt tráng”.

(Thu Hải Ðường bịnh nằm trên giường
Tiền vàng gì đã xài sạch trơn
Cháu Kỳ Lân sắp chầu Diêm vương
Riêng mẹ đây càng già càng khoẻ)

Gặp các tu sĩ đến thăm mình, bà cụ nói:

Các vị đi tu đều là có căn cơ cả, xuất gia rồi cho dù có gặp chút oan khuất vẫn là xứng đáng. Bởi vì chịu mài luyện dù ít hay nhiều gì, cũng đều giúp tăng trưởng thiện căn. Một người xuất gia học Phật, thảy đều có căn lành, quí vị phải biết trân trọng, khéo tu hành nhé.

Nếu như có cô ni hỏi bà:

– Xuất gia hay ở chỗ nào?

Thì bà giống như trang sách, cho ngay lời đáp:

“Một, tu chẳng làm ông bà buồn
Hai, tu chẳng bị lang quân buộc
Ba, tu không khổ vì bếp núc
Bốn, tu chẳng phiền gì gia duyên
Năm, tu thoát cảnh khổ sinh con
Sáu, tu chẳng bị khuê phòng lạnh
Bảy, tu không lo củi gạo đắt
Tám, tu khỏi cãi chị em dâu
Chín, tu chuyển thành trượng phu tướng
Mười, tu thiện quả trổ vuông tròn”.

Từ bi

Cụ Bà không những thông minh lanh lợi, mà còn có lòng từ bi bao la. Bà sốt sắng giúp người giải quyết những rối rắm, rất thích bố thí để gieo duyên, tính ưa phụng hiến.

Ðại sư kể:

“Lúc tôi còn nhỏ, trong nhà nghèo rớt mồng tơi, gạo ăn chẳng đủ cho ba ngày, thế nhưng mẹ tôi chẳng có chút lo lắng, vẫn cứ thế, đi đâu cũng dàn xếp giúp kẻ khó. Chỉ cần nghe tin người nào đó bị khổ nạn, hoặc có ai đến gỏ cửa cầu cứu, bảo đảm là bà sẽ đứng ra giải khổ cho ngay.

Có lần, nàng dâu nhà láng giềng bị mẹ chồng bắt nạt, đang khóc thút thít đòi về nhà cha mẹ ruột, mẫu thân tôi liền bảo với nàng:

– Mẹ chồng cháu hồi nãy có qua đây, toàn là ca ngợi cháu, nói cháu vừa thông minh lại hiếu thảo, tính biết cần kiệm siêng năng lại giỏi quán xuyến việc nhà, sao giờ cháu lại ôm lòng phiền giận bà cụ?

Nàng dâu nghe thế đứng ngây người ra, từ đó mẹ chồng và nàng dâu sống với nhau vui hòa, chẳng còn phát sinh xung đột nữa.

Tại cố hương Dương Châu, dù đã hơn bảy mươi, song ngày nào mẹ tôi cũng ra sông gánh nước về, đun sôi xong, bà rót ra bát (hồi đó chưa có ly) rồi đặt trên bàn để cho các thầy trò trường tiểu học gần đó hễ khát nước thì có mà dùng. Mọi người yêu mến bà hết mực, sau này để tỏ lòng tôn kính, họ gọi bà là “Cụ Bà”.

Mười năm cách mạng văn hóa cũng trôi qua, thời đại ăn cơm tập đoàn cũng lùi vào xa xưa, cá nhân đã có quyền kinh tài tạo sản nghiệp riêng. Mỗi lần hàng xóm nhờ mẹ tôi mua thức ăn dùm, có lúc tiền gởi không đủ, mẹ tôi nhín bớt khoản chi dùng của mình để bù vào, ai cũng cho là mẹ tôi mua đồ được giá rẻ mà lại ngon, xúm nhau nhờ bà mua hộ. Mẹ tôi cũng sốt sắng nhận, chẳng hề tiết lộ sự thật. Do bản tính đôn hậu, bà chẳng bao giờ so đo chi li và cứ rộng kết thiện duyên với mọi người.

Trong lòng láng giềng chung quanh, Mẫu thân không những là một Cụ Bà hiền lành nhân hậu, cư xử hòa hiếu; mà cả trong lòng đám con cháu bà được tôn kính như một vị Bồ-tát có đức “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi(*)

Có lần, vào một buổi tối, hai cháu Lý Tuấn và Lý Chánh ngoắt thằng bé bán đậu phọng ngoài đường vào để mua ăn, mẫu thân tôi thấy thế tắc lưỡi:

– Trời giá rét như thế này mà thằng bé còn lang thang ngoài đường buôn bán, hẳn là túng bấn lắm đây!

Nói xong, bà sai cháu mang ít tiền biếu cho thằng bé.

Còn có một năm cận tết, bà đi sắm giày mới cho cháu Lý Xuân, nhưng trên đường về nhìn thấy một người nghèo khổ đi chân trần giữa tiết đông rét buốt lạnh căm căm, không nén được xót thương, bà lập tức biếu ngay đôi giày mới. Khi Lý Xuân về nhà lục tìm giày mới không thấy, thấy nó sốt ruột, mẹ tôi ngồi cạnh bên nhẹ nhàng nói:

-Tìm được, thì là điềm lành! Tìm không thấy, là.. Phật quang chiếu khắp rồi!

Lý Xuân nghe câu nói đầy mùi Thiền ấy thì đã hiểu, biết bà nội mình tính ưa làm phúc, nhất định đã cầm lòng không đặïng và đem đôi giày mới bố thí cho ai đó rồi, nó lẳng lặng mang lại hài cũ, vui đón năm mới.

Năm 1990, bà bị té gãy xương chân, phải phẫu thuật đến hai lần, song thần trí bà vẫn minh mẫn, đủ sức dự “Ðại Hội Tín Ðồ Phật Quang Sơn”. Ðến lúc thượng đài, bà đã hướng về hai vạn tín đồ ngỏ lời:

– Phật Quang Sơn là Thế Giới Cực Lạc, là Thiên Ðường ở nhân gian. Trong lòng mỗi người đều có tháp Linh Sơn, hãy hướng về tháp ấy tu hành. Tôi mong con trai tôi hướng dẫn mọi người thật tốt, giúp tất cả được thành Phật. Bồ-tát Quan Âm xưa kia đắc đạo tại Hương Sơn, giờ tôi hi vọng mọi người cũng sẽ thành đạo tại Phật Quang Sơn. Mọi người đối với tôi tốt như thế, tôi chẳng có gì để đền đáp lại, tôi chỉ có một đứa con trai, xin được tặng nó cho mọi người!”.

 Những năm cuối đời, bà cụ thường nhắc nhở Ðại sư:

– Ðức Phật, Trang Chu, Khổng Tử… đều nhờ có mẫu thân dưỡng nuôi. Con thâu đồ đệ, đối với họ phải giống như mẹ hiền vậy, phải dốc lòng độ sinh, giáo hóa họ thành Phật!

Kính chúng sinh như cha mẹ và yêu như con đỏ

Từng lời bảo ban tinh tế của mẹ, Ðại sư khắc ghi không sót mảy may. Ngài xuất gia từ tuổi ấu niên nên thời gian mẹ con gần nhau rất ít, song Ngài vẫn chịu ảnh hưởng của mẫu thân rất sâu. Bởi nhờ có một người mẹ vĩ đại như thế, cộâng thêm kinh nghiệm và niềm tin đối với “Phật Giáo Nhân Gian”, đã giúp Ngài sở hữu những mỹ đức tốt đẹp: “lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu” (có lòng kính trọng người già của mình, nhờ vậy biết kính ngưỡng người già của kẻ khác. Có lòng thương con em của mình, nhờ vậy biết thương con em của người.) Ngài đã thể hiện lòng “kính chúng sinh như cha mẹ và yêu họ như con đỏ” thật hoàn hảo.

Thời kỳ đầu, Phật Quang Sơn vừa được thành lập xong thì có một số người hay đem trẻ vô thừa nhận vất bỏ gần đấy, Ðại sư động lòng xót thương, cho xây “Viện Dục Aáu” và đem những đứa trẻ bị bỏ rơi này về nuôi.

Một hôm, Giám viện than thở với Ðại sư:

– Hôm qua con đi làm khai sinh cho đám trẻ côi cút này, bị chính quyền không chấp nhận, họ bảo phải có người đứng tên nhận là thân sinh chúng, họ mới cho làm khai sinh. Chỉ e nếu chúng ta nhận mình là thân sinh chúng, lỡ ngày sau xảy ra tranh chấp lôi thôi về quyền thừa kế gia tài thì biết làm thế nào?

Trước những khó khăn được đề ra như thế, Ðại sư bảo:

– Vậy thì hãy qui hết cho tôi đi, cứ để chúng mang họ Lý của tôi là xong!

Giám viện còn trì nghi lưỡng lự:

– Bạch sư phụ!  Như thế… không ổn đâu! Sợ là tương lai…

– Không cần bàn thêm nữa, trẻ trong thiên hạ đều là con của tôi, nếu như tương lai có xảy ra chuyện gì thì tôi chịu trách nhiệm hết!

Thầy giám viện tịt lời, đành cầm giấy tờ Ðại sư đi đến cơ quan hộ tịch làm khai sinh cho lũ trẻ, kể từ đó tất cả bọn chúng đều được mang họ “Lý” của Ðại sư.

Ðúng là Ðại sư đã xem những đứa bé này như con ruột mình, Ngài lo cho chúng hệt như những bậc sinh thành thực thụ, cho chúng ăn học đàng hoàng. Khi chúng lớn Ngài cho chúng theo học tại “Trung Học Phổ Môn” và nai lưng lo hết các khoản học phí, từ mua sắm tập vở sách báo đến các đồ dùng cần thiết theo nhu cầu của chúng. Tết đến, Ngài lại lo sắm sửa giày mới, quần áo mới cho chúng.

Có lần du khách bên ngoài đến tham quan, gặp những đứa trẻ này, họ buột miệng:

– Thiệt tội nghiệp quá! Nhỏ vậy mà đã không có cha mẹ rồi!

Sau đó Ðại sư biết được, truyền lịnh cấm không cho các nhân sĩ bên ngoài tự tiện đến chỗ bọn trẻ tham quan, nhằm tránh cho chúng sự tổn thương vì những lời phát biểu bừa bãi.

Ðại sư nói:

– Ai bảo lũ trẻ không có cha mẹ chứ? Nếu lòng ta thực sự yêu thương tất cả chúng sinh, thì đối với con của người ta cũng có thể cư xử như đối với con của mình thôi! Vậy thì có đứa trẻ nào mà không là con cái ruột thịt của chúng ta?

Cùng sáng tạo cõi Phật pháp Ðào Hoa Nguyên

Chúng sinh luân hồi lưu chuyển, xoay vần làm cha mẹ con cái, thành là một thế giới hữu tình. Có đọc đến hồi ký của Ðại sư viết về từ mẫu, mới hiểu được Ngài đã nhớ thương mẫu thân và mở rộng từ tâm yêu tất cả chúng sinh như thế nào.

Ba năm sau khi từ mẫu tạ thế, Ngài đã cho ra áng văn chương: “Mãn Thọ Ðào Hoa Nhất Quả Căn” nhằm nhắc lại lời cụ Bà, thể hiện ý chỉ: “con cái dù ở tản mác khắp nơi, song tất cả đều có chung một gia đình”. Còn ẩn ý sâu hơn thì: “hi vọng con trẻ thành nhân biết uống nước nhớ nguồn, biết lưu tâm đến nguồn cội. Vì gốc rễ được vững chắc thì lá cành mới xum xuê, hoa trái mới có thể trổ đầy”.

Ðại sư là người xuất gia, không những Ngài đã đem hoa đào trồng khắp mười phương mà còn dốc hết tâm huyết cùng đệ tử khắp năm châu bốn biển chung sức sáng lập cõi “Phật pháp Ðào Hoa Nguyên”; để thiên thu, vạn thế, khắp nhân gian: ngàn cây, vạn cây đều nở rực sắc hoa đào. Ngài lấy Phật pháp làm gốc, từ bi trí tuệ là hạt giống, giúp chúng sinh “căn rễ tương liên”, tương quan tốt đẹp.

Chỉ có “thiệu long Phật chủng”, (tiếp nối hạt giống Phật) không tiếc thân mệnh, người trước ngã người sau kế thừa; cây chánh pháp không ngừng trổ hoa kết trái thì chân lý quang minh mới có thể lưu truyền mãi mãi và âm hưởng của ánh đạo vàng mới có thể tỏa rạng khắp mọi nơi.

***

(*) Lòng từ chỉ có ở chư Phật, Bồ-tát, lòng từ bi tuyệt đối không còn phân biệt, yêu thương mọi người bình đẳng đồng như nhau, dồng cảm nỗi khổ và thương xót chúng sinh,luôn muốn cứu khổ ban vui cho họ.