KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 12: NÓI VỀ TÙY THỜI

Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Thế nào gọi là thuận theo hoàn cảnh tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như dứt trừ các thứ bệnh tật, tâm không tham vướng, con đường hành hóa trong lành như đóa hoa sen, đó là phước báo của Bố thí. Dốc tu, tuan giữ giới luật, như thời tiết mùa Xuân, mùa Hạ dứt lạnh, trăm thứ cây cỏ sinh sôi, đó là phước báo của Trì giới. Thân tướng ấy hết mực tươi đẹp, thù thắng, lồng lộng, rạng ngời như muôn ngàn tinh tú chiếu sáng, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Tùy thuận một cách bình đẳng, tránh khỏi mọi nẻo sai trái thất tán, đó là phước báo của Tinh tấn. Dốc sức ngăn chận tất cả các nẻo ác để nhằm chỉ rõ thế giới hòa hợp an lạc, đó là phước báo của Nhất tâm. Ví như chúng sinh đang bị kẹt nơi nẻo đường ác, Bồ-tát đem vô số ánh sáng soi tỏ khiến họ đạt được giải thoát, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là biết rõ về hoàn cảnh mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đang trong giấc ngủ say, trời chuyển dần về sáng, hốt nhiên thức tỉnh và nhớ nghĩ đến chánh pháp, đó là phước báo của Bố thí. Như trường hợp bản thân có thể lìa bỏ gia đình cùng sản nghiệp để xuất gia làm vị Sa-môn, đó là phước báo của Trì giới. Hoặc như trường hợp Bồ-tát lúc mới xuất gia đã nói với kẻ hầu là Xa-nặc là nên trở về hoàng cung tâu bày cùng an ủi phu vương, vương phi, đến lúc thành Phật sẽ trở về nước cũ thăm và sẽ độ thoát tất cả, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Như bản thân tu hành, quyết làm người xuất gia, thọ nhận và mặc lấy ca-sa, đó là phước báo của Tinh tấn. Hoặc như ham chuộng con đường giải thoát, dốc cầu đạo Bồ-đề vô thượng, đó là phước báo của Nhất tâm. Thể nhập nơi cảnh giới tịch nhiên, phân biệt nhận rõ mọi âm thanh tụng kệ, trở lại nơi chốn gia đình, tùy trường hợp mà độ thoát, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhận rõ về cuộc đời tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như do lòng thương đối với chúng sinh nên đi đến kinh thành La-duyệt-kỳ (Vương xá) khất thực, tạo phước điền cho mọi người, đó là phước báo của Bố thí. Hoặc lên nơi cõi trời vì chư Thiên, người, mà nêu giảng rộng về đạo pháp để giáo hóa, đó là phước báo của Trì giới. Đi vào kinh thành La-duyệt-kỳ thực hiện công việc du hóa xong, trở lại nơi cõi trời cao nhất đem các pháp tịch tĩnh mà hóa độ hết thảy, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Thẳng người mà đứng vững, không hề dựa cậy, nhằm thực hiện thành tựu các pháp Tammuội chánh định, đó là phước báo của Tinh tấn. Như thực hành thiền định tư duy là nhằm cởi mở mọi niệm trong ba cõi, tất cả không ngoài Chân đế, đó là phước báo của Nhất tâm. Suy nghĩ xem xét về mười hai nẻo duyên khởi để nhận ra mọi cội nguồn của các pháp đều do nhân duyên hợp thành, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là thuận theo thế gian mà tu các pháp Độ vo cực gồm có sáu sự việc?

Đi đến các nơi chốn để khất thực, mỗi mỗi chốn ấy đều đạt được lợi lạc vì người nhận luôn được an ổn, đó là phước báo của Bố thí. Thuận theo ý nguyện thế gian, nhất là trong hoàn cảnh mất mùa đói kém, cần cứu giúp những nơi thiếu hụt, cũng như con vua La-ma đã dốc tâm cứu giúp nhiều nơi chốn mà ông đến thăm, đó là phước báo của Trì giới. Ngăn chống các nẻo phi pháp, rõ mọi bước khó khăn không chút nghi ngờ, để thọ nhận đạo nghiệp, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Cũng như trong sáu năm Bồ-tát tu khổ hạnh, vượt qua tất cả mọi chướng ngại, không có một cái gì ngăn che được, đó là phước báo của Tinh tấn. Kiên trì trong việc thực hành thiền định để đạt được nhận thức đúng đắn về các pháp, mọi hiện tượng thảy là không, như bọt nước tụ, nổi trong chốc lát, đó là phước báo của Nhất tâm. Không vi phạm các pháp, ăn uống luôn an nhiên, mọi người nghe tên thảy đều quy kính, như Phật an tọa bên gốc cây Bồ-đề hàng phục chúng ma, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhận ra tính chất giới mốc, biên vực mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như hàng phục chúng ma cùng đám thuộc hạ, nhân đấy chuyển pháp luân độ thoát hết thảy chúng sinh, đó là phước báo của Bố thí. Khuyến hóa tất cả các loài chúng sinh trong Tam thiên thế giới khiến họ thảy đều được an lạc hoàn toàn, dứt hết mọi khổ nạn, đó là phước báo của Trì giới. Dẫn dạy mọi chúng sinh, nhất là hạng còn vướng trong vòng đối địch tranh đoạt, khiến họ đạt được hòa hợp, tạo lap nẻo hành hóa của bậc Thánh hiền, dứt hết mọi sai phạm, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Như khắp trong tam thiên thế giới đều dấy khởi loạn động, dốc sức đem lại sự hòa đồng trong tinh thần đạo vị, đó là phước báo cua Tinh tấn. Thực hiện thành tựu các pháp Tứ thiền, định ý chánh thọ, phụng hành đúng nẻo mười điều thiện, dứt mọi phóng dật, đó là phước báo của Nhất tâm. Đoạn trừ vô minh, các cõi tăm tối đều dứt sạch không còn sót một nẻo nào, đạt đến thế giới sáng tỏa, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm dứt trừ hết thảy mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như từ thời trước, đi đến quốc độ Ca-duy-la-vệ, dừng lại đấy để du hóa khắp các chốn trong vòng bảy năm, mọi nẻo khốn cùng, tội lỗi thảy diệt, mọi mối hoạn nạn đều trừ, đó là phước báo của Bố thí. Đoạn trừ mọi thứ cấu uế, du hóa khắp ba cõi mà không hề tham đắm, đó là phước báo của Trì giới. Như sử dụng các phương tiện tiêu diệt ba thứ độc, tâm dứt mọi vọng động, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Quan sát về các nẻo sinh tử tội phước nơi chúng sinh để cùng dấy tâm Từ bi cứu độ, đó là phước báo của Tinh tấn. Như từ nẻo lo âu chán nản mà nhận ra các pháp thiền định tư duy, đạt đến tám phẩm loại luôn gắn bó không hề quên mất, đó là phước báo của Nhất tâm. Hoàn toàn dứt bỏ mọi nẻo hư vọng, đoạn trừ tham dục, tiêu diệt vô minh, đem lại sự hưng thịnh cho ánh sáng của đạo pháp, loại bỏ hết các pháp hư dối, tu phụng hành Trí tuệ ba-la-mật, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm đạt được sự rắn chắc như kim cương mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trường hợp đạt được pháp Tam-muội kim cương, tâm không dao động, đó là phước báo của Bo thí. Như dùng các phương tiện để dứt trừ vô minh, nhằm phụng hành đức tối thượng, đó là phước báo của Trì giới. Dốc sức với đạo nghĩa, dứt bỏ mọi thọ nhận cũng như xa lìa bao thứ cấu uế, đó là phước báo của Nhẫn nhuc. Cùng cứu giúp hết thảy chúng sinh trong ba cõi, thuận theo tập tục mà khai hóa độ thoát tất cả, đó là phước báo của Tinh tấn. Mọi công đức đối với bản thân mình nên lần lượt dừng lại, tùy thuận để dấy khởi phát huy tận cùng cội nguồn lớn lao, đó là phước báo của Nhất tâm. Rõ về tâm tánh của hết thảy chúng sinh, từ đấy đạt đến quả vị Chánh giác tối thượng, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ hành động cứu giúp mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Do thành Bậc Chánh Giác, thuyết giảng cho chư Thiên, dốc tâm trừ bỏ mọi nẻo ác, dùng thiền định để thể hiện cảnh giới tịch tĩnh, suy nghĩ về các pháp thế gian để nhằm cứu độ tất cả các loài, đó là phước báo của Bố thí. Tiêu diệt nẻo ác địa ngục cùng bao nỗi lo lắng của tội lỗi khổ não, đó là phước báo của Trì giới. Thông tỏ về các căn, đức hạnh được thành tựu, những gì chưa được đầy đủ đều khiến trở nên hoàn bị, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Diệt trừ hết thảy mọi thứ chướng ngại của phiền não nơi chúng sinh, vĩnh viễn không còn nẻo cấu nhiễm, đó là phước báo của Tinh tấn. Mọi thứ kỹ nhạc khắp nơi tự nhiên cùng hòa tấu, làm vui lòng tất cả mọi người khiến họ thảy đều phát tâm Bồ-đề, đó là phước báo của Nhất tâm. Bao nhiêu của cải quý giá chứa khắp trong tam thiên the giới, luôn đem bố thí cho vô số ức trăm ngàn trời, người, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là an nhiên tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như cây cối trong khắp tam thiên thế giới luôn sinh ra hoa quả, bốn mùa thường xanh tốt um tùm, dùng mọi tài vật để cứu giúp các trường hợp khốn khổ thiếu kém, đó là phước báo của Bố thí. Dứt trừ hết thảy mọi phiền não cùng bao nỗi thống khổ không thể tính kể hết, khiến đạt được sự an lạc hòa hợp lâu dài, đó là phước báo của Trì giới. Hết thảy chúng sinh, các căn đều đầy đủ, từ đấy đạt được cứu cánh an nhiên tự tại, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Đối với mọi sở hữu đều an nhiên tự tại, xem tam thiên thế giới đều bằng phẳng như lòng bàn tay mặt, đó là phước báo của Tinh tấn. Về mọi màu sắc, hình tượng, thảy đều hàm chứa tính chất cấu uế, đấy là sự thật không hề hư vọng, khiến cho chư Thiên luôn đội ân, đó là phước báo của Nhất tâm. Hàng phục bốn thứ ma, trí tuệ không gì có thể sánh kịp, thành Bậc Chánh Giác tối thượng, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là hàng phục được sức mạnh của ma, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Hành hóa Đại Bồ-tát là nhằm trị liệu tất cả các bệnh của ba độc nơi chúng sinh trong khắp tam thiên thế giới, từ đấy thành Bậc Tối Chánh Giác, đó là phước báo của Bố thí. Tiêu trừ các thứ phiền não, diệt hết thảy ma nơi các nẻo tranh tụng hý luận, đó là phước báo của Trì giới. Hóa độ từ các bậc Thiên tử, cho đến các loài quỷ ác hại người, cùng mọi thứ tai nạn gây nên bao đổ vỡ, tất cả thảy đều khiến được an lạc hoàn toàn, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Như các thứ tử ma cùng đám thuộc hạ tự nhiên được hàng phục, quy mạng tôn phụng Thánh giáo của Phật, đó là phước báo của Tinh tấn. Dứt mọi vọng động của năm ấm nên bản thân của thứ ma này cũng tự cởi bỏ mọi nẻo trói buộc, đó là phước báo của Nhất tâm. Theo đúng sở nguyện đạt đến Bậc Tối Chánh Giác chứng được Nhất thiết trí, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là không thoái chuyển, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như Phật an tọa nơi gốc cây Bồ-đề, dốc tâm tinh chuyên tư duy mà không hề ngừng chán, đó là phước báo của Bố thí. Như trong trường hợp bị ma quấy nhiễu mà không chút sợ hãi, tự đạt đến Bậc Chánh Giác để hóa độ khắp tất cả các loài, đó là phước báo của Trì giới. Hoặc nơi thân không hoảng loạn, gốc ngọn đều an nhiên, tâm định nên được hoàn toàn an lạc, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Như tâm hoan hỷ, tịch tĩnh, an định, dứt sạch mọi quấy nhiễu của các thứ ma, đó là phước báo của Tinh tấn. Dùng các thứ ân ích để cứu giúp mọi nẻo hành động đều bình đẳng chân chánh, đó là phước báo của Nhất tâm. Ngôn ngữ hành động luôn tương xứng, thân, khẩu, ý đều an định đạt đến Phật đạo, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trong một thời tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Chỉ trong khoảnh khắc của một thời tu trí tuệ thành tựu được đạo Bồ-đề vô thượng, là Bậc Chánh Giác tối thượng, nẻo phụng hành của tâm là dẫn dắt, chế ngự, tùy thời, đó là phước báo của Bố thí. Theo hàng bạn lành nhằm dứt trừ phiền não cấu nhiễm, tôn phụng thanh tịnh, đó là phước báo của Trì giới. Nương theo ý niệm của Thế Tôn dứt trừ vĩnh viễn ba thứ độc, đồng thời phát huy làm hưng thịnh ba ngôi báu, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Nẻo hóa độ theo con đường chánh thọ, tận diệt mọi thứ cấu uế, khiến cho ba thư độc đều được dứt sạch, đó là phước báo của Tinh tấn. Nhận rõ, thấu đạt về mười hai pháp duyên khởi nhằm đoạn trừ mọi níu kéo của nghiệp lực, đó là phước báo của Nhất tâm. Do đạt được những hiểu biết không hề bị quên lãng hay thất tán, từ đấy nhận thức được tất cả các pháp nơi ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là dứt mọi tham đắm, vướng mắc mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như dùng mắt trần để xem xét hết thảy chúng sinh trong cảnh

khổ não hoạn nạn, từ đấy khiến cho họ được đứng vững trong cõi an lạc lớn lao, đó là phước báo của Bố thí. Hoặc dùng Thiên nhãn để nhận thấy mọi nẻo hợp tan của sinh tử, thiện ác, từ đấy, dốc tâm giáo hóa cứu đời, đó là phước báo của Trì giới. Khuyến hóa mọi người lãnh hội âm thanh trong khắp nơi chốn đều dứt hết mọi đắm trước, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Như dùng các thứ thần túc biến hóa mọi nơi chốn hành động, đi tới qua lại khắp các nẻo để tế độ mọi nguy ách trong ba cõi, đó là phước báo của Tinh tấn. Đối với mọi niệm, tâm quán tưởng về các hành động thanh tịnh như thế cũng như các pháp được tuyên giảng, giống như tiếng nói của bậc Phạm thiên, đó là phước báo của Nhất tâm. Như đem mọi hiểu biết về hoàn cảnh thệ nguyện nương theo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ, giảng thuyết kinh pháp lưu thông khắp mười phương, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ các pháp Tam-muội tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như tọa thiền, tư duy dứt mọi ý tưởng về ăn mặc, cũng như Phật ngồi nơi gốc cây Bồ-đề để thực hiện đạo tràng thanh tịnh, đó là phước báo của Bố thí. Dốc tin các pháp giác ý, thuận hợp diệu lý mà vẫn không để mất tinh tấn, đó là phước báo của Trì giới. Vui thích đối với các pháp giác ý, an lạc nơi nẻo đạo nghĩa, tâm không vướng các pháp thế tục, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Nhận rõ kinh điển trong mười hai bộ cùng nẻo hành hóa của Bậc Chanh Giác là nhằm hóa độ hết thảy các loài, đó là phước báo của Tinh tấn. Như trừ bỏ các chốn náo loạn, rối ren, dứt mọi nẻo tâm tà, thực hiện pháp Tammuội định mà tu tập các pháp chánh thọ, đó là phước báo của Nhất tâm. Hoặc như giữ gìn các pháp giác ý cùng giúp dẫn chúng sinh đi đến cảnh giới an lạc lớn lao, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nghe theo lời dạy dỗ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đạt được Phật đạo quan sát ngọn nguồn các pháp để khai hóa chúng sinh, đó là phước báo của Bố thí. Gốc của các phiền não không trổi dậy, thì không thuyết giảng kinh pháp vì nhằm để nêu bày rõ về ánh sáng giác ngộ, đó là phước báo của Trì giới. Con đường giải thoát thật sáng tỏ rực chiếu, dốc phụng trì không sai phạm, tánh thể hiện tâm Từ bi sâu xa đối với muôn loài thông qua các nẻo ứng hiện lồng lộng, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Như Tôn giả Ưu-vi Ca-diếp, anh em cùng đám môn đệ của ba vị, đã tự mình chuyên trì đạt được giác ngộ, Phật đã khuyến hóa giúp cho tất cả đều đến với đạo giải thoát, đó là phước báo của Tinh tấn. Như trường hợp chúng sinh hỏi về diệu nghĩa của kinh pháp không nên nghi ngại mà nên giảng nói nêu bày rõ khiến cho mọi người đều được thông tỏ, đó là phước báo của Nhất tâm. Nhận rõ mọi đối tượng, quyết định một cách dứt khoát nương theo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ, từ đấy không gì mà không thông đạt, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nương theo con đường của Phật mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như lấy vô minh làm đối tượng để tuyên giảng kinh điển, nêu bật trí tuệ của Bậc Giác Ngộ, đó là phước báo của Bố thí. Nẻo hành hóa của Phật là nhằm khiến từ cõi vô minh tăm tối chuyển thành cảnh giới an lạc yên định, từ đấy dẫn tới vùng ánh sáng của đạo đức tỏa chiếu rực rỡ, đó là phước báo của Trì giới. Diệt trừ hết thảy mọi cấu uế, thuận cho sự ghi nhớ không quên mà có được biện tài vô lượng, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Như đối với các pháp bình đẳng chân chánh, từ đấy đạt đến tận cùng các pháp định, luôn nhớ nghĩ tới chúng sinh trong mười phương, đó là phước báo của Tinh tấn. Hội nhập khap tất cả mọi cõi, phụng hành đức tối thượng một cách mạnh mẽ mà vững vàng, đó là phước báo của Nhất tâm. Dũng mãnh, không sợ sệt, thông tỏ nẻo mênh mông của đạo pháp, chí mong đạt đến Chánh giác Vô thượng, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm đạt được Nhất thiết trí mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đối với các bậc Thông tuệ thì mọi trường hợp nhận thức của nhãn căn đều không hề bị che chắn ngăn ngại, đó là phước báo của Bố thí. Biết rõ về tâm của đông đảo chúng sinh, cũng như mọi ngọn nguồn của sự nhớ nghĩ, nhân đấy mà thuyết pháp khiến cho tâm họ được an nhiên, thông tỏ, đó là phước báo của Trì giới. Có thể nghe biết khắp chốn gần xa, do đấy mà nhằm diễn giảng các pháp thiết yếu thể hiện sự bình đẳng, tự tại, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Theo thời mà thuyết pháp thích hợp với tâm ý của hết thảy chúng sinh khiến cho mỗi người nghe đều được thông tỏ, đó là phước báo của Tinh tấn. Như việc tuyên giảng kinh điển luôn giữ vững đúng thứ tự khiến cho các phương tiện sử dụng đạt được mọi thích nghi, đó là phước báo của Nhất tâm. Dựa theo chỗ ưa thích ấy mà giảng luận về ánh sáng của chánh pháp, dứt mọi thọ nhận, làm phát khởi tất cả dẫn tới việc hình thành thơ tụng, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là thấu đạt tính chất vô dư mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như tâm được an định, dốc phụng hành đạo pháp, làm phát khởi diệu nghĩa cao tột khó đạt của vô dư, đó là phước báo của Bố thí. Hoặc như đem đạo pháp tạo nên cõi an lạc, lại vì mọi người mà dẫn dắt giáo hóa không ngừng, đó là phước báo của Trì giới. Tin nơi kinh điển giáo pháp của chư Phật thuyết giảng, ngoài ra không tin theo một nẻo nào khác, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Như xem xét mọi việc trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai hoàn toàn không chút trở ngại, đó là phước báo của Tinh tấn. Hoặc như thực hiện thiền định dẫn tới các pháp Tam-muội giải thoát, nhân các pháp chánh thọ ấy mà thuận hợp với cảnh giới an lạc, tư duy theo định ý để chế ngự mọi phóng túng trong hành động, đó là phước báo của Nhất tâm. Từ chỗ thuyết giảng ngần ấy các pháp thay đều khiến cho người nghe được khai mở, thông tỏ, dốc chí cầu các pháp Vô thượng, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là thông tỏ tính chất hữu dư mà tu các pháp Độ vô cực gom có sáu sự việc?

Sau khi nhập Niết-bàn, Xá-lợi được chia đều khắp, đem phước mà dẫn dạy khiến đạt được các pháp vô vi, đó là phước báo của Bố thí. Tư duy về các giới luật dẫn tới hành động gần gũi với các pháp vo vi đạt được những thoải mái trong cõi an lạc, đó là phước báo của Trì giới. Như đối với các tinh xá của Như Lai, cũng như các đền thờ thần, hết thảy chư Thiên đều đến quy ngưỡng lễ bái, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Sau khi Phật diệt độ nên siêng năng tu tập, thực hành lời dạy về tinh tấn không quản mệt nhọc, vì hàng Thanh văn mà không chùn bước trước mọi trở ngại, đó là phước báo của Tinh tấn. Dần dà tiến lên phía trước thực hành thường xuyên các pháp Tam-muội chánh thọ cho đến khi đạt được giải thoát, đó là phước báo của Nhất tâm. Dùng ánh sáng của Bậc Giác Ngộ làm gốc cho sự tu tập độ đời, đem ánh sáng soi tỏ khắp các cõi rộng lớn, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhận ra chỗ nên dừng mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như vào thời Phật còn tại thế giáo hóa chúng sinh, thọ nhận thực phẩm cúng dường để nuôi dưỡng thân tâm hành hóa chánh pháp dứt mọi nẻo tà, đó là phước báo của Bố thí. Nói về các trường hợp phước báo có thể nhận thấy, như người Phạm chí tên là Phi-la-đà đã từng buông lời xúc phạm, mạ lị, Đức Phật vào lúc ấy dung mạo vẫn ôn hòa không vì thế mà biểu lộ sự giận dữ. Bấy giờ có đến ba ức chư Thiên, người cùng phát tâm Bồ-đề, đó là phước báo của Trì giới. Hoặc như nàng Tôn-đà-lợi (Đời Tấn gọi là Thiện Diệu) đã phỉ báng Như Lai, Như Lai nhân trường hợp ấy mà dẫn dắt giáo hóa đám ngoại học một vạn hai ngàn người khiến họ đều được giải thoát, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Như có sức mạnh kiên cường thì tâm luôn tự soi xét, được thế là do Bồ-tát thực hành tâm Từ bi, chân chánh như rơi vào thế giới loài thú làm sư tử vương, giả sử có bị lấn áp thì cũng nên yên lặng chịu đựng để hóa độ loài súc sinh, đó là phước báo của Tinh tấn. Như lìa bỏ ý ấy mà lại tăng thêm đến nỗi không thể im lặng được thì cũng không nên tranh cãi, an nhiên nhận lấy nhưng không ôm giữ nơi tâm, đó là phước báo của Nhất tâm. Hoặc thực hiện các pháp thiền định, từ đấy tuyên giảng đạo pháp hóa độ chúng sinh, giải đáp mọi thắc mắc về nghĩa lý, không ai mà không được thông tỏ, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nương theo chư Phật mà tu các pháp Độ vô cực

gồm có sáu sự việc?

Như nêu bày giảng giải các pháp biến khắp các cõi Phật, tất khiến được nghe âm thanh ấy, vang lên đến tận cõi trời Nhất cứu cánh thiên A-ca-nị-trá, đó là phước báo của Bố thí. Hoặc như đem ánh sáng giác ngộ soi tỏ khắp Tam thiên thế giới để khai hóa chúng sinh khiến đời đạt được an lạc, đó là phước báo của Trì giới. Dùng các trận mưa pháp hết mực rộng lớn để giáo hóa các vị “Phạm chí bện tóc” và đám môn đệ khiến họ đến với đạo giải thoát, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Dùng các pháp thần túc biến hóa làm hiển lộ uy thần, khiến cho Tôn giả Ưu-vi Ca-diếp cùng với đám môn đệ vui mừng quy phục làm đệ tử, đó là phước báo của Tinh tấn. Tâm cho rằng đó là Phạm thiên, nhưng tâm ấy cũng xem xét biết ta không làm chuyện hư dối, dốc chí giữ phạm hạnh để nhằm hóa độ chư Phạm thiên, đó là phước báo của Nhất tâm. Tùy thời mà khai hóa dẫn dắt như tiếng rống của sư tử, không ai là không đội ân đối với tâm Từ bi, vì tâm ấy như hư không bao phủ hết thảy muôn loài, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là theo phương tiện mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như xưa có vị Phạm chí tên là Tùy Kiên, luôn thực hiện công việc bố thí, mỗi lần có tới tám vạn bốn ngàn người, thảy đều khuyến trợ để tạo lập Phật đạo. Như vị Tỳ-kheo-ni tên là Đại Ái Đạo lúc mới phát tâm xuất gia được Đức Phật khuyến dụ: “Nên đem vàng dệt thành từng tấm dâng lên nơi Thánh chúng.” Lúc Đức Phật vừa nói xong lời ấy, có đến tám trăm vị Tỳ-kheo hội nhập được ý nghĩa nơi giới luật của đạo pháp, đó là phước báo của Bố thí. Quá trình tu học an định luôn đi đúng theo nẻo giải thoát của chư Phật. Như trường hợp khai hóa một nhân vật nổi tiếng của ngoại đạo tên là Tuma, ở trong cảnh dục mà luôn thực hiện đầy đủ sáu việc để chế ngự giúp đỡ tâm ý mình và những người chung quanh để thọ nhận giới luật, đó là phước báo của Trì giới. Tâm luôn thể hiện nhân hòa. Như về thời xa xưa có vị Bồ-tát tên là Sằn-đề-hòa, thời gian thực hành pháp nhẫn nhục, đã bị vua nước Ca-duy sai người chặt đứt cả tay, chân, tai, mũi, máu phun ra hóa thành nước sữa mà tâm không hề dấy sân hận, nên thân hình cũng dứt mọi đau đớn thương tích, luôn mang tâm niệm Từ bi lớn lao thương xót mọi người như con trẻ mới sinh, thời ấy đã dẫn dắt và hóa độ tám mươi ức chư Thiên, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Bản thân luôn gắng sức siêng năng tu tập. Như Bồ-tát Ngũ Thông Đại Chí đã khuyến năm trăm vị Đồng tử con nhà Phạm chí xuất gia, khiến cho tất cả các Đồng tử ấy đều hoan hỷ thích thú trong việc nhận lãnh giáo pháp để tu học, đó là phước báo của Tinh tấn. Như nghe và lãnh hội kinh điển, sức mạnh nội tâm dành cho việc tu học thêm chuyển biến và tăng trưởng, cho đến việc thực hiện các pháp chánh thọ định ý bao la, đó là phước báo của Nhất tâm. Ý tự tại, dốc sức gánh vác để tuyên giảng nêu bày về chánh pháp, tùy theo sở thích của từng đối tượng mà độ thoát họ, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm bày tỏ sự sầu tư lo lắng mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trong các trường hợp bố thí tâm thường mang nỗi ưu tư luôn, như ngài Tuệ Minh cúng dường Bậc Đại Thánh không nhằm cầu lợi, đó là phước báo của Bố thí. Mời gọi hết thảy mọi người cùng dốc sức hỗ trợ cho sự phát triển đạo pháp, nhằm tạo lập sự nghiệp đạo, thành tựu một cách đầy đủ, đó là phước báo của Trì giới. Như Trưởng giả Thân Nhật (Đời Tấn gọi là Thủ Tịch) nhân có người theo học đám ngoại đạo dấy khởi điều ác, đến hỏi Đức Phật, nhờ nhân duyên ấy mà thọ nhận lời Phật dạy và đến với đạo pháp, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Cũng như về thơi xa xưa có Long vương Hư-la tâm độc ác, thường dùng sức mạnh hơn người để gây ra mưa đá bão tuyết phá hoại hoa màu cùng sự sống của muôn dân, Đức Phật đã hóa độ Long vương ấy quy ngưỡng theo đạo, đó là phước báo của Tinh tấn. Nền tảng của sự thành tựu Phật đạo là đạt quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Thời Phật mới thành đạo, im lặng an nhiên trong cõi thiền định, Phạm thiên đã thân hành đến bày tỏ lời khuyến thỉnh xin Phật vì tâm Từ bi mà thuyết pháp cứu độ chúng sinh trong ba cõi, đó là phước báo của Nhất tâm. Cũng như con rắn độc hết sức dữ tợn, Đức Phật đã đến nơi động thờ lửa để khai hóa mới chịu thuận phục theo giới luật quy ngưỡng Phật, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm dẫn dắt giáo hóa hàng Chân-đà mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trường hợp bản thân đạt được an lạc, từ đấy dốc tâm cứu giúp kẻ khác, đem mọi sở hữu của mình bố thí mà không hề tiếc rẻ, đó là phước báo của Bố thí. Cũng như vị Bồ-tát tên là Liên Hoa Tạng, lập hạnh tu tập chắc chắn như kim cương, tâm hết mực kiên định dứt mọi tham tiếc, kẻ cả bản thân. Hết thảy tâm niệm của chúng sinh đều luôn tính toán đến thân mình, ngôn ngữ luôn chú ý đến tôi – ta, dùng cái tôi, ta ấy để thực hành bình đẳng các pháp. Bồtát đã vì đám chúng sinh nọ mà thà mất thân mạng chứ quyết không bỏ giới luật, đó là phước báo của Trì giới. Giống như thời xưa rùa chúa đã cứu giúp đám người buôn bán khiến họ khỏi bị chết chìm trong biển lớn. Trái lại, những người ấy đã mang tâm ác, không nhớ đến ân cũ, mà còn trở lại tìm cách giết hại con vật mình mang ân, nhưng rùa chúa vẫn an nhiên biểu lộ tâm từ không hề dấy ý niệm giận dữ, đó là phước báo của Nhẫn nhục. Lại cũng như trường hợp con cá ở vùng nước sâu tìm cách lôi kéo người để ăn thịt, có thể nuốt gọn cả thân thể người, thêm có đám cá với đủ loại lớn nhỏ kéo tới nhằm làm hại thân người, nhân hoàn cảnh ấy mà dấy tâm từ ra tay cứu giúp, đó là phước báo của Tinh tấn. Ví như các loài thú cùng đến muốn hại người, tất có thể cùng dốc tâm cam chịu mà không dấy tâm ác, đó là phước báo của Nhất tâm. Như từng đọc tụng học hỏi hàng ức năm kinh sách với vô số các thí dụ, nhờ vậy mà có được ánh sáng của Bậc Giác Ngộ để độ thoát bao người, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là vì sự khác lạ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như nhận thấy những nơi chốn đói khát thiếu thốn cùng khổ, tùy theo mỗi hoàn cảnh mà dốc tâm giúp đỡ, đó là phước báo của Bố thí. Hoặc như có vị Phạm chí là một đạo sĩ nổi tiếng, tổ chức lễ bái nơi đền thờ lớn và thiết đãi, nhân trong bữa ăn ta đã dẫn dắt, giáo hóa khiến ông ấy quy kính mà phát tâm Bồ-đề, đó là phước báo của Trì giới. Lại như trường hợp về vị Phạm chí kia cần đến thuốc men để trị liệu các chứng bệnh, từ đấy mà nêu bày rõ thêm về pháp có thể diệt trừ mọi đau khổ đạt đến giải thoát, khiến vị ấy hết lời ca ngợi bậc trí đức, tất cầu nguyện cho chúng sinh được sinh lên cõi trời đó là phước báo của Nhẫn nhục. Bản thân siêng năng tu tập, giải hành đúng nẻo xuất gia, tuy chưa thành Phật nhưng luôn dũng mãnh tinh cần dốc đạt đến quả vị ấy, đó là phước báo của Tinh tấn. Thực hành các pháp thiền định như vượt qua khỏi đỉnh núi cao hội nhập vào cõi Chánh giác Vô thượng, dùng ba đức thông đạt để nhận rõ về quá khứ, hiện tại, vị lai, đó là phước báo của Nhất tâm. Như thông tỏ trọn vẹn mười tám diệu pháp Bất cộng của chư Phật, từ đấy nêu bày về đạo pháp, hóa độ chúng sinh nơi mười tám cảnh địa ngục, đó là phước báo của Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.