BÌNH AN TRONG DÂN GIAN
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định
Chương 3: Bảo vệ môi trường tâm linh – tâm tịnh quốc độ tịnh
Làm sạch xã hội điều trước tiên bắt buộc phải làm trong sạch lòng nguời; Muốn tịnh hóa nhân tâm cần phải nhận thức được bản thân mình; Làm trong sạch lòng nguời sẽ làm trong sạch môi truờng xung quanh; Thiết lập cõi Niết bàn chốn nhân gian; Họat động “bốn bảo vệ” tức bốn yếu tố liên quan đến cuộc sống con nguời của Pháp Cổ Sơn. Đó là những hình thức bảo vệ môi truờng tâm linh hữu hiệu do Pháp Cổ Sơn đề xuớng, đúng như lời dạy của chư tổ: “Tâm tịnh, quốc độ tịnh”.
I. Muốn làm sạch xã hội, điều phải làm trước tiên là làm trong sạch lòng người
Xã hội là môi trường có rất nhiều người cùng nhau sinh sống, cũng là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu giữa các bên. Chỉ cần có một người trong đó phát sinh trạng thái không bình thường, những hành vi ngôn ngữ, hành vi cử chỉ biểu hiện ra bên ngoài của người đó sẽ có thể ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Tư tưởng của người trong xã hội hiện nay là nỗ lực theo đuổi và ra sức thực hiện mục tiêu của cả đời người. Cách nghĩ như vậy là cách nghĩ có vấn đề. Nếu như mỗi một người đều có thể nghĩ được “tận tâm tận lực là điều đầu tiên phải làm, không cần tranh giành xem tôi – bạn được bao nhiêu” thì trào lưu xã hội này mới có thể thay đổi.
Công tác làm trong sạch xã hội được thực hiện bất kể tầng lớp cao thấp, quyền thế lớn nhỏ, mỗi một người đều phải sống có trách nhiệm. Chỉ cần mọi người thực hiện xuất phát từ ý nghĩ trong sâu thẳm trái tim mình thì sẽ giảm thiểu được rất nhiều vấn đề bất cập tồn tại trong xã hội.
II. Muốn tịnh hóa nhân tâm cần phải nhận thức được bản thân mình
1. Cái tôi tự tư – ích kỷ
“Nhân tâm” ở đây là gì? Nhân tâm – lòng người được coi là một khái niệm trừu tượng, mọi quan niệm, cách nghĩ, dục vọng hay nguyện vọng của người phàm trần đều được gọi là nhân tâm; còn cái tôi được gọi là cái tôi tự tư – cái tôi ích kỷ.
Ích kỷ tồn tại trong tâm mỗi con người, đó là sự thực hiển nhiên; tất cả chúng ta có thể nói được rằng những việc mình làm đều là vì xã hội, vì quốc gia, dân tộc, nhưng khi tự hỏi lại lòng mình, tôi e rằng chưa chắc những lời nói đó lại là sự thực. Vì vậy người ta nói rằng “10 năm đèn sách không ai hỏi, một khi nổi danh thiên hạ thì ai cũng biểu dương, khen ngợi”; vậy rốt cuộc chúng ta đọc sách thánh hiền là vì ai? Và ai là người nổi danh thiên hạ? Sau khi nổi danh thì ai là người áo gấm vinh quy? Hay nói thẳng ra, tất cả đều là vì bản thân mình.
Thông thường, chúng ta có thể phân tích tình hình, hoàn cảnh của người khác một cách rất cẩn thận và tỉ mỉ, và thậm chí có thể đưa ra những ý kiến, quan điểm cho họ; mọi phê bình, chỉ trích, yêu cầu đối với người khác ta đều có thể nói ra rõ ràng mạch lạc được. Dù người ta hay nói “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, nhưng trên thực tế việc tự hiểu bản thân mình còn khó khăn gấp nhiều lần việc hiểu được người khác. Bởi con mắt, cái tai của con người đều hướng ra phía ngoài để nghe và nhìn, có rất ít người có thể nhìn thấu, nghe thấu được hàm ý bên trong đó, cũng giống như khi ta giơ tay ra là để chỉ anh kia, chỉ chị này, chỉ đông, chỉ tây, chứ rất hiếm ai tự chỉ vào lương tâm của chính mình, hoặc lắng nghe những âm thanh đang thẩm vấn lương tri trong tâm mình.
Cũng chính vì vậy, chúng ta rất dễ dàng khuếch đại những gì mình đạt được, và thường không chấp nhận cống hiến, thành quả của người khác, thậm chí có những lúc tự cảm thấy ngượng ngùng khi cổ vũ họ một vài câu, nhưng liệu việc đó có phải là lời lẽ xuất phát từ đáy lòng hay không thì e rằng rất khó nói.
2. Giới hạn của “bản thân”
Cái gọi là “bản thân” ở đây chỉ thân thể của một người nào đó, bao gồm các bộ phận như đầu, chân, tay, mắt, mũi… Nhưng còn “thân thể” ở nơi đâu? Thân thể tồn tại trong môi trường sống của chúng ta, bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Thân thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nó bắt đầu từ khi sinh ra, và lớn lên trưởng thành từng ngày, và cũng tiếp cận với cái chết từng ngày. Tuy thân thể là thứ chiếm hữu tạm thời, nhưng trước khi nó rời xa thế giới này ta cần phải trân trọng nó, chăm sóc nó và vận dụng nó theo đúng mục đích; dù có người cho rằng thế giới này đầy rẫy nguy hiểm, dù một tôn giáo nào đó cũng cho rằng ngày tận cùng thế giới sắp đến, nhưng sự thực là nó vẫn chưa đến, và ta vẫn cần phải bảo vệ thân thể.
Nếu nói thân thể là bản thân mình, thì ai biết đó có phải là “bản thân” mình không? Nếu ta nói rằng, trong tâm tôi biết đây chính là bản thân tôi, vậy thì cái tâm của tôi là thứ gì đây?
Cái “tâm” ở đây là sự nối liền ăn khớp và tiếp diễn của quan niệm, của tư tưởng, quan điểm và của tín ngưỡng; từng quan điểm từng quan điểm nối tiếp nhau và đó chính là hoạt động của cái tâm, khi quan điểm đó ngừng hoạt động tức cái tâm cũng sẽ không tồn tại nữa.
Cái “tâm” có công năng riêng của nó. Nó có thể tạo ra thế giới to lớn và vũ trụ bao la này, nhưng nó cũng có thể hủy diệt chính cái thế giới và vũ trụ đó. Nó đem đến cho chúng ta hạnh phúc, nhưng cũng có thể đem lại tai họa bất cứ lúc nào. Rất nhiều lí luận triết học và tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới này đều bắt nguồn từ “tâm niệm” – quan niệm về cái tâm.
Một vài năm gần đây, các chính trị gia tại Đài Loan ra sức tranh cãi về quan niệm, về tư tưởng và chính sự bất đồng quan điểm đó khiến cho giữa con người với nhau ngày càng có nhiều mâu thuẫn. Theo lí mà nói, chính trị gia là người cứu nước cứu dân, các nhà hoạt động tôn giáo thì cứu người, nhưng tại sao một số nhà chính trị lại phát động chiến tranh để thúc đẩy mở rộng quan niệm của mình? Còn một số tín đồ tôn giáo lại giết người hàng loạt để tuyên dương tín ngưỡng yêu mến con người của chính dòng phái tôn giáo đó? Chỉ vì cứu đời mà họ đã phá vỡ nền hòa bình của thế giới, vì cứu người mà lại giết người. Từ đó ta thấy rõ rằng, mỗi một cá nhân đều có phạm vi của riêng mình, một khi xảy ra xung đột với thế giới xung quanh sẽ sản sinh ra thái độ chống kháng lại.
3. Trình tự của bản thân
Nội dung của “bản thân” có thể phân theo một vài trình tự sau từ bé đến lớn: thứ nhất là cái tâm của tôi, thứ hai là thân thể của tôi, thứ ba là xã hội và môi trường tôi sinh sống, thứ tư là chỉnh thể địa cầu này, thứ năm là cả vũ trụ này là thân thể của tôi. Nếu có thể nâng cao và mở rộng đến hết năm cung bậc nêu trên thì lòng tự tư ích kỉ sẽ ít đi, ngược lại cảm giác an toàn sẽ ngày càng tăng lên.
Một lần có nhân viên của công ty bảo hiểm nhân thọ đến mời chào tôi đặt hàng, tôi liền hỏi anh ta: “Bảo hiểm nhân thọ có thể đảm bảo cho tôi không thể chết được không?”, anh ta liền đáp lại: “Thưa thầy, không thể được ạ”. Tôi lại hỏi: “Vậy thì còn bảo hiểm cái gì nữa?”. Anh ta nói rằng: “Sau khi chết thì gia quyến sẽ nhận được một khoản tiền bảo hiểm hỗ trợ về kinh tế!”. Sau đó tôi nói với anh ta rằng: “Người được hưởng lợi từ tôi chính là toàn bộ chúng sinh trên thế gian này, tất cả họ đều là người được hưởng quyền lợi từ khoản tiền bảo hiểm của tôi”.
Thực tế, khi nói đến “bảo hiểm” đồng nghĩa rằng bản thân sinh mệnh, toàn bộ tài sản và sự an toàn của chúng ta đều có thể gặp nguy hiểm. Hay nói theo cách khác, thế giới này chẳng có cái gì là an toàn tuyệt đối, nếu đã biết như thế thì ta càng cần phải đối diện với sự thực để giải quyết vấn đề, có như vậy trong lòng mới cảm thấy an toàn; bằng không, nếu cứ theo đuổi sự an toàn có thể dẫn đến kết quả là khiến cho bản thân mất cảm giác an toàn.
III. Làm trong sạch lòng người sẽ làm trong sạch môi trường xung quanh
Sau khi lòng người được tịnh hóa, làm trong sạch, thì môi trường xung quanh nhất định cũng sẽ trở lên trong sạch; tịnh hóa môi trường chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, còn việc tịnh hóa nhân tâm mới được coi là gốc rễ của vấn đề. Một vài chuyên gia bảo vệ môi trường từng nói với tôi rằng: “Tinh thần của con người là phần quan trọng nhất, khi tinh thần và khoa học kỹ thuật cùng phối hợp với nhau thì mới thực sự có thể giải quyết được các vấn đề về môi trường, đồng thời giữ cho môi trường trong sạch lâu dài khắp nơi trên thế giới”. Tôi thấy đây là một quan điểm hết sức đúng đắn.
Sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, ngài bắt đầu uốn nắn và sửa chữa sai lầm từ lòng người, từ chính việc cải thiện nhân tâm, đó cũng chính là công việc “bảo vệ môi trường” cho tâm linh của mỗi chúng sinh. Và sau này người ta biết đến ngài như một bậc thầy vĩ đại trong công cuộc vận động bảo vệ con người, mà bắt nguồn từ chính cái tâm của họ.
Khái niệm “tu hành” được nhắc đến trong Phật giáo chính là việc sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của bản thân ta về hành vi, cử chỉ, lời nói; mà đặc biệt là chú trọng việc tịnh hóa hành vi tâm lí của chúng sinh. Bởi sau khi tịnh hóa tâm, thì hành vi ngôn ngữ và hành vi thân thể của ta tự nhiên sẽ được sửa đổi đúng đắn. Nếu hành vi tâm lí không được tu chỉnh lại, thì dù vẻ bên ngoài ta cố gắng tuân thủ quy tắc nhưng có thể đó là minh chứng sự sợ hãi những quy tắc, quy luật của pháp luật hoặc sợ chỉ trích lên án của dư luận, và sẽ lộ nguyên hình khi người đó chỉ có một mình hoặc khi cùng xuất hiện với những cá nhân có hành vi sai lệch và có cùng quan niệm như anh ta, thậm chí anh ta tự an ủi mình rằng: “Mọi người đều làm như vậy, thì sao ta lại không thể làm được như vậy?” Hoặc “nếu mình không ăn thì người khác sẽ ăn mất, nếu mình không cầm thì người khác cũng cầm mất, chỉ cần mình thích thì có gì là không thể?” – Tất cả đây đều là những lí lẽ sai lệch, và sau khi chúng trở thành phong trào, thành nếp sống thì xã hội của chúng ta sẽ gặp rất nhiều tai ương, hiểm họa.
Do vậy, việc uốn nắn lòng người theo hướng đúng đắn cần phải xuất phát từ quan niệm về nội tâm, chỉ cần xoay chuyển quan niệm theo hướng đúng thì quan niệm đó cũng sẽ được tu chỉnh lại. Mặc dù ai trong chúng ta cũng đều có quan điểm, tư tưởng, cách nghĩ riêng của mình – những quan điểm này đã được hình thành từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành nên thật khó để có thể xoay chuyển cải biến chúng trong thời gian ngắn. Nhưng tâm trí con người thường uyển chuyển, nhu nhuyến, dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh và môi trường sống xung quanh, họ có thể thay đổi khi được giáo dục tốt, chỉ cần có lòng thương yêu nhân loại, có sự nhẫn nại, có lòng bao dung tha thứ, cố gắng thấu hiểu và mở rộng lòng mình đón nhận những người xung quanh thì họ cũng sẽ đón nhận lại ta bằng cả tấm lòng và sự chân thành.
Nhưng tình hình giáo dục hiện nay chủ yếu tập trung ưu tiên phát triển các ngành khoa học kĩ thuật và kinh tế mà bỏ qua mất việc giáo dục nhân cách cho học sinh sinh viên. Do đó tôi hi vọng rằng nền giáo dục trong tương lai quan tâm hơn nữa đến giáo dục nhân cách, cân bằng lại chương trình giáo dục khoa học kĩ thuật với các ngành thuộc khối nhân văn nhằm tịnh hóa nhân tâm của toàn xã hội. Sau đây tôi xin đưa ra một vài quan điểm như sau:
1. Tinh thần phụng sự
Ngay từ khi còn nhỏ cha mẹ chúng ta đều có kì vọng vào các con rằng sau này chúng sẽ là những người tài giỏi xuất chúng, và cũng vì vậy, chúng ta cũng phải tranh giành nhiều thứ khác như sự vinh dự vẻ vang, danh tiếng lẫy lừng, tài sản, quyền lực, địa vị xã hội, hoặc cả sự đồng tình hay ủng hộ của người khác. Lẽ tất nhiên, việc tranh giành thành công không đem lại điều xấu gì cho bản thân, nhưng trong quá trình đấu tranh đó nếu muốn thành anh hùng xuất chúng mà chèn ép, đàn áp người khác quả là hành vi vô đạo đức.
Chỉ cần thay đổi quan niệm, dùng cống hiến của mình để giành lấy thành quả, cống hiến càng nhiều thì càng thể hiện sự thành công của bản thân; và nếu như cống hiến của ta đem lại nhiều sự giúp đỡ và lợi ích cho người khác, giúp họ giải quyết khó khăn, thì đó lại là một niềm vinh dự lớn lao.
2. Tích phúc để được hưởng phúc
Theo quan niệm của người bình thường, khi bản thân có phúc báo thì ngay lập tức họ dùng mọi hình thức, mọi phương pháp để tận hưởng cái phúc đó, tận hưởng cuộc sống, tận hưởng quyền lực và thành quả. Họ cho rằng nếu đã có được phúc báo mà không hưởng thụ thì há chẳng phải kẻ ngốc sao?
Xét dưới quan niệm của Phật giáo, phúc báo của một người là hữu hạn, cũng giống như việc không ai có thể có tài khoản vô hạn trong ngân hàng, dù là nhà tư bản thì tài khoản của họ cũng có hạn, chỉ có điều họ giàu có hơn thường dân mà thôi. Hơn nữa, dù ta tích cóp cổ phiếu, vàng, đô-la thì đều không có ổn định. Chỉ cần tình hình thế giới thay đổi, tình hình chính trị biến động, xã hội loạn lạc thì tất cả tài sản tích cóp đó đều cuốn bay theo gió chỉ trong vòng một đêm. Vì vậy, Đức Phật răn dạy chúng ta rằng: tài sản chỉ để cung cấp cho năm đối tượng sau đây: kẻ dùng bạo lực chính trị để cướp đoạt, đạo tặc trộm cướp, nước, lửa, và những kẻ bất tài.
Nhưng những người không có quan niệm tích phúc lại cho rằng: “Mặc kệ họ, một mình bản thân tôi làm sao có thể dùng hết nguồn tài nguyên trên trái đất này? Ngay cả đến đời con, đời cháu tôi thì trái đất chắc cũng không có vấn đề gì, vẫn còn chưa đến mức bị hủy diệt!”. Dưới lập trường của Phật pháp, thời gian là vô cùng vô tận, chúng sinh cũng vô cùng, vô hạn, vô lượng, chỉ cần trái đất tồn tại thêm một ngày thì chúng sinh sẽ sống thêm được một ngày.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất là có hạn, nếu chúng ta khai thác quá mức, vô độ mà coi đó là một sự hưởng thụ phúc báo thì thực chất đó chính là sự lãng phí, là tổn phúc; mức độ lãng phí càng nhiều thì càng tổn phúc, mất hết phúc báo. Đó không chỉ là sự lãng phí về mặt vật chất, mà đó còn là sự tổn hại về mặt tâm linh của chúng sinh, những ác báo được tạo thành sẽ do chính chúng ta gánh chịu, thậm chí kéo dài cả đến kiếp sau.
3. Đối diện với sự thật bằng quan niệm nhân quả, nỗ lực hết mình bằng quan niệm nhân duyên
“Nhân quả” – theo mối quan hệ thời gian thì những gì chúng ta tạo ra của ngày hôm nay, kết quả của nó sẽ hiện hữu ngay trong tương lai sau này; còn những gì ta đón nhận ngày hôm nay là kết quả của những gì ta làm xưa kia để lại. “Nhân quả” được chia thành hai loại, thứ nhất là cộng nghiệp – chỉ nghiệp chung, giống nhau của chúng sinh ví dụ như nhân quả mà toàn thể nhân loại, toàn cầu cùng gánh chịu, cùng có được; loại thứ hai là biệt nghiệp – tức chỉ những nghiệp khác nhau của từng cá nhân, chúng sinh, ví như mỗi người đều phải gánh chịu nhân quả của quá trình sinh mệnh, từ thế giới vô lượng quá khứ đến thế giới vô lượng trong tương lai, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác.
Người bình thường chỉ có thể nhìn thấy, thừa nhận và tìm hiểu nguyên nhân, kết quả của lịch sử, bởi tất cả hành vi của người xưa dù là xấu hay tốt, cống hiến hay phá hoại nhân loại thì chúng ta đều hưởng thành quả cũng như tai họa mà nó mang lại, hay nói cách khác là ta đang tiếp nhận thành quả của người xưa. Nho giáo cho rằng: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh ” – ý nói rằng nếu tổ tông làm nhiều việc có đức thì ắt con cháu sẽ được phồn vinh hưởng lộc; ngược lại, nếu tổ tông thất đức, làm nhiều việc xấu hại dân hại nước thì nhất định sẽ để lại báo ứng là gieo rắc tai họa cho con cháu. Quan niệm nhân quả như vậy thiếu chính xác, đôi khi lại không phù hợp với thực tế. Bởi có nhiều gia đình mặc dù rất nỗ lực hành thiện tích đức nhưng vẫn bị tuyệt con cháu nối dõi tông đường, những trường hợp đáng tiếc như vậy trên thế gian này có rất nhiều, cũng có người cho rằng ông trời không có mắt, một gia đình tốt như vậy mà lại không được hưởng phúc, không có được kết quả tốt đẹp.
Tín đồ Phật giáo tin rằng, sinh mệnh mấy chục năm của một người cũng chỉ là một khúc nhỏ trong số vô vàn dòng chảy sinh mệnh trùng trùng điệp điệp vô cùng vô tận; khúc trước của quá khứ có quá khứ vô lượng, và kiếp sau của đời này lại là kiếp sau vô cùng tận. Nhưng quan niệm về “tam thế” này, tức quan niệm về ba thế giới quá khứ – hiện tại – tương lai còn tồn tại rất nhiều điều mà người không phải tín đồ Phật giáo không thể tiếp nhận được. Vì vậy, có người từng nói với tôi rằng: “Nếu Hòa thượng có thể chứng minh cho tôi thấy, thì tôi mới tin nhân quả của tam thế”. Tôi nói với họ rằng, đây là một sự thật, cũng như ta trồng dưa thì được dưa, mà trồng táo thì được táo vậy.
Cho nên chúng ta bắt buộc phải đối mặt với sự thực, bởi hiện thực trước mắt bắt nguồn từ quá khứ đến hiện tại, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm cho những hành vi ta làm trong quá khứ, và phải tiếp nhận nó, tiếp nhận kết quả từ quá khứ để lại.
Người ta thường nói: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Nhưng đôi khi ta trồng dưa mà lại không được dưa, trồng đậu lại không được đậu, còn kẻ không trồng dưa lại được dưa, kẻ không trồng đậu lại được đậu; có người thì một bước lên tận mây xanh, có kẻ thì lại long đong lận đận cả đời. Do đâu có trường hợp này?
Nhân quả ắt phải có nhân duyên phối kết hợp. “Nhân duyên” là mối quan hệ tồn tại trong quá trình hình thành từ nguyên nhân chuyển sang kết quả, được tạo ra bởi vô vàn nhân tố chủ quan và khách quan khác nhau, thậm chí có thể không phải do năng lượng của con người tạo thành, mà đó chính là do mối quan hệ của hoàn cảnh sống tạo nên. Cho nên ta không chỉ nhìn vào hiện tượng mà đưa ra những kết luận vội vàng.
Mỗi người đều có những mối nhân duyên khác nhau, vì vậy điều quan trọng nhất là tận tâm tận lực, dốc hết sức cống hiến bằng chính quan niệm nhân duyên này, đó mới chính là đối diện với hiện thực.
IV. Thiết lập cõi Niết bàn chốn nhân gian
Cõi Niết bàn chốn nhân gian là quan niệm mà Phật giáo đại thừa thường nhắc tới. Vậy rốt cuộc cõi Niết bàn chốn nhân gian là gì? Nó tồn tại ở chỗ nào? Liệu con người có thể tạo ra nó được không?
Trong Kinh Duy-ma-cật có nói rằng “tùy kì tâm tịnh, tắc Phật thổ tịnh”, tức chỉ việc nếu cái tâm của ta trong sạch thì thế giới mà ta đang tồn tại cũng trong sạch. Đây không phải là việc tự vừa ý, tự mãn nguyện, mà chỉ rằng, tâm của ta trong sạch, cho dù thế giới này có ra sao ta đều không chịu bất cứ ảnh hưởng nào và thế giới mà ta nhìn thấy và cảm nhận được cũng trong sạch như thế. Khi Đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, ngài nhận thấy đạo lí rằng, muôn vạn chúng sinh đều có Phật tính, và cõi Sa bà – tức cõi nhân gian sinh sống sẽ trở thành cõi Niết bàn.
Trong cuộc sống thường nhật ta hay nghe người ta nói “ước gì được nấy”, khi trong lòng cảm thấy vui vẻ thì dù trời có đổ mưa cũng thấy ý vị đầy chất thơ, khi trời lạnh cũng cảm thấy thoải mái, hay như trời nóng cũng thấy thật ấm áp. Khi trong lòng khó chịu, bất an, buồn phiền, u sầu, chỉ cần nhìn thấy người khác cười cũng cho rằng họ đang cười chế nhạo mình.
Tôi từng chứng kiến một cặp vợ chồng cãi nhau, nhưng con của họ lại đang chơi rất vui vẻ ở bên ngoài. Khi về nhà nó vừa nhảy, vừa hát và gọi lớn tiếng bố, mẹ con đã về. Không ngờ người mẹ liền mắng mỏ, còn người cha giáng cho nó một cái tát. Thực ra đứa trẻ đó rất đáng yêu, chỉ là nó gặp phải lúc cha mẹ cãi nhau, đang trong tâm trạng không tốt liền bị đánh, bị mắng. Vì vậy, thế giới này có thể là cõi Niết bàn, cũng có thể là địa ngục trần gian, tất cả đều do chúng ta quyết định.
Khi tôi hướng dẫn tu thiền thường hay động viên những người tham gia rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đều phải giữ cho trong lòng được vui vẻ, cái này trong Phật giáo gọi là “tùy hỷ” – tùy theo hoàn cảnh, tùy theo sự việc, tùy theo người mà vui vẻ. Thực ra, điều này không hề dễ dàng chút nào cả, khi con người ta nỗ lực kiếm tiền vì miếng cơm manh áo, thăng quan phát tài, sinh con, lấy vợ… thì nhất định có nhiều việc không như ý. Còn nếu trong nhà xảy ra chuyện không thuận lợi hoặc nghe thấy có kẻ nói xấu sau lưng, chỉ trích mình thì liệu ta có thể “tùy hỷ” được hay không? Khổng Phu Tử từng nói: “Văn quá tắc hỷ, tri quá tất cải” – tức chỉ khi nghe thấy người khác nói ra lỗi lầm mình phạm phải thì vui vẻ mà nghe nhận, khi đã biết sai thì phải sửa. Điều này không hề dễ dàng thực hiện được. Đã là nhà tu hành thì dù không tỏ vẻ mặt vui mừng thì cũng không nên phản bác đối phương, nhưng đôi khi trong lòng vẫn dấy lên một chút lo lắng.
Nếu ta không thể có cảm giác vui vẻ trước bất cứ sự việc nào, bất cứ người nào, hay bất cứ lúc nào thì người không may mắn bị tổn hại chính là bản thân mình. Bởi người ta đã mở rộng tấm lòng đón nhận mình, mà mình còn không mở rộng vòng tay đón nhận họ, há chẳng phải là kẻ ngu đần sao? Chi bằng thay đổi một chút quan điểm sống, thì tự nhiên ta sẽ lĩnh hội được “tâm tịnh quốc thổ tịnh” – tức cái tâm có được trong sạch thì quốc thổ cũng được trong sạch. Tôi lấy ví dụ như khi vợ chồng cãi nhau, nếu một bên có thể giữ được “tùy hỷ” và dùng tấm lòng vui vẻ cảm ơn ông trời vì có cơ hội quan tâm đến đối phương thì việc cãi nhau đó ắt sẽ không thành.
Nếu giữa vợ chồng với nhau có thể giữ vững được “tùy hỷ”, chồng tung vợ hứng thì có ảnh hưởng tích cực đến con cái và các thành viên khác trong gia đình, cũng như ảnh hưởng đến đồng nghiệp khác trong công việc. Một cá nhân có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến một vài người khác và cuối cùng đến vô số người, mở rộng về mặt không gian, kéo dài về mặt thời gian, đây cũng chính là “chiếc đèn vô tận” được nhắc đến trong bộ Kinh Duy-ma-cật.
Ví dụ này trong Kinh Duy-ma-cật nhằm coi bản tính của chúng ta nhân hóa thành ánh sáng soi rọi khắp nơi của chiếc đèn gọi là “chiếc đèn vô tận”. Và cũng giống như quầng sáng, vòng sáng khắc họa trên lưng, trên đầu tượng Phật. Ánh sáng đó là ánh sáng của trí tuệ, ánh sáng của từ bi và cũng là ánh sáng của cái tâm trong sạch. Ngược lại, cái tâm chất đầy phiền não, cái tâm không trong sạch, dơ bẩn sẽ không thể nhìn thấy ánh sáng trí tuệ, ánh sáng từ bi đó.
V. Hoạt động “bốn bảo vệ” của Pháp Cổ Sơn
Chúng ta cùng sinh sống trên trái đất này, giống như một con thuyền mà nếu ta bất cẩn làm hư hại đáy thuyền thì tất cả người ngồi trên đó sẽ bị nhấm chìm xuống đáy biển sâu thẳm; cũng giống như trong cùng một bể cá, chỉ cần một con thải ra chất thải bẩn thỉu thì cả đàn cá trong đó phải chịu cảnh sống trong dơ bẩn ô nhiễm. Người ta thường nói việc ai người nấy quản, chỉ cần quan tâm đến sự an nguy của bản thân là được, không màng tới sống chết của người khác. Tuy vậy, người ta cần hiểu rằng bản thân hoàn cảnh là một chỉnh thể hoàn chỉnh, đến nỗi ngay cả từng hơi thở nhịp đập con tim của mỗi người chúng ta đều liên quan đến nhau. Do vậy, chỉ cần sống chung dưới cùng một hoàn cảnh xã hội, ta tuyệt đối không được nhìn người khác bị hại mà làm ngơ coi như không liên quan gì đến bản thân mình, thực chất hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của nó đều có thể xảy đến với bản thân mỗi chúng ta bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu.
Pháp Cổ Sơn từng tổ chức rất nhiều cuộc tọa đàm về chủ đề “bảo vệ tâm linh”, và cũng thúc đẩy nhiều hoạt động khác như: “bảo vệ các loại hình lễ nghi trong giao tiếp”, “bảo vệ cuộc sống”, “bảo vệ thiên nhiên”… Thực tế, việc chúng tôi làm thì chỉ là như muối bỏ biển, bởi cả môi trường này có biết bao con người còn sức lực của một nhóm chúng tôi thì có hạn. Tuy vậy chỉ cần có mục tiêu chính xác thì dù có ít người hưởng ứng nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục làm được.
Đầu năm 1993, Pháp Cổ Sơn phát động phong trào “ngày trong sạch”, tất cả hơn 5.000 tín đồ Phật giáo từ khắp các vùng trên địa bàn cùng nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường, và có người từng nói rằng sau này môi trường dơ bẩn thì sẽ mời hội viên của Pháp Cổ Sơn đến dọn dẹp. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, chúng tôi không phải là đội công nhân dọn vệ sinh, mà là người khởi xướng lên quan niệm về “ngày trong sạch”, hi vọng có thể dùng những kiến thức còn chưa sâu sắc của mình mà thu thập được nhiều cao kiến, ý tưởng hay hơn, thúc đẩy phong trào phát triển mạnh hơn. Tôi hi vọng mỗi một gia đình, mỗi một cá nhân đều giống với những tín đồ này, đều tự biết cách chăm sóc gia đình mình, và quan tâm đến môi trường sống của mình nhiều hơn cho dù có đi đến bất cứ nơi đâu đều có thể bảo vệ môi trường sống tại nơi đó. Có như vậy thì môi trường của chúng ta mới trong sạch, lành mạnh và là cõi Niết bàn chốn nhân gian, là cõi bồng lai tiên cảnh. Như vậy thì hoạt động “bốn bảo vệ” – liên quan đến cuộc sống con người của Pháp Cổ Sơn – mới có thể thành công.