chước cú ca quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(斫句迦國) Còn gọi là Già câu ca quốc, Già câu bàn quốc, Tử hợp quốc, Chu câu ba quốc. Tên một Vương quốc xưa ở Tây vực. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 12 và Lịch đại tam bảo kỉ quyển 12, thì biết nước Chước cú ca trong Tây vực kí và nước Già câu ca trong Tam bảo kỉ là cùng một địa phương, nhưng Tây vực kí nói từ nước ấy đi về hướng đông hơn tám trăm dặm nữa thì đến nước Cù tát đán na (tức Vu điền), còn Tam bảo kỉ lại nói cách nước Vu điền về phía đông nam hơn hai nghìn dặm có nước Già câu ca. Về phương hướng và cự li hiển nhiên là khác nhau rất lớn. Về vị trí của nước này, E. J. Eitel và St. Martin cho là ở vào địa phương Yarkiang của Tiểu bá ca lạp (Little Bukharia) hiện nay, còn S. Beal và T. Watters thì cho là địa phương Diệp nhĩ khương (Yarkand). Lại A. Stein bảo cứ theo Tây vực kí nói từ hướng Khư sa (Kashgar) vượt qua sông Tỉ đa (tức sông Diệp nhĩ khương) mà suy thì biết nay tức là địa phương Chước cú ca (Karghalik). Lại trong Tiểu chú của Tây vực kí có ghi Chước cú ca, xưa gọi là Thư cừ, Thư cừ ở đây có thể là họ Thư cừ đời Bắc Lương ở Trương dịch thuộc Hà tây (Hậu hồ tạng), sau khi mất nước dời đến ở đây chăng? Lại Cao tăng pháp hiển truyện chép, từ Vu điền đi hai mươi lăm ngày nữa thì đến nước Tử hợp, vua nước ấy rất tinh tiến, trong nước có hơn nghìn vị tăng, phần nhiều học Đại thừa. Nước Tử hợp nói ở đây tương đương với nước Tử hợp được chép trong Hậu Hán thư tây vực truyện thứ 78, với nước Chu câu ba nói trong Lạc dương già lam kí quyển 5, với Chu câu ba hoặc Chu cư trong Ngụy thư tây vực liệt truyện thứ 90, và Chu câu ba (hoặc Chu câu bàn) trong Đường thư tây vực liệt truyện thứ 146 thượng mục Sớ lặc quốc, cũng tức là nước Chước cú ca nói ở trên. Tóm lại, nước này và nước Vu điền cùng là trong một số quốc gia theo Đại thừa tại khu vực Tân cương thời xưa. [X. kinh Đại phương đẳng đại tập Q.55 – Hoa nghiêm kinh truyện kí Q.1 – Thông điển Q.193 – Tây vực chi Phật giáo – S. Beal: Buddhist Records of the Western World, vol. II – T. Watters: On Yuan Chwang, vol. II – A. Stein: Ancient khotan, vol.I – E. Chavannes: Les pays d’occident d’après le Wei lio (T’oung pao, 1905) – luận Tây vực đại thừa quốc chi tử hợp (Ấn thuận)].