chủng tử lục nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(種子六義) Tông Duy thức bảo chủng tử của các pháp đều có hai loại là Bản hữu và Thủy khởi, và chủng tử phải có đủ sáu điều kiện gọi là Chủng tử lục nghĩa. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 2, Nhiếp đại thừa luận thích (bản dịch đời Lương) quyển 2 chép, thì sáu nghĩa là: 1. Sát na diệt nghĩa, tức là chủng tử của các thức mắt tai mũi lưỡi thân và ý, một niệm vừa mới sinh lại diệt ngay, lại sinh rồi diệt, cứ như thế niệm niệm không ngừng, đổi khác từng sát na. 2. Quả câu hữu nghĩa, quả tức là thức với căn, nghĩa là thức và căn cùng khởi một lúc, để thành lực dụng. Như khi nhãn căn tiếp xúc với cảnh sắc, thì nhãn thức duyên theo cảnh ấy ngay mà thấy rõ ràng các thực cảnh. Tai mũi lưỡi thân ý cũng thế. 3. Hằng tùy chuyển nghĩa, tức là khi các thức mắt, tai … dấy lên thì chủng tử chuyển động theo. Như khi nhãn căn chạm với cảnh sắc thì chủng tử nhãn thức theo đó mà nối tiếp, không hề gián cách. 4. Tính quyết định nghĩa, tức là các thức đều duyên theo ba tính thiện, ác và vô kí, không xen lẫn. Như thức mắt duyên theo cảnh xấu ác thì thành pháp xấu ác, chứ không thể thành pháp tốt lành được – duyên theo cảnh tốt lành thì thành pháp tốt lành, chứ không thể thành pháp xấu ác được – nếu duyên theo vô kí thì không thể thành hai pháp tốt, xấu. 5. Đãi chúng duyên nghĩa, tức là chủng tử của các thức chẳng phải duyên theo một nhân mà sinh, phải chờ đủ duyên thì sau mới thành tựu. Như chủng tử của thức mắt phải được quang đãng (không bị bít lấp, ngăn che), có ánh sáng, căn, cảnh v.v… có đủ các duyên như thế mới hiển phát được. 6. Dẫn tự quả nghĩa, tức là các thức đều dẫn tự thể quả dụng riêng, chứ không lẫn lộn sắc, tâm mà thành. Như khi nhãn căn tiếp xúc với cảnh, thì nhãn thức duyên theo cảnh thực trước mắt, chứ không lẫn với thể riêng của âm thanh hay mùi thơm. Luận Du già sưđịa quyển 5 bảo nhân… có bảy tướng, tức pháp vô thường là nhân, với tính khác là nhân và với tự tính sau là nhân, sinh rồi chưa diệt là nhân, được duyên khác là nhân, thành biến dị là nhân, tương ứng với công năng là nhân, xứng nhau thuận nhau là nhân. Thành duy thức luận chưởng trung xu yếu quyển thượng phần cuối, cho bảy tướng này tương đương với sáu nghĩa của chủng tử được trình bày ở trên. [X. Nhiếp đại thừa luận bản Q.thượng – Nhiếp đại thừa luận Vô tính thích Q.2 – Nhiếp đại thừa luận Thế thân thích Q.2 – Thành duy thức luận thuật kí Q.3 phần đầu – Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng Q.3 – Thành duy thức luận diễn bí Q.3 phần đầu].