chủng trí hoàn niên

Phật Quang Đại Từ Điển

(種智還年) Khi giải thích thí dụ Cha trẻ con già trong phẩm Dũng xuất của kinh Pháp hoa, tổ thứ 9 tông Thiên thai là Trạm nhiên đã tạm thời giả đặt ra cái tên thuốc Chủng trí hoàn niên (giống trí trẻ lại) để hiển bày lí của Hai môn Bản, Tích. Bản, chỉ Phật gốc vốn đã thành từ lâu lắm rồi – Tích, chỉ Phật Thích ca mới gần đây chứng ngộ thành đạo tại thành Già da. Trong các kinh luận nghi chép khi đức Phật nói pháp, Ngài cho đại chúng biết là Ngài đã chứng đạo thành Phật từ xa xưa lâu lắm và đã giáo hóa vô lượng chúng Bồ tát, rồi từ đó đến nay, đã qua năm trăm kiếp chấm bụi, lại một lần nữa, ngồi dưới cây Bồ đề ở thành Già da mà chứng Chính đẳng giác. Về việc này, trong phẩm Dũng xuất kinh Pháp hoa ghi chép rất tường tận. Trong kinh còn nói, khi đức Thế tôn tuyên thuyết kinh Pháp hoa, thì có vô lượng trăm nghìn muôn ức Bồ tát, cùng một lúc, từ dưới đất hiện lên, đức Thế tôn bèn nói với đại chúng rằng, các chúng Bồ tát ấy là những người đã được Ngài giáo hóa trong đời quá khứ cách nay đã lâu xa lắm. Đại chúng trong pháp hội, nghe đức Thế tôn nói thế, tâm đều sinh ngờ và bạch Phật rằng (Đại 9, 41 hạ): Bạch Thế tôn! Việc này đời khó tin lắm. Ví như có người sắc diện tươi tắn, mái tóc đen mượt, tuổi hai mươi lăm, lại chỉ người trăm tuổi và bảo đó là con của ta, người trăm tuổi cũng chỉ vào người thiếu niên mà bảo đây là cha tôi, đã sinh nuôi tôi. Việc ấy thật khó tin! Phật cũng vậy, được đạo thực chưa bao lâu, (…) làm sao làm được việc công đức lớn như thế ?. Sự tích trên đây được các tông phái bàn luận rất nhiều, dần dần triển khai thành giáo thuyết Bản môn, Tích môn, mà đặc biệt tông Thiên thai rất coi trọng. Bởi vì tông Thiên thai lấy kinh Pháp hoa làm Tông kinh, trong Năm thời tám giáo mà tông này phán lập, đem hai mươi tám phẩm trong kinh Pháp hoa phân biệt mười bốn phẩm trước là Tích môn ., mười bốn phẩm sau là Bản môn ., bảo toàn bộ giáo pháp mà Phật Thích ca nói trong khoảng hơn bốn mươi năm sau khi thành đạo là thuộc Tích môn và chia ra làm năm thời, bốn thời trước là Hoa nghiêm, A hàm, Phương đẳng, Bát nhã và thời thứ năm là thời Pháp hoa. Còn Bản môn là do Phật Tích môn mới thành gần đây, đã thị hiện nơi đời, tất dễ khiến người đời chấp trước Phật gần, mà lầm cho rằng từ xưa tới nay chỉ có đức Phật này ra đời, chứ không biết đức Phật vốn đã chứng thành Chính giác từ lâu (Phật gốc), mà Phật bây giờ đây chỉ là Phật mới chứng thành (Phật thị hiện). Để đánh tan sự nghi ngờ và chấp gần ấy, đức Thế tôn đặc biệt tuyên bố cho đại chúng biết là Ngài đã thực chứng đạo thành Phật từ lâu xa rồi, đồng thời, khiến các chúng Bồ tát đã được giáo hóa ở thời quá khứ xa xưa ấy xuất hiện trước mọi người để họ khế nhập lí mầu nhiệm của Bản, Tích. Tuy nhiên, mọi người vẫn chấp trước nơi Tích gần mà mê muội về Bản xa, cho nên, Bồ tát Di lặc mới thay đại chúng dãi bày lại mối nghi hoặc ấy. Đức Thế tôn nhân đó mà nói về thọ lượng của Như lai chẳng thể nghĩ bàn. Để giải thích thí dụ Cha trẻ con già được ghi trong kinh văn, sư Trạm nhiên bèn đặt ra tên thuốc này, bảo rằng đức Thích ca ở thời quá khứ xa xưa đã dùng linh dược Chủng trí hoàn niên, cho nên có hiệu quả trẻ lại, cũng như một thiếu niên sắc diện tươi tắn, mái tóc đen mượt là cái tướng trẻ Thùy tích hiện ra ngày nay, đó là nguyên ủy của Cha già mà như trẻ. Còn vô lượng Bồ tát từ dưới đất hiện lên cũng là thường trụ bất tử, tuy là đệ tử đời trước của Phật gốc, tích chứa vô lượng công đức tinh tiến và tuổi thọ vô lượng kiếp, nhưng đối với Phật Thích ca mới thành ngày nay, vẫn chỉ là Chúng được giáo hóa, vẫn cung kính cúng dường, cũng như những người con tóc bạc da nhăn, đó là nguyên ủy của Con trẻ mà như già vậy. Pháp hoa văn cú kí quyển 9 (Đại 34, 323 trung), nói : Sự có bản tích, lí không sớm chiều, người lầm mê lí mà mờ bản tích. (…) Nhưng bản đệ tử thì biết rõ tích gần, mà tích đệ tử thì mê bản xa – để phá trừ chấp gần, nên phải triệu hồi xưa mà chỉ bày cho nay biết. [X. kinh Pháp hoa phẩm Thọ lượng – Chú Duy ma kinh tự (Tăng triệu) – Pháp hoa cửu triệt Q.7 phần đầu]. (xt. Bản Tích Nhị Môn).