chúng sinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(衆生) Phạm: Bahu-jana, Jantu, Jagat hoặc Sattva. Dịch ý là chúng sinh, dịch âm là Bộc hô, Thiện na, Thiền đầu, Xã già, Tát đóa. Còn dịch là hữu tình, hàm thức (tức loài có tâm thức), hàm sinh, hàm tình, hàm linh, quần sinh, quần manh, quần loại. Danh từ Chúng sinh thông thưòng chỉ loài hữu tình trong cõi mê muội. Kinh Tạp a hàm quyển 6 (Đại 2, 40 thượng), nói: Phật bảo La đà, đối với sắc đắm đuối triền miên, gọi rằng chúng sinh. Kinh Trường a hàm quyển 22 phẩm Thế bản duyên nói, không nam nữ tôn ti trên dưới, cũng không có tên khác, cũng chung sống với nhau ở đời, cho nên gọi là chúng sinh. Câu xá luận quang kí quyển 1 giải thích là chịu nhiều sống chết, cho nên gọi là Chúng sinh. Luận Đại trí độ quyển 31, kinh Đại thừa đồng tính quyển thượng bảo, chúng sinh là do các duyên năm uẩn giả hợp mà sinh, cho nên gọi là Chúng sinh. Lại kinh Bất tăng bất giảm thì nói, pháp thân bị nhiều phiền não trói buộc, đi lại trong đường sống chết, cho nên gọi là chúng sinh. Thông thường thì cho những người bị vô minh phiền não che lấp mà trôi lăn trong vòng sống chết là chúng sinh. Nếu nói theo nghĩa rộng thì Phật và Bồ tát cũng bao nhiếp trong chúng sinh. Ma ha chỉ quán quyển 5 phần trên (Đại 46, 52 hạ), nói: Mang năm ấm, gọi chung là chúng sinh. Chúng sinh có khác nhau: mang ấm ba đường là chúng sinh tội khổ, mang ấm trời người là chúng sinh vui sướng, mang ấm vô lậu là chúng sinh thánh thiện, mang ấm từ bi là chúng sinh đại sĩ, mang ấm thường trụ là chúng sinh cực tôn qúi. [X. kinh Tạp a hàm Q.45, Pháp hoa văn cú Q.4 – Đại thừa nghĩa chương Q.6 – Vãng sinh luận chú Q.thượng].