chúng kinh mục lục

Phật Quang Đại Từ Điển

(衆經目錄) Là các thứ mục phân loại các kinh luận Hán dịch. Nói tắt là Kinh lục. Kinh lục sớm nhất là bản Hán lục do Chu sĩ hành đời Tam quốc ghi. Từ sau bản Tông lí chúng kinh mục lục của sư Đạo an được hoàn thành, thì mới hơi có đủ hình thức, và cũng mới bắt đầu gọi là Chúng kinh mục lục. Sư Bảo xướng đời Lương, Lí khuếch đời Bắc Ngụy, Pháp tạng đời Bắc Tề đều có soạn Chúng kinh mục lục, nhưng đã thất tán cả, hiện còn đến nay thì chỉ có hai loại đời Tùy và một loại đời Đường. Lại mục lục các kinh luận được soạn tập vào thời Vũ tắc thiên nhà Đường, đặc biệt gọi là Đại chu san định chúng kinh mục lục. I. Chúng kinh mục lục. Gồm bốn quyển. Do Bảo xướng đời Lương soạn. Còn gọi là Lương thế chúng kinh mục lục, Bảo xướng lục. Hiện đã mất. Cứ theo Lịch đại tam bảo kỉ quyển 11 Tề lương cập Chu đế đại lục chi tổng tự chép, thì vào năm Thiên giám 17 (518), nhà vua sai sa môn Bảo xướng soạn Kinh lục 4 quyển, gồm mười bảy khoa, khá tường tận. Cũng sách trên quyển 15 nêu lên các yếu mục, đại để bốn quyển thu chép một nghìn bốn trăm ba mươi ba bộ, một nghìn bảy trăm bốn mươi mốt quyển. Tập lục các kinh điển do An thế cao đời Hậu Hán đến Tuệ linh đời Lương phiên dịch, như Thiền kinh, Giới kinh, các kinh khác, Số luận, Chú sớ v.v… [X. Tục cao tăng truyện Q.1 truyện Bảo xướng – Đại đường nội điển lục Q.4 – Khai nguyên thích giáo lục Q.10 – Hậu Hán Tống Tề chí (…..) dịch kinh tổng lục (Thường bàn đại định)]. II. Chúng kinh mục lục. Có một quyển. Do Pháp thượng đời Bắc Tề soạn. Còn gọi là Tề thế chúng kinh mục lục, Pháp thượng lục, Đạt ma uất đa la lục. Nay đã thất lạc. Lịch đại tam bảo kỉ quyển 15 nêu các yếu mục, cộng thu tất cả Kinh Luật Luận, cả thật và giả, gồm bảy trăm tám mươi bảy bộ, hai nghìn ba trăm ba mươi tư quyển. Cứ theo Lịch đại tam bảo kỉ nói, thì bộ Kinh lục này ít nhất đã thu chép các kinh luật luận, Tạp tạng, kinh sao lại và các kinh ngờ là ngụy tạo, do An pháp hiền đời Tam quốc Ngụy đến Pháp ni đời Nam Tề phiên dịch. [X. Đại đường nội điển lục quyển 5 – Khai nguyên thích giáo lục Q.10]. III. Chúng kinh mục lục. Có một quyển. Do Lí khuếch đời Bắc Ngụy soạn. Còn gọi là Ngụy thế chúng kinh mục lục, Lí khuếch lục. Nay không còn. Bản Kinh lục này thu tập các kinh luật luận, các kinh có dịch mà không còn bản, tử chú, các kinh ngờ là giả, do An thế cao đời Hậu Hán đến Bồ đề lưu chi đời Hậu Ngụy phiên dịch, và cả các kinh luận chưa được dịch. Về niên đại soạn thuật thì có hai thuyết, một cho là khoảng năm Vĩnh bình (508-511) nhà vua ra chiếu chỉ soạn, một cho là khoảng năm Vĩnh hi (532-534) nhà vua ra chiếu chỉ soạn. [X. Lịch đại tam bảo kỉ Q.9, Q.15 – Đại đường nội điển lục Q.4]. IV. Chúng kinh mục lục. Gồm bảy quyển. Do Pháp kinh đời Tùy soạn. Còn gọi là Tùy chúng kinh mục lục, Pháp kinh lục. Thu vào Đại chính tạng tập 55. Thu chép các kinh luận được phiên dịch từ đời Hậu Hán đến đời Tùy. Lập thành chín lục, phân loại chép các mục của kinh được phiên dịch. Sáu quyển đầu là Biệt lục, quyển thứ bảy là Tổng lục, ngay đầu quyển có bài biểu dâng vua, kế đó, tổng kê mục thứ của bản lục. Theo quyển 7 chép chung chín lục, là: 1. Đại thừa Tu đa la tạng, ghi bảy trăm tám mươi tư bộ, một nghìn bảy trăm mười tám quyển. 2. Tiểu thừa Tu đa la tạng, ghi tám trăm bốn mươi hai bộ, một nghìn ba trăm linh bốn quyển. 3. Đại thừa Tì ni tạng, ghi năm mươi bộ, tám mươi hai quyển. 4. Tiểu thừa Tì ni tạng, ghi sáu mươi ba bộ, ba trăm tám mươi mốt quyển. 5. Đại thừa A tì-đàm tạng, ghi sáu mươi tám bộ, hai trăm tám mươi mốt quyển. 6. Tiểu thừa A tì đàm tạng, ghi một trăm mười sáu bộ, bốn trăm tám mươi hai quyển. 7. Phật diệt hậu sao tập, ghi một trăm bốn mươi tư bộ, sáu trăm hai mươi bảy quyển. 8. Phật diệt hậu truyện kí, ghi sáu mươi tám bộ, một trăm tám mươi lăm quyển. 9. Phật diệt hậu trứ thuật, ghi một trăm mười chín bộ, một trăm ba mươi tư quyển. Tổng cộng cả chín lục trên đây là hai nghìn hai trăm năm mươi bảy bộ, năm nghìn ba trăm mười quyển. Trong chín lục, sáu lục trước, mỗi lục đều có sáu phần là phần dịch, phần dịch khác, phần mất tên người dịch, phần biệt sinh, phần nghi ngờ, phần ngụy tạo – ba lục sau, mỗi lục có hai phần là phần Tây vực thánh hiền, phần Thử phương chư đức (các bậc Thánh hiền bên Tây vực, các bậc Đại đức ở Trung quốc), tất cả bốn mươi hai phần. những ghi chép trong bản lục này khá chính xác, nhất là phần nghi ngờ và ngụy tạo, đặc biệt được các học giả hiện đại coi trọng. [X. Khai nguyên thích giáo lục Q.10, Lịch đại tam bảo kỉ Q.3 – Đại đường nội điển lục Q.10]. V. Chúng kinh mục lục. Gồm năm quyển. Do các sa môn dịch kinh và một số học sĩ đời Tùy soạn chung. Sách được hoàn thành vào năm Nhân thọ thứ 2 (602) đời Văn đế nhà Tùy, người chủ soạn là Ngạn tông ở chùa Đại hưng thiện. Còn gọi là Tùy chúng kinh mục lục, Tùy nhân thọ niên nội điển lục, Nhân thọ lục, Ngạn tông lục. Thu vào Đại chính tạng tập 55. Trong sách phân loại chép ra các kinh điển được phiên dịch từ đời Hậu Hán đến đời Tùy. Chia làm năm phần: Đơn bản, Trùng phiên, Hiền thánh tập truyện, Biệt sinh, Nghi ngụy. Đơn bản lại được chia làm sáu khoa là Đại thừa kinh đơn bản, Đại thừa luật đơn bản, Đại thừa luận đơn bản, Tiểu thừa kinh đơn bản, Tiểu thừa luật đơn bản và Tiểu thừa luận đơn bản. Trùng phiên được chia nhỏ làm bốn khoa là Đại thừa kinh trùng phiên, Đại thừa luật trùng phiên, Đại thừa luận trùng phiên và Tiểu thừa kinh trùng phiên – Biệt sinh được chia nhỏ làm năm khoa là Đại thừa biệt sinh, Đại thừa biệt sinh sao, Tiểu thừa xuất biệt sinh, Tiểu thừa biệt sinh sao và Biệt tập sao. Đơn bản có ba trăm bảy mươi bộ, một nghìn bảy trăm tám mươi sáu quyển – Trùng phiên gồm hai trăm bảy mươi bảy bộ, năm trăm tám mươi ba quyển – Hiền thánh tập truyện có bốn mươi mốt bộ, một trăm sáu mươi tư quyển – Biệt sinh tám trăm mười bộ, một nghìn hai trăm tám mươi tám quyển – Nghi ngụy hai trăm lẻ chín bộ, bốn trăm chín mươi quyển – Khuyết bản bốn trăm linh hai bộ, bảy trăm bốn mươi bảy quyển. Tổng cộng tất cả là hai nghìn một trăm linh chín bộ, năm nghìn không trăm năm mươi tám quyển. Sự nghi chép về số quyển và tên các dịch giả khá rõ ràng. Cách phân loại của sách bắt chước Pháp kinh lục, nhưng khác xa Pháp kinh lục ở chỗ phân loại các bản có, bản thiếu mà Pháp kinh lục chưa phân loại, hơn nữa, bỏ bớt các kinh đã mất bản dịch và các sớ kí chưa được đưa vào Trung quốc. Sách này nay chỉ còn trong ba bản Tống, Nguyên, Minh, tạng Cao li thì thiếu. [X. Đại đường nội điển lục Q.10 – Khai nguyênthích giáo lục Q.7]. VI. Chúng kinh mục lục. Gồm năm quyển. Do Tĩnh thái đời Đường soạn. Còn gọi là Đại đường đông kinh Đại kính ái tự nhất thiết kinh luận mục, Tĩnh thái lục. Thu trong Đại chính tạng tập 55. Sách này là sự tăng bổ cho Chúng kinh mục lục do Ngạn tông đời Tùy soạn mà thành. Phần lớn tuy giống với Ngạn tông lục, nhưng trong số các bản thiếu, đã tìm được hai mươi bộ mới, hai mươi mốt quyển, đồng thời, tăng thêm bảy mươi lăm bộ, một nghìn ba trăm ba mươi lăm quyển dịch mới của Huyền trang. Tổng cộng thành hai nghìn hai trăm mười chín bộ, sáu nghìn chín trăm chín mươi tư quyển, nhưng thực thì là hai nghìn bốn trăm bốn mươi tư bộ, sáu nghìn năm trăm tám mươi quyển. Sự sai khác về con số trên đây, e là đã chép lầm, hay là đã lẫn lộn với các bản lục khác mà như thế. Lại sách này duy chỉ còn trong tạng Cao li, ba bản Tống Nguyên Minh thì thiếu. Trong Đại tạng kinh in nhỏ lại, đem bản lục này hợp chung làm một với Ngạn tông lục. [X. Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.18 – Đại tạng mục lục Q.trung].