chủ trung chủ

Phật Quang Đại Từ Điển

(主中主) I. Chủ trung chủ. Là một trong bốn Tân chủ do Thiền sư Lâm tế Nghĩa huyền đặt ra. Tân, chỉ người học, đồ đệ – Chủ, chỉ thầy dạy. Chủ trung chủ, có nghĩa là khi thầy tiếp dắt người học, đứng trên lập trường bản phận của mình, triển khai các phương pháp độc lập, hoạt bát, không câu chấp qui cách thông thường, bởi thế, trong Thiền lâm có danh xưng Sư gia hữu tị khổng (nhà thầy có lỗ mũi). Trái lại, nếu thầy một lòng muốn tiếp dắt học trò nhưng lại không khéo phá trừ sự chấp trước của học trò để khiến họ quay về lập trường bản phận, thì gọi là Chủ trung tân, đối với tình hình như vậy thì có danh xưng Sư gia vô tị khổng. [X. Ngũ gia tông chỉ toản yếu Q.thượng]. II. Chủ trung chủ. Là một trong bốn tân chủ do tông Tào động lập ra. Chủ chỉ chính, thể, lí – Tân chỉ thiên, dụng, sự. Chủ trung chủ, có nghĩa là bản thể của lí chẳng phải trực tiếp hiển hiện trên mặt sự hàng ngày. Động thượng cổ triệt quyển thượng (Vạn tục 125, 359 hạ), nói: Bản thể của lí chẳng đi lại với dụng, gọi là Chủ trung chủ, ví như ông vua ở trong cung sâu chín lớp. Trái lại từ trong lí thể tự nhiên có khả năng dẫn phát ra dụng và sự, gọi là Chủ trung tân. Động thượng cổ triệt quyển thượng (Vạn tục 125, 359 hạ), nói: Gần gũi từ thể phát ra dụng, gọi là chủ trung tân, ví như bề tôi vâng mệnh vua mà ra vậy.