chú trở

Phật Quang Đại Từ Điển

(咒詛) Là hành vi dùng lời bí mật cầu xin thẩn minh giáng tai ách cho kẻ thù. Còn gọi là Trở chúc…… Tại Ấn độ xưa, có hai loại chú pháp thịnh hành, một loại chú pháp tốt lành thêm ích (Phạm: Atharva), và một loại chú pháp điều phục (Phạm: Aígiras). Loại sau lại có phép điều phục ác ma và oán địch (Phạm: Àbhicarikàni) hoặc khiến cho chú trở của kẻ khác không còn hiệu lực, mà là phép phản kích trở lại phá diệt người chú trở (Phạm: Kftya-pratiharaịàni). Trong A thát bà phệ đà (Phạm: Atharvaveda) có chép các loại phép chú và vật chú. Trong Phật giáo cũng có ghi chép về loại phép chú này, và trong các kinh có nói xa lìa chú trở. Cứ theo kinh Dược sư bản nguyện nói, thì có những chúng sinh tính tình ngang ngược, thích đánh nhau, kiện tụng, sinh tâm ác đối với nhau, thân khẩu và ý bèn làm các điều ác, luôn luôn nghĩ kế hãm hại đối phương. Như cầu xin thần rừng, thần cây, thần núi, thần mồ mả, giết hại súc sinh, lấy máu thịt tế cúng hết thảy dạ xoa, la sát để cầu xin giúp đỡ cho việc làm ác hại của mình – lại viết tên của người mà mình thù ghét, vẽ hình dáng, rồi làm các loại chú thuật độc hại, khởi thi quỉ chú v.v… để giết hoặc làm tổn hại thân thể kẻ thù. Nếu những người như thế mà được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu li quang Như lai, thì sẽ tránh được sự thương tổn của ác chú, sẽ khởi tâm từ bi, tâm lợi ích, tâm không hiềm hận, tất cả đều vui hòa, yêu mến giúp đỡ lẫn nhau. Cứ theo đoạn văn thuật trên đây, có thể biết, tại Ấn độ thời xưa, hành vi dùng chú trở hãm hại kẻ địch đã rất phổ biến. [X. kinh Đại bảo tích Q.91 – kinh Tứ thiên vương – luận Thuận chính lí Q.42 – Pháp hoa kinh huyền tán Q.10 phần cuối – Tuệ uyển âm nghĩa Q.hạ].