chú thích thư

Phật Quang Đại Từ Điển

(注釋書) Chỉ các sách chú thích kinh điển. Trong ba tạngPàlicủa Phật giáo Nam truyền, kinh Phân biệt (Pàli: Sutta-vibhaíga) của tạng Luật là chú thích về giới bản, Nghĩa thích (Pàli: Niddesa) là chú thích về kinh Tập (Pàli: Suttanipàta) phẩm 4 đến phẩm 5, Bản sinh (Pàli: Jàtaka) là chú thích về kệ Bản sinh. Nói một cách đại để, trong kinh điểnPàli, sự chú thích về ba tạng Kinh Luật Luận rất là hoàn bị. Trong Đại tạng kinh Hán dịch của Phật giáo Bắc truyền, thì phần đầu của luật Tứ phần tương đương với kinh Phân biệt trong tạng luật Pàli – luận Phân biệt công đức là chú thích về kinh Tăng nhất a hàm, luận Đại trí độ là chú thích về kinh Đại phẩm Bát nhã, luận Đại tì bà sa là chú thích về luận Phát trí, Trung luận là chú thích về Trung luận bản tụng v.v… Các loại chú thích này đều rất nhiều. Đại tạng kinh Tây tạng cũng thế, trong đó có một phần kinh điển, cho đến nay vẫn còn cả nguyên bản tiếng Phạm tương đương với nội dung của một phần kinh điển ấy. Tại Trung quốc, từ thời đại Tam quốc trở đi đã có lưu hành chú kinh. Đến sau thời Nam Bắc triều, thì đã sản sinh Tập chú, tập hợp sự chú thích của các nhà. Lại còn có phương thức chú kinh là căn cứ vào Chú mà làm Sớ để diễn thuật thêm ý kinh. Bắt đầu từ thời Đường, một mặt có cách Mạt chú…… (tức là chú thích thêm cho chú thích), mặt khác thì xuất hiện một loại sách, gọi là Huyền nghĩa, Huyền luận, trình bày một cách đại khái về tôn chỉ của một bộ kinh hoặc bộ luận nào đó, mà phương pháp giải thuyết dần dần cố định thành Tam môn phân thuyết, Ngũ trùng huyền nghĩa v.v… Đến thời Tống thì lưu hành bản chung là kinh văn và chú thích hai bên đối chiếu với nhau. Sách chú thích của Nhật bản cũng nhiều, ở thời kì đầu, đại đa số theo phương pháp Trung quốc, từ thời đại Giang hộ trở về sau, có lưu hành các bản in với chú ở trên đầu và chú ở bên cạnh. Lại trong các loại sách chú thích, sách chuyên môn chú giải Kinh (Phạm: Sutra, dịch âm là Tu da la), gọi là Chú kinh, là giữa khoảng chính văn trong kinh, chua thêm chú để giải thích nghĩa lí của câu văn chính trong các kinh điển. Các Chú kinh của kinh điển Hán dịch, thông thường có hai hình thức: 1. Sau chính văn của một tiết hoặc một câu, chua thêm chú để giải thích văn chữ, rất nhiều Chú kinh dùng phương thức này. Chẳng hạn như sa môn Đạo an, giải thích đoạn văn đầu trong kinh Nhân bản dục sinh, như sau (Đại 33, 1 thượng): Tôi nghe như vầy, một thời kia đức Phật ở nước Câu loại nơi pháp trị (Kinh văn), A nan ghi tên nước trong đó được nghe Thánh giáo. Nơi pháp trị là thành vua (chú). Khi ấy, hiền giả A nan ngồi một mình ở chỗ vắng vẻ, suy nghĩ như thế, rồi sinh ý chưa từng có, ý ấy là vi diệu, gốc sinh tử cũng vi diệu, trong vi diệu nhưng đã hiển hiện rõ ràng (Kinh văn). Hiển hiện là thấy, ý ấy vi diệu, câu này không thuận (chú). Lại như Ấm trì nhập kinh chú hai quyển của Trần tuệ đời Ngô, Viên giác kinh lược sớ chú 4 quyển của Tôn mật và Tứ phần luật hàm chú giới bản ba quyển của Đạo tuyên đời Đường, Chú Tứ thập nhị chương kinh một quyển của Tống chân tông, Thủ lăng nghiêm nghĩa sớ chú kinh 20 quyển của Tử tuyền đời Tống, Chú giải kinh kim cương bát nhã của Tôn lặc và Như khởi đời Minh v.v… đều theo phương thức trên. Lại Pháp hoa kinh khoa chú 10 quyển của Thủ luân đời Tống thì kiêm cả khoa văn và chú. Như thế đủ biết, hình thức chú kinh đã có chuyển biến. 2. Ở giữa khoảng chính văn chua thêm hai dòng chữ nhỏ (như đồ biểu). Chú Duy ma cật kinh 10 quyển của Tăng triệu đời Hậu Tần, Chú Lăng nghiêm kinh (quyển đã rách nát) của Trí nghiêm đời Đường, Chú Kim cương bát nhã kinh 3 quyển của Tuệ tịnh, Chú Diệu pháp liên hoa kinh 10 quyển (không rõ tên người soạn) v.v… đều theo hình thức trên. Nhưng trong Đại chính tân tu Đại tạng kinh, Chú Duy ma cật kinh của Tăng triệu, vẫn chưa dùng hình thức hai dòng chữ nhỏ bên cạnh kinh văn, mà là ở phía dưới câu chính văn để cách một khoảng rồi in kiểu chữ cùng một cỡ với chữ của chính văn, Đây có lẽ muốn tiện cho việc ấn loát mà thay đổi hình thức chăng? [X. Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc Triều Phật giáo sử (Thang dụng đồng)].