chủ quan

Phật Quang Đại Từ Điển

(主觀) Trong quan hệ vật ngã, bản thân người nhận thức là chủ quan, cái mà chủ quan nhận thức là khách quan. Nếu người nhận thức không để cho cá tính hoặc một lập trường riêng tư của mình ảnh hưởng, mà nhận biết đối tượng một cách nguyên vẹn đúng như diện mục của nó, thì chân lí của sự nhận thức ấy gọi là chân lí khách quan, thừa nhận loại chân lí khách quan ấy, gọi là Chủ nghĩa khách quan – trái lại, thì gọi là Chủ nghĩa chủ quan. Trong Phật giáo, danh từ tương đương với chủ quan là Năng quan , Năng duyên – tương đương với khách quan là Sở quan ,Sở duyên .. Theo ý của luận Đại thừa khởi tín, thì chủ quan, từ trạng thái hiển hiện gọi là Năng kiến tướng (Kiến tướng, chuyển tướng), từ phương diện tác dụng nhận thức thì gọi là chuyển thức – Khách quan từ trạng thái hiển hiện gọi là Cảnh giới tướng (Cảnh tướng, Hiện tướng), từ phương diện tác dụng nhận thức thì gọi là hiện thức, vốn do mê hoặc sản sinh. Tức ngay từ gốc rễ của nó đã có vô minh, cho nên mới sinh ra tâm phân biệt và tác dụng phân biệt chủ quan, khách quan rồi tiến lên, đối với cảnh giới mê vọng này, sinh khởi tâm chấp trước (Thuyết tam tế lục thô). Do đó, sự tồn tại đích thực tách lìa chủ quan, khách quan mê vọng, tức hàm cái ý là sự tồn tại đích thực là tồn tại ở cái chỗ chưa chia ra chủ khách quan. Giới triết học hiện đại, dùng danh từ chủ thể thay cho từ chủ quan. Sự khu biệt giữa chủ thể và chủ quan là, chủ quan chỉ có ý vị là một tiếng dùng về mặt nhận thức luận mà thôi – còn chủ thể là tiếng dùng về mặt thực tiễn luận gồm cả hành vi và thực tiễn. (xt. Thực Tại Luận, Thực Chứng Chủ Nghĩa, Quan Niệm Luận).