chư pháp thật tướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(諸法實相) Chư pháp, hết thảy muôn pháp trong thế gian và xuất thế gian là các hiện tượng sai biệt, là các pháp tùy duyên – Thực tướng, thể tướng chân thực của các pháp là thực tại bình đẳng, là lí bất biến. Chư pháp thực tướng là một pháp ấn của Phật giáo Đại thừa, đối lại với ba pháp ấn của Tiểu thừa. Căn cứ theo kinh Đại phẩm bát nhã quyển 17 phẩm Thâm áo và kinh Pháp hoa quyển 1, phẩm Phương tiện nói, thì thực tướng của các pháp duy chỉ có Phật tự chứng biết chứ không thể diễn bày được bằng lời nói. Luận Đại trí độ quyển 18 bảo thực tướng của các pháp tức là Bát nhã ba la mật. Nghĩa là thực tướng các pháp mà thế tục nói chỉ là yên nước giữ nhà, tuyệt chẳng phải chân thực – còn thực tướng của các pháp mà ngoại đạo nói đều rơi vào trong pháp tà kiến, tâm có đắm đuối, cho nên chẳng phải chân thực – trong pháp Thanh văn tuy lấy vô thường, khổ, không, vô ngã mà quán xét thực tướng của các pháp, nhưng họ chỉ tự cầu giải thoát khỏi những cái khổ già, bệnh, chết chứ chẳng vì hết thảy chúng sinh, không đầy đủ trí tuệ, cho nên chưa có thể cùng suốt thực tướng – duy chỉ có Bồ tát vào lúc mới phát tâm đã phát thệ nguyện rộng lớn, khởi đại từ bi cúng dường hết thảy chư Phật, dùng trí đại lợi, bỏ hết các pháp quán vọng kiến, như quán sạch, quán chẳng sạch, quán vui, quán khổ v.v… mà quán các pháp chẳng phải sạch, chẳng phải chẳng sạch, cho đến chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, rồi lại bỏ các pháp quán như trên, mà đạt đến mức dứt đường nói năng, diệt chỗ tâm hành, đó mới là cùng suốt thực tướng của các pháp. Trung luận quyển 3 phẩm Quán pháp, luận Đại trí độ quyển 15, Tư duy lược yếu pháp v.v… cũng cho tách lìa những hí luận, như chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng đoạn, chẳng thường, tâm hành xứ diệt, tức là thực tướng của các pháp. Đại sư Gia tường thuộc tông Tam luận, trong Đại thừa huyền luận quyển 4, bảo thực tướng là cái mà thực trí Bát nhã soi rọi. Ngài Trí khải tông Thiên thai, trong Ma ha chỉ quán quyển 1 phần trên, bảo thực tướng là đối cảnh do Viên đốn chỉ quán quán xét. Trung luận và luận Đại trí độ đều nói Rốt ráo không là thực tướng các pháp, còn ngài Trí khải thì lại lấy Trung đạo làm thực tướng, đồng thời, trong Pháp hoa kinh huyền nghĩa quyển 8 phần dưới, quyển 9 phần trên, có nêu lên mười hai tên gọi khác của thực tướng, như Diệu hữu, Như như, Hư không phật tính, Phi hữu phi vô trung đạo v.v… Cho nên, sự giải thích của các tông về thực tướng của các pháp không nhất trí. Lại như tông Tịnh độ lấy danh hiệu của Phật A di đà làm thực tướng của các pháp, tông Chân ngôn thì lấy chữ A vốn chẳng sinh làm thực tướng các pháp, tông Hoa nghiêm lại lấy Nhất chân pháp giới làm thực tướng các pháp, tông Pháp tướng thì lấy tính viên thành thực làm thực tướng pháp giới, tông Thành thực lấy giai không làm thực tướng các pháp, còn Hữu bộ tông thì lấy khổ, không, vô thường, vô ngã làm thực tướng các pháp. Trong tư tưởng Đại thừa, thuyết có khả năng biểu hiện thực tướng các pháp một cách độc lập nhất, thì trước hết phải kể đến giáo nghĩa thuộc hệ thống Long thụ, sau lại chia lập thành hai phái Trung luận và Đại trí độ luận. Nay lấy hai tông Tam luận và Thiên thai là các tông đã nối theo hai tư trào trên đây để thuyết minh: 1. Tông Tam luận, theo thuyết trong kinh Bát nhã, nhất là coi trọng văn tụng Bát bất trong Trung luận (Đại 30, 1 trung): Chẳng sinh cũng chẳng diệt, chẳng thường cũng chẳng đoạn – chẳng một cũng chẳng khác, chẳng đến cũng chẳng đi. Cho rằng cái không chẳng thể được là thực tướng của các pháp, đó là cái lí phủ định tuyệt đối bất khả tư nghị, siêu việt cả khẳng định và phủ định thông thường – cũng tức là cái chân lí chẳng thể được mà khi đã phá trừ hết tất cả mê vọng thì liền thấy. 2. Tông Thiên thai, về thực tướng các pháp, tông Thiên thai chia ra ba lớp để giải thích: a. Hết thảy hiện tượng (các pháp) nương vào nhân duyên mà sinh, chỉ là nhân duyên giả hiện chứ không có thực thể – vì bản chất của các pháp là lí không (thực tướng), cho nên gọi lí ấy là thực tướng của các pháp. b. Tất cả cái không và cái có gọi là các pháp, cái lí trung đạo (thực tướng) khẳng định tuyệt đối, siêu việt không và có, đó tức là thực tướng các pháp. c. Hết thảy sự sự vật vật trong thế giới hiện tượng khế hợp với lí thực tướng của ba đế Tức không, Tức giả, Tức trung, như vậy các pháp tức là thực tướng và đó chính là thực tướng của các pháp. Trên đây, hai lớp trước là thuộc Đại thừa thiên giáo (giáo chỉ thiên về một bên, chỉ cho Tiểu thừa và Quyền giáo trong Đại thừa) – lớp thứ ba thuộc Đại thừa viên giáo. Ngoài ra Thiền tông thì cho thực tướng của các pháp là cái Bản lai diện mục. (cái mặt mày thật) do chư Phật hoặc lịch đại Tổ sư đã ngộ đạo biểu hiện. [X. kinh Đại bảo tích Q.78 phẩm Cụ thiện căn – kinh Chư pháp vô hành – kinh Phật tạng Q.thượng phẩm Chư pháp thực tướng – kinh Tọa thiền tam muội Q.hạ – Đại nhật kinh sớ Q.1 – Đại thừa nghĩa chương Q.trung – Chú Duy ma kinh Q.2 – Pháp hoa nghĩa kí Q.2 – Tứ niệm xứ Q.3 – Tam luận huyền nghĩa – Tông kính lục Q.40].