chư pháp nhân duyên sinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(諸法因緣生) Có nghĩa là các pháp dựa vào nhân duyên mà sinh. Giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo bảo rằng, phàm cái đã do nhân duyên mà sinh thì đều không có tự tính, tự thể, là biến hoá vô thường – mà vô thường tức là khổ. Trong bốn đế khổ, tập, diệt, đạo, thì câu kệ Chư pháp nhân duyên sinh này đã nói rõ các nỗi khổ, không, vô thường, vô ngã của khổ đế, cũng tức là câu đầu của kệ pháp thân, kệ này cũng có thể được gọi là Duyên sinh kệ, hoặc Duyên khởi kệ. Đức Phật thường dùng kệ này để nói rõ cái tướng sinh diệt vô thường của các pháp. Đệ tử Phật, khi giáo hoá thay Phật, cũng thường dùng kệ này để mở tỏ chính kiến của người khác, như ngài Xá lợi phất, khi chưa qui y Phật, đã được tỉ khưu Mã thắng (A thuyết thị) nói cho nghe bài kệ (Đại 25, 135 hạ): Các pháp nhân duyên sinh, nhân duyên còn pháp còn, nhân duyên diệt pháp hết, Đại sư nói như thế. [X. kinh Phật bản hạnh tập Q.48 – luận Đại trí độ Q.11, Q.18 – Đại nhật kinh sớ Q.6].