chư pháp giai không

Phật Quang Đại Từ Điển

(諸法皆空) Có nghĩa là hết thảy các pháp đều chẳng thường trụ mà là xưa nay vốn vắng lặng. Cũng như nghĩa hết thảy đều không. Tức là hết thảy hiện tượng do những nguyên nhân, điều kiện tương quan, tương đối nương nhau mà tồn tại, chứ không một hiện tượng nào có thực thể độc lập riêng biệt. Nói cách khác, tất cả sự tồn tại đều không có thực thể. Đối với nghĩa Chư pháp giai không, Đại thừa, Tiểu thừa có thuyết khác nhau. Tiểu thừa cho các pháp sắc, tâm đều nhờ nhân duyên mà sinh khởi, rồi phân tích từng li từng tí cho đến rốt ráo là không và tuyên bố các pháp đều là không. Đại thừa thì đứng trên lập trường nhân duyên hòa hợp mà thuyết minh các pháp đều không tự tính, cũng tức là dùng nghĩa đương thể tức không để giải thích rõ lí các pháp đều không. Trong các tông phái Đại thừa, tông Tam luận chuyên bàn về lí các pháp đều không, cho nên trong mười tông phán thích của Hoa nghiêm, tông Tam luận được phán là Nhất thiết giai không tông. Còn nói về các tông phái khác, thì như tông Thiên thai lập ba đế Không, Giả, Trung, trong đó, Không đế y vào kinh Bát nhã nói các pháp đều do nhân duyên sinh, không có thực thể nào có thể được, cho nên bảo các pháp đều không. [X. kinh Đạo hành bát nhã Q.5 – luận Đại trí độ Q.18].