chu lợi bàn đặc

Phật Quang Đại Từ Điển

(周利槃特) Phạm: Cùđapanthaka, Cullapatka, Kwullapanthaka, Uddhipaôthaka, Pàli: Cullapanthaka, Cùơapanthaka. Vị thứ 16 trong 16 La hán. Còn gọi là Chu lị bàn đà già, Chú đồ bán thác ca, Côn nỗ bát đà na, Chú lị bàn đà già, Tri lị mãn đài, Chu la ban đà. Nói tắt là Bàn đà, Bàn thác già. Dịch ý là Đường nhỏ, Sinh bên đường. Là con một người Bà la môn ở thành Xávệ lúc đức Phật còn tại thế, sau cùng với anh là Ma ha bàn đặc (Phạm: Mahàpanthaka) cùng làm đệ tử Phật. Bẩm tính thô kịch ngờ nghệch, phàm đọc giáo pháp thì đọc trước quên sau, cho nên người ta gọi là Đường ngu. Về sau, đức Phật chỉ dạy một câu ngắn gọn là quét bụi trừ bẩn, bảo sư khi lau chùi giày dép của các tỉ khưu thì đọc đi đọc lại, cứ thế dần dần trừ được nghiệp chướng và, một ngày kia, thình lình tỏ ngộ chứng được quả A la hán. Sau khi chứng ngộ, có đủ các thần thông, có thể thị hiện các loại hình tượng, từng hiện sức thần lớn nói pháp cho lục quần tỉ khưu nghe. Đến đời sau, phổ thông đều tin rằng Chu lị bàn đặc cùng với một nghìn sáu trăm A la hán quyến thuộc cùng ở núi Trì trục, hộ trì chính pháp, lợi ích hữu tình. Quán hưu đời Đường vẽ các La hán rất khéo, đã từng vẽ Chu lị bàn đặc ngồi trong hốc cây khô, tay trái dơ ra, ngón tay có ngón co ngón duỗi. Lại trong Đại a la hán nan đề mật đa la sở thuyết pháp trụ kí, ngài được xếp vào vị thứ 16 trong 16 La hán, còn Tây tạng truyền thì liệt vào vị thứ 11. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.8 – kinh Pháp cú thí dụ Q.2 – luật Thập tụng Q.11 – Hữu bộ tì nại da Q.31 – Thiện kiến luật tì bà sa Q.16 – luận Đại tì bà sa Q.18].