chu hi

Phật Quang Đại Từ Điển

(朱熹) (1130-1200) Nhà Lí học đời Nam Tống. Người Vụ nguyên, Huy châu (tỉnh An huy), tự Nguyên hối, Trọng hối, hiệu Hối am, Hối ông, Tử dương, đời gọi là Chu tử hoăc Chu văn công. Đậu tiến sĩ năm Thiệu hưng 18 (1148). Năm hai mươi mốt tưổi gặp Lí diên bình, được nghe Lạc học chính thống, bèn theo Bình và tĩnh tâm tu dưỡng, rồi noi theo cái học của hai Trình và Chu liêm khê mà tập đại thành nền Lí học đời Tống. Học thuyết của ông được mệnh danh là Tống học, Tính lí học, Lí khí học, Lí học, Đạo học v.v… Khi còn ít tuổi ông từng đã đọc tụng các trứ tác của các Thiền sư Đại tuệ Tôn cảo, Qui sơn Linh hựu, Vĩnh minh Diên thọ và nghiên cứu rộng các kinh điển. Ngoài ra, cứ theo truyền, ông còn ngồi Thiền nữa, do đó có thể biết, học thuyết của ông đã chịu ảnh hưởng Phật giáo rất nhiều. Tuy nhiên, đối với Phật giáo, ông cũng tự đứng về các phương diện mà phê phán và luận nạn một cách nghiêm khắc, nhất là đối với thuyết Duy tâm của Phật giáo, ông đã bỏ hết công sức ra để phê phán, đồng thời cho rằng, các kinh điển Phật, ngoài kinh Bốn mươi hai chương ra, tất cả các kinh khác đều có thể đã do người Trung quốc ngụy soạn hoặc nhuận sắc. Ông trứ tác rất nhiều, có: Tứ thư chương cú tập chú, Thông giám cương mục, Chu văn công tập, Chu tử ngũ loại v.v… Ông mất vào năm Khánh nguyên thứ 6 đời vua Ninh tôn, thọ bảy mươi mốt tuổi.