chư hành

Phật Quang Đại Từ Điển

(諸行) I. Chư hành. Chỉ hết thảy pháp hữu vi. Hành (Phạm: Saôskàra, Pàli: Saíkhàra), tức là những cái do nhân duyên hòa hợp mà được tạo ra. Trong Phật giáo căn bản, Chư hành đồng nghĩa với Nhất thiết, Chư pháp. Nhưng Phật giáo bộ phái thì cho Chư hành chỉ cho các pháp hữu vi thôi, còn Nhất thiết, Chư pháp, không những chỉ là pháp hữu vi, mà còn chỉ cho cả các pháp vô vi nữa. Các pháp hữu vi do nhân duyên hình thành chẳng phải là vĩnh viễn bất biến, mà luôn luôn biến hóa lưu động (tức vô thường), cho nên bảo là Chư hành vô thường. Kệ vô thường được ghi trong kinh Niết bàn (bản Bắc) quyển 14, Chư hành vô thường là câu đầu. Chư hành vô thường là một trong ba Pháp ấn, là tư tưởng căn bản của Phật giáo. [X. luận Câu xá Q.22 – Trung luận phẩm Quán hành – Pháp hoa huyền nghĩa Q.10]. II. Chư hành. Chỉ các hành vi tốt lành của thân, khẩu, ý tu tập để đạt đến Bồ đề. Cũng gọi là Vạn hạnh. Hành (Phạm: Caryà, Pàli: Cariyà), là nghĩa động tác, hành vi. Trong Tịnh độ giáo, ngoài thiện hành xưng danh niệm Phật ra, các thiện hành khác gọi là Chư hành, cũng gọi là Định tán chư hành, Dư hành. Và gọi những người tu Chư hành mà được vãng sinh Cực lạc là Chư hành vãng sinh. Trong các tông phái Tịnh độ Nhật Bản, cũng có thuyết chủ trương chân ý bản nguyện của Phật A di đà là ở nơi Chư hành vãng sinh, gọi là Chư hành bản nguyện nghĩa – còn thuyết chủ trương nếu chỉ nương vào Chư hành thì không có cách nào được vãng sinh, gọi là Chư hành bất sinh nghĩa. [X. luận Thích tịnh độ quần nghi Q.4 – An lạc tập Q.hạ].