CHÚ GIẢI TÂM KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

SỐ 1714

MỘT QUYỂN

Hán dịch Huyền Trang

 

Căn cứ theo bản dịch của Ngài Thi Hộ (đời Tống): “Thế Tôn ở trong núi Linh Thứu nhập vào Quang minh thâm sâu để tuyên nói chánh pháp Tam-ma-đề. Xá-lợi-tử bạch Bồ-tát Quán Tự Tại: Nếu có người muốn tu học pháp môn Bát-nhã sâu xa thì phải tu học như thế nào? Bồtát Quán Tự Tại liền nói kinh này. Kinh này là do Phật nói. Đây là tinh yếu của đại bộ Bát-nhã, cho nên biết Bồ-tát nói tức là Phật nói. Kinh này khi truyền đến Trung Hoa gồm có năm bản dịch. Nay căn cứ theo bản dịch của Ngài Huyền Trang vì đây là bản dịch rất được thịnh hành ở Trung Hoa. Bát-nhã là tiếng Phạm, Trung Hoa gọi là trí tuệ. Ba-la mật đa, Trung Hoa dịch là “Đáo bỉ ngạn” (đến bờ kia) chúng sanh do mê mờ tánh tuệ mà chìm đắm trong sanh tử nên nói là bờ này (sanh tử). Bồ-tát do tu Bát-nhã mà ngộ được tánh tuệ đến Niết-bàn nên nói là bờ kia. Tâm là tâm Bát-nhã, tâm Bát-nhã này người người vốn đều có đủ. Nói kinh này là muốn khiến chúng sanh đoạn trừ vọng tâm để hiển bày, phát khởi bản tánh. Kinh là pháp là thường, kinh này riêng lấy pháp làm tên, thực tướng làm thể, quán chiếu làm tâm, độ khổ làm dụng, Đại thừa làm tướng giáo. Năm thứ này đều là yếu chỉ được nói ở trong kinh. Riêng lấy pháp tức là Bát-nhã-Ba-la-mật-đa. Thật tướng tức là tướng không của các pháp. Quán chiếu tức là chiếu soi thấy năm uẩn đều “không”. Độ khổ là độ thoát tất cả các khổ ách. Đại thừa là sự hành thâm Bát-nhã của Bồ-tát.

“Quán Tự Tại Bồ-tát khi hành sâu vào Bát-nhã-Ba-la-mật-đa”.

Quán Tự Tại là vị Bồ-tát năng tu tập. Bát-nhã-Ba-la-mật-đa là pháp tu của Bồ-tát. Bồ-tát dùng trí Bát-nhã quán chiếu để hiểu rõ tự tâm vốn thanh tịnh viên dung, không chướng ngại nên gọi là tự tại, đây gọi là tự hành. Lại nữa nhớ nghĩ đến chúng sanh thọ khổ ở thế gian mà nói pháp này khiến họ tu tập cải ác làm thiện, lìa khổ được vui và luôn tự tại, đây gọi là hóa tha. Bồ-tát, tiếng Phạm gọi là Bồ-đề tát đỏa, Trung hoa dịch là “giác chúng sanh”. Nhưng xưng “Bồ-tát” là theo cách ước lược từ ngữ mà nói. Hành là tu hành. “thâm Bát-nhã” là thật tướng Bát-nhã. Đây chẳng phải tâm thô sơ, trí thiển cân mà là sự quán chiếu sâu xa cho nên gọi là ‘thâm’. Thời là khi Bồ-tát tu hành Bát-nhã.

“Soi thấy năm uẩn đều không độ tất cả khổ ách” Chiếu (soi) tức là quán sát. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng hành và thức. Uẩn là sự tích tập. Không là chân không. Sắc là sắc thân. Thọ là lãnh nạp. Tưởng là tư tưởng. Hành là tạo tác. Thức là phân biệt. Lại nữa, thức là tâm vương. Thọ, tưởng và hành là tâm sở. Độ là độ thoát. Tất cả khổ ách là các khổ của thế gian. Bồ-tát do soi thấy năm uẩn đều “không tịch” mà lìa khỏi khổ sanh tử. Lại vì thương chúng sanh sống trong mê muội mộng tưởng điên đảo, bỏ lý, loạn thường không trung không hiếu, tạo mười điều ác, năm tội ngỗ nghịch cho đến thọ các khổ não nên nói pháp môn Bát-nhã này khiến họ tu tập đều đạt đến giải thoát.

Một đoạn trên là khi A-nan kiết tập tạng có thuật lại công hạnh độ sanh của Bồ-tát Quán Tự Tại. Đây là lời tựa riêng biệt. đoạn dưới từ Xá-lợi-tử” trở xuống mới nói về cuộc vấn đáp giữa Xá-lợi-tử và Bồ-tát Quán tự tại.

Xá-lợi-tử là người đệ tử có trí tuệ bậc nhất của Phật. Nhân đó mà ông thay mặt đại chúng để nêu ra câu hỏi. Cho nên Bồ-tát nói lên tên ấy mà bảo rằng “Sắc không khác “không”, “không” không khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy”. Sắc tức là tứ đại huyễn sắc. Không là chơn không Bát-nhã. Chúng sanh do mê mờ đối với chơn không mà thọ thân huyễn sắc. Thí như thành băng là của nước. Bồ-tát do tu trí tuệ Bát-nhã mà quán chiếu huyễn sắc là chơn không giống như băng chảy ra là nước. Tuy nhiên, sắc cùng không, thể của nó không có khác nhau nên nói “sắc không khác “không”, “không” không khác sắc, như băng không khác nước, nước không khác băng. Lại sợ chúng sinh căn tánh ám độn không hiểu rõ do còn thấy hai thứ sắc, không nên nói “sắc tức là không, không tức là sắc” như băng chính là nước, nước chính là băng. Thọ tưởng hành thức cũng không ngoại lệ. Đây là nói lên yếu chỉ của một kinh tức tâm Bát-nhã.

“Xá-lợi-tử! Tướng không của các pháp này, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không tăng, không giảm”. Các pháp ấy là chỉ năm uẩn trước. Không tướng tức là chơn không thật tướng. Bồ-tát lại bảo Xá-lợi-tử rằng: Tức hiểu rõ đương thể của các pháp, tức là chơn không thực tướng. Thể của thật tướng vốn không sanh không diệt. Đã không sanh diệt thì làm gì có sạch và nhơ! Đã không có sạch và nhơ thì làm gì có tăng và giảm!

“Cho nên trong “không” không có sắc, không có thọ tưởng hành thức”. Trong thật tướng chơn không này đã không thể dùng sanh diệt, nhơ bẩn và tăng giảm để cầu mong, cho nên tổng kết nói “không có sắc, không có thọ tưởng hành thức”. Không có tức là “không”.

“Không có nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Trong chơn không thật tướng đã không có năm uẩn thì cũng không có sáu căn và sáu trần. Đây là nói đến mười hai nhập đều “không”.

“Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới” đã không có mười hai nhập thì lẽ dĩ nhiên không có mười tám giới. Mười tám giới tức là sáu căn sáu trần và sáu thức. “cho đến” tức là nêu lên phần đầu và phần cuối của nó nhưng lược ở giữa. Như năm uẩn mười hai nhập và mười tám giới ở trên đều không vượt ra khỏi hai pháp tâm và sắc. Vì người mê tâm nặng mà nói năm uẩn. Vì người mê sắc nặng mà nói mười hai nhập. Vì người mê cả tâm lẫn sắc mà nói mười tám giới. Ngừoi tu tập ba khoa trở lên trên thì tùy theo khí căn mà chỉ tu một khoa tức có thể ngộ nhập.

“Không có vô minh cũng không có vô minh tận cho đến không có lão tử cũng không có lão tử tận”. đây là nói lên mười hai nhân duyên đều “không”. Vô minh tức là si mê. Nghĩa là đối với bản tánh không thông hiểu rõ ràng, chẳng phải cây cỏ vô tri mà chính là trái lý, gượng biết. Không có vô minh tức là Bồ-tát dùng trí Bát-nhã quán sát vô minh này. Bản tánh ấy vốn là không, không có tướng sanh diệt cho nên nói là không có vô minh cũng không có vô minh diệt tận. “cho đến không có lão tử cũng không có lão tử diệt tận”. Nghĩa là cũng đồng như trước, chỉ vì, ở đây nêu lên phần đầu và cuối mà lược bỏ phần giữa. “Tướng sanh” là như kinh Pháp Hoa nói “Vô minh duyên hành, cho đến sanh duyên lão tử”. “tướng diệt” là như kinh nói “vô minh diệt tức hành diệt cho đến sanh diệt tức lão tử diệt”. Mười hai nhân duyên cũng gọi là mười hai “chi hữu”.

  1. Vô minh cũng gọi là phiền não.
  2. Hành nghĩa là tạo tác các nghiệp. Hai chi này là nhân tạo tác ở quá khứ.
  3. Thức nghĩa là vọng niệm khởi lên ban đầu gửi sanh vào thai mẹ.
  4. Danh sắc nghĩa là sau khi gửi sanh vào thai mẹ mà sanh ra các hình tướng căn.
  5. Lục nhập tức ở trong thai mẹ mà hình thành nên sáu căn.
  6. Xúc là xuất ra khỏi thai mẹ rồi sau đó sáu căn tiếp xúc với sáu trần.
  7. Thọ nghĩa là lãnh nạp sự xấu, tốt của thế gian. Năm chi này là quả thọ nhận trong hiện tại
  8. Ái nghĩa là tham đắm năm thứ dục nhiễm.
  9. Thủ nghĩa là đối với các cảnh mà sanh tâm chấp trước.
  10. Hữu nghĩa là tạo ra nhân hữu lậu có thể chiêu cảm quả trong đời vị lai. Ba chi này là nhân tạo tác trong hiện tại.
  11. Sanh nghĩa là thọ thân năm uẩn trong đời vị lai.
  12. Lão tử nghĩa là thân vị lai đã già mà chết. Hai chi này là quả sẽ thọ nhận trong đời vị lai.

Mười hai nhân duyên này bao gồm cả nhân quả trong ba đời, lần lượt làm nhân nương tựa vào nhau như bánh xe xoay chuyển không có lúc nào ngừng nghỉ. Tuy nhiên, tất cả chúng sanh do mê muội mà không nhận biết. Thật đáng thương thay! Đây vốn là cảnh quán của người tu bậc Duyên-giác. Đại thừa Bồ-tát quán chiếu thấu rõ cảnh ấy đều không có tánh thật cho nên nói “không có”.

“Không có khổ, tập, diệt, đạo”. không có khổ, tập, diệt, đạo tức là quán bốn đế thanh tịnh. Khổ tức quả khổ của sanh tử. Tập là nhân khổ của nghiệp hoặc. Hai thứ này là pháp thế gian. Diệt là quả vị Niết-bàn an vui. Đạo là nhân an vui của phẩm đạo. Hai đế này là pháp xuất thế gian. Nói bốn đế này là muốn chúng sanh biết rõ khổ để đoạn tập nhằm ưa thích “diệt” mà tu đạo để lìa khổ, được an vui. Đây vốn là cảnh sở quán của hàng Thanh-văn. Bồ-tát Đại thừa quán chiếu rõ cảnh này biết thể của nó vốn “không tịch” nên nói không có.

“Không có trí cũng không có đắc”. Trí là trí Tuệ Bát-nhã. Bồ-tát Đại thừa dùng trí này để quán chiếu cảnh. Đã không có năm uẩn và các pháp tứ đế thì nhơn và pháp đều không, trí và cảnh đều mất. Như bệnh hết thì không dùng thuốc nữa cho nên nói không có trí cũng không có chứng đắc.

“Vì không có chỗ chứng đắc” Đây là tổng kết đoạn trước dẫn đến đoạn sau mà nói: “Bồ-đề tát đỏa nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa cho nên tâm không có vướng ngại. Do không có vướng ngại nên không có sợ hãi mà xa lìa mộng tưởng điên đảo để đạt đến Niết-bàn rốt ráo”.

“Bồ-đề tát đỏa” nghĩa là người năng nương tựa (chủ thể nương tựa). Bát-nhã Ba-la-mật-đa là pháp môn Bát-nhã đã dựa vào (sở y). Bồtát nương vào pháp môn Bát-nhã mà tu học công thành tựu mà hiển bày chơn lý, nên được tâm không bị nghiệp ràng buộc. Do không bị nghiệp ràng buộc nên không sợ hãi sanh tử. Do không sợ hãi sanh tử nên không có phiền não điên đão. Ba chướng đã trở thành “không” ba đức bèn hiển bày nên nói Niết-bàn cứu cánh. Niết-bàn, Niết-bàn tiếng Phạm gọi là Ma ha bát Niết-bàn bản na. Trung Hoa gọi là Đại diệt độ. Đại tức là Pháp thân. Diệt tức là giải thoát, Độ tức là Bát-nhã. Ba đức này chẳng phải có riêng biệt với ba chướng. Mê thì gọi là ba chướng còn ngộ thì nói ba đức. Đó nghĩa là đến sanh tử tức Pháp thân, phiền não tức Bát-nhã, kiết nghiệp tức Giải thoát. Nhưng mặc dù chướng là đức mà tự nó không có công dụng Bát-nhã thì đức không thể hiển lộ. Ví như lau gương dơ hết, thì gương sáng liền hiện ra, tức là nghĩa này.

“Chư Phật ba đời đều nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”. Ba đời tức là quá khứ, hiện tại và vị lai. A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, Trung Hoa dịch là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ở đây nói chẳng phải chỉ có Bồ-tát tu chứng như vậy mà tất cả chư Phật đều tu Bát-nhã để chứng thành chánh giác.

“Cho nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú”. Trước là hiển bày nói Bát-nhã. Sau là bí mật nói Bát-nhã. Nhưng đã hiển bày nói lại còn bí mật nói là sao? Đây là do căn tánh chúng sanh bất đồng nên sự chứng nhập cũng có khác. Bốn loại “chú” là nói lên công dụng của Bát-nhã. Do có khả năng phá trừ ma chướng nên gọi là “đại thần chú”. Có có khả năng diệt trừ si ám nên gọi là “đại minh chú”. Do có khả năng hiển bày chánh lý cao cả nên gọi là “vô thượng chú”. Do có khả năng đạt đến quả Diệu giác vô dư tột bực nên gọi là vô đẳng đẳng chú”.

“Có thể trừ tất cả khổ, chơn, thật không hư”. Đây là kết luận công dụng rộng lớn của Bát-nhã trừ khổ được vui quyết định không nghi khiến các chúng sanh tín thọ phụng hành.

“Cho nên nói chú Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tức liền nói chú rằng:

Yết đế, yết đế, Ba-la yết đế, Ba-la tăng yết đế, Bồ-đề tát bà ha”. Bên trên là mật nói Bát-nhã. Đây là một trong năm loại không thể dịch, bởi vì chú là mật ngữ của Phật, chẳng phải sự hiểu biết của hàng phàm phu. Sớ Pháp Hoa nói “chú là danh hiệu của vua quỷ thần, khi xưng là tên vua thì các bộ lạc đều tôn kính chủ nên có thể hàng phục tất cả quỷ mị”. Hoặc nói rằng chú là như mật hiệu trong quân lính chỉ có xướng lên tương ứng chứ không hề la hỏi.” Lại nữa, chú là nguyện. Như con tò vò bắt sâu bộ để nguyện làm đồng lôại với mình. Phật và Bồ-tát nói chú để nguyện cho các chúng sanh đều đồng như sự chứng đắc chánh giác của Phật và Bồ-tát. Nếu có thể đọc tụng chú này thì nguyện nào cũng thành tựu.