chính tượng mạt

Phật Quang Đại Từ Điển

(正像末) Còn gọi là Chính tượng mạt tam thời, Tam thời. Tức là ba thời kì biến thiên Chính, Tượng, Mạt của giáo pháp ở đời. Cứ theo kinh Đại thừa đồng tính quyển hạ, Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 6 phần đầu nói, thì ba thời là: 1. Sau khi đức Như lai nhập diệt, giáo pháp ở đời, người y theo giáo pháp mà tu hành thì có thể chứng được quả ngay, gọi là Chính pháp (Phạm: Saddharma). 2. Tuy có giáo pháp và người tu hành, nhưng phần đông không được chứng quả, gọi là Tượng pháp (Phạm: Saddharmapratirùpaka). 3. Giáo pháp cuối đời, người tuy có theo giáo, nhưng không thể tu hành chứng quả, gọi là Mạt pháp (Phạm: Saddharmavipraloba). Song, Pháp hoa huyền luận quyển mười nói, sự phân biệt Chính, Tượng có nhiều thuyết: 1. Khi đức Phật còn tại thế là Chính pháp, sau khi Phật nhập diệt là Tượng pháp. 2. Thời đại chia thành các bộ phái khác nhau là Chính pháp, thời đại các bộ phái chia rẽ lộn xộn là Tượng pháp. 3. Thời đại có nhiều người đắc đạo là Chính pháp, thời đại ít người đắc đạo là Tượng pháp. 4. Thời đại chính pháp chưa phá là Chính pháp, thời đại chính pháp đã phá là Tượng pháp. 5. Chưa sinh ác pháp là Chính pháp, đã khởi các pháp ác là Tượng pháp. 6. Trong vòng hai nghìn năm đều thuộc Chính pháp, mười nghìn năm suy vi là Tượng pháp. 7. Các Bồ tát thấy pháp Như lai không có hưng diệt, thường thấy chư Phật, thì dù một vạn hai nghìn năm cho dến hết thảy thời đều là Chính pháp, còn các người Nhị thừa thấy Phật pháp có hưng suy, cho nên mới phân biệt có Chính, Tượng. Đến như thời hạn ba thời, các kinh luận cũng nói khác nhau: 1. Cứ theo các kinh Hiền kiếp quyển 3 và kinh Đại thừa tam tụ sám hối nói, thì Chính pháp có năm trăm năm, Tượng pháp cũng có năm trăm năm. 2. Cứ theo Trung quán luận sớ quyển một phần cuối và luận Thích tịnh độ quần nghi quyển 3 nói, thì Chính pháp có một nghìn năm, Tượng pháp cũng có một nghìn năm. 3. Cứ theo các kinh Đại phương đẳng đại tập quyển 56, kinh Ma ha ma da quyển hạ, và Nam nhạc Tư đại thiền sư lập thệ nguyện văn nói, thì Chính pháp có năm trăm năm, Tượng pháp có một nghìn năm. 4. Cứ theo các kinh Bi hoa quyển 7 và kinh Đại thừa bi phần đà lợi quyển 5 nói, thì Chính pháp có một nghìn năm, Tưọng pháp là năm trăm năm. Còn về thời hạn của Mạt pháp, thì các kinh luận nói đại để Mạt pháp là mười nghìn năm. Nhưng Câu xá luận bảo sớ quyển 29, y theo Thiện kiến luật tì bà sa bảo sau Chính pháp một nghìn năm, còn có mười nghìn năm, mà giải thích là năm nghìn năm trước trong mười nghìn năm là Tượng pháp, còn năm nghìn năm sau là Mạt pháp. Lại kinh Đại phương đẳng đại tập quyển 55, còn nêu lên thuyết Năm cái năm trăm năm, tức đem khoảng hai nghìn năm trăm năm sau Phật nhập diệt chia làm năm cái năm trăm năm, theo thứ tự năm thời kì là Giải thoát kiên cố, Thiền định kiên cố, Đa văn kiên cố, Tạo tự kiên cố và Đấu tránh kiên cố – từ sau năm thời kì này trở đi, tuy có người cạo tóc mặc ca sa, nhưng phá hủy giới cấm, chẳng tu hành đúng như pháp. Lại kinh Phật lâm niết bàn kí pháp trụ, trong một nghìn năm Chính pháp, lấy một trăm năm làm một kì và theo thứ tự chia làm mười thời kì kiên cố là: Thánh pháp, Tịch tĩnh, Chính hành, Viễn li, Pháp nghĩa, Pháp giáo, Lợi dưỡng, Quai tranh, Sự nghiệp và Hí luận. Lại kinh Tì ni mẫu quyển 3, trong năm trăm năm Chính pháp, cũng lấy một trăm năm làm một kì và theo thứ tự chia làm năm thời kì kiên cố là: Giải thoát, Định, Trì giới, Đa văn và Bố thí. Thuyết trong hai kinh này cũng tương tự như thuyết trong kinh Đại tập nói ở trên, theo đó, thuyết Năm cái năm trăm năm của kinh Đại tập, có lẽ cũng chỉ cái tướng của Chính pháp ở đời. Song cứ theo Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao quyển 2 nêu, thì đem Năm cái năm trăm năm chia làm ba thời kì Chính, Tượng, Mạt, tức lấy hai cái năm trăm năm đầu làm thời kì Chính pháp, hai cái năm trăm năm thứ ba và thứ tư làm Tượng pháp, còn cái năm trăm năm cuối cùng là năm trăm năm bắt đầu của thời kì mười nghìn năm Mạt pháp. Lại luận Đại tì bà sa quyển 183 nói, vì độ cho người nữ xuất gia, Chính pháp giảm mất năm trăm năm, cho nên lấy năm trăm năm đầu Giải thoát kiên cố làm thời kì Chính pháp, năm trăm năm kế Thiền định kiên cố là thời Tượng pháp, còn ba cái năm trăm năm không tu hành không chứng quả là thời Mạt pháp. Ngoài ra, trong kinh Nhân vương do các ngài La thập, Bất không dịch, vì nghĩa thời hạn được nêu không rõ, cho nên các kinh luận và các thuyết của các sư Trí khải, Cát tạng, Chân đế mới rất khác nhau. Có người bảo thuyết Tam thời nói trong kinh Nhân vương là một loại thuyết khác – thuyết này lấy tám mươi năm (hoặc năm mươi năm) làm thời kì Chính pháp, tám trăm năm (hoặc năm trăm năm) làm thời kì Tượng pháp, tám nghìn năm (hoặc năm nghìn năm) làm thời kì Mạt pháp. Còn về những thuyết khác nhau của các sư Trung quốc, thì theo Thắng man kinh sớ tường huyền quyển 10 nói, các sư Tịnh ảnh, Đạo xước, Pháp thượng, bảo Chính pháp năm trăm năm – Nam sơn, Thanh lương, Linh chi thì nói Chính pháp một nghìn năm. Các nhà Tịnh độ nói rằng, các giáo của Thánh đạo môn, qua ba thời thì dần dần suy diệt, còn giáo Tịnh độ thì dần dần hưng thịnh, hết thời Mạt pháp mười nghìn năm, vẫn còn tồn tại một trăm năm nữa. Lại đứng về phương diện tu hành chứng quả mà nói, thì có thuyết bảo thời Chính pháp, giữ giới tức có thể thành tựu, gọi là Giới thành tựu – thời Tượng pháp, tu Thiền tức có thể thành tựu, gọi là Thiền thành tựu – thời Mạt pháp, duy chỉ nhờ vào pháp môn niệm Phật Tịnh độ mới có thể thành tựu, gọi là Tịnh thành tựu. [X. kinh Tạp a hàm Q.32 – Biên dịch Tạp a hàm Q.6 – luận Thập tụng Q.49 – Nhân vương kinh hợp sớ Q.hạ – An lạc tập Q.hạ – Pháp hoa huyền tán Q.5 – Pháp hoa nghĩa sớ Q.5 – Đại tạng pháp số Q.12 – Mạt pháp đăng minh kí]. (xt. Ngũ Ngũ Bách Niên).