chính thụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(正受) Phạm, Pàli: Samàpatti. Dịch âm là Tam ma bát để, Tam ma bạt đề, Tam ma nga. Dịch ý là Đẳng chí, Chính định hiện tiền. Là trạng thái xa lìa tà tưởng mà lãnh thụ cái cảnh (đối tượng) chính lúc đang duyên theo. Cũng tức là khi vào định, dùng sức định khiến cho thân, tâm lãnh thụ tướng an hòa bình đẳng. Lại định tâm mà lìa tà loạn gọi là chính, không nghĩ không tưởng mà nhận pháp ở nơi tâm gọi là thụ, cũng như tấm gương vô tâm mà ảnh hiện mọi vật. Quán kinh huyền nghĩa phận (Đại 37, 247 hạ), nói: Chính thụ có nghĩa là, tâm tưởng đều bặt, suy tư mất hết, tam muội tương ứng, gọi là chính thụ. Cũng có thuyết bảo Chính thụ là tên gọi khác của Tam muội – Tam ma địa (Phạm: Samàdhi) hoặc Thiền định. Chính thụ dịch mới là Đẳng chí. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 162 nói, thì Đẳng trì, Tam ma địa và Đẳng chí có khác nhau, vì Đẳng trì chỉ thông với định hữu tâm, còn Đẳng chí thì rộng thông cả định hữu tâm và vô tâm. Luận Câu xá lấy định Tứ thiền, Tứ vô sắc làm Đẳng chí. Đại thừa nghĩa chương quyển 13, lấy định diệt tận, định vô tưởng làm Đẳng chí. Lại Tuệ viễn trong Quán vô lượng thọ kinh nghĩa sớ quyển cuối và Trí khải trong Quán vô lượng thọ Phật kinh sớ quyển hạ, bàn về câu nói trong kinh Quán vô lượng Dạy con tư duy, dạy con chính thụ mà cho ba Phúc nghiệp tán thiện là tư duy, mười sáu phép quán định thiện là chính thụ. [X. kinh Tạp a hàm Q.17 – kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) Q.11 phẩm Công đức hoa tụ bồ tát thập hành – kinh Bồ tát địa trì Q.9 – luận Giải thoát đạo Q.2 – luận Du già sư địa Q.67 – luận Tạp a tì đàm tâm Q.7]. (xt. Tam Muội, Tam Ma Bát Để, Định).