chính pháp niệm xứ kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(正法念處經) Phạm: Saddharma-smfty-upasthàna-sùtra. Gồm bảy mươi quyển. Do ngài Bát nhã lưu chi đời Bắc Ngụy dịch. Dịch âm là Tát đát la ma tất ma la địa ô bà tát đát nô nô ma tô đát la. Cũng gọi là Chính pháp niệm kinh. Thu vào Đại chính tạng tập 17. Lý do phát khởi kinh này là vì ngoại đạo đem các vấn đề ba nghiệp thân khẩu ý chất vấn các tỉ khưu mới xuất gia, nên đức Thế tôn mới nói rộng Pháp môn chính pháp niệm xứ, thuyết minh mối quan hệ nhân quả của ba cõi sáu ngã. Cũng tức là dựa vào Thập thiện nghiệp đạo phẩm, Sinh tử phẩm, Địa ngục phẩm, Ngã quỉ phẩm, Súc sinh phẩm, Quán thiên phẩm, Thân niệm xứ phẩm v.v…, để xem xét nhân quả của sáu ngã sống chết mà nói rõ đạo chán lìa. Tư tưởng kinh này lấy sự tu đạo của tỉ khưu làm chủ, tuy thuộc phạm trù Tiểu thừa, nhưng cấu tứ kì đặc, bút pháp khoáng đạt và luôn luôn cho thấy manh nha của tư tưởng Đại thừa. Nhất là đối với sự quan hệ nhân quả của luân hồi sáu ngã, miêu thuật rất chính xác và tỉ mỉ. So sánh đối chiếu với kinh Chính pháp niệm xứ Trong tạng kinh Cao li, thì trong phẩm Quán thiên và phẩm Địa ngục có bỏ sót mất nhiều câu. Còn về người dịch kinh này, cứ theo Khai nguyên thích giáo lục quyển 6 nói, thì do ngài Cù đàm bát nhã lưu chi dịch – Lịch đại tam bảo kỉ quyển 9 cho biết kinh được dịch vào niên hiệu Hưng hóa năm đầu (539) đời Đông Ngụy – nhưng Pháp kinh lục bản Cao li quyển 3, chỉ nói dịch giả là Lưu chi đời Bắc Ngụy – ba bản Tống, Nguyên, Minh thì bảo là sa môn Bồ đề lưu chi đời Bắc NgụyNgoài ra, kinh Diệu pháp thánh niệm xứ 8 quyển do Pháp thiên đời Tống dịch, về nội dung, đại ý cũng tương đồng với kinh này. [X. Đại đường nội điển lục Q.4 – Tục cao tăng truyện Q.1 – Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.7 – Duyệt tạng tri tân Q.30].