chính pháp nhãn tạng

Phật Quang Đại Từ Điển

(正法眼藏) I. Chính pháp nhãn tạng. Chỉ tâm ấn Thiền mà Phật Phật tổ tổ truyền ngoài kinh giáo. Còn gọi là Thanh tịnh pháp nhãn. tức dựa vào mắt trí tuệ (mắt chính pháp) thấy suốt chân lí, là pháp thấu triệt muôn đức bí tàng (tạng), cũng tức là cảnh giới ngộ của nội tâm đức Phật – Thiền tông coi đó là Bồ đề sâu xa kín nhiệm nhất, từ đức Thích tôn lần lượt truyền đến Đạt ma, lấy tâm truyền tâm, từ tâm của thầy đến tâm học trò. Liên đăng hội yếu quyển một chép, trên hội Linh sơn đức Thế tôn cầm hoa dạy chúng, chúng đều im lặng, chỉ có Ca diếp mỉm cười. Đức Thế tôn nói (Vạn tục 136, 221 thượng): Ta có chính pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, chẳng lập văn tự, truyền ngoài kinh giáo, naygiao phó cho Ma ha Ca diếp. Trong đây, câu Chính pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, nói tắt là chính pháp diệu tâm, là ý nói đức Thế tôn đã chứng được chân lí rất sâu xa không thể nghĩ bàn, cảnh giới đại ngộ ấy tức là cái tâm Phật mầu nhiệm sâu kín, không thể dùng lời nói mà biểu hiện hoặc nắm bắt được. Lại chính pháp nhãn tạng tức là cái mà kinh Pháp hoa gọi là tri kiến của Phật, và Niết bàn diệu tâm là bản thể của tâm Phật, bản thể vắng lặng, cho nên gọi là Niết bàn – chẳng thể nghĩ bàn phân biệt, cho nên nói là diệu – đó là diệu pháp nói trong kinh Pháp hoa. Bởi thế, những câu Chính pháp nhãn tạng, Thanh tịnh pháp nhãn, đại khái là chỉ Chính pháp vô thượng mà một đời đức Phật đã nói ra. Thuyết Chính pháp nhãn tạng, ở thời đại Tùy, Đường chưa thấy được truyền chép, đến đời Tống mới thấy trong Ngữ lục của Thiền tông, có lẽ do các vị tăng thời Tống căn cứ vào câu nói trong kinh Niết bàn (bản Bắc) quyển 2 (Đại 12, 377 hạ): Ta nay có Chính pháp vô thượng, giao phó hết cho Ma ha Ca diếp rồi chuyển biến mà thành chăng? [X. Cảnh đức truyền đăng lục Q.1 mục Ma ha ca diếp phó pháp – Nhân thiên nhãn mục Q.5 mục Tông môn tạp lục chiêm hoa – Tục truyền đăng lục Q.2 – Ngũ đăng hội nguyên Q.1 – Chính pháp nhãn tạng (Đạo nguyên) – Biện đạo thoại]. II. Chính pháp nhãn tạng. Gồm sáu quyển, do Đại tuệ Tông cảo (1089-1163) đời Tống soạn. Thu vào Vạn tục tạng tập 118. Nội dung thu tập các lời nói pháp và cơ duyên của các bậc tôn túc xưa, tất cả hơn trăm thiên và có phụ thêm những lời bình luận ngắn của soạn giả. Năm Thiệu hưng 11 (1141) đời Nam Tống, Tông cảo vì tội mà phải dời đến ở Hành châu, trong thời gian này, các bậc đại đức từ các phương đi lại thù tạc đàm đạo, những lời đàm đạo ấy được thị giả là Xung mật Tuệ nhiên ghi chép lại, đến năm Thiệu hưng 17 thì biên xong và cho san hành ngay. Tục gọi là Đại tuệ chính pháp nhãn tạng. Năm Vạn lịch 44 (1616) đời Minh, sa môn Tuệ duyệt ở am Phổ thiện và cư sĩ Xuân môn Từ hoằng trạch, phụ thêm các bài tựa của Viên trừng và Lí nhật Hoa, phụ cả thư củaTông cảo trả lời quan Thị lang Trương tử thiều, rồi khắc lại. [X. Thiền tịch chí Q.thượng]. III. Chính pháp nhãn tạng. Gồm chín mươi lăm quyển. Do tổ của tông Tào động Nhật bản là Vĩnh bình Đạo nguyên soạn. Thu vào Đại chính tạng tập 82. Là tập pháp ngữ bằng tiếng Nhật do Đạo nguyên biên soạn trong khoảng hai mươi ba năm, từ năm ba mươi hai tuổi đến năm năm mươi tư tuổi. Chính pháp nhãn tạng vốn chỉ chính pháp của đức Phật nói trong một đời. Còn Chính pháp nhãn tạng của Đạo nguyên là do sự biên chép các giáo nghĩa Phật giáo, kinh điển, công phu hàng ngày, chỉ bày các pháp môn, phân tích các công án v.v… mà thành, toàn bộ sách có tất cả chín mươi lăm thiên, được xem là sách triết học cao nhất mà đã từng do một người Nhật soạn. Đặc biệt là thiên Hữu thời, là do Đạo nguyên ngồi Thiền và tu quán mà thể chứng được thời gian và tồn tại, được coi là sự thể hiện tư tưởng Phật giáo Nhật bản một cách sâu xa nhất, kín nhiệm nhất. Ý chỉ chủ yếu của sự thể chứng ấy là, thời gian tức là tồn tại, hết thảy sự tồn tại (muôn pháp), không sự tồn tại nào không là thời gian – thời gian đã không trở ngại, thì giữa các vật cũng không ngại trở lẫn nhau – mỗi một Sát na tức là chỉnh thể của thời gian, mỗi một Sát na cũng bao hàm muôn vật muôn tượng. Sách này là điển tịch trọng yếu nhất của tông Tào động Nhật bản. [X. Chính pháp nhãn tạng tùy văn kí – Thiền học tạp chí số 20, 22, 23].