chính pháp hoa kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(正法華經) Gồm mười quyển. Do ngài Trúc pháp hộ đời Tây Tấn dịch, thu vào Đại chính tạng tập thứ 9. Là bản dịch xưa nhất trong ba bản dịch của kinh Pháp hoa hiện còn. Bản kinh này được dịch vào năm Thái khang thứ 7 (286), do Niếp thừa viễn dịch ra chữ Hán, Trương sĩ minh, Trương trọng chính viết chép, Trúc lực, Bạch nguyên tín cùng xem lại. Nguyên bản của kinh này là bản lá bối gồm sáu nghìn năm trăm kệ tụng được tàng trữ trong cung vua nước Vu điền, trong kinh có một lượng lớn các chuyện cổ thí dụ mà trong kinh Diệu pháp liên hoa do ngài Cưu ma la thập dịch không có. Hơn nữa, tên các phẩm có khác với kinh Diệu pháp liên hoa cũng không ít, vì thế bản dịch này là tư liệu trọng yếu cho việc nghiên cứu đối chiếu với kinh Pháp hoa. Toàn bộ kinh có hai mươi bảy phẩm, nội dung đại khái tương đồng với bản dịch của Cưu ma la thập. Nhưng trong phẩm Dược thảo (La thập dịch là Dược thảo dụ phẩm) có thí dụ vấn đáp của Ca diếp và mặt trời mặt trăng sinh tối tăm, trong phẩm Thụ ngũ bách đệ tử quyết (La thập dịch là Ngũ bách đệ tử thụ kí phẩm), có thí dụ vào biển lấy của báu – trong phẩm Dược vương Như lai (La thập dịch là Pháp sư phẩm) có việc vua Bảo cái và một nghìn Thái tử Thiện cái cúng dường pháp – lại các bài chú đều dịch Phạm ra Hán – trong các phẩm Tổng trì (La thập dịch là Đà la ni phẩm) và Lạc phổ hiền (La thập dịch là Phổ hiềnbồ tát khuyến phát phẩm) có rất nhiều sự sai khác trong việc dịch Đà la ni ra chữ Hán – đem phẩm Đề bà đạt đa và phẩm Kiến bảo tháp hợp lại làm phẩm Thất bảo tháp – phẩm Quan thế âm phổ môn (La thập dịch là Quan thế âm bồ tát phổ môn phẩm), không có Trùng tụng – phẩm Chúc lụy được đặt ở sau cùng. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.8 – Lịch đại tam bảo kỉ Q.11 – Khai nguyên thích giáo lục Q.11, Q.14]. (xt. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh).