chính kiến

Phật Quang Đại Từ Điển

(正見) Phạm: Samyag-dfwỉi, Pàli: Sammàdiỉỉhi. Trí tuệ hữu lậu, vô lậu biết rõ nhân quả thế gian và xuất thế gian, xét thấu tính tướng của các pháp một cách như thực, gọi là Chính kiến. Là một trong tám Chính đạo, một trong mười thiện. Đối lại với Tà kiến. Tức xa lìa tà kiến hoặc có hoặc không, mà giữ thái độ thấy biết trung chính, như xa lìa năm cái thấy biết không chân chính là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến, thì đều thuộc chính kiến. Cho nên nói một cách phổ quát thì phàm đạo lý được Phật giáo thừa nhận, đều thuộc chính kiến. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 97 chép, thì Chính kiến có thể chia làm 2 loại là: 1. Hữu lậu chính kiến, còn gọi là Thế tục chính kiến. Tức thiện tuệ hữu lậu tương ứng với ý thức là Tuệ có chấp thủ hữu lậu, cho nên chuyển hướng cõi thiện mà chiêu cảm quả báo vui sướng như mình mong cầu. 2. Vô lậu chính kiến, còn gọi là xuất thế gian chính kiến. Tức tận vô sinh trí không bao nhiếp thiện tuệ tương ứng với ý thức, như tám thứ nhẫn vô lậu, tám trí hữu học, chính kiến vô học v.v…… [X. kinh Tạp a hàm Q.28 – luận Thuận chính lí Q.6 – luận Đại trí độ Q.22 – luận Câu xá Q.2 – luận Thành thực Q.16 phẩm Kiến trí – Đại thừa nghĩa chương Q.8 phần đầu].