chính giác

Phật Quang Đại Từ Điển

(正覺) I. Chính giác. Phạm: Samyaksaôbodhi Pàli: Sammà-sambodhi. Chỉ sự giác ngộ chân chính. Còn gọi Chính giải, Đẳng giác, Đẳng chính giác, Chính đẳng chính giác, Chính đẳng giác, Chính tận giác. Đẳng, là nói về lý được chứng – tận, là nói về hoặc bị đoạn. Tức là tiếng nói tắt của Vô thượng đẳng chính giác, Tam miệu tam bồ đề. Tiếng Phạm: Sambodhi, dịch ý là chính giác, dịch âm là Tam bồ đề. Có nghĩa là trí biết chân chính chứng ngộ hết thảy các pháp, là thực trí của Như lai, vì thế, thành Phật còn gọi là Thành Chính giác. Đức Phật A di đà đã thành tựu chính giác qua mười kiếp rồi – cái giây phút thành Phật đầu tiên gọi là một niệm chính giác. Lại hoa sen bên Tịnh độ cực lạc là y vào sự thành tựu chính giác của đức A di đà Như lai mà có, cho nên gọi là hoa chính giác. Trên đây là chính giác nói theo nghĩa rộng. Còn nói theo nghĩa hẹp, thì đặc biệt chỉ cho đức Thích tôn ngồi trên tòa kim cương ở gốc cây bồ đề mà giác ngộ pháp duyên khởi, chứng được giải thoát. Trường a hàm quyển 2 kinh Du hành (Đại 1,15 hạ), nói: Đức Phật thủa xưa, bên sông Uất bề la ni liên thuyền, dưới cây A du ba ni câu luật, mới thành chính giác. Lại trong năm giáo do tông Hoa nghiêm phân định, thì đức Thích tôn mới thành chính giác là chỉ sinh thân Thích ca thực thành trong Tiểu thừa giáo. Chỉ thân hóa tam tướng thị hiện trong Thủy giáo, chỉ báo thân đầy đủ mười địa trong Chung giáo, trong Đốn giáo thì gọi là pháp thân mới thành, trong Viên giáo thì là ý vị thành chính giác tràn khắp Nhân đà la võng vô biên thế giới niệm niệm mới mới. [X. kinh Tạp a hàm Q.12 – Trung a hàm Q.56 – kinh La ma – Vãng sinh luận chú Q.thượng – Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.2]. (xt. Chính Biến Tri, A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). II. Chính giác(1091-1157) Vị tăng tông Tào động đời Tống. Người Thấp châu (Sơn tây) họ Lí. Mười một tuổi xuất gia, mười bốn tuổi thụ giới Cụ túc, mười tám tuổi xuất du tham học. Một ngày nọ sư nghe tăng tụng kinh Pháp hoa, đến câu Mắt do cha mẹ sinh, thấy hết ba nghìn cõi, chợt thấy tỉnh ngộ. Sư đã nghe danh ngài Tử thuần ở Đơn hà, bèn đến tham lễ và hỏi đạo, nghe xong, trong lòng thấy lâng lâng, không còn chút gì vướng vít, lúc đó sư mới hai mươi ba tuổi. Khi ngài Đơn hà trở về ở chùa Đại thừa tại Đường châu, sư cũng đi theo. Năm Tuyên hòa thứ hai (1120) sư dời đến ở chùa Đại hồng. Không bao lâu đáp lời thỉnh cầu của Chân yết chùa Trường lư, sư về mở trường giảng pháp. Có đến một nghìn bảy trăm người nghe, tất cả đều thán phục. Sư lưu lại đây sáu năm, rồi chuyển đến chùa Phổ chiếu tại Từ châu để hoằng pháp, đồng thời, thừa tự áo bát của ngài Đơn hà. Niên hiệu Kiến viêm năm đầu (1127) sư dời đến ở chùa Thái bình tại Thư châu, sau chuyển đến hai chùa Viên thông và Năng nhân ở Giang châu. Sư lại lên núi Vân cư tham yết ngài Viên ngộ Khắc cần, ngài Khắc cần và An định quận vương cùng thỉnh sư trụ trì chùa Trường lư. Năm Kiến viêm thứ 3 sư qua sông Triết đến Minh châu lễ bái nuí Phổ đà, khi đi qua núi Thiên đồng, Quận thú khẩn khoản mời sư trụ trì chùa Thiên đồng. Sư ở chùa Thiên đồng trước sau gần ba mươi năm, sửa sang già lam, chỉnh đốn thanh qui, đời gọi là Thiên đồng hòa thượng và được tôn làm tổ Trung hưng chùa Thiên đồng. Vào những năm cuối đời Bắc Tống, thời thế li loạn, tông phong sa sút, lưu tệ trăm mối, sư bèn nêu cao tông phong chính truyền của Thiền tông, đồng thời đề xướng Thiền phong Tọa thiền, Mặc chiếu, đời gọi là Mặc chiếu thiền, Hoành trí thiền. Tháng 9 năm Thiệu hưng 27, sư thị tịch, thọ sáu mươi bảy tuổi. Được ban hiệu Hoành Trí Thiền Sư. Sư soạn Thiên đồng bách tắc tụng cổ, sau ngài Vạn tùng Hành tú đời Nguyên đã căn cứ vào đó để viết Thung dung lục. Ngoài ra, còn có Hoành trí quảng lục 9 quyển – Hoành trí Giác thiền sư ngữ lục 4 quyển, Hoành trí hoà thượng ngữ yếu 1 quyển. [X. Tục truyền đăng lục Q.17 – Ngũ đăng hội nguyên Q.14 – Phật tổ lịch đại thông tải Q.30 – Đại minh cao tăng truyện Q.5].