chiêu minh thái tử

Phật Quang Đại Từ Điển

(昭明太子) (499-529) Là con trưởng của vua Vũ tiêu diễn đời Nam triều Lương, tên là Thống, tự Đức thi. Sinh ra đã thông minh, ba tuổi học Hiếu kinh, Luận ngữ, năm tuổi đọc khắp năm kinh. Niên hiệu Thiên giám năm đầu (502) được lập làm Hoàng thái tử. Vũ đế phát triển Phật giáo, Thái tử cũng tin sâu Phật pháp, thụ giới Bồ tát, giữ gìn nghiêm cẩn, xem khắp các kinh, suy cứu giáo chỉ. Ông lập riêng điện Tuệ nghĩa ở trong cung, thỉnh các vị cao tăng vào giảng diễn bàn luận. Niên hiệu Phổ thông năm đầu (520), tháng 4, điện Tuệ nghĩa mưa Cam lộ. Thái tử soạn Giải nghĩa nhị đế, bàn về chân tục, cảnh mê ngộ. Thái tử là người hiếu kính chân thành, đối với những kẻ phạm tội, phần nhiều rộng rãi tha thứ, thiên hạ đều cho là có lòng nhân từ, hơn hai mươi năm không nghe đàn hát, thường mời các nhà văn học vào thảo luận kinh sách, trong Đông cung tàng trữ có đến ba vạn cuốn sách, từ đời Tấn, Tống đến nay, thật là một việc ít có. Tháng 3 năm Đại thông thứ 3 Thái tử lâm bệnh, đến tháng 4 thì mất, hưởng dương ba mươi mốt tuổi. Trong triều ngoài nội ai cũng thương tiếc. Thụy hiệu Chiêu minh. Tác phẩm có Văn tập 20 quyển, còn biên soạn Cổ kim điển cáo văn ngôn chính tự 10 quyển, Anh hoa tập 20 quyển, Văn tuyển 30 quyển. [X. Lương thư Q.8 – Cư sĩ truyện Q.9].