chiết phục nhiếp thụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(折伏攝受) Chỉ sự hàng phục những kẻ ác và tiếp nhận những người thiện. Cũng gọi là Nhiếp chiết nhị môn. Nói tắt là Chiết nhiếp. Đây là vì muốn làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài ở đời để lợi ích chúng sinh mà đặt ra. Gặp những kẻ cứng cỏi thì dùng môn trí tuệ phối hợp với thế lực để khiến họ phải khuất phục mà bỏ ác tu thiện – gặp những người nhu hòa thì dùng môn từ bi phối hợp với đạo lực để khiến họ tiếp tục tăng cường điều thiện. Thắng man bảo quật quyển thượng phần cuối (Đại 37, 23 hạ) nói: Lực có hai thứ, một là thế lực, hai là đạo lực. Thế lực là, Bồ tát có khi ở ngôi vua, có thể dùng quyền uy để ngăn chặn những kẻ làm ác, hoặc làm trời rồng quỉ thần, khiến họ xa lìa nghiệp ác. Đạo lực là, Bồ tát dùng sức đạo đức, hiện thần thông biến hoá để khiến họ dứt nghiệp ác – cứng cỏi thì phải phục, phục khiến lìa ác, nhu hòa thì nhận, nhận khiến ở mãi nơi pháp lành, vì thế gọi là Chiết phục nhiếp thụ. Ma ha chỉ quán quyển 10 phần dưới (Đại 46, 137 hạ) nói: Phật pháp có hai cách, một là nhiếp, hai là chiết, như cho yên vui, không kể hơn kém, đó là nghĩa nhiếp – cầm dao cầm gậy cho đến đánh đập, đó là nghĩa chiết. Tuy cho và lấy hai cách khác nhau, nhưng đều khiến được lợi ích. Hai phương pháp được dẫn trên đây đều là những phương tiện được đặt ra để tiếp hóa chúng sinh. [X. kinh Thắng man chương Thập thụ – luận Du già sư địa Q.86 – Du già luận kí Q.22 phần dưới – Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.1 – Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.10 đoạn 2 – Thắng man kinh sớ tường huyền kí Q.6].