chiên đàn thuỵ tượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(旃檀瑞像) Tượng đức Phật Thích ca bằng gỗ chiên đàn do vua Ưu điền tạo thành. Sau khi đức Phật thành đạo, ngài lên cung trời Đao lị ba tháng nói pháp cho mẫu hậu nghe, vua Ưu điền nước Kiều thưởng di, khó ngăn được nỗi nhớ nhung, bèn thỉnh Tỳ thủ yết ma thiên, dùng gỗ chiên đàn đầu trâu tạo hình tượng Phật, đó là pho tưọng Phật đầu tiên. Đồng thời với vua Ưu điền tạo tượng bằng gỗ chiên đàn, vua Ba tư nặc cũng tạo tượng bằng vàng. Đại đường tây vực kí quyển 5 chép, tinh xá lớn ở nước Kiều thưởng di cao sáu mươi thước, trong đó để tượng chiên đàn do vua Ưu điền khắc. Khi ngài Huyền trang tây du đã từng lễ bái tượng này và có khắc tượng phỏng theo đó để mang về. Lại vua Vũ đế nhà Lương đã từng nằm mộng thấy tượng Phật Thích ca dời về phương đông. Niên hiệu Thiên giám năm đầu (502), sai Hác kiển, Tạ văn hoa, gồm tám mươi tám người đến nước Xá vệ Ấn độ để cầu thỉnh. Năm Thiên giám thứ 10 (511) pho tượng khắc phỏng theo tượng của vua Ưu điền tạc đã được đưa về đến nơi, nhà vua sai trăm quan đón rước vào điện Thái cực để cúng dường. Thời Nguyên đế, vua dựng chùa Đại minh tại Kinh châu ở phía bắc thành để tôn thờ. Lương cao tăng truyện quyển 1 mục Trúc pháp lan chép, thời vua Minh đế nhà Hậu Hán, nhóm ông Sái am đi sứ phương Tây, được tượng vẽ của Phật Thích ca mang về, Minh đế sai thợ vẽ vẽ lại để trong đài Thanh lương và trên lăng Hiển tiết, tượng ấy hiện nay đã không còn. Nếu những điều nói trên đây là thực, thì đó là tượng Phật có sớm nhất tại Trung quốc. Kế đó là tượng do ngài Cưu ma la thập đời Hậu Tần khi đông du mang đến. Tượng này xưa nay rất linh nghiệm, đời đời truyền nối, trong triều ngoài nội đều tôn sùng, trải bốn triều Tống, Tề, Lương, Trần thờ phụng ở chùa Long quang tại Giang nam. Đời Tùy dời đến chùa Trường lạc tại Dương châu, khoảng đời Ngũ đại, nhà Nam đường đóng đô ở Kim lăng, dời tượng này đến chùa Trường tiên, đầu đời Bắc Tống để ở viện Vĩnh an của chùa Khai bảo tại Biện kinh – thời Thái tôn được rước vào điện Tư phúc để cúng dường rồi sau đó làm chùa Khai thánh ngoài cửa Tây hoa để tôn thờ. Đời Nguyên thờ trong đại nội, đầu đời Thanh rước vào chùa Linh phong – năm Khang hi thứ 5 (1666) dời đến chùa Hoằng nhân. Trong cuộc loạn năm Canh tí (1900) chùa bị đốt, không biết cuối cùng pho tượng này ra sao. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.28].