chiên đà la cấp đa

Phật Quang Đại Từ Điển

(旃陀羅笈多) Phạm: Candragupta. Dịch ý là Nguyệt hộ. Người mở ra Vương triều Khổng tước tại Ấn độ, ở ngôi khoảng từ 316 đến 293 trước Tây lịch. Xuất thân từ Vương triều Nan đà (Phạm: Nanda) của nước Ma yết đà (Phạm: Magadha) vốn thuộc giai cấp hạ tiện. Vào khoảng năm 317 trước Tây lịch, cất quân từ mạn tây bắc, tiến công khu vực Ma yết đà, đánh vua đời thứ chín của Vương triều Nan đà là Đạt nạp nan đà Phạm: Dhanananda), lật đổ Vương triều Nan đà, rồi thôn tính luôn các nước lân cận mà lập nên vương triều Khổng tước. Năm 305 trước tây lịch, vua nước Tự lị á (Syria) là Tây lưu khắc tư (Seleukos) đệ nhất xâm nhập Ấn độ và bị đẩy lui, lại phải cắt nhượng các vùng đất nay là A phú hãn, vì thế, bản đồ đế quốc Chiên đà la cấp đa, phía bắc đến núi Hi mã lạp nhã, phía nam chạy dài xuống mãi khu vực phương nam, phía đông đến eo biển Mạnh gia lạp (Bengal), phía tây đến biển A lạp bá (Arabian sea) và dãy núi Hưng đô khố thập, là một đại đế quốc thống nhất đầu tiên tại Ấn độ, lấy Ba la lị phất đa la (Phạm: Pàỉaliputra Hoa thị, nay là thành phố Patna) làm thủ đô. Chiên đà la cấp đa là ông vua vĩ đại của Ấn độ, là anh hùng dân tộc. Sự thành công của ông phần lớn nhờ ở tài mưu lược, khôn ngoan của Tể tướng Chànakya. Lại giao thiệp rất thân thiện với Vương triều Tây lưu khắc tư ở phương Tây mà đã từng cử đại sứ Mĩ gia tô đắc ni tư Megasthenès, khoảng 350-290) đến Ấn độ, ở tại thủ đô của Vương triều Khổng tước. Trong thời gian lưu trú tại Ấn độ, ông có viết Kiến văn lục (Ấn độ chí Ta Indika) là tư liệu rất quí báu để hiểu rõ tình huống của Ấn độ thời bấy giờ. Hình như vua Chiên đà la cấp đa tin dùng Kì na giáo. Người nối ngôi ông là Tân đầu sa la (Phạm: Bindusàra), con ông, và vua A dục là cháu đích tôn của ông.