chiêm tinh thuật

Phật Quang Đại Từ Điển

(占星術) Tiếng Anh: Astrology. Là thuật dựa vào các ngôi sao để bói xem lành dữ. Tức là luật căn cứ theo vị trí và hình thái của các hành tinh và tinh tú để bói xem vận mệnh lành dữ tốt xấu của cá nhân và quốc gia. Cũng là một thuật phán đoán thiện ác. Từ nghìn xưa các nước đều có thuật này. Tại Ấn độ, sớm nhất, đã bắt đầu từ thời đại Lê câu phệ đà, trong các văn hiến Phệ đà rải rác đều có thấy ghi chép. Trong A thát bà Phệ đà có ghi chép nhiều loại phép chú có liên quan đến các vấn đề hiện thực, đồng thời, bắt đầu thấy xuất hiện tên của hai mươi tám vì tinh tú (Phạm: Awỉàvimzatinaksatràịi). Đến thời đại sách Thánh phú lan na (Phạm: Puràịa) của Ấn độ giáo, thấy xuất hiện một thuật chiêm tinh rất có phong cách Ấn độ. Cứ theo suy đoán thì thuyết hai mươi tám tinh tú của Ấn độ đã từ tây phương truyền sang – lại có thuyết bỏ sao Ngưu (Phạm: Abhijit- sao Chức nữ) đi mà thành thuyết hai mươi bảy sao, đó là đặc sắc của thuật chiêm tinh Ấn độ. Nhà chiêm tinh tiêu biểu là Duy lạp cáp mễ lạp (Phạm: Varàhamihira, 505-587), rất giỏi về Thiên văn học tây phương, viết hai cuốn sách Phổ lợi hách đặc tang hi đạt (Phạm: Bfhatsaôhità) và Phổ lị hách ca đạt ca (Phạm: Bfhajjàtaka) là tập đại thành của thuật chiêm tinh và sự phán đoán lành dữ ở thời xưa. Kinh Hạ nhĩ đô lạp ca như na ngõa đạt na (Phạm: Zàrdùlakarịàvadàna) đã được dịch ra Hán văn vào thế kỉ thứ III Tây lịch, rồi lần lượt có các kinh Ma đăng già (do Trúc luật viêm và Chi khiêm dịch chung), kinh Xà đầu giản thái tử nhị thập bát tú (do Trúc pháp hộ dịch), kinh này có liên quan đến Thiên văn học và Chiêm tinh thuật đương thời tại Ấn độ. Nội dung thuật rõ về tên gọi, số lượng, hình tướng, hành trình, vị trí của hai mươi tám vì sao, đồng thời nói rõ về vận số, tính cách, chức nghiệp của những người sinh dưới ảnh hưởng của sao nào thì sẽ như thế nào, và các việc lành dữ trong sinh hoạt hàng ngày. Kinh Đại tập ở thế kỉ thứ VI Tây lịch và các kinh điển Phật giáo khác, cũng có liên quan đến thuyết chiêm tinh. Lại sách Tất đàn đa (Phạm: Sidhànta) và Tây phương thập nhị cung hạm:ràzi) cũng đã xuất hiện vào thời kỳ này. Thuật chiêm tinh được tổ thành bởi hai mươi tám sao, bảy sao, mười hai cung, tức là nguồn gốc của thuật chiêm tinh được lưu hành tại Trung quốc và Nhật bản ngày nay, mà tác phẩm tiêu biểu là kinh Tú diệu do ngài Bất không (705-774) dịch. Đức Phật đã phản đối sự viện dẫn và vận dụng thuật chiêm tinh và bói toán lành dữ trong giáo nghĩa của Ngài. Nhưng, sau khi đức Phật nhập diệt, đến thời Mật giáo phát triển thì thuật chiêm tinh bèn trở thành một vấn đề trọng yếu. Tại Trung quốc và Ấn độ đều có nhiều pháp chiêm tinh. Đà la ni (dhàraịi) lấy việc cúng sao làm mục đích đã làm cho nhiều nghi thức tôn giáo phát đạt. Trong đó phải kể đến Bắc đẩu thất tinh hộ ma pháp của ngài Nhất hạnh (683-727) là nổi bật nhất. Tín ngưỡng Bắc đẩu thất tinh là theo thuyết Ngũ hành của Trung quốc mà Phật giáo thu dụng. Tại Nhật bản xuyên qua các kinh điển Hán dịch, rất nhiều phép Chiêm tinh của Ấn độ được truyền vào, nhất là thuật chiêm tinh do các tăng sĩ của Mật giáo ứng dụng, đã được nghi thức hóa và vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay. [X. kinh Đại phương đẳng đại tập Q.20 phẩm Tam muội thần túc, Q.41 phẩm Tinh tú – kinh Phật mẫu đại khổng tước minh vương Q.hạ – luận Đại trí độ Q.8 – Đại nhật kinh sớ Q.4]. (xt. Phật Giáo Thiên Văn Học).