chiêm sát kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(占察經) Gồm hai quyển. Còn gọi Chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh, Địa tạng bồ tát nghiệp báo kinh, Địa tạng bồ tát kinh, Đại thừa thực nghĩa kinh, Tiệm sát kinh. Do ngài Bồ đề đăng thời Tùy dịch. Thu vào Đại chính tạng tập 17. Kinh này do bồ tát Địa tạng tuân mệnh đức Phật, nói cho chúng sinh ở đời mạt pháp, muốn cầu pháp lành nghe. Quyển trên nói rõ về pháp xem xét nghiệp báo thiện ác, quyển dưới thuật rõ thực nghĩa của Đại thừa. Tức dùng những miếng gỗ tròn để xem xét nghiệp thiện ác của người ta ở kiếp trước và các việc khổ vui lành dữ ở hiện tại. Cách làm: Khắc từng điều một trong mười điều thiện, mười điều ác trên những miếng gỗ nhỏ tròn, và viết tên thân khẩu ý trên đó, rồi vẽ những nét dài ngắn sâu nông to nhỏ và mười tám chữ số từ một đến mười tám, đoạn cầm những miếng gỗ gieo xuống một vật sạch, rồi cứ theo các chữ hiện trên mặt gỗ mà xem lành hay dữ. Quyển dưới nói về phép quán thực nghĩa của Đại thừa, nghĩa là người muốn hướng tới Đại thừa thì, trước hết, phải biết cảnh giới nhất thực căn bản để tu hành, phương pháp học tập thì có hai loại phép quán là quán duy tâm thức và quán chân như thực. Nếu người tin và hiểu muốn tiến tới thì phải tu phép vãng sinh tịnh độ. Từ đời Tùy trở đi, rất nhiều người căn cứ theo kinh này mà tu phép diệt tội, đủ biết dân tục và tư tưởng Phật giáo tại Trung quốc đã kết hợp làm một. Có điều trước kia kinh này bị coi là kinh giả, vì chẳng rõ xuất xứ từ đâu, đến đời Đường thì mới được coi là kinh thật và được thu chép vào Đại chu san định chúng kinh mục lục, Khai nguyên thích giáo lục và truyền bá rất rộng. Sư Trí húc đời Minh có viết Chiêm sát kinh huyền nghĩa 1 quyển, Chiêm sát nghĩa sớ 2 quyển, Chiêm sát hành pháp 1 quyển, đều là chú sớ kinh này. [X. Lịch đại tam bảo kỉ Q.12 – Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.10 – Đại thừa khởi tín luận chi nghiên cứu].