CHỊ TÔI
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Năm tôi lên bốn, má tôi bệnh nặng, do đó mà tôi được cưng chiều rất mực. Tôi có một khoản sổ nợ để tự do ăn hàng, tới tháng má tôi đóng tiền. Mỗi lần tôi khóc là chị Ba bế tôi lên quán dì Hai đầu làng, tôi tha hồ chọn lựa món bánh mình thích. Trong nhà, không ai được làm tôi phật ý. Tôi còn học được mấy tiếng chửi thề của bọn trẻ trong xóm để đem ra ứng dụng nếu có ai cãi lời tôi. Chị Ba tôi giận lắm nhưng khó mà quở phạt tôi được, vì má tôi thường nói: “Tao còn sống mà bây đối xử với nó như vậy, tao chết rồi… làm sao??….” Thế là tôi tha hồ làm mưa làm gió, tung hoành suốt thời gian má tôi bệnh cho đến khi bà mất.

Ngay sau khi vừa chôn cất má tôi xong, lập tức chị Ba tôi mang tôi ra hài tội. Tôi sử dụng uy quyền cố hữu của mình là nằm vạ và hai chân tôi giãy loạn xạ, bụi tung mù mịt. Chị Ba tôi cáu tiết:

– Bé Ti! Đứng dậy không?

Tôi dẩu môi:

– Không! Má dặn phải cưng em, tại sao má chết rồi chị đem ra đánh?

Tôi thấy những giọt lệ rơi trên má chị, giọng chị nghẹn đi:

– Có đứng lên xin lỗi không? Cứ nằm vạ lì… tao đốt!

Với cái tuổi lên bốn, tôi đã biết khôn và suy tính, tôi nghĩ chị không dám đốt đâu, chị chỉ dọa thôi. Tôi không hiểu sao chị vừa đánh tôi vừa khóc. Tôi cứ nằm yên trên đất chẳng nói chẳng rằng, chị liền mồi giấy châm lửa vào tay tôi.

Tôi bật dậy như cái lò xo, vòng tay lại liền:

– Xin lỗi! Xin lỗi! Xin lỗi!….

Từ rày có bỏ tật lì, bỏ tật chửi thề chưa?….

Tôi gật đầu lia lịa, chị la:

– Không được gật đầu! Nhỏ mà gật đầu với người lớn là hỗn! Phải dạ thưa đàng hoàng!

Từ đó tôi ngoan ngoãn hẳn. Vết thẹo chị đốt còn nơi tay, nhân đó chị dạy tôi cách phân biệt tay phải, tay trái.

Năm ấy chị mới mười ba, nhưng việc nhà chị cáng đáng hết. Ba tôi đi làm xa, mỗi tháng mới về một lần.

Khi tôi học lớp một, tôi ở lại lớp ngót hai năm ròng. Tôi thương cô giáo quá, sáng nào cô cũng ăn xôi và luôn chừa cho tôi nửa gói. Tôi học suốt niên học của mình với tình thương yêu cô dành cho qua nửa gói xôi mỗi sáng. Cả nhà không ai biết tôi học hoài lớp một, mãi đến khi tôi về khoe, chị Ba tôi mới giật mình. Chị vào hỏi thăm cô giáo và vỡ lẽ ra. Tựu trường năm ấy chị dẫn tôi vào lớp hai. Khi chị vừa quay lưng đi, tôi liền khóc rống lên rồi chui xuống gầm bàn, phóng thẳng ra sân trở về lớp một níu áo cô giáo cũ…

Chị phải cực nhọc lắm mới gỡ được tay tôi ra khỏi áo cô. Lần nầy chị mua cho tôi gói đậu phộng luộc, dẫn tôi trở lại lớp mới và dứng ngoài hàng rào dâm bụt canh chừng. Tôi mê ăn, quên khóc.

Khi cô giáo vào lớp chị mới yên tâm ra về.

Tuổi thơ của tôi thật êm đềm vì có bàn tay chăm sóc của chị. Năm tôi học lớp năm, nhỏ bạn biết tôi mất mẹ sớm, nó nói:

– Má tao bảo con gái không có mẹ dễ hư lắm!

Tôi không hiểu tại sao? Về nhà hỏi chị, chị không trả lời. Tôi cứ hỏi mãi, mắt chị thoáng buồn, chị bảo tôi:

– Kệ nó! Bé học bài đi!

Có một lần tình cờ tôi bắt gặp cuốn sổ nhỏ của chị trong đó ghi hai chữ N.K thật bự, phía dưới là câu:

“Người lịch sự không nên đọc khi chưa có sự đồng ý của chủ nhân’’…

Tôi nhíu mày và tiếp tục lật sang trang. Trong đó có đoạn: “Má ơi! Con đi học với chiếc dép quai xanh quai đỏ con không buồn, con chỉ buồn là không có má…”

Bên dưới là bài thơ “Khóc Mẹ”. Tôi chăm chú đọc:

…Má ơi má hỡi có nghe không?
Thương đau con gọi nát cả lòng
Lạc giọng thiết tha khan cả cổ
Trả lời là tiếng vọng hư không…

Năm ấy chị đang học trung học. Bài thơ thật buồn và lần đầu tiên tôi cảm thấy xúc động. Khi chị về, chị bảo tôi:

– Bé đừng đọc bất cứ thứ gì người ta viết riêng nghe, xấu lắm!

Tôi không hiểu, chị giải thích:

– N.K là Nhật Ký, là người ta ghi những ý nghĩ riêng của tâm sự họ, mình không được đọc đã đành, mà cả đến thư từ của người, dù họ có để ngay trước mắt bé, nếu họ không mời, không cho phép thì đừng bao giờ đọc hết, hiểu không?!….

Tôi gật gù ra vẻ hiểu biết và trong lúc chị viết thơ, tôi đứng bên cạnh nhìn vào, chị cau mày mắng:

– Bé hư quá! Nhìn như vậy là vô phép, đáng chê!

Tôi xấu hổ, lảng đi.

Một chiều tôi đang nằm đọc sách, chị Ba bước đến. Tôi ngỡ chị muốn kiểm soát xem có phải là truyện nhảm nhí không, nên vội chìa sách ra… Chị bảo:

– Đừng có bẻ đôi cuốn sách như thế! Sau em còn có biết bao người sẽ xem… Phải giữ gìn sách chứ!

Tôi toét miệng cười:

– Sách của thằng Tèo, không phải của em.

Chị nghiêm mặt nói:

– Của bạn lại càng phải gìn giữ cẩn thận hơn! Chỉ cần nhìn cách em xem sách, người ta có thể đánh giá em. Cuốn sách bèo nhèo nhầu nát, sẽ nói lên tính cách bê bối của em. Hãy biết quí trọng cuốn sách mình đang đọc. Khi nào trả nhớ bao bìa lại cẩn thận. Đó là thái độ lịch sự và cũng để tỏ lòng biết ơn người cho mượn sách…

Người ta thường nói: “Không có mẹ là mất nửa hạnh phúc trong cuộc đời”. Chị tôi đã cố giúp tôi bù đắp lại một nửa hạnh phúc đã mất… Những dòng đầu tiên này xin tặng chị, thay lời tri ân người chị kính yêu đã từng dìu dắt tôi suốt khoảng thời thơ ấu của mình.

Hạnh Đoan – viết xong ngày 15/1/1996