Chỉ sợ mình làm sai
Viên Thắng

 

Cổ Đức dạy:

“Chuyện thị phi bao giờ chẳng có,
Bỏ ngoài tai mọi việc nhẹ tênh”.

Đúng vậy! Hàng phàm phu chúng ta nghiệp chướng nặng nề bị phiền não tham, sân, si luôn trong hiện hữu trong tâm thức nên chúng ta thường gây đau khổ cho người thân, cho nhiều người khác mà tự mình chẳng biết.

Bởi vì, chúng ta không biết ứng dụng lời đức Phật dạy để làm chất liệu ngay cuộc sống hằng ngày, nên chúng ta cứ mãi quằn quại đau khổ, trầm luân trong sanh tử. Có khi vì tâm oán hận xúi giục mà chúng ta điên rồ gây ra tội lỗi tày trời làm khổ mình và gây ra khổ người. Vì vậy trong Luận Ngữ, Tăng Tử nói: “Ta mỗi ngày xét lại thân ta ba lần”.

Người đời thường nói: “Nhân vô thập toàn”. Nghĩa là con người sinh ra ở cõi này không có ai mà hoàn hảo. Người ta tốt mặt này nhưng xấu mặt kia, nên ai cũng có ưu điểm và nhược điểm; do đó, chuyện mắc phải sai lầm ở mỗi người không ít thì nhiều là chuyện tất nhiên. Điều quan trọng là chúng ta có biết hổ thẹn để sửa sai hay không. Chính vì vậy mà trong kinh Thủy Sám, đức Phật dạy: “Ở đời có hai hạng người mạnh nhất: một, hạng người không tạo tội; hai, hạng người tạo tội rồi mà biết ăn năn, sám hối”. Người không tạo tội thì chỉ có bậc Thánh, còn hàng phàm phu chúng ta thì theo kinh Địa Tạng nói: “Khởi tâm động niệm đều là tội lỗi”. Thế nên, ông Lénine cũng nói dí dỏm hài hước về chân lý này: “Chỉ có hai hạng người sau đây không có lỗi lầm là những người còn trong bụng mẹ – chưa sinh ra và những người đã bỏ vào quan tài chờ ngày mang đi chôn”.

Do đó, chúng ta đủ biết trong tâm mỗi người, tâm thiện thì ít mà tâm ác thì nhiều. Mỗi ngày chúng ta đọc trên vài trang báo đều có những tin tức giết người rùng rợn, như con giết cha mẹ, ông bà vì không chịu cho tiền để ăn chơi nhảy nhót; bạn bè thanh toán lẫn nhau vì câu nói khích động v.v… Còn chuyện thị phi, chỉ trích thì xảy ra mọi lúc mọi nơi.

Do đó, chúng ta sống cần phải có lập trường vững chắc. Khi chúng ta nghe những lời khen chê, chỉ trích, phê bình mình thì phải bình tĩnh để xem xét sự việc, có đúng như lời họ nói không; nếu có phạm sai lầm thì chúng ta sửa đổi, còn không có thì coi như không nghe, giữ cho tâm mình an lạc. Điều quan trọng nhất là sợ chính mình làm sai mà không biết, do ‘cái tôi’ quá lớn. Vì thế, điều thứ năm trong mười bốn điều dạy của Phật dạy là “Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình”. Có khi chúng ta đánh mất mình vì sức mạnh đồng tiền hay sắc đẹp, hoặc địa vị danh vọng v.v… kết quả chúng ta bị thân bại danh liệt do không làm chủ được mình. Cho nên trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:

“Dù tại bãi chiến trường,
Thắng hàng ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng”.

Chúng ta có hơn thua, đấu đá tranh giành nhau, cuối cùng sẽ được gì? Rốt cuộc chúng ta ra đi cũng hai bàn tay trắng, nhưng để lại tiếng đời xấu ác, làm cho con cháu hổ thẹn. Chỉ có tự thắng mình bằng những đức tính sống chân thật, luôn vì mọi người, nhẫn nhịn, khiêm tốn, bao dung v.v… thì nhất định không bao giờ gây đau khổ cho mình và người khác.

Câu chuyện sau đây giúp cho chúng ta học theo người xưa để giữ tâm mình bình thản giữa cuộc đời đầy dẫy khen chê, chỉ trích v.v…:

Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn:

Trẫm thấy khanh có nhân cách cao thượng không phải là kẻ thấp hèn, nhưng vì sao lại có nhiều tiếng thị phi, chê ghét như thế?

 Hứa Kính Tôn trả lời:

-Tâu bệ hạ! Mưa mùa xuân lất phất lạnh lẽo, làm cho người nông dân vui mừng, vì cây cối đơm hoa kết trái; nhưng kẻ đi đường lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng được dịp thưởng thức, du ngoạn ngâm thơ; nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, những cơn nắng, mưa theo thời tiết, vẫn bị thế gian oán trách, mừng thích. Còn hạ thần đâu phải là người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai, chỉ trích? Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua nghe theo những lời gièm pha của bọn nịnh thần thì trung thần bị hại. Cha mẹ nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.

Đọc qua câu chuyện chúng ta ngẫm nghĩ thấy sâu sắc vô cùng. Cho nên ông cha ta cũng thường dạy con cháu: “Chín người mười ý.” Hay trong Ca dao cũng nói:

Ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.

Do đó, trong cuộc sống chúng ta phải có chánh kiến của mình, không nên lệ thuộc nghe theo người khác. Thật ra, chân lý cuộc đời này không thuộc về sự đúng sai, được mất, hơn thua, khen ngợi hay chỉ trích mà thuộc về những người nào có hiểu biết chân chính, thấy và biết đúng như thật, sống vì mọi người với tinh thần trách nhiệm cao để lương tâm ta không thẹn với mọi người. Do đó, trong Đắc Nhân Tâm ghi: “Tôi chỉ sống trên thế gian này chỉ có một lần, vì vậy nếu có thể làm bất cứ điều tốt đẹp nào hay thể hiện lòng nhân ái, tri ân của mình với bất kỳ ai, tôi sẽ thực hiện ngay không chậm trễ, bởi tôi biết mình sẽ không sống đến lần thứ hai, hoặc sợ mình không còn cơ hội”. Đọc đoạn này chúng ta cùng nhau suy ngẫm để nhìn lại mình, trong cuộc sống chúng ta có làm được lợi mình và lợi người chưa?

Chúng ta là người học Phật, cố gắng thực hành đúng lời Phật dạy giữ tâm mình bớt tạp niệm vọng tưởng thì ba nghiệp thân, khẩu, ý sẽ nghĩ điều thiện, nói điều thiện và hành động thiện nhiều hơn. Như thế, chúng ta sẽ bớt nói những chuyện thị phi, chỉ trích người khác, tất nhiên mình được an lạc và người khác cũng được an lạc thì cảnh giới Niết-bàn ở ngay lúc ấy.