chỉ quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(止觀) I. Chỉ quán. Là một pháp môn tu hành quan trọng của Phật giáo. Ý nghĩa tiêu biểu của pháp môn này đã được các kinh luận giải thích rõ như sau: 1. Là pháp môn thực tiễn của tông Thiên thai. Chỉ là dịch từ tiếng Phạm zamatha (xa ma tha), Quán là dịch từ tiếng Phạm vipazyanà(tì bà xá na). Ngưng bặt hết thảy ngoại cảnh và vọng niệm, chuyên chú vào một đối tượng duy nhất (Chỉ) – đồng thời, sinh khởi trí tuệ chân chính, để quán xét đối tượng duy nhất ấy (Quán) gọi là Chỉ quán, tức chỉ cho hai pháp Định và Tuệ. Còn gọi là Tịch chiếu, Minh tĩnh. Định, Tuệ và Giới đều là những đức mục trọng yếu của Phật giáo đồ, các kinh A hàm đối với các đức mục này có nhiều bàn giải. Chỉ và Quán giúp nhau, tác thành cho nhau, cả hai có mối quan hệ hỗ tương bất khả phân, hệt như hai cánh chim và hai bánh xe. Nhân vật tiêu biểu đem pháp thực tiễn của tông Thiên thai mà giáo nghĩa hóa, tổ chức hóa và thể hệ hóa, là đại sư Trí khải. Tác phẩm Ma ha chỉ quán của sư đã dùng ý nghĩa Chỉ quán để cấu thành thể hệ của nó, và dùng ba phép quán thực tiễn Không, Giả, Trung mà hoàn thành tổ chức của nó. Khi giải nói về danh nghĩa của Chỉ, Quán, trong Ma ha chỉ quán quyển thượng phần trên, Chỉ và Quán đều được lập thành ba nghĩa gọi là ba Chỉ, ba Quán. Ba nghĩa của Chỉ: a. Chỉ tức nghĩa. Nghĩa là phiền não vọng tưởng dứt hẳn, ngưng bặt. b. Đình chỉ nghĩa. Nghĩa là chuyên tâm vào đế lí, chú ý ở trước mắt, dừng lại, không động. c. Đối bất chỉ chỉ nghĩa. Nghĩa là đối với cái không dừng lại mà nói rõ nghĩa của cái dừng lại. Tức là vô minh và pháp tính chẳng phải là hai, nhưng đứng về phương diện tương đối mà bàn, nên gọi vô minh là Bất chỉ và gọi pháp tính là Chỉ để dùng cái Bất chỉ mà nói rõ cái Chỉ. Ba nghĩa của Quán: a. Quán xuyên nghĩa. Nghĩa là trí phán xét thông suốt, khế hợp với chân như. b. Quán đạt nghĩa. Nghĩa là trí quán xét thông suốt, kết hợp với chân như. c. Đối bất quán quán nghĩa. Tức đối với cái chẳng quán mà nói rõ nghĩa quán. Có nghĩa là Vô minh và pháp tính chẳng phải hai, nhưng đứng về phương diện tương đối mà bàn, nên gọi vô minh là Bất quán, gọi pháp tính là Quán để dùng Bất quán mà nói rõ Quán. Cũng sách đã dẫn còn nói Chỉ và Quán có đủ cả nghĩa tương đãi (tương đối) và tuyệt đãi (tuyệt đối). Tương đãi Chỉ Quán bao quát ba Chỉ ba Quán nói ở trên, tức là: a. Nghĩa chỉ tức là nghĩa quán xuyến, là nói về đoạn đức (đức dứt phiền não) của môn tu (môn thực tiễn). b. Nghĩa đình chỉ và nghĩa quán đạt là nói về trí đức (đức trí phát sinh sau khi đã dứt phiền não). c. Nghĩa đối bất chỉ chỉ và nghĩa đối bất quán quán là nói về tính đức (hai đức trí, đoạn xưa nay vốn là đức pháp tính chẳng hai). Tuyệt đãi chỉ quán còn gọi là Bất tư nghị chỉ quán, Vô sinh chỉ quán, Nhất đại sự chỉ quán. Nó chẳng phải là đạo của lời nói, chẳng phải cảnh của tâm thức, vì nó diệt tuyệt, tuyệt diệt, nên gọi là Tuyệt đãi chỉ – vì đã dứt trừ hết điên đảo vọng tưởng, nên gọi là Tuyệt đãi quán. Tức là cõi siêu việt tuyệt đãi, Chỉ và Quán đều không thể được, là cảnh giới hết nói năng, dứt nghĩ tưởng, nhưng nếu có nhân duyên bốn Tất đàn, thì có thể nói đủ các thứ pháp. Ngoài ra sư Trí khải còn có 3 loại Chỉ quán, do ngài Tuệ tư truyền. Đó là: a. Tiệm thứ chỉ quán, giữ giới tu định để dần dần ngộ nhập thực tướng. Đây là phép thực tiễn được nói trong Thích thiền ba la mật thứ đệ pháp môn 10 quyển. b. Bất định chỉ quán, vì năng lực thích ứng với tính chất của chúng sinh, nên thứ tự thực tiễn của nó cũng bất định. Đây là phép thực tiễn được nói trong Lục diệu môn 1 quyển. c. Viên đốn chỉ quán, lúc đầu lấy thực tướng làm đối tượng, mà làm và hiểu cũng nhanh chóng trọn đủ. Đây là phép thực tiễn được nói trong Ma ha chỉ quán 10 quyển. Trong đó, lấy Nhất tâm tam quán, Nhất niệm tam thiên, là chỉ quán viên đốn của lí luận thực tiễn, làm pháp môn hơn hết. [X. luận Thành thực Q.15 phẩm Chỉ quán – Tu tập chỉ quán tọa thiền pháp yếu – Đại thừa chỉ quán pháp môn Q.1 – Thích thiền Ba la mật pháp môn Q.7 – Hoa nghiêm ngũ giáo chỉ quán]. 2. Cứ theo luận Đại thừa khởi tín nói về phương pháp tu hành môn chỉ quán là: ngăn dứt hết thảy tướng của cảnh giới tán loạn mà thuận theo Xa ma tha (Chỉ) – phân biệt các tướng nhân duyên sinh diệt mà thuận theo Tì bà xá na (Quán), lấy hai nghĩa ấy tu tập dần dần, không xa lìa nhau mà được thành tựu. [X. Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký Q.hạ phần cuối]. (xt. Ngũ Hành). 3. Vãng sinh luận chú quyển hạ của ngài Đàm loan, dịch Xa ma tha là Chỉ – Chỉ là dừng tâm ở một chỗ không làm ác – dịch Tì bà xá na là Quán, Quán là duyên tâm theo sự quán xét. (xt. Ngũ Niệm Môn). 4. Luận thành thực quyển 15 phẩm Chỉ quán đã nói rộng về hành tướng của chỉ quán. Đó là: Chỉ là định – Quán là tuệ, hết thảy pháp lành từ nơi tu mà sinh, đều nhiếp trong Chỉ quán. Chỉ có khả năng ngăn chặn – Quán có khả năng đoạn diệt. Chúng sinh ở thế gian đều rơi vào hai bên, hoặc khổ hoặc vui – Chỉ có khả năng bỏ vui, Quán có khả năng lìa khổ. Lại giới tịnh, tâm tịnh trong bảy tịnh là Chỉ, năm tịnh còn lại là Quán – trong bốn chỗ ghi nhớ thì ba chỗ là Chỉ, chỗ thứ tư là Quán – sáu cái biết trong tám biết của bậc Đại nhân là Chỉ, hai cái biết còn lại là Quán – bốn như ý túc là Chỉ, bốn chính cần là Quán – bốn căn trong năm căn là Chỉ, Tuệ căn là Quán – bốn lực trong năm lực là Chỉ, Tuệ lực là Quán – trong bảy giác phần ba giác phần là Chỉ, ba giác phần là Quán, còn niệm giác phần thì cả Chỉ và Quán đều có – ba phần trong tám đạo phần là giới, hai phần là Chỉ – ba phần là Quán, trong đó giới cũng thuộc về Chỉ. Ngoài ra Chỉ có thể dứt bỏ tham, Quán thì có thể trừ diệt vô minh. 5. Kinh Đại ban niết bàn (bản Bắc) quyển 30 nêu ra hai lí do tu tập Chỉ và Quán: a. Vì muốn không buông thả,trang nghiêm đại trí, được tự tại mà tu tập Xa ma tha (Chỉ). b. Vì quán xét quả báo xấu ác của sự sống chết, tăng trưởng căn lành, phá các phiền não, mà tu tập Tì bà xá na (Quán). Vì Chỉ quán là pháp tu trọng yếu của người tu hành quán hạnh, nên trong các kinh luận, như luận Du già sư địa quyển 45, Nhiếp đại thừa luận thích (bản dịch đời Lương) quyển 15 và Tu tập chỉ quán tọa thiền pháp yếu v.v…… đã nói đến rất nhiều. [X. Trung a hàm Q.15 kinh Tam thập dụ – kinh Trường a hàm Q.9 – kinh Tăng nhất a hàm Q.11 – Lục diệu pháp môn – Chỉ quán đại ý – Thủ hộ quốc giới chương Q.thượng phần dưới]. (xt. Tam Thập Thất Đạo Phẩm). II. Chỉ quán. Tên sách, là tên gọi tắt của Ma ha chỉ quán, do Đại sư Trí khải giảng thuật, ngài Quán đính ghi chép. (xt. Ma ha Chỉ quán).